Mối quan hệ vụn vỡ giữa Wilfried Zaha và ĐT Bờ Biển Ngà

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 21/01/2024 14:39(GMT+7)

Khi đội chủ nhà Bờ Biển Ngà gục ngã trước Nigeria trong trận đấu diễn ra rạng sáng ngày 19/1 tại vòng bảng AFCON 2024, một trong những cầu thủ nổi bật nhất của họ, Wilfried Zaha lại đang ở cách đó hơn 4.800 km.

 

Theo đó, cầu thủ đang chơi cho Galatasaray đã bị nhà cầm quân người Pháp, Jean-Louis Gasset gạch tên khỏi danh sách ĐT Bờ Biển Ngà dự giải AFCON năm nay. Vì thế, thay vì đối đầu với Nigeria trước 60.000 người ở Abidjan, thành phố nơi Zaha sinh ra, anh lại ngồi dự bị trong trận đấu giữa Galatasaray và CLB hạng 2 Umraniyespor ở Turkish Cup. 

Vậy tại sao Zaha và Bờ Biển Ngà lại “đường ai nấy đi” ở giải đấu lớn nhất châu Phi?

Zaha chỉ mới 4 tuổi khi gia đình anh chuyển từ Bờ Biển Ngà đến London sinh sống. Cựu cầu thủ Crystal Palace đã đại diện cho nước Anh ở cấp độ trẻ, trước khi chơi 2 trận giao hữu cho đội tuyển nước này dưới thời Roy Hodgson, với trận gần nhất là vào tháng 8/2013.

Bị Sam Allardyce và Gareth Southgate ngó lơ, Zaha quyết định chơi cho đất nước anh sinh ra, một phần không nhỏ nhờ vào sự thuyết phục của cựu tiền đạo Chelsea và ĐT Bờ Biển Ngà, Didier Drogba.

“Trước đây, suy nghĩ của tôi là chơi cho ĐT Anh, bởi tôi lớn lên ở đây” Zaha chia sẻ ở thời điểm đó. “Nhưng năm tháng trôi qua, người hâm mộ Bờ Biển Ngà vẫn ủng hộ tôi. Họ vẫn cho tôi thấy tình yêu. Thế nên ở thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ, ‘Đến lúc rồi!”

Southgate, người đã huấn luyện Zaha ở cấp độ U21 không thể thay đổi quyết định của anh. Sau đó, nhà cầm quân 53 tuổi nói rằng ông muốn các cầu thủ “toàn tâm toàn ý 100% cho ĐT Anh”. Điều này khiến Zaha khó chịu, dù Southgate khẳng định những bình luận đó đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh.

Wilfried Zaha trong màu áo của U21 Anh

Zaha có trận ra mắt ĐT Bờ Biển Ngà trước Thụy Điển vào tháng 1/2017. Kể từ đó, anh đã chơi thêm 28 lần nữa cho đội bóng châu Phi này và ghi 4 bàn thắng. Đỉnh cao trong màu áo ĐTQG của Zaha đến khi anh ghi 2 bàn thắng tại AFCON 2019 để giúp Bờ Biển Ngà lọt vào tứ kết.

Thoạt nhìn, thành tích quốc tế của Zaha không phải sự đảm bảo cho việc góp mặt trong đội hình của Gasset dự AFCON năm nay. Cựu cầu thủ Crystal Palace chỉ chơi 2 trận cho đất nước mình vào năm 2023, với lần lượt 24 và 58 phút trong 2 trận giao hữu vào tháng 10 với Morocco và Nam Phi. Anh cũng không ghi bàn trong 16 trận gần đây nhất cho Bờ Biển Ngà.

Mặt khác, phong độ của Zaha trong màu áo Galatasaray là rất đáng nể. Anh đã có 7 bàn thắng và 3 đường kiến tạo sau 23 trận cho CLB đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng nhớ nhất là bàn gỡ hòa trước đội bóng cũ của anh, Manchester United tại vòng bảng Champions League. 

Galatasaray đang đứng thứ hai tại giải Super Lig, kém đối thủ truyền kiếp Fenerbahce 2 điểm. Ngay cả khi được kỳ vọng rất nhiều, thật khó để nói quãng thời gian của Zaha ở Istanbul là một thất bại, ít nhất là đến thời điểm này.

Zaha vẫn bị loại khỏi đội tuyển Bờ Biển Ngà bất chấp thành tích tại Galatasaray

Dù vậy, Gasset vẫn quyết định loại Zaha. Đó là một quyết định hệ trọng; do đó ông sẽ bị phán xét. “Đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng chúng tôi đang có một đội hình thú vị với nhiều cầu thủ chạy cánh thuận chân phải. Đó là quyết định thuần túy của HLV,” ông nói.

Có lẽ đó là lời giải thích hợp lý. Tuy nhiên Sol Bamba, cựu tuyển thủ Bờ Biển Ngà lại không cảm thấy thuyết phục. Anh tin rằng quyết định của Gasset còn có nhiều lý do hơn thế nữa.

“Đó là một cái cớ, chứ không phải lý do thực sự’,” Bamba nói với The Athletic. “Không phải chúng tôi không có những cầu thủ giỏi. Nhưng với tư cách là một HLV, bạn sẽ chọn những người giỏi nhất và Zaha là một trong số đó.

“Tôi biết cá nhân Zaha. Cậu ấy là một chàng trai tốt nhưng lại rất kín đáo và không bao giờ tham gia vào nhóm cầu thủ theo cách mà hầu hết các tuyển thủ vẫn làm. Đó là vấn đề liên quan đến kỷ luật, bởi đôi khi cậu ấy sẽ đến trại tập huấn muộn hơn những người khác 2 hoặc 3 ngày. Cậu ấy sẽ ở khách sạn cùng gia đình hoặc vợ mình, điều mà không cầu thủ nào khác sẽ làm.

“Zaha lớn lên ở Anh nên tiếng Pháp của cậu ấy không được tốt, dù nó chắc chắn đã được cải thiện. Nhưng sự gắn kết là thứ mà bạn cần, đặc biệt là ở một giải đấu lớn. Công bằng mà nói, nếu HLV không cho rằng Zaha phù hợp cho sự gắn kết giữa các cầu thủ, việc không chọn cậu ấy là một quyết định đúng đắn.

Một cựu hậu vệ người Bờ Biển Ngà khác, Guy Demel cũng đồng tình với nhận xét của Bamba, cũng như ủng hộ lựa chọn của HLV. “Không những không được ra sân thường xuyên ở ĐTQG, cậu ấy còn có những vấn đề ngoài sân cỏ. Nếu tôi là Gasset, tôi cũng sẽ không chọn cậu ấy.”

 

Lý giải cho quyết định loại Zaha, HLV Gasset nói: “Tôi đã tham khảo các HLV như Aime Jacquet (HLV vô địch World Cup 1998 cùng ĐT Pháp), Didier Deschamps (người đã đưa Pháp lên ngôi vô địch World Cup 2018) và Herve Renard (hiện là HLV đội tuyển nữ Pháp và cựu HLV Bờ Biển Ngà), những người đã đưa ra những lựa chọn dứt khoát trước các giải đấu lớn.

“Cuối cùng, chúng ta sẽ biết đó là quyết định đúng hay sai khi giải đấu khép lại,” ông kết luận.

Trợ lý của Gasset, Emerse Fae nói thêm, “HLV của chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng tính cách của các cầu thủ kết hợp với nhau sẽ tạo ra một đội bóng đoàn kết để giành chiến thắng một giải đấu như AFCON.”

Không một ai, kể cả bản thân Zaha sẽ phản đối ý kiến cho rằng anh có thể là một nhân vật vô cùng cá tính.

Tại Palace, tính cách nóng nảy của Zaha - dù là để phản ứng lại đối thủ, trọng tài hay thậm chí là các đồng đội - đôi khi khiến người ngoài hiểu là bằng chứng cho sự ích kỷ của anh. Tuy nhiên, những người bảo vệ anh lại cho rằng điều đó xuất phát nhiều hơn từ mong muốn trở thành người giỏi nhất có thể của cầu thủ này.

“Zaha là Zaha,” cựu tiền vệ Palace, James McArthur nói trong một cuộc phỏng vấn với The Athletic vào mùa hè năm ngoái. “Nếu bạn nói bất cứ điều gì với cậu, bạn nên hiểu rằng mình sẽ bị phản ứng dữ dội, nhưng tôi không bận tâm điều đó. Cả hai chúng tôi đều muốn giành chiến thắng và chúng tôi luôn đánh giá cao điều đó.

“Tôi cảm thấy may mắn khi được chơi cùng cậu ấy nhiều năm và tôi cảm thấy rằng một trong những thành tựu của tôi tại Palace là luôn cố gắng phát huy hết khả năng của cậu ấy mỗi ngày. Nếu Zaha không ở Palace, chúng tôi sẽ không thể thành công được.”

 

Tuy nhiên, ở Bờ Biển Ngà, mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn khác.

“Zaha đang chia rẽ quan điểm ở đây,” Alasdair Howorth, nhà báo châu Phi đang đưa tin về AFCON 2024 cho biết. “Có cảm giác cậu ấy chưa bao giờ hết mình với Bờ Biển Ngà, cũng như chưa thực sự thích nghi với việc chơi ở châu Phi. Zaha không thể chứng tỏ mình có thể chơi bóng ở châu Phi giống như cách cậu ấy có thể chơi ở châu Âu. Ở đây là một môi trường hoàn toàn khác, một kiểu bóng đá khác với những biến số khác nhau - đặc biệt là các vòng loại, khi các đội bóng phải di chuyển liên tục.

“Thái độ của cậu ấy cũng có chút vấn đề. Năm 2021, Zaha xin nghỉ thi đấu một thời gian trên tuyển; điều này không được khán giả đón nhận nhiều lắm. Đối với những quốc gia như Bờ Biển Ngà, nơi có truyền thống bóng đá lâu đời, việc từ chối lời triệu tập của HLV giống như sự phản bội. Sau đó, mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn bởi những gì đã xảy ra ở vòng loại World Cup trong lịch thi đấu quốc tế vừa qua, khi cậu ấy yêu cầu được tập trung muộn vài ngày.”

