Theo The Athletic, tâm trạng của Koscielny trong mùa giải cuối cùng ở Arsenal, 2018/19, là: thất vọng, cảm thấy bị lạm dụng và coi thường. Và đây là câu chuyện của Koscielny, trong những tháng ngày cuối cùng của anh tại Arsenal.
Màn tái xuất của Laurent Koscielny cuối mùa giải trước đáng ra phải là câu chuyện của năm tại Arsenal. Đối mặt với đủ loại chấn thương lớn nhỏ khác nhau, bao gồm gót Achilles (nghỉ hơn 200 ngày), lưng, rạn xương quai hàm, đầu gối, bàn chân (30 ngày), Koscileny đã chiến đấu để vượt qua và bình phục hoàn toàn vào giữa tháng Tư, cùng Arsenal giành quyền dự trận chung kết Europa League.
Nhưng đáng tiếc, câu chuyện của Koscielny - Arsenal đã không thể có cái kết đẹp nhất. Thất bại thảm hại 1-4 trước Chelsea ở Baku, trận đấu mà Koscielny đeo băng thủ quân “Pháo thủ” chỉ là khúc dạo đầu. Trước thềm mùa giải 2019/20, Koscielny từ chối góp mặt trong đội hình Arsenal đi tour du đấu tại Mỹ. Chỉ 1 tháng sau, Koscielny – người là thủ quân chính thức của “Pháo thủ” từ tháng 9/2016 – tái hồi quê nhà Pháp, khoác áo CLB Ligue 1 Bordeaux.
Mục tiêu treo giầy ở quê nhà là một lý do thúc đẩy Koscielny đầu quân Bordeaux. Nhưng nếu Koscileny, sau 9 năm ở Arsenal, vẫn hạnh phúc, liệu anh có rời đi theo cách như nó-đã-xảy-ra? Theo The Athletic, tâm trạng của Koscielny trong mùa giải cuối cùng ở Arsenal, 2018/19, là: thất vọng, cảm thấy bị lạm dụng và coi thường.
Và đây là câu chuyện của Koscielny, trong những tháng ngày cuối cùng của anh tại Arsenal.
Ngày 3/5/2018, trận lượt về bán kết Europa League giữa Arsenal và Atletico Madrid. Chỉ 10 phút sau khi trọng tài nổi hồi còi khai cuộc, Koscielny, sau một tình huống bật nhảy, bỗng gục xuống trên thảm cỏ xanh Wanda Metropolitano. Không ai va chạm với anh, nhưng sự đau đớn từ thể xác đến tinh thần thì hiển hiện rõ ràng trên gương mặt Kos. Arsenal buộc phải thực hiện quyền thay người ngoài dự kiến, Chambers vào sân thế chỗ Koscielny ở phút 12.
Trận đấu đó khép lại với thắng lợi 1-0 cho đội chủ nhà Atletico Madrid. Hành trình Europa League của Arsenal kết thúc trong nỗi thất vọng. Triều đại của Arsene Wenger cũng khép lại với một lần nữa lỗi hẹn ở đấu trường cúp Châu. Còn với Koscielny, đấy cũng là dấu chấm hết cho mùa giải 2017/18 của anh. Không chỉ vậy, chấn thương gót Achilles hôm đó cũng khiến giấc mơ dự World Cup 2018 của Koscielny tan vỡ.
Có một sự thật rõ ràng rằng, Koscielny luôn có vấn đề với gót Achilles trong một thời gian dài trước đó và nguy cơ xảy ra một chấn thương nặng khi mọi thứ ở trung vệ này tới hạn giống như “một quả bom hẹn giờ” vậy. Tuy nhiên, đội ngũ y tế của Arsenal dường như đã không được lường trước được mức độ nghiêm trọng của nó.
Viêm gân gót Achilles là tương đối phổ biến với những người chơi thể thao, từ không chuyên cho tới cấp độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, từ “viêm gân” cho tới “đứt gân” hay “vỡ gân” Achilles như trường hợp của Koscielny là xu hướng hiếm. Các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy chỉ ra rằng chỉ 4% những bệnh nhân viêm gân Achilles mãn tính.
Trong 2 năm cuối của mình ở Arsenal, Wenger và các cộng sự của ông đã thiết lập một lịch tập luyện dành riêng cho Koscielny, phù hợp với thể trạng của anh nhất, cũng là cách để kiểm soát những vấn đề liên quan đến gót Achilles của trung vệ này. Wenger cũng tính toán rất kĩ lưỡng tuần suất ra sân thi đấu của Koscielny để giảm thiểu việc anh phải sử dụng thuốc giảm đau. Cả mùa giải 2017/18, mùa cuối của Wenger, Koscielny đá chính 31 trận đấu ở Premier League và cúp Châu Âu. Mức độ thi đấu đủ để khiến Koscielny, vốn đá 33 tuổi, có được sự thoải mái ở cả thể trạng và tinh thần.
