Nemanja Vidic, chiến binh từ cuộc chiến hoang tàn Serbia

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Bảy 24/11/2018 11:14(GMT+7)

Zalo

Đã trải qua những gì khủng khiếp nhất của đời người, khi anh đã coi bóng đá là cuộc đời, thì mỗi lần ra sân là sẵn sàng chết vì nó, chiến tranh anh còn không sợ, thì các tiền đạo đối phương có là gì.

Belgrade, Serbia, 21:30 ngày 24/03/1999. Khi những quả tên lửa hành trình Tomahawh đầu tiên của khối quân sự bắc đại tây dương NATO thả xuống lãnh thổ của Serbia, những người Serbia mới nhận ra được rằng, chiến tranh đã thật sự tới ngay dưới bàn chân họ, trên bầu trời là tiếng máy bay gầm thét, và dưới mặt đất chỉ là những đống hoang tàn.
Nemanja Vidic, chiến binh từ cuộc chiến hoang tàn Serbia hình ảnh
Nemanja Vidic, chiến binh từ cuộc chiến hoang tàn Serbia
Cuộc chiến 78 ngày đêm mà phương Tây mang đến cho quốc gia ở Nam Âu này, dù chỉ chưa đến 3 tháng ngắn ngủi, đã đem đến những hậu quả khủng khiếp. Hơn 20.000 thường dân đã chết và bị thương, hàng ngàn công trình bị phá hủy, thiệt hại ước tính lên đến hơn 100 tỷ USD.
 
Những người dân Serbia, những người đã sống trong những ngày tháng chiến tranh, chưa bao giờ có thể quên đi những tháng ngày kinh hoàng đó. Nó là một vết sẹo không bao giờ lành hẳn, từ đó tạo ra một thế hệ người Serbia rất khác sau này. Trong những đống đổ nát trên đường phố Belgrade ngày đó, có một chàng trai trẻ của Sao Đỏ, cảm thấy may mắn khi không phải thiệt mạng trong nhưng cuộc ném bom, khi mỗi sáng ra khỏi hầm trú ẩn là một cuộc điện thoại về nhà, để biết chắc rằng người thân của anh vẫn còn sống, tên anh là Nemanja Vidic.
 
Những ngày sống giữa bom đạn đó đã hình thành nên cá tính của chàng trai trẻ Serbia này. Khi giờ đây để nhắc đến tên anh, 19 năm sau khi cuộc chiến tranh Nam Tư kết thúc, 2 năm sau khi anh giải nghệ. Chỉ là cái ngả đầu thán phục trước những gì anh đã từng cống hiến.
 
Image result for nemanja vidic young

Sự nghiệp đỉnh cao của Nemanja Vidic thật sự chỉ gói gọn trong 8 năm ở Manchester United. Bắt đầu từ một ngày mùa đông năm 2016. Khi Sir Alex Fegurson mang anh về với quỷ đỏ thành Manchester bằng một quyết định chớp nhoáng. Trước khi nhận được cuộc gọi từ Sir Alex, Vidic đã có cuộc trò chuyện ngắn ngủi với… Rafa Benitez, huấn luyện viên của Liverpool lúc bấy giờ. Sau cuộc gọi, Benitez lặng im suốt mấy tuần, thế là tới lượt Alex Ferguson. “ Ông ấy nói rất thích tôi, đã xem tôi thi đấu, và đã chọn một vị trí cho riêng tôi rồi. So với sự mập mờ của Liverpool, thì sự rõ ràng của Fergie là một thông điệp chắc chắn hơn rất nhiều, cuối cùng mọi thứ được gút lại trong 3 ngày “
 
Ba ngày ngắn ngủi đó là ba ngày để tạo nên một trong những bản hợp đồng thành công nhất lịch sử đội bóng thành Manchester. Khi chàng trai 25 tuổi khi đó trở thành một trong những huyền thoại của câu lạc bộ. Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng thành công chỉ tự đến với Vidic, đó chắc chắn là một sự nhầm lẫn lớn. Đến quỷ đỏ từ một giải bóng đá ít cạnh tranh hơn rất nhiều ( Anh chuyển đến từ Spartak Moskva)  chưa bao giờ là một điều dễ dàng, nhất là khi anh lại đến ở kỳ chuyển nhượng mùa đông, khi mọi chuyện đã bắt đầu từ 6 tháng trước.
 
“Tôi không đủ thể lực, tôi không đủ nhanh, đủ khỏe để có thể bắt đầu ngay lập tức với đội bóng, đó là những ngày khó khăn”. Nhưng với một người như Vidic, làm sao khó khăn có thể ngăn cản anh vươn lên được. Anh từ từ tiến vào đội hình chính thức của quỷ đỏ, cùng với Patrice Evra ( người đến MU cùng lúc với anh). Để rồi không bao giờ nhìn lại phía sau nữa.
 
