Mối quan hệ Jesse Lingard - Man Utd: Vì đâu nên nỗi?

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 22/05/2022 13:33(GMT+7)

Cuộc hành trình 20 năm của Jesse Lingard với Manchester United sẽ kết thúc trong vài tuần tới, và sẽ không có bất kỳ lời tạm biệt nào trên sân đấu diễn ra nơi thánh đường Old Trafford.

 
Cầu thủ tấn công này đã không được góp mặt trong trận đấu sân nhà cuối cùng của Man United ở mùa giải này – cuộc đối đầu với Brentford – và đó là một quyết định bị gọi là “vô đẳng cấp” bởi người anh trai Louie của Lingard trên mạng xã hội, trong khi HLV tạm quyền Ralf Rangnick thì giải thích rằng lý do là vì thời gian tập luyện hạn chế của ngôi sao 29 tuổi.
 
“Như các bạn đã biết, vì những lý do gia đình, cậu ấy đã không tập luyện nhiều,” Rangnick chia sẻ sau chiến thắng 3-0 của Man United. “Hôm qua, cậu ấy đã một lần nữa yêu cầu tôi cho mình được nghỉ tập.”
Những mùa giải cuối cùng của Lingard ở Man United là một mớ hổ lốn.
 
Trên sân cỏ, anh là một cầu thủ tấn công chăm chỉ, cần cù, tuy không phải là một bậc thầy sáng tạo hàng đầu, nhưng đã tỏa sáng trong nhiều thời điểm quan trọng cho CLB của mình. Những pha lập công trong các trận chung kết FA Cup và League Cup, bên cạnh đó là việc anh là một cựu học viên tốt nghiệp từ học viện của Man United đáng lẽ ra sẽ biến chàng trai này thành một người hùng thời hiện đại đình đám, nhưng địa vị của anh đối với cộng đồng fan của Man United lại chẳng bao giờ lọt vào diện được yêu mến. 
 
Anh vẫn chưa hề được các cổ động viên tặng cho bài ca cổ động nào sau gần 8 năm kể từ ngày có trận ra mắt tại Man United, sự ra đi của anh cũng sẽ chẳng tạo nên nhiều tiếc nuối “đáng lẽ cậu ấy đã có thể…” giống như hậu vệ phải Rafael từng nhận được. Những màn ăn mừng đầy màu mè và nhãn hiệu thời trang “JLingz” đã càng làm sâu sắc hơn thành kiến của công chúng về Lingard. 
 
Sự khoa trương của Lingard dù cho chẳng phải một trong những cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới đã khiến anh bị một số người hâm mộ gọi là “tên lố bịch” hoặc “đứa con nít trong thân xác người lớn”.

 
Lingard rõ ràng cũng có trách nhiệm trong mối quan hệ rạn nứt giữa anh và CLB – bao gồm việc thành lập một nhãn hiệu thời trang, quảng cáo cho một thương hiệu hạt dẻ cười, và nhiều hoạt động khác. Các bài đăng trên mạng xã hội thể hiện niềm hạnh phúc khi chơi cho West Ham United theo dạng cho mượn vào thời điểm này năm ngoái so với tình hình của bản thân ở CLB chủ quản cũng càng làm mọi thứ phức tạp hơn.
 
Tiết lộ gần đây của Paul Scholes, khi ông chia sẻ cuộc trò chuyện riêng tư của mình với Lingard, trong đó cầu thủ 29 tuổi đã gọi phòng thay đồ hiện tại của Man United là “một thảm họa”, cũng đã ám chỉ về sự xích mích đã ngày càng lớn hơn giữa anh và CLB trong những mùa giải gần đây. Lời tự trách “tôi chả hiểu tại sao mình lại đi công khai chuyện này ra nữa!” của Scholes và động thái của Lingard trên mạng xã hội gần đây đã phần nào cho thấy rằng tất cả các bên liên quan đều nhận thức được họ đáng lẽ ra đã có thể xử lý tình huống một cách cẩn trọng hơn.
 
Giờ đây, câu chuyện này sẽ kết thúc với một cái nhún vai bất lực, cam chịu từ những người liên quan vào cuối mùa giải.
 
