Nghịch lý Cristiano Ronaldo

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 23/04/2022 14:26(GMT+7)

Cristiano Ronaldo. Chỉ cái tên thôi là đã quá đủ cho một lời giới thiệu. Những lời kể đi theo sau thường là một danh sách dài các thành tích và kỷ lục cá nhân. Cả số lượng, chất lượng lẫn sự bền bỉ đều hiện hữu ở người đàn ông này. Và những con số đó vẫn còn đang gia tăng thêm.

 
 
Trong trận đấu với Norwich ở vòng 33 của Premier League, Ronaldo phiên bản 37 tuổi đã ghi một cú hat-trick để mang về một chiến thắng rất cần thiết cho Manchester United và làm sống lại hy vọng mong manh về một suất dự Champions League. 
 
Những nỗ lực của Ronaldo đã mang về cho anh các bàn thắng thứ 97, 98 và 99 trong sự nghiệp chinh chiến ở Premier League. Ba pha lập công này cũng là cú hat-trick thứ 60 trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của anh, còn tính ở cấp CLB là 50. Bàn thắng cuối cùng được ghi từ một pha đá phạt trực tiếp: Lần thứ 58 anh làm được điều này trong sự nghiệp, còn tính riêng ở Premier League là 12. Hiện Ronaldo đang đứng thứ ba về số lần sút phạt thành bàn ở giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh, chỉ xếp sau James Ward-Prowse và David Beckham.
 
Cú hat-trick vào lưới Norwich cũng đồng nghĩa rằng siêu sao người Bồ Đào Nha đã một lần nữa ghi ít nhất 20 bàn trên mọi đấu trường trong một mùa giải, đây là điều mà anh đã làm được trong mỗi 16 mùa giải trước ở bóng đá cấp CLB – bắt đầu từ mùa bóng 2006-07.
 
Sau chiến thắng trước Norwich, Ronaldo đã tặng quả bóng mà mình lập hat-trick cho tiền đạo 17 tuổi Alejandro Garnacho – một tài năng trẻ của học viện Manchester United, lần đầu tiên có tên trên băng ghế dự bị và chỉ mới 2 tuổi khi Ronaldo lần đầu tiên kết thúc một mùa giải với 20 bàn. 
 
Với những thành tựu vĩ đại đã đạt được, Ronaldo đã vượt qua tầm của một cầu thủ bóng đá. Anh là một biểu tượng thể thao. Một quả bom truyền thông. Một công ty marketing cực khủng. Một thực thể thay đổi thực tế – và cũng có thể là một trong những vấn đề lớn nhất của Man United cho mùa giải tới. 
 
 
Những người quan tâm đến đội chủ sân Old Trafford đã tranh luận rất nhiều về chuyện liệu việc ký hợp đồng với Ronaldo có phải là một quyết định đúng hay không, và liệu Quỷ Đỏ sẽ đứng ở vị trí nào nếu không có anh?
Hoàn toàn có logic trong sự nổi lên của cuộc tranh luận đó.
 
Cú hat-trick của Ronaldo vào lưới Norwich đã giúp anh chạm mốc 15 pha lập công ở Premier League mùa giải này, chỉ đứng sau Mohamed Salah và Son Heung-min trong danh sách vua phá lưới. Cầu thủ đứng thứ hai trong danh sách săn bàn ở Man United trên mọi đấu trường là Bruno Fernandes, với 9 pha lập công. Ngoài ra, siêu sao người Bồ Đào Nha còn ghi những bàn thắng quý giá vào lưới Villareal và Atalanta ở Champions League để giúp Man United vượt qua vòng bảng.
 
Nếu chỉ nhìn vào những con số khô khan, ở mức độ bề nổi về thành công cá nhân của Ronaldo, và đặt chúng bên ngoài những bất ổn của tập thể đội bóng, thì khó có thể lập luận rằng đoàn quân Man United này sẽ được đứng ở một vị trí tốt hơn nếu không có sự hiện diện của một trong những tài năng quyết tâm và mạnh mẽ nhất môn thể thao vua trong đội. 
 
Khi nói chuyện với một trong vô số fan của siêu sao người Bồ Đào Nha về các phẩm chất của anh, bạn sẽ nhận được những mô tả không phải về một cầu thủ bóng đá, mà là một khái niệm khác. Ronaldo là “đấng tối cao” đối với những người mê mẩn anh. Trong số đó có cả các thành viên của ban lãnh đạo Man United. 
Khi ký hợp đồng với Ronaldo lần thứ hai, Man United đã thừa nhận rằng họ không ngờ Juventus sẽ chấp nhận bán tiền đạo này và sự trở lại của anh vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu của họ cho mùa hè năm 2021.

