Neven Subotic: Trái tim Serbia ấm áp

Tác giả Fussballgott - Thứ Bảy 10/12/2016 19:41(GMT+7)

Quay lại tháng tư năm 2010, CEO Hans-Joachim Watzke của Borussia Dortmund ngạo nghễ tuyên bố: “Nếu Manchester muốn có Neven Subotic, họ phải đưa chúng tôi hai mỏ dầu hoặc là hai xe tải lớn đóng gói toàn bộ tiền giấy của nước Anh thì mới đủ.”
Neven Subotic: Trái tim Serbia ấm áp
Subotic khi ấy mới 22 tuổi, là một trong những trung vệ trẻ tiềm năng nhất trong thế giới bóng đá. Man Utd có một lí do đặt biệt để quyết tâm theo đuổi anh cho bằng được: Một trong những trung vệ vĩ đại nhất lịch sử Quỷ Đỏ - Vidic cũng là người Serbia và có lối chơi máu lửa và tận tuỵ y hệt người đàn em.
 
Hơn sáu năm rưỡi sau, Subotic đã rất gần với giải Ngoại Hạng Anh, nhưng không phải đội bóng lừng danh như Man Utd hay đội bóng đã theo dõi anh từ lâu Arsenal. Đội bóng sắp có được Subotic là Middlesbrough, một tân binh khiêm tốn của giải đấu
 
1.Subotic chuyển đến Borussia Dortmund từ Mainz, khi ông thầy cũ Juergen Klopp cũng vừa cập bến vùng Ruhr. Cựu HLV Dortmund không chủ tâm quay lại rút ruột đội bóng cũ nhưng họ bất ngờ bị từ chối trong vụ chuyển nhượng trung vệ Marko Basa từ Le Mans. Trung vệ Serbia vào thời điểm đó là một canh bạc gấp rút, dù anh đã làm việc với HLV Juergen Klopp và tạo ra những ấn tượng nhất định ở 2.Bundesliga.
 
Trong màu áo Vàng Đen, Subotic kết hợp với Mats Hummels trở thành bộ đôi trung vệ giàu tiềm năng bậc nhất thế giới. Hummels, ở hoàn cảnh rất khác, được đánh giá rất cao ở mọi kỹ năng nhưng lại bị bỏ rơi ở Bayern Munich phải đến Dortmund tìm kiếm cơ hội ra sân. Sự trọng dụng của Kloppo đã khiến cả hai phát huy hết tiềm năng toả sáng rực rỡ trở thành những trung vệ hàng đầu thế giới ở tuổi đôi mươi.
 
Hummels, một bậc thầy xử lí với trái bóng, từng được so sánh với Franz Beckenbauer ở thế kỷ 21 của Đức, thường xuyên dâng cao kiến tạo và để lại những khoảng trống khổng lồ phía sau. Subotic, ít tốc độ nhưng phán đoán và tắc bóng cực tốt, luôn bọc lót kịp lúc khi người đá cặp bị bắt bài. Xét cá nhân từng người, cả Hummels lẫn Subotic đều không phải hoàn hảo nhưng khi kết hợp với nhau, sự ăn ý khiến họ trở thành cặp trung vệ hàng đầu nước Đức được cả thế giới thèm muốn.
 
Dortmund của Klopp tiến bộ dần trong sự đi lên của Subotic. Họ đứng thứ sáu mùa đầu tiên, đứng thứ năm và ở mùa thứ ba, đội bóng vùng Ruhr trở thành nhà vua mới của Bundesliga. Gegenpressing là thứ vũ khí lợi hại của Vàng Đen khi đó, và nếu cuộc vây bắt bóng thất bại, đối phương sẽ ngay lập tức đối đầu cùng hai trung vệ to cao toàn diện bậc nhất giải đấu. Mùa giải 10-11 Dortmund chỉ để lọt lưới 22 bàn, ít nhất giải đấu và chỉ gần bằng một nửa của Bayern Munich. Mùa giải sau đó còn kết thúc huy hoàng hơn khi Dortmund đoạt cú đúp giải quốc nội, theo sau đó là mùa giải đỉnh cao vào đến chung kết Champions League 12-13.
 