 
Tình hình đáng lẽ ra sẽ không trở nên tệ đến mức này.
 
Cầu thủ người Anh và CLB đã xử lý tốt gần như mọi thứ cần làm ở mùa giải trước. Sau một cuộc thảo luận với HLV trưởng lúc bấy giờ là Ole Gunner Solskjaer về các vấn đề sức khỏe tâm thần đang ảnh hưởng đến bản thân anh và gia đình, Lingard đã được phép gia nhập West Ham theo dạng cho mượn vào tháng 1. Anh đã làm việc với HLV cá nhân để chuyển đến đội chủ sân London Stadium trong tình trạng thể chất tốt nhất có thể và đã bắt đầu nửa mùa giải của mình tại đó với sự tự tin rất cao.
 
Vào thời điểm cầu thủ tấn công người Anh giành được danh hiệu Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Tháng 4 của Premier League, tình huống khi ấy trông có vẻ như Man United đang đứng trước cơ hội thực hiện một điều vốn được xem là sở trường của nhiều CLB ưu tú nhưng họ đã chẳng thể làm được trong phần lớn những năm tháng thời hậu Ferguson – một trong những cầu thủ bị thất sủng của họ đã tạo nên được sức hút không nhỏ trên thị trường chuyển nhượng và có khả năng mang về “lợi nhuận” cho CLB khi được bán đi. 
 
Nhưng cuối cùng Lingard vẫn tiếp tục ở lại Man United sau khi mùa hè năm 2021 kết thúc. Solskjaer đã không chấp nhận để cầu thủ người Anh ra đi (bên cạnh tiền đạo Anthony Martial) vì sợ lâm vào cảnh thiếu hụt lực lượng nếu một cuộc khủng hoảng chấn thương xảy ra. 
 
Pha lập công được ghi sau khi vào sân từ băng ghế dự bị trong trận thắng Newcastle United vào tháng 9, cùng với bàn thắng vào phút cuối trước West Ham vào cuối tuần tiếp theo, đã chứng tỏ một số giá trị của việc giữ Lingard ở lại để đóng vai trò một sự lựa chọn trong đội. 
 
Nhưng anh đã phải trải qua 5 trận đấu ngồi trên băng ghế dự bị mà không được sử dụng ở Premier League dưới thời Solskjaer, và màn trình diễn trước Newcastle là lần duy nhất anh được chơi hơn 17 phút trước khi Rangnick được bổ nhiệm vào đầu tháng 12.
 
Việc Man United bị loại sớm khỏi Carabao Cup bởi West Ham (một trận đấu mà Lingard được đá chính), kết hợp với sự chật vật trên cuộc hành trình vượt qua vòng bảng Champions League sau thất bại trước Young Boys trên sân khách ngay trong trận đầu tiên, cũng đã hạn chế những cơ hội dành cho Lingard và bộ kỹ năng độc đáo của anh.
 
Khi ký giả Tom Worville của The Athletic phân tích ngôi sao người Anh vào 2 năm trước, các số liệu thống kê đã cho thấy Lingard không phải một tiền vệ công sáng tạo, cũng chẳng phải một cầu thủ chạy cánh truyền thống hay một tiền đạo cánh. Thay vào đó, anh chủ yếu được mô tả là một chân chạy nhiệt huyết cả khi có bóng lẫn không bóng. Chính xác thì Lingard là một con thoi đóng vai trò liên kết, có thể góp công giúp duy trì sự ổn định của một cỗ máy vốn được bảo dưỡng tốt và hoạt động trơn tru (khi anh được phát huy lối chơi của mình). Nhưng ngay cả trong giai đoạn đội chủ sân Old Trafford đạt phong độ cao nhất của họ ở mùa giải này, họ vẫn trông rất khổ sở, chật vật thay vì cho thấy hình ảnh của một cỗ máy ngon nghẻ.
 