Thực tế, khi Wenger từ chức HLV trưởng Arsenal, kết thúc một trong những triều đại dài nhất lịch sử Premier League Hè 2018, Koscielny đã cân nhắc nghiêm túc về việc chia tay “Pháo thủ”. Đã có những lời đề nghị từ quê nhà Pháp và cả Trung Quốc, theo như tuyên bố của Stephane Courbis – người đại diện của Koscileny. Tuy nhiên, chấn thương gót Achilles trong trận đấu tại Wanda Metropolitano cùng với biến chứng khủng khiếp của nó khiến Koscielny chỉ còn duy nhất 1 lựa chọn khả dĩ nhất ở thời điểm đó: tiếp tục ở lại Emirates.
Arsenal thực sự đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để Koscielny tập trung vào quá trình hồi phục. Giám đốc điều hành CLB Ivan Gazidis cũng hứa danh dự với anh về một bản hợp đồng mới, với điều khoản cho phép hậu vệ này tiếp tục gắn bó với Arsenal trong vai trò huấn luyện sau khi treo giầy. Như cách mà “Pháo thủ” đã làm với đội trưởng tiền nhiệm của Koscielny – Per Mertesacker.
Dĩ nhiên, mục tiêu số 1 của Koscielny lúc ấy là hồi phục để có thể sớm trở lại sân cỏ. Anh được Arsenal cho phép trở về Pháp, bắt đầu hành trình điều trị, tập luyện và phục hồi chức năng ở St Raphael, một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Cote d’Azur, bờ biển Địa Trung Hải miền Đông Nam nước Pháp. Nhưng việc hồi hương, trong bối cảnh đội tuyển Pháp tiến băng băng ở VCK World Cup 2018 đã gây ra những xáo trộn lớn trong tâm lý Koscielny.
Koscielny là khách mời đặc biệt của LĐBĐ Pháp trong trận chung kết World Cup tại Moscow giữa đội tuyển “les Bleus” và Croatia. Pháp đăng quang chức vô địch, Koscienly cũng có mặt trong khoảnh khắc vinh quang ấy, nhưng anh dĩ nhiên không hề cảm thấy mình là một phần của tập thể chiến thắng này. Một cảm xúc khó tả: vừa vui mừng vì đội nhà trở thành nhà vô địch Thế giới, vừa chạnh lòng tiếc nuối cho bản thân. Nếu không có chấn thương 2 tháng trước đó, Koscielny đã là người nâng cao cúp Vàng cùng đội tuyển Pháp hôm đó.
Thắng lợi của tuyển Pháp tại Nga thậm chí còn khiến Koscielny đau đớn hơn nhiều so với chấn thương gót Achilles mà anh đang nỗ lực hồi phục thời điểm ấy. Như chính anh thừa nhận sau đó với Canal+: “Chức vô địch World Cup 2018, nói thế nào nhỉ, là một điểm đen trong sự nghiệp của tôi. Chấn thương, đặc biệt là một chấn thương nặng, là thứ thật khó có thể chấp nhận. Nhưng thành tích vô địch của Pháp, với tôi, thậm chí còn… khó chấp nhận hơn thế. Tôi quá ích kỉ phải không? Nhưng quả thật, tôi chẳng thể nào gạt bỏ được cái suy nghĩ ấy. Tôi oán trách dằn vặt bản thân mình rất nhiều. Nhưng tôi cũng ghen tị với những người đồng đội của mình ở “Les Bleus”. Đáng ra, tôi đã là một phần của hành trình tuyệt vời ấy, là một phần trong tập thể chiến thắng ấy”.
“Tôi vui vì các đồng đội từng sát cánh với mình đã bước lên đỉnh cao vinh quang. Nhưng tôi lại không thể cảm thấy hạnh phúc như hơn 60 triệu người Pháp, những người đang ăn mừng chức vô địch Thế giới ngoài kia. Tôi vừa mong Pháp thắng, lại có lúc muốn đội nhà bại trận. Bạn không ở vào hoàn cảnh của tôi, nên bạn thật khó có thể hiểu được cảm giác của tối lúc ấy. Thứ cảm giác vô cùng khó chịu và khó chấp nhận” – Koscielny tâm sự.