Man United đưa anh về vì Ronaldo là Ronaldo, một thực thể bất chấp mọi logic trong thế giới bóng đá.
Những người phản đối thương vụ này thì nhướng mày và lập luận rằng: “Bạn không thể chơi bóng với Ronaldo trên hàng công và giành chiến thắng,” và với những gì đã diễn ra, câu trả lời dành cho họ sẽ là: “BẠN không thể. Nhưng Ronaldo có thể.”
 
“Tôi đã nói với các cầu thủ của mình trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp rằng nếu có ai trong các cậu ghi được 20 bàn và có 15 pha kiến tạo mỗi mùa, người đó sẽ không cần phải pressing nữa,” Dean Smith kể sau trận đấu. “Cậu ấy quả thật là sự khác biệt của trận đấu. Nhưng chính chúng tôi đã ‘tặng’ cho Ronaldo pha lập công đầu tiên. Bàn thứ hai cũng vậy. Cậu ấy đã dễ dàng đánh bại cầu thủ được giao nhiệm vụ theo kèm. Đúng là cậu ấy đã có một cú bật nhảy tốt, nhưng nếu cầu thủ theo kèm làm tốt nhiệm vụ của mình hơn, cậu ấy sẽ không thể ghi bàn và tôi cũng nghĩ rằng Tim Krul (thủ môn) đáng lẽ phải cản phá được bàn cuối cùng. Đúng, cậu ấy là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và tất cả chúng ta đều biết điều đó. Bạn không được để cho cậu ấy có được bất kỳ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất.”
 
Nhưng “Manchester United sẽ đứng ở đâu trong mùa giải này nếu không có Cristiano Ronaldo và những pha lập công của anh?” là một câu hỏi hoàn toàn không xác đáng! Bởi vì:
 
Thứ nhất: Nó bỏ qua cách Ronaldo ghi được những bàn thắng của mình, tin rằng anh chỉ là một phần quan trọng trên hàng công của Man United, không phải một cầu thủ gánh vác toàn bộ trách nhiệm ghi bàn cho toàn đội. Trên thực tế, anh luôn có khả năng ghi được 20 bàn cho Man United ở mùa giải này nhờ số lần dứt điểm cực kỳ nhiều. Nếu một CLB bóng đá vào năm 2022 cần một tay săn bàn, rất khó tìm được ai làm tốt hơn Ronaldo (7 trong 9 trận mà Ronaldo ghi bàn, anh chính là người mang về chiến thắng cho đội), nhưng điều đó không đồng nghĩa anh là người phù hợp nhất với phần còn lại của một Man United không thể xác định được rằng họ nên chơi với phong cách phản công, pressing tầm cao, hay hiện thực hóa tham vọng thi triển lối chơi kiểm soát bóng khi có Ronaldo trong đội hình. 
 
 
Thứ hai, nó cũng chẳng xét đến tác động từ phong cách thi đấu của Ronaldo lên các cầu thủ tấn công khác ở Man United. Sự hiện diện liên tục của Ronaldo trong đội hình xuất phát của Quỷ Đỏ là một điểm nhất quán hiếm hoi và rất cần thiết đối với một hàng công suy kiệt do những ca chấn thương của Edinson Cavani, tình trạng sa sút phong độ của Marcus Rashford và sự ra đi của Anthony Martial. Tuy nhiên, khuynh hướng của Ronaldo là di chuyển khắp sân đấu để kiếm bóng và sự hạn chế trong khả năng đóng góp vào quá trình triển khai bóng đồng nghĩa rằng anh đang lấy bóng từ những cầu thủ kiến thiết khác – chẳng hạn như Paul Pogba và Fernandes – nhưng lại chẳng tạo ra cơ hội dứt điểm cho các đồng đội. 
 
Giả thuyết loại bỏ Ronaldo khỏi phiên bản 2021-22 của Man United không chỉ đơn thuần là lấy đi những bàn thắng của anh, mà còn thay đổi đáng kể quỹ đạo tấn công của tất cả các cầu thủ tấn công khác quanh siêu sao người Bồ Đào Nha. Trong số 15 pha lập công của Ronaldo ở Premier League cho đến nay, có 10 bàn được ghi trong 5 trận: Nghĩa là cần có một sự cân bằng hơn về tỷ lệ ghi bàn. Như thất bại trước Everton đã cho thấy, Ronaldo không thể một mình làm tất cả mọi thứ.
 