Cặp trung vệ hàng đầu thế giới ở tuổi đôi mươi
Do đặc thù của cách phối hợp phòng ngự, Subotic thường là người cuối cùng chạy theo đối phương, chính vì vậy trung vệ Serbia thường lọt vào khung hình khi Dortmund bị thủng lưới. Một trong những trận thua đáng nhớ nhất của Dortmund mùa giải 2014-15 trước Borussia Moenchengladbach, Hummels mạo hiểm tắc bóng ở phần sân đối phương và không thành công, để lại Subotic đối phó cùng hai cầu thủ đối phương phía sau. Trung vệ Serbia bị đánh bại và lẽ dĩ nhiên trong những khung hình cuối cùng của bàn thua, anh là người trung vệ duy nhất xuất hiện với khuôn mặt bất lực.
 
2. Subotic có cái duyên kì lạ với Bayern Munich. Trận đầu ra mắt Bundesliga của anh là chạm trán Bayern trong màu áo Mainz. Trận đầu tiên của Subotic cho Borussia Dortmund cũng là đối đầu cùng Bayern, Vàng Đen thắng 2-1 ở DFL Supercup 2008 (trận đấu không được công nhận chính thức). Subotic quả thật tạo ra nhiều dấu nhấn đáng nhớ suốt 8 năm qua trong khuôn khổ các trận Der Klassiker.
 
Mùa giải 11-12, Borussia Dortmund đón tiếp Bayern Munich ở vòng đấu thứ 30 khi cả hai đang cạnh tranh trực tiếp ngôi đầu. Bayern có ít hơn 3 điểm, coi cuộc đối đầu là cơ hội tốt san bằng khoảng cách với Dortmund. Trận đấu diễn ra với rất nhiều tình huống bắn phá về khung thành cả hai nhưng chỉ có Dortmund là thành công ở phút 77. Tiền vệ Kevin Grosskreutz có bóng trước vòng cấm từ tình huống phạt góc, sút sệt hiểm hóc xuyên qua rừng người. Để tăng độ khó cho cú sút, Robert Lewandowski khi đó chạm nhẹ vào bóng làm đổi hướng đánh bại thủ thành Manuel Neuer.
 
Kịch tính xảy ra về sau khi Arjen Robben té ngã trong vòng cấm địa và mang về cho Bayern Munich quả phạt đền ở phút 82. Chính tiền vệ Hà Lan bước lên lãnh trách nhiệm thực hiện và bị thủ thành Roman Weidenfeller cản phá. Neven Subotic trong lúc phấn khích đã tiến lại gần Robben tuôn ra những lời chỉ trích cho pha ăn vạ của cầu thủ Bayern Munich. Hình ảnh Subotic quát tháo trong khi Robben chỉ đứng yên ôm đầu thất vọng biến trận đấu trở thành một cuộc đại chiến đáng nhớ bậc nhất lịch sử Bundesliga. Robben không biết có bị ảnh hưởng bởi Subotic hay không nhưng vài phút sau đó bỏ lỡ cơ hội mười mươi từ khoảng cách chưa tới 5 mét trước khung thành Dortmund.
 
Hình ảnh kinh điển của những cuộc đối đầu giữa Borussia Dortmund và Bayern Munich
Mùa giải 2012-13, Bayern Munich có cuộc báo thù vĩ đại khi bất bại 5 trận đấu với Dortmund trong suốt mùa giải. Trận đấu đáng chú ý nhất rõ ràng chung kết Champions League 12-13 tại Wembley với sự góp mặt lần đầu tiên của hai đại diện đến từ nước Đức. Mario Mandzukic đưa Bayern Munich vượt lên nhưng Ilkay Guendogan cân bằng tỉ số từ chấm 11 mét. Nửa cuối hiệp hai Thomas Mueller có cơ hội không thể tốt hơn khi đưa bóng vượt qua thủ môn Weidenfeller lăn từ từ vào khung thành đang bỏ trống. Phía bên trong chỉ còn có Subotic và Robben và trung vệ Serbia lần nữa đánh bại tiền vệ Hà Lan bằng pha bứt tốc thần kì, phá bóng ngay trên vạch vôi khung thành nhà.
 
Nỗ lực của Subotic không giúp Dortmund có kết thúc thắng lợi. Robben có sự khẳng định hoàn hảo sau bao nhiêu trận chung kết thắng bằng bàn thắng ở phút 90. Bayern lên ngôi vô địch và trong cơn phấn khích, Jerome Boateng đã tiến về Subotic quát tháo dữ dội, trả đũa cho đồng đội ở trận đấu năm trước.
 