Chức vô địch World Cup 2018 của đội tuyển Pháp – “điểm tối” mà Koscielny nhắc đến trong bài phỏng vấn với Canal+ thực sự đã bao trùm toàn bộ tâm trí anh trong suốt mùa Hè 2018. Một quãng thời gian mà nội tâm của anh bị giằng xé với những suy nghĩ u ám về sự nghiệp của bản thân.
Chấn thương nặng ở gót Achilles, những năm dài trắng tay cùng Arsenal, chức vô địch World Cup của Pháp mà anh không phải là 1 phần của tập thể chiến thắng, và tất nhiên sự ra đi của Wenger cùng nhiều chuyên gia y tế thân thiết với Koscielny, tất cả khiến trung vệ vệ này buộc phải đối mặt với “phần yếu đuối” nhất của một người đàn ông đang bước vào những năm cuối cùng của đời cầu thủ chuyên nghiệp.
Koscielny là một người đề cao giá trị gia đình, như anh từng tâm sự “Mọi thứ tôi làm lúc này và trong tương lai, toàn bộ là vì lũ trẻ. Tôi sẽ không từ bỏ tham vọng của bản thân nhưng tôi cũng sẽ sống nhiều hơn cho gia đình và các con của tôi”. Tình cảnh lúc đó buộc Koscielny phải đánh giá lại các ưu tiên trong sự nghiệp và cuộc đời mình.
Cách hành xử có phần “ỡm ờ” của Unai Emery, người được Arsenal bổ nhiệm thay thế Wenger khiến, trong vấn đề thủ quân đội bóng khiến Koscienly chịu thêm một tổn thương nữa. Phải đến giữa tháng 8, tức chỉ vài ngày trước vòng khai mạc Premier League 2018/19, Emery mới đưa ra tuyên bố chính thức rằng Koscienly vẫn sẽ là đội trưởng số 1 của “Pháo thủ”. Phải tập riêng vì chấn thương, Koscielny càng càm thấy mình bị-cô-lập khỏi tập thể Arsenal.
Nhưng mùa Hè gian khó của Koscielny vẫn chưa kết thúc. Giám đốc điều hành Gazidis nói lời chia tay Arsenal gia nhập AC Milan là biến cố tiếp theo. Gazidis đi cũng đồng nghĩa với việc lời hứa mà ông dành cho Koscielny vài tháng trước đó không có cơ hội được thực hiện. Những cuộc đàm phán về hợp đồng mới giữa Arsenal và Koscielny bị hoãn lại vô thời hạn.
**********
Thất vọng là điều đương nhiên, nhưng trước mắt mục tiêu số 1 của Koscielny vẫn là sớm bình phục để trở lại sân cỏ. Ngày 13/12/2018, anh có trận đấu đầu tiên cho Arsenal – Emery, trong thắng lợi 1-0 trước Qarabag ở Europa League. Một màn tái xuất đầy cảm xúc với Koscielny. Ba ngày sau, anh tiếp tục đá chính trong trận đấu với Southampton ở Premier League. Arsenal thua 2-3 và thủ quân của họ - Koscielny nhận về cơn bão chỉ trích.
Sau 7 tháng vắng mặt vì chấn thương, Koscielny chơi liền 4 trận chỉ trong vòng 13 ngày. Emery cần những kết quả tốt trên sân cỏ và Kos, người mới chỉ trở lại, rõ ràng đã không được HLV Tây Ban Nha sử dụng đúng cách. Ngày đầu tiên của năm 2019, Kos đá trọn 90 phút trong trận Arsenal thắng Fulham 4-1. Chỉ 4 ngày sau, anh “bị” Unai điền tên vào đội hình xuất phát Pháo thủ ở chuyến làm khách gặp CLB League One – Blackpool tại vòng 3 Cúp FA, trong khi nhiều ngôi sao hàng đầu khác được phép nghỉ ngơi.
Trong quá trình khởi động trước trận, Koscielny phản ánh với BHL Arsenal về việc anh gặp một vấn đề ở lưng, khó có thể ra sân. Đã có lời qua tiếng lại giữa Kos và Unai, khi HLV trưởng Arsenal cho rằng trung vệ người Pháp dư sức thi đấu, chẳng qua là anh không muốn mà thôi. Kos được nghỉ trận đấu này nhưng thực tế là anh đã liên tục phải tiêm thuốc giảm đau trong những ngày sau đó để giải quyết cơn đau ở lưng. Tuần kế tiếp, Unai xếp Kos đá chính trận derby London với West Ham!
