Nemanja Matic: Con quái vật giản dị

Tác giả Ole - Thứ Ba 02/08/2016 10:39(GMT+7)

“Đừng hỏi tôi về chuyện tiền bạc. Tôi thậm chí còn chẳng biết trong hợp đồng giữa mình với Chelsea có những gì. Trong một phút duy nhất, tôi đã quyết định trở lại Premier League chỉ bởi vì tôi cảm thấy khi đó là thời điểm phù hợp. Đối với cá nhân tôi, tiền không bao giờ là điều quan trọng nhất”, đích thân Matic đã chia sẻ như vậy sau khi phải đón nhận những lời chỉ trích từ phía báo giới, trước quyết định rời Benfica để gia nhập The Blues.
Nemanja Matic là một con quái vật mà Chelsea may mắn có được
TRƯỞNG THÀNH TỪ NỖI ÁM ẢNH CHIẾN TRANH
Sinh ra tại Sabac, một thành phố ở miền Tây Serbia nằm khá gần biên giới Bosnia và Croatia, cậu bé Nemanja Matic ngay từ khi còn nhỏ đã phải nếm trải sự khắc nghiệt của khói lửa chiến tranh. Năm 1999, thời điểm mà quân đội Mỹ và Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương-NATO quyết định tiến hành ném bom Liên bang Nam Tư đang đặt trong tình trạng nội chiến giữa các phe phái, hàng ngàn người dân vùng Balkan đã rơi vào tình cảnh mất nhà mất cửa, gia đình ly tán. Sau khi kết thúc giai đoạn chiến loạn triền miên, Matic và người thân đều chính thức trở thành công dân Serbia, tuy nhiên những ký ức về một thời kỳ bom đạn vẫn luôn là nỗi ám ảnh khó phai trong tâm trí chàng trai sinh năm 1988 này.
“Cuộc sống tại Nam Tư ngày ấy không hề bình yên chút nào, vì chiến tranh nổ ra liên tục. Ký ức lớn nhất vẫn còn lưu lại trong tôi chính là những cuộc không kích của quân đội Mỹ vào năm 1999. Khi ấy, tôi mới chỉ 12, 13 tuổi và chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra nữa. Thậm chí, ngay cả cha tôi cũng không thể giải thích được mọi thứ. Cho đến tận bây giờ, những khoảng khắc đầy sóng gió ấy vẫn luôn đi theo tôi như một điều gì đó không bao giờ quên được, trong suốt cuộc đời của mình”.
Matic trưởng thành trong màu áo của Kosice
Là một con người từng được tôi luyện qua bão lửa chiến tranh từ nhỏ, tính cách phiêu lưu dường như đã trở thành một phần bản chất của Matic. Sau khi trải qua mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (2005/2006) trong màu áo CLB quê hương Kolubara, cầu thủ người Serbia đã quyết định di chuyển lên phương Bắc để gia nhập MFK Kosice, một đội bóng bình thường ở Slovakia. Khoảng thời gian sau đó, Matic lại tiếp tục cuộc hành trình đến Anh quốc, Hà Lan và Bồ Đào Nha, trước khi tái xuất trở lại Chelsea vào năm 2014, nơi HLV Jose Mourinho biến anh trở thành một trong những tiền vệ phòng ngự hay nhất châu Âu.
Bất chấp việc phải chịu đựng nỗi khổ chiến tranh từ sớm, thế nhưng Matic vẫn luôn tỏ ra hết sức lạc quan khi nói về tuổi thơ của mình. “Thời thơ ấu trong tôi là những kỷ niệm đẹp. Tôi được học hành giống như các bạn cùng trang lứa, được chơi bóng như những đứa trẻ khác. Cho dù chiến tranh loạn lạc xảy ra nhưng tôi vẫn luôn tự hào là một người Serbia. Đất nước của chúng tôi là một mảnh đất hiền hòa và xinh đẹp”.
KẺ DU MỤC ĐẾN ĐỈNH CAO THẾ GIỚI
Tháng Tám năm 2009, ban lãnh đạo Chelsea đồng ý chi 1,5 triệu bảng cho MFK Kosice để đón Nemanja Matic về sân Stamford Brige. Tuy nhiên, đây cũng chính bước ngoặt mở đầu cho cuộc đời phiêu bạt của ngôi sao người Serbia. Sau khi dính chấn thương ở giải U21 châu Âu, tiền vệ sinh năm 1988 này tiếp tục phải nếm trải thân phận “người thừa” tại The Blues. Để rồi mùa Hè 2010, Matic phải gia nhập Vitesse dưới dạng cho mượn. “Khi ấy tôi không hề cảm thấy ức chế hay hối hận gì cả. Dẫu sao thì điều quan trọng nhất đối với các cầu thủ trẻ chính là việc được ra sân. Do đó, tôi nghĩ rằng Vitesse sẽ mang đến cho tôi nhiều cơ hội mới”, Matic nhớ lại.
Cần phải nhấn mạnh rằng, cầu thủ người Serbia từng khởi nghiệp trong vai trò của một “số 10”. Chính bởi vậy, cũng rất khó để Matic có thể cạnh tranh vị trí chính thức tại sân Stamford Bridge, trước sự xuất hiện của nhiều tiền vệ tấn công đẳng cấp như Frank Lampard, Juan Mata hay sau này là Oscar… Tháng Giêng năm 2011, Matic trở thành một phần của bản hợp đồng chiêu mộ David Luiz giữa Benfica và Chelsea. Cuộc đời du mục của chàng trai 22 tuổi khi ấy tiếp tục chuyển tới đất nước Bồ Đào Nha. Mặc dù vậy, số phận của Matic chỉ thực sự thay đổi vào thời điểm anh được gặp mặt HLV Jorge Jesus. Ngay trong buổi tập đầu tiên ở sân Da Luz, vị chiến lược gia người Bồ đã nói với Matic: “Cậu, sẽ chơi tiền vệ phòng ngự”, một cú sốc thực sự dành cho ngôi sao gốc Nam Tư. “Lúc đó, tôi đã tưởng rằng ông ấy đang nói người khác, nhưng cuối cùng thì ông ấy gật đầu”. Khoảng thời gian sau này, trước sự hướng dẫn tận tình của Jorge Jesus cũng như sự kèm cặp từ phía đàn anh Javi Garcia, dần dần Matic đã trưởng thành dưới vai trò của một chuyên gia đánh chặn thực thụ.
Yaya Toure bị khóa chặt bởi chàng chiến binh Đông Âu
Bỏ lại sau lưng tất cả những ước mơ về một “trequartista” hào hoa và lãng mạn, tiền vệ sinh năm 1988 trở thành chiếc mỏ neo không thể thay thế trong sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1 của Benfica. Để rồi, đến kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm 2014, Chelsea chấp nhận “cắn răng” bỏ ra 22 triệu bảng để mang Matic về London thêm một lần nữa. Rất nhanh chóng, ngôi sao người Serbia cũng chứng tỏ mình chính là nhân tố quan trọng bậc nhất dưới triều đại thứ hai của Mourinho tại The Blues. Với nền tảng thể hình, chiều cao lý tưởng, sở hữu sức mạnh vượt trội trong các tình huống tranh chấp tay đôi, cộng thêm khả năng càn quét đáng kinh ngạc đồng thời sẵn sàng làm thêm cả nhiệm vụ phân phối bóng từ xa, Matic từng khiến cho cả Yaya Toure trong giai đoạn đỉnh cao phải… tắt điện. Bản thân HLV Mourinho, cũng tỏ ra hết sức hài lòng về những màn trình diễn xuất sắc của cậu học trò cưng: “Tôi nghĩ rằng Matic chính là một con quái vật”.
Mùa giải 2014/2015 đã chứng kiến một Nemanja Matic với phong độ đỉnh cao và góp công lớn vào chức vô địch Premier League của Chelsea. Cùng với Cesc Fabregas ở trung tâm hàng tiền vệ, hai cầu thủ này đã tạo nên bộ đôi hay nhất giải Ngoại hạng Anh vào thời điểm bấy giờ. Hơi đáng tiếc cho Matic bởi ngay sau khi khẳng định được tài năng chín muồi, cầu thủ người Serbia lại thi đấu sa sút trong mùa giải năm ngoái. Tất nhiên, xét trên nhiều phương diện, cuộc khủng hoảng của The Blues cũng bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, chứ không đơn thuần chỉ là sự chỉ trích dành cho bất kỳ một cá nhân nào. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, Matic vẫn đang là một trong những tiền vệ mỏ neo chất lượng nhất thế giới. Ở độ tuổi 27, cựu cầu thủ Benfica hoàn toàn có thừa phẩm chất và cơ hội để nâng tầm sự nghiệp của mình lên một đỉnh cao mới.
THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ SỰ GIẢN DỊ
Mang trên mình một gương mặt đàn ông và góc cạnh, Matic quá hiểu giá trị của cuộc sống bình yên sau những cơn biến loạn chiến tranh. Dù là ở Hà Lan, Bồ Đào Nha hay nước Anh, tiền vệ người Serbia đều coi gia đình là ưu tiên số một của mình. Trong những ngày nghỉ phép, Matic vẫn thường dành trọn vẹn thời gian để đưa cô vợ Aleksandra xinh đẹp và cậu con trai bé nhỏ đi chơi công viên hoặc dã ngoại. Người bạn thân nhất của anh chính là Branislav Ivanovic, một người đồng hương gốc Nam Tư cũ. Có lẽ cũng vì đều trưởng thành qua khói lửa bom đạn nên họ lại càng đồng cảm và gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.
Chức vô địch của Chelsea có dấu ấn rất lớn của cầu thủ số 21
Là một cầu thủ nổi tiếng nhưng Matic hiếm khi nào khoe mẽ về bản thân mình. Trước báo giới, anh thường tỏ ra khiêm tốn và chia sẻ cảm xúc nhiều hơn. Chính bởi vậy, từ Vitesse, Benfica cho đến Chelsea, cầu thủ sinh năm 1988 luôn được các CĐV yêu mến. Điều quan trọng là mỗi khi bước ra sân thi đấu, Matic vẫn sẵn sàng làm hết mình vì chiến thắng của đội nhà, chẳng khác nào một người lính dám hy sinh vì Tổ quốc trong chiến tranh. Sự giản dị cũng chính là thứ tính cách đặc trưng nhất làm nên một hình ảnh Matic đầy thầm lặng như bây giờ. Không có được khởi đầu tốt đẹp giống như phần nhiều ngôi sao bóng đá khác, nhưng rồi bằng bản lĩnh kiên cường cũng như phẩm cách bình dị, tiền vệ gốc Nam Tư cuối cùng đã tìm thấy thành công.
Thời điểm hiện tại, Matic được mệnh danh là một “hòn đá tảng” trong đội hình Chelsea, nhưng mấy ai hiểu rằng đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ và phong trần của ngôi sao sinh năm 1988 này, chính là một chặng đường in hằn những vết sẹo của nghị lực. Trưởng thành từ những nỗi khó khăn, thật dễ hiểu vì sao khi Matic luôn chấp nhận sống khiêm nhường và biết điều hơn bao giờ hết. Hôm nay, Matic tròn 28 tuổi, độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Và có lẽ trong chặng đường tìm lại ngôi vương, Chelsea sẽ vẫn cần đến con quái vật ở tuyến giữa của mình.

►  Xem thêm tin tức Cup C1 Châu Âu và bảng xếp hạng C1 mới nhất

OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?