Nếu giúp ĐT Ai Cập đoạt chức vô địch AFCON 2021, Mohamed Salah sẽ tiến thêm một bước nữa trên hành trình vĩ đại của mình với bóng đá quê hương.
Có một câu chuyện về Mohamed Salah được truyền tụng cách đây vài năm. Cụ thể là một tên trộm đã ăn cắp 30.000 bảng Ai Cập trong nhà của Salah. Sau khi cảnh sát bắt được hắn, bố của Salah đòi khởi tố tên trộm này. Nhưng chính tiền đạo của Liverpool đã thuyết phục cha mình tha cho hắn và thậm chí còn cho kẻ xấu một số tiền để hắn có thể sống và làm lại cuộc đời. Câu chuyện này thoạt nghe tương đối kỳ ảo, thậm chí là giống như một câu chuyện cổ tích.
Những cầu thủ bóng đá nổi tiếng vẫn thường bị gắn với nhiều câu chuyện bên ngoài sân cỏ có tình tiết ly kỳ, hấp dẫn để làm nổi bật lên sự nghiệp phi thường của họ. Mohamed Salah cũng không phải ngoại lệ. Với người Ai Cập, anh là cầu thủ số một đương đại, một thần tượng đích thực. Song, câu chuyện nói trên là sự thật.
Chính Salah chia sẻ trên tạp chí GQ như thế này: “Tôi không ủng hộ việc trộm cắp. Nhưng chắc chắn anh ta có lý do để phải đi ăn trộm và tôi suy nghĩ theo chiều hướng anh ta làm vậy vì có lý do. Khi bố hỏi, cảnh sát nói anh ta rất nghèo và không có gì trong tay. Thế nên tôi bảo bố là hãy giúp anh ta và để anh ta đi”.
Là một nhân vật rất nổi tiếng ở Ai Cập, không khó hiểu khi Salah là đối tượng săn đón của cả người hâm mộ lẫn những kẻ xấu. Vào năm ngoái, trong một dịp cùng vợ con trở về quê nhà Nagrig, thậm chí anh đã không thể ra khỏi nhà để đi cầu nguyện vì bên ngoài có khoảng 300-400 người đang tụ tập.
Ở Ai Cập, mọi người gọi Salah là “Người tạo ra hạnh phúc”. Anh xây dựng trường học, bệnh viện, giúp đỡ người nghèo. Năm 2017, việc anh cho phép chính phủ Ai Cập sử dụng tên của mình cho một chiến dịch chống lại ma tuý đã giúp số lượng các cuộc gọi tố giác đến đường dây nóng của các nhà chức trách tăng gấp 4 lần so với trước đó.
Năm 2018, trong cuộc bầu cử tổng thống, nhiều cử tri thậm chí còn gạch tên của những người khác và tự điền tên Salah vào lá phiếu dù anh không hề có trong danh sách ứng cử. Tất cả những điều đó cho thấy sức hút của Salah là rất lớn. Ông Mohamed Farag Amer – chủ tịch uỷ ban thể thao và thanh niên của quốc hội Ai Cập – khẳng định: “Mohamed Salah thực sự quan trọng. Anh ấy là một biểu tượng của Ai Cập, giống như Tutankhamun hay kim tự tháp”.
Lời nhận xét đó không ngoa chút nào. Thể thao luôn là một công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh quốc gia, và nhất lại là bóng đá – môn thể thao vua. Và không quá khó hiểu khi Salah trở thành nhân vật trung tâm của bóng đá Ai Cập.
|
Mohamed Salah là đầu tàu, là thủ lĩnh, là linh hồn, là biểu tượng của ĐT Ai Cập. Ảnh: Getty Images |
Tháng 4/2021, Salah chính thức trở thành đội trưởng ĐTQG. Trước đó, truyền thống của ĐT Ai Cập vẫn thường là trao băng thủ quân cho những cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội. Nhưng việc vai trò thủ lĩnh cao nhất được trao cho Salah ở thời điểm này gần như là một việc tất nhiên sẽ phải đến bởi ở đội tuyển có biệt danh Pharaoh, không ai có chuyên môn, tầm ảnh hưởng lớn hơn tiền đạo thuộc biên chế Liverpool. Tại kỳ AFCON 2021 này, Salah luôn là cái tên nổi bật nhất trong bất cứ ấn phẩm truyền thông nào liên quan đến đội tuyển Ai Cập. Nói cách khác, Mohamed Salah là niềm hy vọng lớn nhất.
