Nghệ thuật lãnh đạo của Didier Deschamps

Tác giả CG - Thứ Hai 15/10/2018 17:06(GMT+7)

Tôi biết mình là một người có quyền. Không phải lúc nào tôi cũng thành công nhưng tôi luôn nỗ lực hết sức. Một trong những niềm vui lớn nhất của tôi, một niềm vui lớn lao, là chuẩn bị những cuộc họp đội trước trận. Nó khiến tôi vô cùng hứng thú.

Bạn có thể nghĩ tới đội tuyển quốc gia Pháp trước và sau khi Didier Deschamps lên nắm quyền. Giai đoạn trước: Các cầu thủ cãi nhau (Euro 2008), bỏ tập (World Cup 2010), lăng mạ huấn luyện viên và chửi bới các nhà báo (Euro 2012).
Nghệ thuật lãnh đạo của Didier Deschamps

“Hoàn toàn kém cỏi và hỗn loạn đến lố bịch”
là cách mà tờ Wall Street Journal tổng kết lại chiến dịch World Cup 2010 của đội tuyển Pháp, một giải đấu mà đội bóng này đã khép lại bằng việc Nicolas Anelka bị đuổi về nước sớm, đội trưởng Patrice Evra cãi nhau với huấn luyện viên, đội tuyển đình công và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Jean-Pierre Escalettes phải từ chức.
 
Còn sau khi Deschamps tới: Ông thiết lập một hệ thống quy tắc, yêu cầu các cầu thủ trân trọng màu cờ sắc áo và quốc ca, thể hiện thái độ cởi mở và thân thiện, thành thật và khiêm tốn. Trong cách ứng xử với báo chí, các cầu thủ phải nhớ rằng “thái độ, hành vi và lời nói sẽ tạo nên hình ảnh của các bạn khi nó được phát đi phát lại trên truyền thông, một phần không thể thiếu và tránh khỏi trong sự nghiệp của các bạn. Họ tạo nên hình ảnh mà bạn thể hiện với cả nước, vì thế hãy hành xử chuyên nghiệp với họ”.
 
Bất cứ cầu thủ nào phá vỡ quy tắc sẽ bị loại bỏ ra ngoài (điều này giải thích cho sự vắng mặt của Karim Benzema, người có lẽ sẽ không bao giờ được thi đấu chừng nào Deschamps còn dẫn dắt “Những chú gà trống Gaulois” sau khi anh bị cáo buộc tham gia tống tiền đồng đội Mathieu Valbuena về một đoạn clip sex). Chính tư tưởng nhất quán này và việc đội tuyển Pháp giành chiến thắng trước Ukraine ở trận play-off để giành vé dự World Cup 2014 giúp người hâm mộ đã quay trở lại với họ. Đội bóng sau đó cải thiện vị trí của mình ở ba giải đấu gần đây: Lọt vào tứ kết World Cup 2014, Á quân Euro 2016 và trở thành nhà vô địch World Cup 2018.
 
Chiến thắng 4-2 trước Croatia ở chung kết World Cup vừa qua giúp Deschamps trở thành người thứ hai, sau Franz Beckenbauer, lên ngôi vô địch thế giới với cả tư cách cầu thủ lẫn huấn luyện viên. Khi còn thi đấu, ông là thủ quân của rất nhiều đội bóng như Nantes, Marseille, Juventus, Chelsea và tất nhiên là cả đội tuyển Pháp (với chức vô địch World Cup 1998 và Euro 2000).
 
Deschamps là đội trưởng đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998. Ảnh: Daniel Garcia
 
Ở đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp, Aviron Bayonnais, Deschamps trở thành đội trưởng chỉ sau 6 tuần gia nhập. “Cậu ấy lãnh đạo nhưng không hề hống hách, thay vào đó chỉ nói những lời nhẹ nhàng và khiến người khác phải lắng nghe,” Norbert Navarro, huấn luyện viên đầu tiên của Deschamps nhớ lại. “Chỉ trong 2 tuần, cậu ấy từ đội tân binh đã được lên đội U16. Và trong ngày sinh nhật 15 tuổi của cậu ấy, ngày 15/10, tôi đã trao chiếc băng đội trưởng. Một cậu bé 11 tuổi giữa những người đã 13, 14, 15!”
 
