Mohamed Salah: Vị vua Ai Cập của thành phố Cảng

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 20/12/2017 17:22(GMT+7)

Giờ đây, nhìn vào những gì Salah thể hiện, hẳn bạn khó mà hình dung chàng trai ấy từng phải phấn đấu như thế nào để cải thiện khả năng dứt điểm.
 
 Nhưng cuộc đời không phải khi nào cũng trơn tru với chàng trai mà ngày nay đang được cả vùng Merseyside gọi là “Vị vua Ai Cập.”
 
Để trở thành một trong những tiền đạo đáng sợ nhất Premier League ở thời điểm hiện tại, đã từng có những trận đấu anh phải sa nước mắt vì bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn, đã từng có những chuyến đi kéo dài ba tiếng đồng hồ để tham gia những kỳ huấn luyện, và chúng ta hãy thử tìm hiểu để biết cái cách anh đã đáp lại sự kỳ vọng của những huấn luyện viên hàng đầu ở Ai Cập cũng như ở châu Âu đã giúp anh trên cuộc hành trình của mình.
 
Câu chuyện thành công của Salah là câu chuyện của sự quyết tâm và không bỏ cuộc, và không còn cách nào để kể lại câu chuyện này tốt hơn là từ lời của những người đàn ông đã giúp đỡ anh trong suốt thời gian ấy.   
 
TỪNG LÀ MỘT HẬU VỆ CÁNH TRÁI
 
“Khi tôi còn nắm đội U-16 của Arab Contractors, tôi có đến năm hậu vệ trái và Salah là một trong số ấy,” El-Shishini kể lại.
 
Arab Contractors – hay còn biết đến với cái tên câu lạc bộ El Mokawloon FC – là nơi nhìn thấy sự trưởng thành của Salah và huấn luyện viên El-Shishini đã dành ra hai năm để giúp anh phát triển bản thân.
 
“Trong một trận đấu ở giải U-16 Cairo League, chúng tôi đến làm khách trên sân của ENPPI, nơi có hệ thống đào tạo trẻ rất mạnh. Chúng tôi thắng 4-0 và đó là ngày mà Salah xuất phát ở vị trí hậu vệ trái và bỏ lỡ không dưới năm cơ hội một đối một để có thể ghi bàn.

“Những gì tôi thấy được không phải là những cơ hội mà cậu bé bỏ lỡ, mà là kỹ năng qua người đã giúp cậu tiến từ hành lang cánh trái đến thẳng với tình huống đối mặt với thủ thành đối phương. Những bước chạy ấy đã lấy đi quá nhiều thứ từ cậu, thể lực hoặc cả sự tập trung, thế cho nên cậu mới không thể tận dụng cơ hội.
 
“Nhưng sau trận đấu ấy, tôi nhìn thấy Salah đã khóc vì những cơ hội mà cậu bé bỏ lỡ - những giọt nước mắt tức tưởi! Ngày ấy, tôi thường thưởng cho những học trò ghi ba bàn trong một trận đấu 50 bảng Ai Cập và thế là tôi đưa cho Salah 25 bảng.”
 
Và đây cũng là điểm mấu chốt mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của Salah, rằng tài năng của anh sẽ bị phí phạm nếu cứ đá lùi quá sâu.
 
“Kể từ ngày ấy, tôi quyết định đưa Salah lên vị trí tiền đạo cánh phải,” El-Shishini nói. “Tôi bảo cậu bé rằng cậu có thể trở thành vua phá lưới ở cả hai giải đấu U-16 Cairo League, và U-17 vô địch quốc gia. Ngày ấy, tôi dẫn cả hai đội và đều sử dụng Salah.

“Khi mùa giải kết thúc, cậu bé ghi được tổng cộng 35 bàn. Và kể từ đấy, Salah chưa bao giờ ngừng ghi bàn.”
 
XUẤT THÂN KHIÊM TỐN
 
Salah trưởng thành ở Nagrig, một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Gharbia ở Ai Cập, và anh không bao giờ quên nguồn gốc của mình.
 
“Ở Ai Cập, những cầu thủ có xuất thân khiêm tốn thường rất dễ thay đổi khi họ nhanh chóng có được danh tiếng,” El-Shishini kể. “Nhưng với tôi, Salah là một con người không bao giờ như thế.

“Mỗi ngày, Salah vẫn thường xuất phát từ ngôi làng của cậu bé, Nagrig, để đến tập cùng đội bóng. Phải mất đến ba tiếng đồng hồ để hoàn thành chặng đường, và cậu bé hẳn đã phải bắt hơn một chuyến xe để đến được khu tập trung. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường cho cậu ở tại phòng chờ của câu lạc bộ.”
 
Ngày nay, Salah vẫn thường về thăm quê nhà và rất khiêm tốn mỗi khi giới thiệu cho mọi người những thành quả mà anh đạt được.
 
