Mổ xẻ kỹ năng đá phạt cùng “Ông hoàng bóng chết” James Ward-Prowse

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 18/08/2021 17:25(GMT+7)

Zalo

Từ lâu, James Ward-Prowse đã được mệnh danh là ông vua đá phạt của Premier League. Vậy bí quyết đằng sau những tình huống đá phạt thành bàn đó là gì?

James Ward-Prowse
Ảnh: Getty Images

Mùa giải trước là một giai đoạn rất đáng nhớ đối với James Ward-Prowse. Tiền vệ của Southampton đã ghi bàn thắng đầu tiên của mình cho đội tuyển Anh trong một trận đấu với San Marino vào tháng 3, khẳng định vị thế của bản thân như thể “trái tim” của CLB mà mình là đội trưởng, và đóng vai trò “đầu tàu” trong việc đưa The Saints lọt vào vòng bán kết của FA Cup. 
 
Ward-Prowse đã thể hiện một phong độ không chê vào đâu được, và kết thúc mùa giải 2020/2021 với tổng 9 bàn thắng và 7 pha kiến tạo trên mọi đấu trường, dù cho màn trình diễn tổng thể của Southampton thì không cao. Đặc biệt, anh đã làm nên lịch sử ở chiến dịch trước khi trở thành tiền vệ đầu tiên không bỏ lỡ một phút thi đấu nào trong hai mùa giải Premier League liên tiếp, nhưng đó vẫn chưa phải là chuyện ấn tượng nhất trong chiến dịch 2020/2021 của ngôi sao người Anh. 
 
Đội trưởng của Southampton đã tạo dựng nên cho bản thân danh tiếng “ông hoàng bóng chết” ở Anh. Dù cho Bruno Fernandes và Kevin De Bruyne cũng là những cái tên nổi bật trong khía cạnh này, nhưng cả hai người họ đều không sánh bằng ngôi sao 26 tuổi. 
 
“Tôi không chắc nữa! Bất kỳ pha đá phạt nào xung quanh vòng cấm đều khiến tôi cảm thấy vô cùng phấn khích”, ngôi sao 26 tuổi chia sẻ với The Athletic khi được hỏi liệu anh có thể đưa ra một định nghĩa cho khu vực yêu thích thực hiện các cú sút phạt hay không. 
 
James Ward-Prowse
 
“Trong tình huống đá phạt thành bàn trước Newcastle trên sân khách, trước khi ‘tung cước’, tôi đã nghĩ rằng đây là một khoảng cách quá xa. Ngoài ra, tôi cũng sợ rằng mình sẽ bị trượt chân – mặt sân hôm ấy rất ướt. Khoảng cách này đúng thật là quá xa, nhưng giờ thì tôi sẽ tự tin khẳng định rằng đó chính là ‘lãnh thổ’ của mình! Có lẽ 25 yard (22,86 m) là tối đa, nhưng tôi nghĩ bàn thắng đá phạt mà mình ghi vào lưới Newcastle có cự ly đến 28 yard (25,6 m)”. 
 
James Ward-Prowse
 
“Trong một số tình huống đá phạt, tôi không cảm thấy mình đang có được một cự ly lý tưởng. Vào một trận đấu với Manchester City, tôi đã đảm nhận hai pha đá phạt mà bản thân không cảm thấy đặc biệt tự tin – những cú sút sau đó đã cho thấy điều này. Mức độ tự tin sẽ càng tăng lên khi bạn càng có nhiều những cú sút chất lượng cao, vậy nên tôi yêu thích mọi tình huống đá phạt xung quanh vòng cấm mà mình được trao.”
 
Và Ward-Prowse sẽ đặt quả bóng ở đâu nếu được lựa chọn?
 
“Lệch sang bên trái một chút là khu vực sở trường nhất của tôi”. anh nói thêm. “Trung lộ cũng là một nơi lý tưởng, bởi vì tôi có thể nhắm đến cả hai hướng trước bức tường mà thủ môn dựng lên.” 
 
Lý do mà hầu hết những pha đá phạt của tiền vệ 26 tuổi đều được coi là nằm trong “lãnh thổ James Ward-Prowse” là bởi anh cực giỏi trong nhiệm vụ này. Niềm đam mê trong việc mài giũa “ngón nghề” đá phạt của Ward-Prowse đã được hình thành bởi lòng mến mộ David Beckham. Khả năng này đã được hoàn thiện đến mức anh không còn cảm thấy mình cần phải luyện tập chúng nhiều giờ liền. Thay vào đó, theo như chính đội trưởng của Southampton chia sẻ, anh có thể chỉ cần thực hiện tối đa 5 pha đá phạt trong mỗi buổi tập.
 
Chính bởi độ chính xác tuyệt vời của Ward-Prowse, bạn sẽ thường thấy các đối thủ cố gắng không phạm lỗi ở rìa vòng cấm khi họ đụng độ với The Saints. 
 