Có thể nói Ai Cập là nhà vua của AFCON với 7 lần vô địch – nhiều nhất lịch sử giải đấu. Trong đó, 3 chức vô địch gần nhất của họ diễn ra vào các năm 2006, 2008 và 2010. Suốt giai đoạn ấy, Ai Cập không một lần được tham dự World Cup nhưng ở đấu trường châu Phi, họ vẫn là bá chủ. Nhưng đó cũng lại là vấn đề, bởi chúng ta dễ dàng nhận ra đã 12 năm trôi qua, Ai Cập không có thêm một lần nào lên ngôi ở AFCON nữa. Ở giải đấu năm 2017, Salah và các đồng đội đã lọt vào trận chung kết nhưng lại để thua Cameroon với tỷ số 1-2. Và việc chưa có một thành tích nào với đội tuyển quốc gia chính là khiếm khuyết của Salah cho đến lúc này.
Mohamed Abdelgawad – một cổ động viên bóng đá Ai Cập – chia sẻ với The Athletic: “Salah là cầu thủ Ai Cập xuất sắc nhất mọi thời đại nhưng chắc chắn anh ấy chưa phải người vĩ đại nhất”. Với nhiều người Ai Cập, những người vĩ đại nhất là thế hệ đã giúp đội tuyển của họ lên ngôi ở 3 kỳ AFCON liên tiếp từ 2006 đến 2010”.
Cũng đồng quan điểm trên, anh Mohamed Osama – đồng sáng lập của công ty truyền thông Arqam – nói trên The Athletic: “Điều tuyệt vời nhất của thế hệ đã 3 lần lên ngôi liên tiếp đó là phần lớn bọn họ chơi bóng ở trong nước. Mohamed Aboutrika, Wael Gomaa, Essam El Hadary là những ngôi sao bạn sẽ thấy hàng tuần ở giải vô địch Ai Cập. Và cách họ thống trị ở sân khấu lớn nhất châu lục theo cái cách chưa từng xảy ra trước đây thực sự biến họ thành huyền thoại”.
Trong thế giới bóng đá vẫn có những tiêu chuẩn dường như bất biến trong mắt người hâm mộ, dù cho dòng chảy của trái bóng tròn thay đổi không ngừng. Một trong số đó chính là thành tích của một cầu thủ với đội tuyển quốc gia. Lionel Messi có thể đạt được những thành tựu vĩ đại trong suốt nhiều năm trời hay thiết lập những cột mốc phi thường, nhưng với người Argentina, anh vẫn chỉ đứng sau Diego Maradona.
|
Nếu giành chức vô địch AFCON 2021, Salah sẽ thực sự là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Ai Cập. Ảnh: Getty Images |
Trường hợp tương tự có lẽ cũng diễn ra với Salah, dù cho anh có là nhà vô địch Premier League, Champions League hay 2 lần là chủ nhân giải thưởng Chiếc giày vàng Premier League đi chăng nữa. The Athletic phân tích rằng việc Salah không xuất thân từ cả hai CLB lớn nhất Ai Cập là Al Ahly và Zamalek vừa là điểm tích cực lẫn không tích cực. Một mặt, anh trở thành một gương mặt trung lập trong lòng đa số các cổ động viên Ai Cập – vốn chủ yếu là của Al Ahly và Zamalek. Nhưng mặt khác, khi anh không thi đấu tốt hoặc gặp một sự cố nào đó, có thể cả hai lực lượng cổ động viên này sẽ không bảo vệ anh như một thành viên trong gia đình.
Salah đã được đường phố dạy cách chơi bóng từ nhỏ trước khi gia nhập đội trẻ Al Mokawloon vào năm 13 tuổi. Đến năm 18 tuổi, Salah được đôn lên đội một của Al Mokawloon. Đã có những giai đoạn anh khóc nghẹn vì không thể ghi bàn trong quãng thời gian đầu. Tháng 2/2012, vụ bạo loạn trên sân Port Said giữa Al Masry và Al Ahly nổ ra khiến 74 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương khiến mùa giải VĐQG Ai Cập năm ấy bị huỷ bỏ. Và đó cũng là mùa cuối cùng của Salah ở Ai Cập.
Rời Al Mokawloon, Salah gia nhập Basel, sau đó đi qua Chelsea, Fiorentina, AS Roma trước khi dừng chân ở Liverpool đến thời điểm hiện. Khoảng thời gian ở Chelsea có chút khó khăn, nhưng đó cũng là giai đoạn Salah bắt đầu chú ý cải thiện cơ bắp của bản thân. Đến Roma, anh xây một sân tập ở sau vườn để tập dứt điểm. Đây cũng là thời điểm tiền đạo người Ai Cập luyện tập thiền định để học cách giữ bình tĩnh và cải thiện khả năng suy nghĩ, phân tích tình huống. Phong độ của Salah sau đó ngày càng bùng nổ.
Từ đó Mohamed Salah đã đi một hành trình dài để đạt được vị thế hiện tại. Anh đã là một huyền thoại của Liverpool, và giờ đây anh chỉ còn cách một bước chân nữa để xác lập vị thế mới của bản thân trong lịch sử bóng đá Ai Cập, dù cho lúc này anh đã là cầu thủ xuất sắc nhất của nền bóng đá này.