Sau khi ghi bàn để đưa Ai Cập đến với vòng chung kết World Cup, một thương gia giàu có đã đề nghị cung ứng cho Salah một căn biệt thự nguy nga, sang trọng để bày tỏ niềm cảm mến của ông.
 
Nhưng Salah đã từ chối. Thay vào đó, anh đề nghị đem số tiền ấy để giúp đỡ cho làng quê của mình.
 
El-Shishini nói thêm: “Cậy ấy chưa bao giờ bỏ quên Nagrig, và Salah luôn ghé về đây mỗi khi anh về Ai Cập và đối xử với mọi người với tình cảm chân thành. Cậu ấy chưa bao giờ quên nguồn cội của mình, và đấy là thứ mà không phải cầu thủ nào cũng có được.”
 
HỌC TẬP TỪ NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT
 
Diaa El Sayed là huấn luyện viên của đội U-20 Ai Cập vào năm 2011 và thường được gọi là “Bố già” của thế hệ mà ông dẫn đắt. Cùng với Salah, Mohamed Elneny, Ahmed Hegazi và Omar Gaber, ông xây dựng nên nền tảng của mình.
 
Và họ đã chứng tỏ được khả năng của mình khi về vị trí thứ ba ở CAN (dành cho những cầu thủ trẻ), từ đó có được chiếc vé đến với U-20 World Cup ở Colombia.
 
El Sayed nói rằng: “Salah là cầu thủ luôn đầy tham vọng. Cậu ấy luôn tìm tòi học hỏi để tiến bộ, và cậu ấy cũng rất khiêm tốn, tôn trọng đồng đội và các huấn luyện viên. Quan trọng nhất, cuộc đời cậu ấy gắn liền với sân cỏ.”
 
Hành trình của Salah từ Arab Contractors đến Liverpool, kinh qua Basel, Chelsea, Fiorentina và Roma là minh chứng rõ nét cho những gì người thầy miêu tả.
 
“Đó là lý do vì sao sự nghiệp của cậu ấy luôn tấn tới,” El Sayed nhận định. “Tôi từng dặn cậu ấy rằng hãy cố gắng lượm lặt từng thứ một từ những vị huấn luyện viên mà cậu làm việc cùng, và cậu ấy đã làm thế khi được dẫn dắt bởi Murat Yakin, Jose Mourinho, Vincenzo Montella và Luciano Spalleti trước khi đến với Jurgen Klopp. Cậu ấy tiến bộ không ngừng là vì đã được đào luyện từ những con người ấy.”
 
NIỀM KHÁT KHAO ĐỐI VỚI SỰ HOÀN HẢO
 
Salah xứng đáng với những lời tưởng thưởng – vừa qua anh đã được vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất Châu Phi năm 2017 – cũng như thừa nhận ở đẳng cấp cao nhất, đặc biệt là khi anh giúp đội tuyển quốc gia đến Nga vào năm sau.
 
Anh giờ đây đã được ghi nhớ trong tim của những người dân Ai Cập, như cái cách mà sáu năm trước đây, El Sayed được ghi nhớ bởi cái thế hệ mà ông gầy dựng.
 
“Vào đợt Giải Vô địch trẻ Châu Phi vào năm 2011, chúng tôi có cuộc đụng độ với Nam Phi và Salah phải bỏ lỡ đến 10 cơ hội ghi bàn,” ông nói. “Cậu ấy đã khóc rất nhiều sau trận đấu, ngay cả khi chúng tôi đã bước chân vào vòng bán kết.

“Sau trận đấu, tôi đưa cậu ấy ra sân tập khi trời vẫn còn mưa để tập sút vào khung thành trống. Những người đồng đội đã cổ vũ cậu ấy ở bên ngoài nhằm khiến cậu vui trở lại.

“Những ai từng dõi theo sự nghiệp của Salah đều biết rằng cậu ấy đã cải thiện kỹ năng dứt điểm rất nhiều. Cậu ấy rất giỏi trong việc lừa qua hậu vệ đối phương hoặc chọn vị trí nhưng lại bỏ lỡ ở nhiều cơ hội đơn giản. Salah đã thử thách bản thân để thay đổi điều đó – và cậu ta đã làm được.”
 
Salah dành cả đời để đẩy bản thân đến những giới hạn mới, để khai thác hết những tiềm năng trong người.
 
Và giờ đây giấc mơ của anh đang dân trở thành sự thực – rằng anh sẽ là niềm động lực to lớn cho thế hệ trẻ tiếp theo của bóng đá Ai Cập.
 
Dịch từ nguồn:
Dean Jones. The Making of Liverpool's Egyptian Superstar Mo Salah. Bleacher Report.

PHƯƠNG GP (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.