Khi được hỏi rằng liệu anh có cảm thấy khả năng thực hiện bóng chết của mình đã khiến các đội bóng khác cảm thấy cực kỳ lo sợ hay không, Ward-Prowse đã trả lời: “Tôi nghĩ vậy. Khi phải chạm trán với một đối thủ sở hữu một chuyên gia bóng chết trong đội, quá hiển nhiên là bạn sẽ cố gắng không cho họ có cơ hội sử dụng ‘món vũ khí’ đó. Tôi nhớ trong một trận đấu với West Ham ở mùa 2020/2021, sau khi tôi thực hiện không thành công một pha đá phạt trực tiếp, họ đã ăn mừng như thể mình vừa ghi được một bàn thắng. Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy rất cay cú!” 
 
Ngôi sao 26 tuổi đã không ngần ngại chỉ ra bàn thắng mà anh tự hào nhất. Đó chính là cú đá phạt tung lưới Tottenham Hotspur vào tháng 3/2019. Spurs khi ấy đang được dẫn dắt bởi Mauricio Pochettino, và nhà cầm quân này chính là người đã tin tưởng giao cho anh trách nhiệm thực hiện những tình huống cố định của Southampton cách đây nhiều năm. 
 
“Quả bóng được đặt ở trung lộ, vậy nên thủ môn (Hugo Lloris) phải đưa ra quyết định anh ta nên sắp xếp hàng rào lệch sang bên phải hay bên trái”, Ward-Prowse giải thích. 
 
James Ward-Prowse
 
“Tôi phát hiện ra một khoảng trống rất lớn trong khung thành, và tôi đã ‘mổ băng’ cách hành động của Lloris trong những tình huống đá phạt trước trận đấu này, vậy nên tôi nhận thấy rằng đó là một khu vực mà mình có thể tận dụng”.
 
James Ward-Prowse
 
“Khi tỷ số đang là 1-1, bạn trở thành người ghi bàn mang về chiến thắng cho đội bóng của mình – đây là một khoảnh khắc vô cùng tuyệt vời đối với bất kỳ cầu thủ nào. Sau này, tôi đã trò chuyện với Eric Dier về bàn thắng đó, và cậu ấy bảo rằng mình cảm thấy rất hối hận khi hàng rào được sắp xếp lệch sang bên trái, bởi vì điều đó chẳng khác nào ‘vẽ đường cho hươu chạy’ đối với một cầu thủ thuận chân phải”. 
 
Trong trận đấu đầy hưng phấn với Aston Villa ở mùa trước – khi đoàn quân của Ralph Hasenhuttl giành chiến thắng với tỷ số 4-3 trên sân khách – Ward-Prowse đã tạo nên một trong những màn trình diễn bóng chết hay nhất trong thời gian gần đây. 
 
Anh đã ghi bàn với 2 pha đá phạt trực tiếp khác nhau và kiến tạo cho Jannik Vestergaard từ một tình huống bóng chết thứ ba.
 
Nếu cú đá phạt thành bàn vào lưới Spurs là một tình huống có cự ly hoàn hảo, còn trước Newcastle, đội trưởng của The Saints đã phải “nâng cấp” khả năng của mình, thì bạn chắc hẳn sẽ nghĩ rằng tình huống đá phạt thứ hai trước Aston Villa là quá gần. 
 
Nhưng Ward-Prowse đã giải thích rằng một chút thay đổi nhỏ trong kỹ thuật có thể tạo ra rất nhiều sự khác biệt, và điều đó có nghĩa là kết hợp sức mạnh, cách “hạ cánh” của quả bóng và độ xoáy vào cú sút phạt này để đảm bảo Emiliano Martinez không có cơ hội cản phá được nó. 
 
“Tình huống này khó khăn hơn một chút, bởi vì bạn không có được khoảng cách lý tưởng để vẽ nên một ‘đường cong’ thực thụ bằng cách đưa quả bóng bay vút lên cao và lao xuống thật sâu, nhưng khi ấy, tôi biết rằng nếu mình vượt qua được hàng rào, thủ môn sẽ không có đủ thời gian để phản ứng”, anh phân tích.
 
James Ward-Prowse
 
“Đây là một trường hợp yêu cầu tôi phải đưa quả bóng bay lên và hạ cánh một cách nhanh nhất có thể, bởi vì không đời nào thủ môn đối thủ có thể bay người xa đến vậy về phía bên phải khung thành”.
 
James Ward-Prowse
 
Vậy, Ward-Prowse sẽ thay đổi kỹ thuật như thế nào dựa trên khoảng cách?
 