Tới giữa tháng Ba, Kos dính thêm một chấn thương nữa, lần này là ở bàn chân. Anh mất gần 1 tháng để bình phục. Và hãy xem cách Unai sử dụng Kos như thế nào: trong vòng chưa đầy 2 tuần, từ 11/4 đến 24/4, Kos đá chính 5 trận liên tiếp. Unai chịu áp lực lớn về thành tích, và Kos đơn giản là không có đủ thời gian để mà hồi phục. Những trận đấu liên tiếp, cơ bắp đau nhức, tâm lý ức chế. Thể trạng và tinh thần của Kos bị đẩy đến tận cùng giới hạn.
Phải thừa nhận, bất chấp tất cả những điều đó, Kos vẫn thể hiện sự nghiệp nghiệp cao nhất, chơi thứ bóng đá hay nhất mà anh có thể, góp công lớn giúp Arsenal tiến tới trận chung kết Europa League. Nhưng cái kết đẹp nhất đã không đến: Arsenal chơi một trong những trận đấu tệ nhất thời Unai tại Baku, thua dễ Chelsea 1-4. Đấy là một cú giáng mạnh nữa vào tinh thần của Kos: chung kết EURO 2016, anh và Pháp thua Bồ Đào Nha ở hiệp phụ; chung kết World Cup 2018 Pháp đăng quang còn anh là kẻ bên lề; chung kết Europa League 2019 – anh thất bại.
Quê nhà, gia đình, những đứa con, Arsenal thêm một mùa giải nữa không góp mặt ở Champiosn League, những ẩn ức với Unai, lịch trình thi đấu nặng nề ở Anh, và cả việc đề nghị gia hạn hợp đồng mới với những điều khoản khác xa so với lời hứa của Gazidis một năm trước, khiến Koscielny dần đi tới quyết định cuối cùng cho mình trong những đầu Hè 2019.
Như Koscielny nói với L’Equipe mới đây, lịch thi đấu nhẹ nhàng hơn tại Pháp (so với Anh) là một trong những lý do quan trọng nhất. Tại Ligue 1, cụ thể là Bordeaux, về cơ bản anh chỉ phải đá bình quân mỗi tuần 1 trận, có kì nghỉ Đông dài hạn. Khác hoàn toàn với Arsenal, nơi mà Kos có thể phải đá tới 3 trận liên tiếp chỉ trong 7 ngày: “Tôi biết rằng thể trạng của mình không đủ để có thể chơi 40-50 trận mỗi mùa như trước nữa. Tôi vẫn muốn thi đấu, khát khao chơi bóng. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu mình đang ở sườn dốc của sự nghiệp. Và tôi dĩ nhiên không muốn kết thúc sự nghiệp bởi một chấn thương nặng”.
Khi đã xác định mục tiêu là hồi hương, Kos và đại diện của anh Courbis nhận được kha khá lời đề nghị đáng cân nhắc. Từ Rennes cho đến cái tên giàu tham vọng ở Ligue 2 – Lorient. Nhưng rốt cuộc anh đã chọn Bordeaux, CLB đang bước vào một thời kì mới với ông chủ người Mỹ, đối tác sẵn sàng trao cho Kos một bản hợp đồng dài hạn. Và quan trọng hơn, Bordeaux gần Tulle – nơi chôn rau cắt rốn của Kos nhất.
Tulle, chỉ cách đại bản doanh CLB Bordeaux hơn 200km, tương đương với khoảng 2 tiếng rưỡi chạy xe hơi, là nơi có quá nhiều kỉ niệm gắn bó với Kos. Gia đình Kos và nhiều họ hàng thân thích của anh vẫn đang sinh sống ở nơi này. Năm 2014, Kos từng chi rất nhiều tiền để cứu công xưởng sản xuất đàn Accordion truyền thống của Tulle thoát khỏi cảnh đóng cửa. “Tất cả những thứ đó đã ở trong đầu tôi, khi đưa ra quyết định này” (rời Arsenal gia nhập Bordeaux – ND), Kos tâm sự: “Sự nghiệp bóng đá, thể trạng của tôi, vợ tôi, những đứa con, cuộc sống của chúng tôi trong tương lai”.
Nhưng hướng đi của Kos và kế hoạch của Arsenal – Unai không tìm thấy điểm chung. Sau gần 1 thập kỉ khoác áo Arsenal, Kos và đại diện của anh Courbis có một niềm tin lớn lao rằng, trung vệ người Pháp sẽ được CLB tạo điều kiện tốt nhất để ra đi, với một mức phí chuyển nhượng “tượng trưng”. Nếu Wenger còn tại vị, nếu GĐĐH Gazidis chưa rời Arsenal, Kos chắc chắn sẽ có được sự ưu đã ấy.