Thời kỳ đỉnh cao, Vidic được xem như là một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới. Cùng với Rio Ferdinand, chiến binh đến từ Serbia này đã tạo thành một bức tường vững chãi để bảo vệ mành lưới của MU. Sự mạnh mẽ, kiên định và máu lửa của Vidic kết hợp với lối đá bọc lót, đầu óc của Rio luôn khiến cho các Manucians cảm thấy an tâm dù cho đối phương có là ai. Vóc dáng cao lớn, đôi mắt luôn rực sáng như muốn nuốt chửng đối phương, cùng với phong thái lãnh đạo của Vidic không những khiến đội nhà an tâm mà còn khiến đối phương luôn phải khiếp sợ khi đối mặt với MU và chính anh.
 
Hơn 8 năm ở Old Trafford, Nemanja Vidic có tất thảy 15 danh hiệu lớn nhỏ. Trước khi anh đến. quỷ đỏ có 3 năm trắng tay ở giải ngoại hạng Anh. Sau khi anh đến, MU có ba chức vô địch liên tiếp, và khi anh đi, anh rời Manchester với 5 Premier League trong tay.
 
Manchester United những ngày đó thật đẹp, ở hàng phòng ngự họ có Edwin Van Der Sar trong khung gỗ, Vidic cùng Rio án ngữ ở phía trên. Đôi cánh Neville và Evra. Phía trên là Paul Scholes, Carrick cùng với bộ ba nguyên tử Ronaldo, Rooney và Carlos Tevez. Đỉnh cao của đội hình này là mùa giải 2007-2008 lịch sử. Khi MU giành được cả chức vô địch ngoại hạng Anh lẫn Champions League. Sau đó là một chiếc cúp nữa ở World Cup các câu lạc bộ.
 
Image result for nemanja vidic pinterest

Đã trải qua những gì khủng khiếp nhất của chiến tranh, nên những gì mạnh mẽ nhất gần như tồn tại trong chính con người của Vidic. Lần gần nhất các Mancunians thấy một cầu thủ của quỷ đỏ đổ máu là bao lâu? Thật khó để có câu trả lời. Với họ, hình ảnh người cựu đội trưởng đầu bê bết máu, sau những pha lao đầu vào chiếm lĩnh những khoảng không, xông thẳng vào đối thủ dù có ra sao đi nữa mãi là những ký ức thật đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Sir Alex lại giao tấm băng đội trưởng MU cho Vidic từ Gary Neville, khi trong đội hình vẫn còn đó những Rio, Giggs, Scholes... Ông nhìn thấy phẩm chất chiến binh từ trong chàng trai ấy, người có thể quên cả thân mình để bảo vệ cả đội bóng, chắc chắn phải là người xứng đáng nhất. Nếu ai nói với Vidic về sự sợ hãi, anh sẽ đáp lại “ không bao giờ”.
 
Không ai có thể nhớ hết những lần mà Vidic đã đổ máu vì đội bóng thành Manchester, cũng như trong suốt sự nghiệp của mình, máu đổ chưa bao giờ là vấn đề quá lớn đới với anh. “Tôi sống ở Belgrade, chúng tôi được thông báo bom sẽ nổ một ngày trước chiến tranh, chúng tôi ở dưới đường hầm suốt một đêm, tiếng còi báo động và tiếng vang của những vụ nổ thật chẳng dễ chịu chút nào” Vidic chia sẻ về những ngày ở Belgrade. Đối với một người đã trải qua những thời khắc chiến tranh kinh hoàng như thế, thì máu đổ vì đội bóng có xá là gì đâu.
 
Bóng đá Serbia, trong thế hệ của Vidic, ai cũng cảm nhận được những mất mát mà chiến tranh đã gây ra, nên đối với họ, được chơi bóng với niềm đam mê đã là một đặc ân. Điều đó đã tạo ra những chàng trai Serbia rất riêng, hãy nhìn những Vidic, Aleksandar Koralov, Branislav Ivanovic…bạn sẽ thấy ở họ những điểm chung, đó là chẳng bao giờ biết đầu hàng, một tinh thần máu lửa luôn thường trực trên đôi chân họ.
Related image

Năm 2009, khi đội tuyển Serbia tập trung ở Kosovo, khi Fergie có vẻ lo lắng về chuyến đi của cậu hậu vệ con cưng, Vidic chỉ đáp gọn lõi “Tôi sẽ đi đến đó, vì đó là nhiệm vụ, Serbia là đất nước tôi” . Vidic luôn là thế, nơi mà kẻ khác còn không dám nhìn vào, anh sẽ đến đó với một cái đầu ngẩng cao.
 
Ẩn sâu bên trong con người của Vidic là một trái tim ấm áp, khác với cái vẻ bề ngoài bặm trợn máu lửa trên sân. Là thủ quân của Sao Đỏ khi chỉ mới 21 tuổi, và giành được tất cả các danh hiệu quốc nội với đội bóng quê hương, Vidic không bao giờ quên về những gì ở đó, đặc biệt là với Vladimir Dimitrijevic, người bạn thân từ thuở thiếu thời của anh. “Cậu ấy với tôi thân thiết như anh em, hai đứa đều xa nhà cùng san sẻ mọi thứ với nhau, cùng một ước mơ và cùng chung một màu áo. Ngày chiếc xe cứu thương đưa cậu ấy đi sau cơn trụy tim và không bao giở trở lại, trái tim tôi gần như vỡ tan”.
 