“Tôi cảm thấy pha lập công này ‘dễ thương’ hơn một chút so với bàn thắng đầu tiên mà tôi ghi được vào ngày hôm đó”. anh trả lời. “Tôi đã phải di chuyển nhanh hơn một chút để đưa quả bóng lao đến phía bên kia của khung thành, trong khi bàn đầu tiên thiên về sức mạnh. Bởi vì có khoảng cách xa hơn, vậy nên tôi phải tạo ra nhiều sức mạnh hơn một chút cho cú sút phạt đầu tiên bằng cách chạy đà nhiều hơn.”
 
Tuy nhiên, các đối thủ không chỉ e ngại những pha đá phạt trực tiếp của Ward-Prowse. Các tình huống phạt góc do anh thực hiện cũng khó đối phó không kém, đơn giản vì chúng rất thường xuyên “trúng số độc đắc” – tức là đến được với đầu của một người đồng đội. Jannik Vestergaard chính là cái tên tiêu biểu nhất ở mùa 2020/2021. 
 
Đội trưởng của Southampton đã kiến tạo 2 trong số 3 bàn thắng mà trung vệ to cao này ghi được ở mùa trước. Nhưng khía cạnh này của anh không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Những ngày tháng đầu đảm nhận nhiệm vụ thực hiện phạt góc của tiền vệ người Anh không hề suôn sẻ – anh đã thường xuyên cảm nhận được sự bực bội của các đồng đội.
 
“Khi tôi lần đầu tiên được Pochettino giao cho nhiệm vụ thực hiện các tình huống cố định, tôi đã tạt bóng đến cho Rickie Lambert, Jose Fonte và Dejan Lovren. Họ đã không chút ngần ngại nói rằng những đường chuyền của tôi không đủ tốt. Đó là một kỹ năng mà tôi cực kỳ muốn hoàn thiện, bởi vì tôi đã phát ốm và quá mệt mỏi với chuyện bị nói rằng chúng không đủ tốt. Thứ áp lực này rất hữu ích và lành mạnh. Nó đã thúc đẩy tôi cố gắng hoàn thiện khả năng thực hiện phạt góc của mình”.
 
Giờ đây, đã không một đồng đội nào có thể phàn nàn về khía cạnh này của anh được nữa. 

James Ward-Prowse
Ảnh: Getty Images
 
Khi được hỏi điều gì sẽ diễn ra trong đầu anh trước khi thực hiện một tình huống phạt góc, Ward-Prowse đã trả lời: “Chúng tôi đã ‘đầu tư’ rất nhiều vào chuyện này trên sân tập, và những chi tiết mà Dave Watson (HLV bóng chết của Southampton) đưa vào để luyện tập và mổ xẻ cách dàn xếp phòng ngự của các đối thủ thực sự rất hữu ích.
 
Watson đã được HLV trưởng Hasenhuttl khen ngợi trong xuyên suốt mùa trước vì đã tạo nên những tác động tích cực cho khía cạnh bóng chết của đội. Bởi vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi Ward-Prowse mô tả rằng anh và vị HLV bóng chết này như thể “một cặp đôi hoàn hảo” ở Southampton.  Bên cạnh đó, theo như chính anh chia sẻ, nhiều cầu thủ khác – thường tham gia dứt điểm – cũng đã góp phần giúp cho khâu bóng chết của The Saints trở nên lợi hại hơn nữa với những ý kiến của mình dành cho các đường chuyền của người đội trưởng.
 
Mặc dù nhìn thì có vẻ như Ward-Prowse chỉ đơn giản là nhắm đến Vestergaard để đưa bóng tới, nhưng về mặt kỹ thuật, chuyện này phức tạp hơn thế nhiều. 
 
“Điều quan trọng nhất chính là tất cả các khu vực của vòng cấm đều phải có người đảm nhận,” anh chia sẻ. “Tôi sẽ hình dung về nơi mà họ sẽ chạy đến và nơi mà họ nên chạy đến. Nếu một ai đó xuất hiện ở đúng vị trí ấy, vậy thì chúng tôi sẽ có thể tạo nên một sự kết nối trước khung thành. Nhưng nếu đường chuyền của tôi có hơi chệch hướng so với dự định, đó sẽ là lúc mà việc mọi khu vực trong vòng cấm đều có người đảm nhận phát huy tác dụng. Ví dụ, nếu Jannik không đón được bóng, người khác sẽ làm điều đó”.
 
Khi đề cập đến sự kết hợp của Vestergaard và Ward-Prowse, trận đấu với Brighton vào tháng 12 là điểm khởi đầu thích hợp nhất.  Southampton đang bị dẫn trước 1 bàn khi hiệp một sắp kết thúc, và cơ hội san bằng tỷ số cuối cùng trước khi bước vào giờ nghỉ giữa hai hiệp đã đến với họ. Ward-Prowse đã có một kế hoạch. 
 