Những năm tháng sau đó vì ảnh hưởng của chấn thương dai dẳng, Subotic chỉ là cái bóng mờ của chính mình. Chậm chạp và thiếu quyết đoán, Subotic thậm chí còn trở thành tội đồ trong trận Der Klassiker 14-15. Anh trực tiếp phạm hai sai lầm dẫn đến hai bàn thắng của Bayern trong chiến thắng 2-1 trước Dortmund.
 
Tổng cộng Subotic chỉ giúp Mainz và Dortmund giành thắng lợi 5 lần trong các cuộc đối đầu với Bayern, nhưng rõ ràng anh là một trong những nhân vật tạo ra dấu ấn đáng nhớ rõ nét nhất.
 
3. Subotic trở thành một trong những cầu thủ được yêu mến nhất ở Dortmund vì phong cách máu lửa trên sân và hoà nhã ngoài đời. Anh còn được biết đến như là một cầu thủ có trái tim ấm áp bậc nhất trong thế giới giới bóng đá.
 
Cứ mỗi hè đến khi các tin đồn chuyển nhượng khuấy đảo các mặt báo bóng đá và các ngôi sao tìm đến những bãi biển ấm áp để thư giãn, Subotic lại lên đường sang châu Phi để giúp người dân ở đây. Anh và các cộng sự lập ra quĩ “Neven Subotic Stiftung”, nhắm vào vấn đề thiết thực ở lục địa đen là nguồn nước sạch. Subotic không chỉ đứng từ xa chỉ đạo hay bỏ tiền ra rồi bỏ đi nghỉ mát, anh ở lại cùng dân làng, bỏ tiền thuê nhân công và mua vật tư đào những giếng nước tập thể để người dân có thể sử dụng.

“Sẽ không có sức khoẻ nếu như không có nước sạch. Không có sức khoẻ thì không thể học tập. Ví dụ tôi không muốn phụ nữ và trẻ em không phải đi bộ 5 hay 6 tiếng mỗi ngày để lấy nước, thay vì đó là chỉ 30 phút. Điều đó sẽ giúp họ có 4 hay 5 tiếng đầu tư thời gian vào việc học tập. Nhưng chúng tôi bắt đầu nghĩ xa hơn. Ở trường trẻ em cần những điều kiện vệ sinh tốt hơn. Chỉ khi đó là không gian riêng tư chúng ta mới không còn cảnh những bé gái không muốn đi học vì phải đi vệ sinh trong sự xấu hổ. Đó là một vấn đề quan trọng. Có bằng chứng cho thấy trẻ em sẽ bỏ học nếu điều kiện vệ sinh không tốt.”
 
Sự nổi tiếng và yêu mến Subotic ở Dortmund đã giúp tổ chức của anh có thêm nhiều thành viên mới là cổ động viên của đội bóng. Họ không chỉ tham gia và quyên góp vì Subotic là người hùng của họ, mà thật sự qua những gì anh làm đã chạm vào trái tim của người hâm mộ.
 
Subotic (áo trắng) bên một giếng mới khoan ở Etiopia
Chính những người trong đội bóng cũng hỗ trợ Subotic hết mình trong việc làm từ thiện. Đội bóng chấp nhận cho anh mang laptop tới sân tập, để mỗi khi kết thúc, Subotic lại ngay lập tức kết nối cùng các cộng sự của mình. Các đồng đội đa số đều bở ngỡ trước hành động của anh nhưng sau dần họ làm quen với việc chàng trai Serbia này có trái tim ấm áp đáng kính phục.
 
4. Một nhân cách kì lạ như Subotic thường sinh ra từ hoàn cảnh không bình thường. Quả thật tuổi thơ ấu của anh không mấy dễ chịu với những năm tháng sống lưu lạc với tư cách của người tị nạn.
 
Subotic sinh ra tại Banja Luka, Nam Tư cũ. Cuộc nội chiến đẫm máu tại quê nhà khiến gia đình trôi dạt đến Bosnia và sau đó Đức. Năm 1999, thị thự cư trú tị nạn của gia đình anh hết hạn và buộc phải lựa chọn phải quay về quê hương hay sang Mỹ tiếp tục sống bên lề xã hội.
 