Khả năng pressing và giữ bóng của Lingard vốn có thể giúp anh hoạt động trong vai trò một “số 10 đá rộng” trong hệ thống 4-2-2-2 của Rangnick, nhưng vị HLV tạm quyền này đã sớm chuyển sang chọn sử dụng đội hình 4-3-3 để tập trung nhiệm vụ sáng tạo cho Bruno Fernandes và Paul Pogba ở các khu vực nơi trung lộ.
Lối đá tích cực và sẵn sàng thực hiện những pha thoát xuống phía sau các hậu vệ đối thủ của cậu thiếu niên Anthony Elanga đã khiến một cầu thủ sắp bước sang tuổi 30 tiếp tục chìm sâu vào tình cảnh thất sủng, nhưng Man United lại đòi hỏi một mức giá cao ngất ngưỡng cho Lingard khi anh được gã nhà giàu mới nổi Newcastle hòi mượn trong những ngày cuối tháng 1. 
 
Bất chấp Rangnick đã sẵn lòng để Lingard ra đi và gửi lời chúc phúc đến anh, khả năng chuyển đến Tottenham hay trở lại West Ham cũng đã bị khước từ, bởi ban lãnh đạo CLB lo ngại rằng họ sẽ tăng cường sức mạnh cho các đối thủ tiềm năng của Man United trong cuộc đua top 4. 
 
Những ngày đầu của kỳ nghỉ đông đó, Lingard đang yên lòng tại Old Trafford, nhưng đã mau chóng nhận ra rằng tình hình đang diễn ra không như ý muốn của mình. 
 
Những tranh cãi trước đây giữa CLB và các thành viên trong đoàn tuỳ tùng của Lingard đã càng khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Cuối cùng, điều mà sao người Anh nhận thấy là anh sẽ không phải một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho đội hình đá chính của Man United, nhưng đồng thời cũng bị phía CLB chủ sân Old Trafford cản trở khả năng “đóng vai chính” tại các CLB khác ở Premier League. Một tình huống đáng lẽ ra đã có thể kết thúc tốt đẹp vào 1 năm rưỡi trước giờ đây sẽ có một “bad ending” khi hợp đồng của Lingard hết hạn vào cuối tháng sau.
 
 
Những tuần còn lại của mùa bóng 2021-22, Lingard không chỉ phải chứng kiến những người đồng đội sắp rời Man United giống anh nhận được một lời chào tạm biệt ngọt ngào hơn nhiều so với mình, mà còn phải nhìn những người chiến hữu cũ ở West Ham vào đến vòng bán kết Europa League -- một cuộc hành trình mà đáng lẽ ra anh đã có thể được góp mặt.
 
Cảm giác cay đắng là điều chắc chắn sẽ hiện hữu trong lòng Lingard -- một cầu thủ vừa thoát khỏi một giai đoạn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì sự bế tắt trong sự nghiệp, cũng như những vấn đề ngoài sân cỏ.
“Jesse đã bị CLB đối xử khá tệ,” Scholes bình luận gần đây. “Đã có thời điểm, cậu ấy đã sẵn sàng ký hợp đồng với Newcastle, ngoài ra còn có West Ham nữa, nhưng Man United đã hứa hẹn rằng cậu ấy sẽ được ra sân nhiều hơn. Kết cục, đó chỉ là những lời hứa suông.”
 
“Cậu ấy xứng đáng được trao cơ hội. Tất cả chúng ta đều thấy những gì cậu ấy đã làm được ở West Ham (9 bàn thắng và 4 pha kiến tạo sau 16 trận). Cậu ấy là một cầu thủ thực sự giỏi, có thể mang đến những bàn thắng cho một đội bóng, nhưng bởi vì đội bóng này (Man United) đang có phong độ quá kém, cậu ấy đã không được trao cơ hội...”
 
“Tôi nghĩ cậu ấy đã bị đối xử quá bất công.”
 
Một lần xuất hiện ngắn ngủi vào giai đoạn hạ màn của một trong những mùa giải tồi tệ nhất lịch sử Man United chắc chắn không phải là viễn cảnh mà cậu bé Lingard từng hình dung về những ngày tháng cuối cùng của mình tại đội chủ sân Old Trafford.
 
Nhưng ngay cả nguyện vọng nhỏ bé ấy cũng đã bị khước từ, và càng khiến cho cái kết của mối quan hệ kỳ lạ giữa anh và CLB trở nên cay đắng hơn nữa.
 
Theo Carl Anka, The Athletic
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.