Deschamps sau đó gia nhập học viện của Nantes, nơi đã đào tạo ra những Marcel Desailly, Claude Makélélé và Christian Karembeu. Ông xa nhà từ năm 14 tuổi, cạnh tranh với những đứa trẻ lớn tuổi hơn để có được một bản hợp đồng. Huấn luyện viên Miroslav Blažević của Nantes đã nhìn thấy những điều đặc biệt từ cậu bé người Pháp khi đó hay mặc quần jeans ống loe và áo len do mẹ dệt này. Blažević chỉ định Deschamps là đội trưởng Nantes khi ông mới chỉ 19.
 
Deschamps sau đó được gọi lên đội tuyển Pháp năm 21 tuổi và đã là một huấn luyện viên về mặt tinh thần. “Tôi nhớ anh ấy rất máu lửa trên sân, ra lệnh, hò hét và dẫn dắt mọi người,” Marc Libbra, đồng đội cũ tại Marseille, nhớ lại. “Anh ấy chỉ trích bạn cũng để tốt cho bạn.”
 
Tôi [Tác giả Ben Lyttleton – ND] đã ngồi lại với HLV Deschamps vào một buổi chiều năm 2017 ở Monaco để cùng nhau nói về nghệ thuật lãnh đạo. Chúng tôi nói về các mối quan hệ, khả năng thích ứng, những thời điểm đen tối nhất trong sự nghiệp huấn luyện và những sai lầm khi cầm quân. Ông là một người tự tin, quảng giao và có tư duy cởi mở - thậm chí là hơn rất nhiều so với bạn tưởng tượng từ một người trước đó chưa trở thành nhân vật vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Pháp.
 

Ký giả Ben Lyttleton: Ông có phải một nhà lãnh đạo thiên bẩm hay không?

 
- HLV Didier Deschamps: Tôi nghĩ nó nằm trong genes của bạn. Tôi không chắc liệu nó có phải di truyền không nhưng tôi nghĩ một vài người sinh ra để trở thành nhà lãnh đạo, khiến những người khác hạnh phúc khi đi theo và được dẫn dắt. Bạn có thể cảm nhận điều đó trong những năm đầu đời, ở trường học, và nó phát triển dần dần. Nhưng đó không phải thứ bạn có thể quyết định một cách có ý thức khi mới 10, 15 hay 18 tuổi. Bạn không thể nói với bản thân rằng: “Mình sẽ trở thành một nhà lãnh đạo.” Vài người có khuynh hướng như vậy trong tính cách và sau đó tính lãnh đạo đến một cách tự nhiên.

Ông định nghĩa khái niệm “nhà lãnh đạo” như thế nào?
 
- Với tôi, một nhà lãnh đạo là người phải lắng nghe và quan tâm người khác nhưng không đưa ra những chỉ thị một cách mù quáng. Tôi luôn mong muốn biết tại sao chúng ta làm mọi thứ theo một cách nhất định, liệu đó có phải cách tốt nhất không và chúng ta sẽ đi đâu tiếp theo. Tôi luôn tìm câu trả lời và có thể truyền tải câu hỏi đó. 
 
Một thủ lĩnh, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao, là phải có thời gian cho người khác. Và để có thời gian dành thời gian cho họ, bản thân bạn phải không có vấn đề gì. Nếu bạn đang gặp khó khăn nào đó thì bạn không thể có thời gian cho những người xung quanh. Và khi bạn đã chấp nhận vị thế của một người lãnh đạo, theo tôi bạn phải kéo mọi người cùng nhìn về một hướng và làm tất cả những gì có thể để tập thể của bạn đi đúng đường.

Ông có lo lắng không khi HLV Miroslav Blažević trao chức đội trưởng Nantes cho mình khi mới 19 tuổi?
 
- Có những người 30 tuổi nhưng họ chấp nhận tôi là thủ lĩnh. Blažević muốn thúc đẩy tôi tiến bộ và trao cho tôi nhiều trách nhiệm hơn dù tôi là một trong những người trẻ nhất đội. Nếu có điều gì để nói, dù là với người 20 hay 30 tuổi, tôi cũng sẽ nói thế - vì mọi thứ luôn là để tốt cho đội. Sự trưởng thành không phải vấn đề tuổi tác.

Có những người trưởng thành khi mới 18 tuổi, nhiều người phải 30 và có khi là không bao giờ cả!
Tôi không bao giờ nói những lời xấu xí gì với mọi người cả và đến hôm nay vẫn vậy. Nhưng khi có điều gì để nói, tôi sẽ luôn nói thế. Những cầu thủ lớn tuổi hơn ở Nantes không bao giờ gây khó dễ với tôi, không bao giờ nghi ngờ liệu tôi có thể hoàn thành vai trò đội trưởng hay không. Và với tôi, điều đó đến một cách tự nhiên.
Deschamps trong màu áo Nantes. Ông trở thành đội trưởng CLB khi mới 19 tuổi. Ảnh: Marc Francotte
 
Khái niệm lãnh đạo hiện nay có thay đổi khi ông còn là cầu thủ không?
 