Cuối cùng gia đình Subotic đổ bộ lên đất Mỹ cùng năm đó, ban đầu là ở Salt Lake, bang Utah. Anh có tham gia những câu lạc bộ bóng đá tại đây nhưng thất vọng vì người Mỹ không đoái hoài gì đến môn thể thao vua của thế giới. Gia đình anh sau đó lại chuyển tiếp sang Bradeton, Florida, nơi có thể giúp cho người chị gái Natalija  theo đuổi sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp.
 
Subọtic lúc này đã ở độ tuổi U17 nhưng chưa từng trải qua môi trường đào tạo chuyên nghiệp dù vẫn nuôi hy vọng trở thành cầu thủ bóng đá. Những buổi tan học, anh đến công viên Bradeton cùng rổ đựng bóng để tập luyện cùng cha Zeljko. Cơ may hy hữu xảy đến với anh khi các HLV U17 Mỹ bắt gặp Subotic tập luyện và chú ý dữ dội.
 
Họ ấn tượng về anh một phần về kĩ năng, nhưng mặt khác là về sự chuyên nghiệp của Subotic ngay cả khi chỉ tự tập luyện. Sau mỗi phần tập sút bóng hay đánh đầu, anh lại chạy hai vòng quanh sân bóng với tốc độ như nhau. Cứ thế lặp đi suốt buổi qua buổi, ngày qua ngày.
 
Subotic thừa nhận đã có lúc nghĩ đến một tương lai ảm đạm với việc trở thành nhân viên của McDonald nếu như HLV phó của U17 Mỹ không đến hỏi chuyện:
 
“Này cậu bé, tên cậu là gì và cậu mong muốn gì nào?”

Họ đưa Subotic vào danh sách U17 Mỹ và anh đều vượt qua các đợt sát hạch khó khăn. Tài năng của Subotic đã giúp anh tham gia chương trình cư trú tài năng của Mỹ, đồng nghĩa trở thành cư dân Mỹ hợp pháp. Sự may mắn của Subotic là thành quả hy sinh của người cha Zeljko trong suốt hơn 10 năm. Ông đã rút ngắn sự nghiệp cầu thủ nghiệp dư của mình, làm rất nhiều việc tay chân trong suốt thời gian ở Mỹ để có thể nuôi hy vọng thể thao của chị em Neven. Chính trong lúc anh tham gia cùng U17 ở trại tập huấn, Zeljko xin làm một chân gác cổng để có thể kiếm tiền và theo dõi con trai mình.
 
Con đường của Subotic trở thành cầu thủ phải nói là dị thường vì anh đi thẳng từ công viên Bradeton đến tuyển U17 Mỹ, cùng họ tham dự giải trẻ tại Hà Lan và lọt vào mắt xanh của tuyển trạch viên từ Mainz. Anh quay lại Đức năm 18 tuổi và tới năm 19 tuổi ra mắt Bundesliga đối đầu cùng Bayern Munich trong trận đấu cuối cùng của mùa giải 2006-07.
 
Câu chuyện về sau là lịch sử..
***
Buổi tiệc nào cũng rồi cũng tàn. Klopp ra đi và Tuchel đến với rất nhiều đổi thay. Những năm tháng rực cháy cùng điệu metal rock với Klopp rồi cũng lùi vào dĩ vãng. Subotic thừa nhận dù luôn hết mình vì những hoạt động từ thiện như bên trong vẫn còn cháy bỏng tinh thần của vận động viên thể thao chuyên nghiệp.
 
“Bóng đá rất quan trọng và tôi không muốn sống thiếu nó. Tôi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ và muốn dù thời gian đó cho bản thân cũng như đội bóng, có được cảm giác mình được cần thiết trên sân và cống hiến hết mình cho đội bóng. Tôi không muốn kiếm tiền bằng cách ngồi dự bị.”
 
Dortmund là ngôi nhà thực sự với Subotic nhưng anh cần ra đi để cháy nốt đoạn cuối sự nghiệp. Không phải MLS hay Trung Quốc với tiền tấn, Premier League là giấc mơ trong suốt những năm tháng tị nạn. Và giờ đây không phải là Old Trafford hay Emirates kiêu hãnh, Subotic sẽ lại thắp lửa ở sân bóng nhỏ bé bình dân hơn. Nhưng điều ấy đâu có thể khiến anh bận tâm, người đàn ông phi thường của thế giới bóng đá!

LUKASZ (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.