Thứ ba, giả thuyết đó cũng đã bỏ qua một câu hỏi lớn hơn, xác đáng hơn nhiều: Tại sao Man United lại đi rút ngắn các quy trình thông thường của họ để gấp rút mua Ronaldo trong khi đội hình vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối hơn cần giải quyết trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2021 đóng cửa? 
 
Ronaldo không có lỗi khi Pogba không theo kèm được đối thủ mà mình phải đảm nhận trong bàn thua đầu tiên trước Norwich vào hôm 16/4. Sự hiện diện của Ronaldo cũng chẳng phải nguyên nhân khiến Diogo Dalot bị xâu kim, cũng không phải lý do khiến Alex Telles di chuyển quá sâu vào trung lộ, cho phép Kieran Dowell thoải mái đánh đầu ở cột sau ngay trước khi hiệp một kết thúc. Ronaldo cũng chẳng khiến cho Telles không thể đọc được tín hiệu của Victor Lindelof để lui về ở phút 52, qua đó tạo điều kiện cho Teemu Pukki có rất nhiều khoảng trống ở cánh để sử dụng và ghi bàn thắng thứ 2 cho Norwich. 
 
Nhưng “vấn đề” của Ronaldo chỉ một phần liên quan đến lối chơi của anh trên sân đấu. Thứ gọi là “vấn đề” của siêu sao người Bồ Đào Nha nằm ở chuyện anh là “triệu chứng” của một CLB gồm toàn những mảnh ghép đắt tiền được mua riêng lẻ trong khi chẳng mấy quan tâm đến sự phù hợp của chúng khi ghép lại với nhau. 
 
Ronaldo chẳng có lỗi gì trong việc Man United đã không mang về một tiền vệ phòng ngự chất lượng nào vào mùa hè năm ngoái cả - nhưng khi chứng kiến Pogba khổ sở trong vai trò tiền vệ phòng ngự, một vị trí mà anh chẳng thích thú và rất chật vật khi đảm nhận, không khỏi khiến cho người ta đặt câu hỏi rằng Man United sẽ đứng ở đâu trên BXH nếu Rio Ferdinand, Sir Alex Ferguson và những người khác thuyết phục được BLĐ CLB hành động dứt khoát và đưa về một người có thể đảm nhận vai trò đó thay cho ngôi sao người Pháp. 
 
Sau khi Ronaldo ghi bàn vào lưới Villareal vào tháng 11, Thierry Henry – trong tư cách một chuyên gia bình luận trên CBS Sports – đã nhận định rằng: “Vấn đề là khi chất độc cũng chính là thuốc của bạn, bạn sẽ rất khổ sở.
 
“Trước Villareal, Ronaldo đã cứu Man United, nhưng khi đội bóng này thi đấu, đôi lúc họ bị xé toang vì đã không phòng ngự như một khối thống nhất. Và tất cả chúng ta đều biết rằng, nếu bạn không thể làm điều đó, bạn sẽ không thể giành chiến thắng. Nhân tiện, chúng ta đang nói về việc vô địch Champions League và Premier League, không phải kết thúc ở vị trí thứ hai, thứ ba, thứ tư, cũng không phải đi đến tứ kết và bán kết. Chúng ta đang nói về tham vọng giành chiến thắng trong mọi trận đấu, và nếu muốn vậy, toàn đội đều phải chạy.”
 
Man United đã thắng Norwich nhờ Ronaldo, nhưng họ cũng phải cần đến 3 bàn để có thể đánh bại một đội bóng sắp xuống hạng. Chiến thắng trước Norwich đã diễn ra cùng lúc với chiến thắng của Liverpool trước Manchester City ở FA Cup; đây mới là loại lịch đấu mà Ronaldo đã mong đợi sẽ được tham dự khi mới tái gia nhập đội chủ sân Old Trafford. 
 
Câu hỏi cần được đặt ra không nên là, “Man United sẽ đứng ở đâu trong mùa giải này nếu không có Ronaldo?” mà đáng lẽ phải là, “Nếu Man United muốn đứng ở một vị trí tốt hơn, thì việc xây dựng đội xoay quanh một tiền đạo sắp bước sang tuổi 38 có phải phương án tốt nhất không?”
 
Bất kể Ronaldo đã chơi tốt đến thế nào trong quá khứ và hiện tại, Man United sẽ cần phải dành cả mùa hè 2022 để xây dựng một đội bóng cho tương lai.
 
Theo Carl Anka, The Athletic.
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.