- Ngày nay, khái niệm đó cũng giống như 20 năm trước bất chấp những thay đổi trong xã hội. Có những sự thay đổi trong cách bạn làm việc vì bóng đá ngày nay đã trở nên showbiz và được marketing nhiều hơn trước, chúng ta có mạng xã hội và nhiều phương tiện truyền thông hơn. Nhưng về cơ bản thì không có sự thay đổi trong cách bạn dẫn dắt, trong khả năng của một thủ lĩnh, cách bạn lãnh đạo một tập thể. 
 
Khi tôi là cầu thủ trẻ, chỉ có một người nắm quyền: huấn luyện viên sẽ làm mọi thứ. Giờ thì khác, bạn có cả đội xung quanh. Trong quá khứ làm lãnh đạo không hề dễ hơn, chỉ là bối cảnh truyền thông có sự khác biệt mà thôi.

Huấn luyện viên nói: “Chúng ta sẽ làm cái này” thì tức là phải như thế, không có sự bàn bạc. Ngày nay, bạn cần có tập thể bên mình, nơi trao cho bạn những trách nhiệm khác với mọi người vì bạn không có thời gian làm tất cả mọi thứ, bạn không có thời gian để lắng nghe những tâm tư hay cảm xúc của họ về sự bất bình nào đó. Việc ấy sẽ tốn nhiều năng lượng. Bạn sẽ không thể có sự sảng khoái khi dẫn dắt trận đấu nên bạn phải tìm kiếm sự cân bằng.
 
Nhưng các cầu thủ đã thay đổi, và đó là điều tạo nên sự khác biệt.
 
- Ngày nay mọi thứ phức tạp hơn nhiều, trong thể thao nói riêng và xã hội nói chung. Tâm lý đã thay đổi. Hiện nay trong bất cứ một lĩnh vực chuyên môn nào, một người 18 tuổi muốn mọi thứ và thẳng thắn bày tỏ điều đó vì anh ta cảm thấy mình mạnh mẽ. Anh ta cũng như nhiều người tương tự làm chủ về công nghệ mới, điều giúp họ có lợi thế nhất định và sức mạnh so với thế hệ trước. 
 
Và ngày nay một người 18 hay 20 không còn khát khao thay thế những tiền bối 30 – 40 tuổi đã có kinh nghiệm nữa. Trong lĩnh vực thể thao, hiện nay các bạn có thể thấy các cầu thủ 18 tuổi sẽ ra nước ngoài và thay đổi câu lạc bộ: ở thế hệ tôi, bạn sẽ phải chờ đợi! Còn giờ thì không còn biên giới nào nữa, những đứa trẻ cảm thấy mạnh mẽ, tự tin, chúng có khát khao khám phá và chinh phục. 
 
Điều này có những mặt tốt và xấu; toàn bộ môi trường xung quanh họ sẽ thay đổi, do đó những người hỗ trợ sẽ đóng vai trò lớn. Họ có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, những người không nhất thiết phải có mục đích to tát, kế đến là người đại diện và các cố vấn trong cách lĩnh vực khác nhau và mối quan tâm của họ là tài chính.

Người huấn luyện viên phải đối mặt với tất cả những điều này. Nghề của chúng tôi rất khắc nghiệt, luôn phải cố gắng đưa họ đi đúng hướng. Tuy nhiên có những khi bố, anh em hay bạn bè của họ nói “Không, không, huấn luyện viên của con/em/cậu là một thằng ngốc, hắn ta chẳng hiểu gì cả, con/em/cậu mới là giỏi nhất, hãy cứ làm điều mình muốn…”

Tác động tiêu cực của một nhà lãnh đạo kém cỏi là gì?

"Ngày nay một người 18 hay 20 không còn khát khao thay thế những tiền bối 30 – 40 tuổi đã có kinh nghiệm nữa". Ảnh: Franck Fife
 
- Có lãnh đạo tốt và lãnh đạo kém. Trong thể thao, chúng ta có thể gọi một khái niệm là lãnh đạo tiêu cực: đó cũng có thể là người nào đó có ảnh hưởng nhất định đối với tập thể. Nhìn chung, đó là một người không có tư duy. Và loại người này, nếu anh ta là cầu thủ quan trọng trong đội và đang thi đấu thì mọi thứ đều ổn.