Những nhà quan sát dày dặn kinh nghiệm khác về bóng đá châu Phi tự hỏi liệu Zaha có đang chật vật với một số đặc tính riêng khi thi đấu ở châu lục này, từ chất lượng mặt sân đến thời tiết hay không.

Bản thân Zaha đã đề cập đến điều này trên podcast On the Judy năm 2022. “Với các đội châu Âu, bạn sẽ được trải thảm đỏ ở bất cứ nơi nào bạn đến, các khách sạn đều là 5 sao. Nhưng khi tôi quay trở lại Bờ Biển Ngà, tôi phải gồng mình chịu đựng. 

“90% làm nên chiến thắng trong bóng đá là tinh thần, 10% là những gì bạn làm trên sân. Nếu tâm trí của bạn ổn thỏa, bạn có thể làm bất cứ điều gì. Tôi cần phải ở trong một khách sạn tươm tất, trên một chiếc giường tươm tất, được chơi trên một mặt sân tươm tất, nơi tôi không cảm thấy như bị trẹo mắt cá chân khi chạy.

“Tôi không thích ở chung phòng, nhưng đó là việc chúng tôi đang làm… Tôi đã nói rất nhiều lần rằng tôi không thích điều đó, vì tôi chẳng có chút quyền riêng tư nào cả.  Nếu tôi muốn gọi cho vợ xong có ai đó đang nằm bên cạnh thì nó đúng kiểu ‘Cái quái gì vậy?’”

Zaha nói thêm: “Lý do duy nhất khiến tôi phàn nàn là vì tôi muốn chúng tôi tốt lên. Tôi muốn chúng tôi cạnh tranh với những quốc gia khác, tham dự World Cup và coi mình là ứng cử viên. Nhưng trước khi trở thành ứng cử viên, bạn phải bắt đầu thực hiện mọi việc một cách đúng đắn.” 

Đại diện của Zaha đã nhắc lại điều này với The Athletic. Ông chỉ ra rằng thay vì thiếu hòa hợp với đội, anh chỉ đơn giản là đang lên tiếng về việc nâng cao các tiêu chuẩn, điều mà rất nhiều người đã coi thường. Họ cho biết Zaha rất thất vọng vì không có gì thay đổi về mặt này kể từ khi anh có màn ra mắt vào năm 2017.

Những người ủng hộ Zaha cũng nói rằng ngoài việc dành 10% tiền lương của mình để làm từ thiện, anh còn thành lập một quỹ tài trợ cho một trại trẻ mồ côi ở quê do chị gái anh điều hành. Quỹ của Zaha cũng hỗ trợ các góa phụ cũng như các dự án phát triển và cộng đồng khác dành cho thanh thiếu niên ở Bờ Biển Ngà. Đó rõ ràng không phải hành động của một người không cống hiến hết mình cho đất nước.

Những đứa trẻ được chăm lo bởi quỹ Zaha Foundation

Zaha và anh trai Carin cũng đã mua Espoir Club D'Abengourou, một CLB bán chuyên nghiệp giải hạng 4 ở thủ đô Yamoussoukro. Bờ Biển Ngà rõ ràng là một quốc gia có ý nghĩa rất lớn đối với anh và gia đình.

Khi Bờ Biển Ngà giành chiến thắng trong trận mở màn giải đấu hôm thứ Bảy khi đánh bại Guinea-Bissau 2-0, không mấy người bận tâm đến sự vắng mặt của Zaha khi Jeremie Boga và Jonathan Bamba đang gây ấn tượng ở cánh. Họ cũng có Simon Adingra (Brighton) và lão tướng 36 tuổi Max Gradel, người trước đây từng khoác áo Bournemouth và Leeds United trên ghế dự bị.

Nhưng sau thất bại trước Nigeria, người hâm mộ Bờ Biển Ngà có nhớ đến Zaha?

Lược dịch bài viết: “Wilfried Zaha and Ivory Coast: A fractured relationship” của Tom Burrows (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.

Nicolas Jackson: Tiến bước trong chỉ trích

Bất chấp việc bị chỉ trích rất nhiều kể từ khi đến Anh, Nicolas Jackson đã đạt được 20 bàn thắng tại Premier League cho Chelsea nhanh hơn các danh thủ của CLB như Gianluca Vialli, Eidur Gudjohnsen hay Didier Drogba.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Milan Baros: Vụt sáng trong cơn mơ

Tiền đạo người Czech đã trải qua những khoảnh khắc ngọt ngào nhất trong màu áo ĐTQG nhưng không bao giờ có thể tái hiện được phong độ đỉnh cao của mình ở cấp câu lạc bộ. Thay vì trở thành một sát thủ chinh phục cả châu Âu, Milan Baros chỉ giống như một ánh sao băng, bất ngờ vụt sáng trong giấc mơ của những người hâm mộ một cách tình cờ rồi từ từ trôi vào quên lãng.