Nhưng “những đầu não” mới của Arsenal thì không sẵn sàng làm điều đó. Với họ, Kos như-bao-cầu-thủ-Arsenal-khác, đang là một thành viên của đội, vẫn còn hợp đồng với “Pháo thủ” và thậm chí đang trong quá trình bàn thảo một hợp đồng mới. Sau khi lần lượt chia tay nhóm cựu binh như Aaron Ramsey, Danny Welbeck và Petr Cech trong mùa Hè 2019 mà không thu được một xu phí chuyển nhượng nào, BLĐ Arsenal tuyệt nhiên không muốn gánh thêm một thương vụ “được tiếng mà chẳng có miếng” nữa.
Bản thân Unai cũng thể hiện thái độ muốn giữ Kos ở lại, đặc biệt là khi Arsenal trước đó đã quyết định để thương vụ Wiliam Saliba, người được thiết kế để dần thay thế Kos trong tương lại, ở lại St Etienne thêm một mùa nữa theo hợp đồng mượn. Trước tình hình đó, Kos hiểu rằng anh không thể chờ đợi sự nhượng bộ từ CLB. Kos chính là người châm ngòi cuộc chiến!
Anh từ chối cùng toàn đội Arsenal tới Mỹ du đấu. Khát vọng cá nhân của Kos là có thể hiểu được. Nhưng với tư các là cầu thủ có thâm niên bậc nhất ở Arsenal, và vẫn đang là thủ quân của “Pháo thủ” thì động thái đó, với Arsenal từ giới thượng tầng, Ban huấn luyện tới CĐV là không thể chấp nhận nổi.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với L’Equipe, Kos đã miễn cưỡng lên tiếng về câu chuyện này: “Tất cả những ai từng làm việc với tôi trong suốt 9 năm qua, đều hiểu và tôn trọng cho suy nghĩ cũng như quyết định của tôi. Là một người chồng, người cha, bạn hướng về gia đình mình là sai hay sao?”. Kos, trước sau, không cho là mình là phía có lỗi. Bản thân anh khẳng định Arsenal, cụ thể là ban lãnh đạo mới của CLB, đã không dành cho mình sự tôn trọng tốn thiểu sau gần 1 thập kỉ cống hiến cho “Pháo thủ”.
Cuối cùng, sau những cuộc tranh cãi và mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, thương vụ Koscielny rời Arsenal gia nhập Bordeaux cũng phải được chốt hạ, với mức phí chuyển nhượng 5 triệu bảng. Dù lẽ ra mọi thứ đã có thể diễn ra theo cách nhẹ nhàng hơn, với sự nhường nhịn và cảm thông lẫn nhau từ 2 phía. Nhưng Kos có lý do khi khẳng định Arsenal đã không tôn trọng anh, đã áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với anh. Một tháng sau khi Kos chia tay Arsenal, BLĐ “Pháo thủ” đã để hậu vệ Nacho Monreal, một cựu binh khác, nhẹ nhàng hồi hương khoác áo Villarreal với mức phí chuyển nhượng vô cùng hữu nghị: chỉ 225 nghìn bảng.
Có một điểm chung giữa 2 câu chuyện nhuốm màu sắc u ám của Kos và thủ quân kế nhiệm anh tại Arsenal – Granit Xhaka, dù hoàn cảnh của họ là hoàn toàn khác nhau. Đó là gia đình. Kos gặp vấn đề với Arsenal vào thời điểm anh đặt gia đình lên hàng đầu trong mọi ưu tiên của đời mình. Xhaka cũng đang trải qua những tháng ngày đáng buồn ở Arsenal, với sự sụp đổ lớn lao trong mối quan hệ giữa anh và CLB cũng như CĐV, xuất phát từ việc gia đình tiền vệ này bị xúc phạm và đe dọa.
Sẽ tồn tại những tranh cãi dai dẳng và trái chiều về Kos, và chắc chắn cả Xhaka nữa. Với Kos, anh đã không thể có một lời chia tay đàng hoàng nhất sau khi cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Arsenal. Nhưng với tư cách là một người chồng, người cha, một người đàn ông đề cao giá trị gia đình, Kos không có lý do gì để cảm thấy có lỗi với lựa chọn của bản thân.
Tuyệt nhiên không!
Lược dịch từ Why Koscielny left Arsenal – The Athletic
AUGUST