Nhưng một ngày anh ta không còn trong đội, anh ta có thể thu hút tất cả các cầu thủ khác đang gặp vấn đề đến với ta anh ta và tạo ra một nguồn năng lượng xấu. Và tôi biết những người như thế. Nhưng là một thủ lĩnh thực thụ, ngay cả trong những thời điểm bản thân gặp khó khăn, vẫn phải ở đó với mong muốn dẫn dắt tập thể đi lên – và là gạch nối với huấn luyện viên và ban huấn luyện.

Ông mô tả bản thân mình là một nhà lãnh đạo như thế nào?
 
- Lúc này tôi không làm những điều giống như khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp huấn luyện. Tôi có góc nhìn nhất quán khi còn là cầu thủ và tôi nói với bản thân “Khi trở thành huấn luyện viên, mình sẽ không làm theo cách đó.” Nhưng đôi khi bạn thấy mình làm những việc mà trước đó bạn chưa bao giờ làm hay nói.
 
Ví dụ, kinh nghiệm là điều quan trọng khi là cầu thủ nhưng còn quan trọng hơn nhiều với một huấn luyện viên. Bạn càng trải nghiệm nhiều thì càng giải quyết vấn đề tốt hơn. Đặc biệt nó giúp bạn biết không nên làm những gì. Khi tôi thức dậy, tôi không bao giờ nói “Mình biết” mà sẽ nói là “Mình biết điều đó mình không biết. Và đó là thứ mình vẫn có thể học hỏi.”
 
Thật khó để định nghĩa phương pháp của tôi. Nó liên quan đến việc tôi là ai, tôi ở đâu, nguồn gốc và cá tính của tôi. Tôi không khẳng định đây là “con đường của tôi”. Luôn có những từ khóa mà tôi lặp đi lặp lại. Phải yêu cầu khắt khe, tin tưởng và cống hiến hết khả năng để đạt được mục tiêu.

Ông có thấy khó khăn khi phải loại các cầu thủ không?
 
- Quản trị là công việc của sự lựa chọn, điều đó đồng nghĩa sẽ phải loại bỏ cầu thủ nào đó. Và đó là điều khó khăn của công việc này. Nhưng đấy là việc tôi chưa bao giờ né tránh. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cũng học được cách đôi khi phải lùi một bước. Tôi từng căng thẳng nhưng giờ đây thì tôi đặt bản thân lớn hơn những thứ đó. Như kiểu là nước đổ lá môn vậy. Khi đó tôi phải tự bảo vệ bản thân và chui vào cái “bong bóng” của mình. Lúc này tôi sẽ không phí năng lượng cho những trận chiến mà tôi không chắc chắn giành chiến thắng.

Ông tìm kiếm điều gì từ những thủ lĩnh trong đội bóng của mình?

Ảnh: The Asahi Shimbun
 
-  Công việc của tôi là tìm xem ai có đúng đặc tính như vậy trong đội. Tôi phải cảm nhận được xem ai có thể đại diện cho những người khác. Tất cả đều là sự lựa chọn trong số các cầu thủ cũng như những người đàn ông. Vì thế nhiệm vụ của tôi là xác định ra những người đó và họ phải truyền tải được những thông điệp quan trọng về việc tập thể nên cùng vận hành dựa trên những quy tắc nội bộ và tôn trọng những phương thức bất di bất dịch. Nếu tôi cần can thiệp, tôi sẽ làm nhưng nếu tôi phải làm điều gì đó bên ngoài sân thì có nghĩa là có thứ gì đó đang không ổn. 
 
Đôi khi có những khó khăn hay vấn đề trong tập thể và các thành viên có thể tự giải quyết. Nếu tôi phải can thiệp thì tức là vấn đề đó đã ở một mức độ nhất định rồi. Bạn không bao giờ có thể có quá nhiều thủ lĩnh trong một đội vì ngay cả khi có nhiều cá tính mạnh mẽ thì cũng chỉ có một người trội lên mà thôi. Đó là sự chọn lọc tự nhiên, sự tiến hóa, bạn có thể có 6 cá tính mạnh nhưng chốt lại tất cả bọn họ không thể cùng là người được chọn. Điều đó không ngăn cản họ đóng góp vai trò quan trọng – miễn là họ không đấu đá lẫn nhau.
 