Cho đến tận bây giờ Vidic vẫn giữ mối liên hệ với bố mẹ Vladimir, lập cho họ một sổ tiết kiệm 126.000 Euro, chăm sóc họ và chia sẻ những vấn đề tài chính. Thế giới mấy ai được như Vidic, khi những giá trị tình cảm là bền vững, tiền bạc có là vấn đề gì đâu.
 
Image result for nemanja vidic pinterest

Mùa hè 2014, Nemanja Vidic chính thức chia tay đội bóng chủ sân Old Trafford, đối với anh. Khi không còn có thể cống hiến tốt nhất cho đội bóng, anh quyết định ra đi. Với các cổ động viên của quỷ đỏ, họ đã chia tay rất nhiều huyền thoại theo những cách khác nhau. Nhưng với người cựu đội trưởng, cuộc chia tay đó là đúng chất nhất. Khi anh kết thúc những ngày ở Manchester bằng một cái đầu đầy máu, trong trận đấu với Southampton sau pha lao vào tranh chấp cùng Rickie Lambert. Hình ảnh ấy đắt giá hơn cả vạn nụ cười. Cái chất của người đội trưởng, là không thể mai một, khi nó đã là bản sắc con người anh và đó cũng chính là bản sắc những tháng năm hào hùng của quỷ đỏ.
 
Với Vidic, Old Trafford luôn là nơi mà anh dành trọn tình cảm của mình. Khi được hỏi cảm thấy như thế nào khi được nghe các khán đài hát vang câu hát “ Nemanja, wooah, anh đến từ Serbia, anh là tên sát nhân”, anh cho biết. “ Tôi có nghe. Tôi thích lắm, tôi chẳng giết ai cả, người Serbia cũng chẳng giết ai, nhưng tôi trân trọng bài hát mà họ dành cho tôi. Ở những nơi tôi từng đi qua, fans sẽ chửi bạn sau ba trận không thắng. Ở Manchester, họ không vô địch 2-3 mùa mà vẫn ủng hộ cầu thủ hết mình. Họ vẫn hát tặng những cầu thủ lớn tuổi, vẫn hát khi đội đang thua. Các cầu thủ rất cần những cđv như vậy, để vượt qua tất cả.”
 
Sau khi chia tay quỷ đỏ, Vidic có thêm hơn một năm thi đấu cho Inter Milan trước khi giải nghệ. Khác với các cầu thủ khác, Vidic không cần một cuộc chia tay ồn ào hay đại loại như thế. Anh dừng lại sau khi cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa vì những chấn thương. Anh có thể chọn một đội bóng ở Premier League để chơi bóng, hay vượt đại dương để đến Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng nếu như thế, đó không còn là anh nữa. Với một chiến binh như anh, việc phải làm bạn với bệnh viện hay ghế dự bị là không chấp nhận được. Thay vì trở thành gánh nặng, anh chọn cách ngẩng cao đầu ra đi.
 
19 năm sau cuộc khi cuộc chiến Serbia kết thúc, có những ký ức sẽ không thể xóa nhòa, mặc dù những đống đổ nát của cuộc chiến đã được thay bằng những công trình hiện đại hơn. Trên những đường phố ở Belgrade ngày nay, người ta có thể bắt gặp những hình ảnh của Novak Djokovic và Nemanja Vidic. Những người con Serbia tiêu biểu đã vươn len mạnh mẽ từ đấng bi kịch ấy.
 
Image result for nemanja vidic pinterest

Mới chỉ 2 năm kể khi chiến binh Vidic giải nghệ, và 4 năm kể từ ngày anh rời Manchester, các cổ động viên của quỷ đỏ chắc hẳn đang rất nhớ một người như anh. Chiếc áo số 15 mà anh từng mặc tới giờ này vẫn chưa có ai có thể mặc vừa. Trong một mớ hỗn độn ở Old Trafford lúc này, thật khó có thể tìm ra được một người có tố chất như Vidic.

Chỉ cần có anh trên sân, các Mancunians có thể an tâm rằng đội bóng của họ sẽ không phải thiếu động lực. Có anh trên sân, họ sẽ không phải thấp thỏm lo âu về những sai lầm bất chợt có thể xảy ra. Có anh trên sân, họ sẽ không phải nghi ngờ về sức chiến đấu của đội bóng. Vì với anh, người đã từng sống giữa lằn ranh cái chết và sự sống. Đã trải qua những gì khủng khiếp nhất của đời người, khi anh đã coi bóng đá là cuộc đời, thì mỗi lần ra sân là sẵn sàng chết vì nó, chiến tranh anh còn không sợ, thì các tiền đạo đối phương có là gì.

HƯNG TRẦN (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow