Monchi: Sói già thành Seville

Tác giả CG - Thứ Hai 15/05/2017 19:39(GMT+7)

“Xin cảm ơn khi được làm việc cùng ông và cảm ơn những gì ông đã làm cho CLB … Tôi mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông dù ông có đi bất cứ nơi đâu, người mà tôi yêu quý! Mãi mãi là Sevilla Football Club!”
 
Monchi: Sói già thành Seville
Đó là những gì mà Dani Alves - cầu thủ mới đây đã tỏa sáng và lọt vào trận chung kết Champions League cùng với Juventus - viết trên tài khoản Instagram của mình hơn một tháng trước dành cho người đã chắp cánh cho anh có được ngày hôm nay. Người đàn ông đó không ai khác chính là Ramón Rodríguez Verdejo hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn, Monchi.

Nếu như huấn luyện viên là người quyết định vấn đề chiến thuật trên sân thì với cương vị giám đốc thể thao của mình, Monchi là người đã đề ra đường hướng phát triển, tuyển mộ nhân sự của câu lạc bộ. Và câu chuyện về Monchi là câu chuyện về một người quản lý trẻ tuổi đã chấp nhận ở lại cùng với “con tàu đắm” mang tên Sevilla trong những ngày gian khó để rồi biến họ trở thành một trong những đội bóng thành công hàng đầu châu Âu trong nhiều năm trở lại đây.

ONE-CLUB MAN VÀ CHÀNG THỦ MÔN 10 NĂM SẮM VAI KÉP PHỤ

Nhắc tới một one-club man (cầu thủ chỉ đá duy nhất cho một đội bóng trong suốt sự nghiệp), người ta thường hay nghĩ tới những Franco Baresi, Paolo Maldini, Ryan Giggs,… những cầu thủ thi đấu trong những đội bóng tên tuổi và gặt hái được nhiều thành tựu. Thực tế là trong thế giới bóng đá còn rất nhiều những one-club man khác và vì nhiều lí do mà chúng ta không thể biết, để ý hoặc đôi khi là lãng quên họ. Người đàn ông 48 tuổi mà chúng ta đang nhắc tới đây cũng là một trường hợp như thế.

Monchi sinh ra tại thị trấn San Fernando, thuộc tỉnh Cádiz, xứ Andalusia cách khoảng hai giờ đồng hồ chạy xe tới thành phố Seville. Quãng thời gian tuổi niên thiếu của ông gắn với việc tập luyện và thi đấu trong vai trò thủ môn ở các cấp độ trẻ của học viện bóng đá Sevilla FC, nơi ông đã tạo được đôi chút những ấn tượng với các huấn luyện viên. Mùa giải 1988/1989, Monchi được có tên trong danh sách thi đấu của Sevilla Atlético hay còn gọi là Sevilla B tại giải hạng ba Tây Ban Nha. Phần thưởng đến với chàng trai trẻ trong mùa hè 1990 khi Monchi được chính thức đôn lên đội một Sevilla và tranh tài ở La Liga.

Thế nhưng, nói một cách có phần “tàn nhẫn” thì đó gần như là tất cả những thành tựu đáng chú ý nhất của ông trong sự nghiệp cầu thủ của mình (có chăng đáng chú ý hơn một chút thì là cái danh xưng one-club man kia và việc được Diego Maradona tặng một chiếc đồng hồ hiệu Cartier sau khi huyền thoại Argentina phát hiện ra đồng người đồng đội của mình đeo một chiếc Rolex giả). Đời cầu thủ chẳng ai muốn phải đóng vai kép phụ, một cầu thủ dự bị cả. Với một cầu thủ thi đấu ở những vị trí bình thường đó đã là một điều chẳng lấy gì làm thoải mái, với một thủ môn thì đó càng là một “cực hình” (hãy hỏi José Manuel Pinto hoặc Tom Starke để biết thêm).
Monchi - thủ môn của Sevilla
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Monchi đã không ngần ngại gọi một cách vui vẻ về bản thân suốt quãng thời gian đó là một “con khỉ cuối cùng: thủ môn dự bị 23 tuổi”. Là một người gác đền nhưng Monchi phải đóng vai trò dự bị cho thủ thành số một cho Juan Carlos Unzué, người hiện đang là trợ lý của huấn luyện viên Luis Enrique tại Barcelona. Một câu chuyện đáng chú ý là trong trận đấu ra mắt vào năm 1991, dù đã bị trật khớp ngón tay thế nhưng Monchi nhất quyết vẫn không chịu để bị thay ra vì nghi ngờ vào việc mình không còn có thể xuất hiện trên sân trong một khoảng thời gian nữa.

Sự nghiệp quần đùi áo số của ông khép lại vào năm 1999 ở tuổi 30, chấm dứt quãng thời gian 10 năm khoác áo Sevilla với vị trí “thủ môn dự bị” không còn gì buồn chán hơn. Tổng cộng Monchi chỉ có vỏn vẹn 85 lần được ra sân thi đấu.

CON SÓI THÀNH SEVILLE

Kết thúc một cuộc hành trình đôi khi chẳng phải là một cái gì đó quá ghê gớm mà đó chỉ là chẳng nghỉ để mở ra một hành trình khác mà thôi. Giải nghệ sớm ở tuổi 30, khép lại sự nghiệp cầu thủ chẳng mấy vinh quang và nổi bật của mình, có thể thấy sự khôn ngoan của Monchi được thể hiện ở chính hành động đó. Trong quãng một năm sau khi ông giải nghệ, Sevilla phải xuống hạng vào cuối mùa giải, trong khi đó Monchi quyết định đi học luật trong một thời gian ngắn. Đó như là bước đệm cần thiết cho những cú hích sau này.

Đứng trước tương lai bất định và sự khủng hoảng tài chính của mình, Sevilla quyết định đi một bước đi táo bạo. Năm 2000, họ bổ nhiệm Monchi trở thành tân giám đốc thể thao của câu lạc bộ. Không rõ ban lãnh đạo của Sevilla chờ đợi điều gì từ một giám đốc thể thao vừa mới từ giã sự nghiệp thi đấu và còn khá trẻ như vậy nhưng chỉ biết rằng, quyết định của họ đã đúng. Trước khi Monchi ngồi vào chiếc ghế ấy, đội bóng xứ Andalusia chỉ giành được bốn danh hiệu kể từ khi thành lập và trong vòng 52 năm trước thời điểm đó, họ hoàn toàn trắng tay. Thế nhưng 17 năm sau thời điểm mang tính bước ngoặt với cả Sevilla và Monchi ấy, câu lạc bộ giành năm chức vô địch Europa League (trong đó có ba năm liên tiếp 2014, 2015, 2016), hai Cúp Nhà vua, một Siêu cúp Tây Ban Nha và một Siêu cúp châu Âu. Nếu người ta đong đếm sự thành công bằng những danh hiệu thì rõ ràng, Sevilla dưới kỉ nguyên Monchi đã rất thành công.
Monchi thành công với bốn chữ "Mua rẻ bán đắt"

Nhưng chỉ những danh hiệu đâu là đủ khi nhắc về người đàn ông này. Nổi tiếng với biệt danh El Lobo de Sevilla (Con Sói của Seville), ẩn sau mái đầu trọc lốc kia là một bộ não biết tính toán và làm việc hiệu quả, biết lập kế hoạch cụ thể. Đứng trước tương lai bất định và sự khủng hoảng tài chính đầu những năm 2000, đội bóng chủ trương phải phát triển những tài năng “cây nhà lá vườn” từ các cấp độ đội trẻ và xây dựng một mạng lưới tuyển trạch rộng khắp trong và ngoài Tây Ban Nha. Những tài năng đi lên từ đội trẻ như Sergio Ramos, Jesús Navas, José Antonio Reyes hay các cầu thủ được tuyển mộ từ khắp nơi như  Dani Alves, Ivan Rakitić, Seydou Keita đều là lời bảo chứng cho thành công của chính sách này. Dani Alves từ một cầu thủ 19 tuổi vô danh cập bến Sánchez Pizjuán với mức giá 200 ngàn euro và rời đội bóng bằng phí chuyển nhượng 36 triệu euro. Mua rẻ và bán đắt, Sevilla vẫn cứ luôn như vậy suốt 17 năm qua và họ vẫn đang thành công.

Trong bài phỏng vấn cách đây một năm, Monchi đã chia sẻ với nhà báo Sid Lowe của The Guardian về cách mà ông cùng các đồng sự tuyển trạch cầu thủ. “Có 16 người sẽ bao quát một loạt các giải đấu.” Monchi cho biết. “Trong năm tháng đầu tiên, chúng tôi xem nhiều trận bóng đá nhưng không có mục đích cụ thể: chúng tôi chỉ thu thập dữ liệu thôi. Hàng tháng chúng tôi tạo ra một đội hình lý tưởng cho mỗi giải đấu. Sau đó đến tháng 12, chúng tôi bắt đầu theo dõi các cầu thủ mà thường xuyên xuất hiện ở các bối cảnh khác nhau - sân nhà, sân khách, cấp đội tuyển quốc gia - để xây dựng hồ sơ lớn nhất có thể.”

Rồi ông rút điện thoại của mình ra, làm nhỏ kích thước hình ảnh để không thể nhìn thấy tên cầu thủ. Đó là một bảng tính có mã mầu biểu thị vị trí các cầu thủ. Trong đó có khoảng 250 mục tiêu tiềm năng ở tất cả các vị trí. Giám đốc thể thao của Sevilla vào thời điểm đó nói thêm: “Điều đó cho chúng tôi cái này đây. Huấn luyện viên sẽ bảo: ‘Tôi muốn một hậu vệ trái mà có thể di chuyển trung bình 11km/trận, chạy tốc độ tối đa là 800m, sử dụng được cả hai chân.’ Và từ đây, có 10 người sẽ phù hợp với tiêu chí đó.”
Monchi và Nasri

PHƯƠNG TRỜI XỨ LẠ VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM THỬ THÁCH

“Sự thành công từ những cuộc tuyển trạch của chúng tôi là nguồn sức mạnh chính,” Unai Emery, cựu huấn luyện viên trưởng Sevilla từng nhận định. “Monchi có con mắt thần kì với các tài năng và làm việc thật sự cật lực để có được một cách nhanh nhất bất cứ khi nào một gương mặt tiềm năng được xác định. Ông ấy luôn tuyệt đối nhẫn nại.”

Sau 17 năm gắn bó trên cương vị giám đốc thể thao với những thành công và hơn 30 năm sự nghiệp bóng đá với đội bóng từ thưở thiếu thời, Monchi quyết định đi tìm một thử thách mới. Ngày 25/4 vừa qua, câu lạc bộ AS Roma đã chính thức xác nhận ông sẽ gia nhập đội bóng thủ đô Italia trên cương vị giám đốc thể thao. Sẽ là một tương lai tươi sáng và đầy hứa hẹn cho Giallorossi sau những danh tiếng và thành công mà vị tân giám đốc của họ gây dựng được cùng đội bóng cũ.
Với đội bóng xứ Andalusia, đơn giản ông đã là một huyền thoại
Còn với đội bóng xứ Andalusia, đơn giản ông đã là một huyền thoại. Gloria Eterna Leyenda Sevillista (Huyền thoại Sevilla, vinh quang bất tử), một tấm biểu ngữ đã được giương lên trong trận đấu với Deportivo La Coruña ở vòng 31 La Liga trên sân Sánchez Pizjuán. Cùng với đó là một thước phim được chiếu trên màn hình lớn tóm lược lại những năm tháng của Monchi tại đây và chín chiếc cúp mà đội bóng giành được trong nhiệm kì của ông được đặt giữa sân vận động. Monchi bước ra sân, mặc chiếc áo số 16 của tiền vệ quá cố Antonio Puerta và vẫy tay chào tạm biệt nơi mà ông đã gắn bó gần nửa cuộc đời mình. Những giọt nước mắt đã rơi. Nơi khóe mắt Monchi và các cổ động viên.

Một khoảng trống sẽ xuất hiện ở Sánchez Pizjuán. Nhưng cuộc đời vốn chẳng có gì là mãi mãi. Sevilla sẽ cần phải vượt qua quãng thời gian này và Monchi cần một thử thách khác trong cuộc đời. Xin chúc ông sẽ thành công ở một chân trời mới, một đội bóng mới như ông đã từng làm được tại xứ Andalusia.

CG (TTVN)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.