Ông có học hỏi được gì từ cá tính riêng của mỗi cầu thủ và đáp lại với những cách khác nhau không?
 
- Mỗi người đều có cá tính riêng và đó là lúc vai trò của đội ngũ hỗ trợ xuất hiện. Rất nhiều những bàn luận diễn ra trong đội và tôi cần biết họ đang nói gì. Khi tôi là huấn luyện viên trưởng một câu lạc bộ, tôi lựa chọn 3 thủ lĩnh. Trong thể thao có ba địa hạt của nghệ thuật lãnh đạo: lãnh đạo vật lý, lãnh đạo kỹ thuật và lãnh đạo về tâm lý. Và bạn cần đại diện cho cả nhóm đó.
 
Tại sao lại là 3? Vì một con số lẻ giúp một cuộc thảo luận không bao giờ khép lại với kết quả hòa, và tôi thích điều đó. Với đội tuyển quốc gia, tôi có 5 thủ lĩnh. Điều quan trọng là tôi có một trong những cầu thủ trẻ ở đó để lắng nghe và truyền đạt ý tưởng. Những cầu thủ đó do tôi lựa chọn, tôi không lựa chọn cách truyền tải thông điệp một chiều mà là hai chiều. Nhiệm vụ của họ là đưa lại cho tôi điều gì đó từ tập thể. Khi họ cảm thấy cần nói chuyện với tôi về một điều gì đó tức là nó quan trọng với tập thể. 
 

Nói chuyện và truyền tải thông điệp là một phần của quản trị. Nhưng với tôi, một huấn luyện viên giỏi là phải biết lắng nghe. Lắng nghe (Listening) và nghe đơn thuần (hearing) là hai điều khác nhau. Vai trò của bạn không chỉ là đưa ra yêu cầu mà còn là an ủi, khích lệ và lắng nghe nữa.

Vậy nên ông chăm sóc tập thể, và tập thể thì chăm sóc các cá nhân?
 
- Quản trị nhân lực ngày nay vô cùng quan trọng. Những lựa chọn của bạn là những sự đầu tư vào con người: bạn phải đưa ra đúng thời điểm để tất cả tốt hơn. Họ có những cuộc đời, tính cách, văn hóa, nền tảng, xuất thân, thậm chí là quan điểm sống khác nhau. Vai trò của tôi khi làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia là có một giao kèo về đạo đức. 
 
Tôi không trả tiền lương cho cầu thủ mà là câu lạc bộ của họ, điều này giải thích tại sao tôi đang nói về một ràng buộc về mặt đạo đức. Nó tạo ra một mối liên kết dựa trên sự thật. Hiện nay mối quan hệ giữa mọi người cũng quan trọng không kém những gì xảy ra trên sân. Huấn luyện viên là người phải nhận ra tài năng và biết sử dụng họ đúng bối cảnh. 
 
Bạn cần nhận ra “Anh ta là người có thể mang tới những điều mình cần.” Tất cả phải thông qua những cuộc trao đổi, trò chuyện của bạn nhưng không nhất thiết phải ngồi trong văn phòng. Đó có thể là trên sân tập, cuộc trao đổi diễn ra ở đây hoặc ở kia. Điều tôi sớm nhận ra là ngay cả khi bạn có những nghi ngờ thì các cầu thủ cũng phải không bao giờ cảm nhận được điều đó. Bạn có quyền nghi ngờ nhưng bạn phải rất rõ ràng về điều này. Các cầu thủ chắc chắn phải không bao giờ cảm nhận hay thấy được. Và vấn đề là cách bạn nói và nói những gì: câu cú mà bạn sử dụng và thông điệp truyền đi. Cách bạn thể hiện thông điệp của mình.
Vậy ông từng phạm phải những sai lầm gì?
 
- Tôi không muốn nói tên nhưng đó là năm đầu tiên của tôi ở Monaco, tôi đã không thể xác định được những thủ lĩnh mà tôi cần. Nếu bạn phạm sai lầm trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo thì mọi thứ sẽ trở nên vô cùng phức tạp. 
 
Đừng bao giờ hứa hẹn gì cả. Những điều đúng trong hôm nay có thể không đúng trong ngày hôm sau nữa. Nó đã xảy ra trong quá khứ và rồi bạn phải biện minh và giải thích. Tôi không muốn rơi vào tình huống đó. Ngoài ra bạn cũng nên biết khi nào nên khen ngợi, khi nào nên vỗ về động viên và đôi khi tôi không biết phải làm chúng như thế nào. Mọi người thường quên đi tầm quan trọng của việc này.

Thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông?
 
- Tôi đã rơi vào tình huống phức tạp trong suốt các trận đấu vòng loại World Cup 2014 với Ukraine. Nhưng đó là khi tôi thấy đúng nhất ý nghĩa của vai trò huấn luyện viên đội tuyển quốc gia của mình. Đó là nơi tôi thực sự cảm thấy tôi ở đó vì một mục đích. Trong những thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng nhất, đó là khi bạn phải tìm tòi và khám phá bản thân mình. Bạn phải tìm những cách phản ứng khác nhau.
 
Tôi đã tìm ra thông điệp [dành cho các cầu thủ] về cách chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn, những điều chúng tôi sẽ làm. Rõ ràng không phải chúng tôi lúc nào cũng có thể giành chiến thắng được. Những gì diễn ra trong các trận đấu, chúng tôi không thể kiểm soát mọi thứ. Nhưng điều tích cực là: điểm khởi đầu của tôi là bất cứ điều gì có thể để luôn thấy những khả năng tích cực trước mắt. Tôi có tính không bao giờ bỏ cuộc. Tôi phải đi đến tận cùng nguồn lực của mình và tìm kiếm câu trả lời. 
 
Ảnh: AP
 
Với ban huấn luyện của mình, tôi vẫn ở trong “bong bóng” và tìm ra các giải pháp. Trong thể thao, tôi quay trở lại với một cụm từ mà tôi học được từ khi còn trẻ - c’est dans le succès que tu fais la plus grande connerie – khi thành công, bạn tạo ra những lỗi lầm to lớn nhất. Tôi thấy điều đó đúng: thành công khiến bạn hưng phấn và có thể dẫn đến những quyết định tồi tệ. Nhưng trong gian khó, đôi khi là thất bại, đó là lúc bạn học được nhiều nhất về bản thân.

Giữ bình tĩnh trong những thời điểm căng thẳng tột độ hiện nay có dễ không?
 
- Bây giờ tôi luôn cố gắng giữ một khoảng cách nhỏ giữa bản thân và các quyết định của mình. Trước đây, tôi quá bao bọc mọi thứ. Bây giờ tôi không còn như thế nữa: lao vào phòng thay đồ và nói điều gì đó… Giờ tôi sẽ dành 3 hay 4 phút để hạ hỏa. Nói tất cả mọi thứ với cùng một tông giọng không phải điều tốt. Có những thời điểm bạn cần phải cao giọng lên để truyền tải.

Càng tận hưởng công việc, anh càng làm việc hăng say hơn phải không?
 
- Đó là niềm vui nhưng trên cả niềm vui là đam mê của tôi với bóng đá. Tôi có đặc ân là được biến đam mê thành công việc. Rất ít người có thể nói như thế. Niềm đam mê ấy đã cho tôi sự tự do mà tôi có ngày hôm nay, một điều vô giá. Tôi luôn bình tĩnh gần như tuyệt đối. Tôi luôn nhận thức được sự may mắn khi đang đứng ở vị trí này.

Tôi biết mình là một người có quyền. Không phải lúc nào tôi cũng thành công nhưng tôi luôn nỗ lực hết sức. Một trong những niềm vui lớn nhất của tôi, một niềm vui lớn lao, là chuẩn bị những cuộc họp đội trước trận. Nó khiến tôi vô cùng hứng thú. Tìm kiếm điều gì đó luôn rất thú vị, một vài cái nút để bấm, tìm nhưng từ ngữ khác nhau, những cách khác nhau để tạo động lực. Khi bạn làm việc cho một câu lạc bộ, bạn làm điều đó 3 ngày/lần, rất khó và tốn nhiều năng lượng.

Vậy khi trận đấu kết thúc anh cảm thấy thế nào?
 
- Giờ đây, khi trận đấu khép lại, tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi cần một ngày để hồi phục. Khi bạn thi đấu, bạn có adrenaline nhưng là một huấn luyện viên thì năng lượng không phải như thế. Bạn cần rất nhiều năng lượng tâm lý. Nhưng pin của tôi sẽ được sạc lại rất nhanh!

Hôm nay (15/10) là sinh nhật Didier Deschamps, HLV trưởng đội tuyển Pháp. Bài gốc có tên  “The Little Soldier” của tác giả Ben Lyttleton đăng trong ấn phẩm Blizzard số 30, title đã được sửa lại.
 
Ảnh: Yoann Lori

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.