“Chúng tôi biết rằng các vùng không gian ở rìa vòng 5m50 của họ khá trống trải, vậy nên tôi không thực sự muốn đưa bóng vào trung tâm của khu vực này, vì thế đó là lý do tại sao các đồng đội của tôi khởi đầu ở một điểm xuất phát hơi xa một chút,” anh phân tích. 
 
James Ward-Prowse
 
“Quả bóng đã được đưa đến một nơi tránh xa những khu vực cho phép đối phương có thể can thiệp kịp thời”
  
Đưa quả phạt góc đến đúng vị trí chỉ mới là 50% công việc, 50% còn lại sẽ được thêm vào khi một đồng đội dứt điểm nó. 
 
“Đó là một trong những pha đánh đầu hay nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng trực tiếp, vì thứ uy lực mà cậu ấy thể hiện, quỹ đạo và cách mà cậu ấy đưa quả bóng vượt qua thủ môn,” Ward-Prowse tiếp tục. 
 
James Ward-Prowse
 
“Chúng tôi đã cố tránh né các điểm mạnh của đối phương và nghiên cứu những cách thức mà mình có thể xuyên phá họ, và đó là khu vực mà tôi muốn Jannik di chuyển đến để làm điều này. Không có một cảm giác nào tồi tệ hơn nếu tôi thực hiện một pha phạt góc tệ, bóng bay quá thấp và hậu vệ đầu tiên của đối phương phá được nó”
 
“Khi bạn có những người đồng đội như Jannik trong vòng cấm, sẽ là một tội lỗi khủng khiếp nếu không thể tung ra một đường chuyền thật tốt vào đó để cậu ấy dứt điểm.”
 
Một ví dụ đáng mổ xẻ khác chính là pha phạt góc kiến tạo cho Jan Bednarek ghi bàn trước Manchester United vào tháng 12. Tuy nhiên, sự chuẩn bị mà họ đã thực hiện vào những ngày trước mới là điều ấn tượng nhất. Nếu Ward-Prowse chỉ thực hiện tối đa 5 pha đá phạt trong các buổi tập, thì những tình huống phạt góc sẽ là khoảng 10 đến 15 pha. 
 
Và trong trận đấu với Man United được đề cập, họ đã lên kế hoạch để tạo nên một áp lực lớn trong khu vực cấm địa, đặc biệt là với thủ môn David De Gea.
 
James Ward-Prowse
 
“Đối với bất kỳ hậu vệ hay thủ môn nào, khi bóng được đưa lao đi với tốc độ rất nhanh và có độ cao dưới xà ngang, cùng rất nhiều cầu thủ đối phương đang sẵn sàng đón lấy nó, đây là một tình huống rất khó phòng ngự,” Ward-Prowse chia sẻ. 
 
James Ward-Prowse
 
“Jan không nhất thiết phải chạm vào bóng, và nó vẫn có thể đi vào lưới. Đây là một tình huống rất khó đối phó đối với thủ môn. Chúng tôi đã luyện tập nó, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và những nỗ lực đó đã thực sự hữu ích.”
 
Ngoài ra, tiền vệ 26 tuổi khẳng định rằng mọi đội bóng đều có những “tín hiệu bí mật” trước khi thực hiện các tình huống bóng chết, nhưng đây là điều anh không muốn chia sẻ chi tiết.
 
Giờ đây, Ward-Prowse đang trải qua một giai đoạn được ca tụng là “ông hoàng bóng chết” mà chẳng cần đến những con số để củng cố cho danh hiệu đó. Tầm ảnh hưởng to lớn của những tình huống phạt góc và các pha đá phạt mà anh thực hiện ở bóng đá cấp CLB đã trở nên quá rõ ràng đối với tất cả mọi người.
 
Thật đáng tiếc, đội trưởng của Southampton đã không được góp mặt trong đoàn quân 26 cầu thủ của Gareth Southgate tham dự kỳ Euro 2020 vừa qua, dù cho những tình huống bóng chết đã từng đóng một vai trò rất quan trọng đối với Tam Sư dưới thời vị HLV này – trong 12 bàn thắng mà họ đã ghi ở VCK World Cup 2018, có đến 9 bàn đến từ những pha bóng chết. 
 
Mặc dù vậy, với việc chỉ mới 26 tuổi, kỳ World Cup 2022 đang cách không xa. Ward-Prowse sẽ có cả một mùa giải để tiếp tục chứng minh thực lực của bản thân, cơ hội tạo nên dấu ấn ở sân chơi cấp đội tuyển quốc gia rõ ràng vẫn còn nằm trong tầm tay của anh.
 
Nhưng, đương nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt của ngôi sao người Anh chính là thực hiện tốt nghĩa vụ với Southampton – đội bóng vừa mới phải nhận một trận thua ngược trước Everton trong trận ra quân – ở chiến dịch 2021/2022 trong tư cách một người đội trưởng.
 
Theo The Athletic 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow