Mino Raiola: Một siêu cò hay một người đàn ông tận tâm với công việc? (P1)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 19/04/2019 16:44(GMT+7)

Zlatan nhận ra, Raiola không hề ăn mặc như một Mafioso. Gã chưa bao giờ là một Mafioso và cũng không làm việc theo kiểu Mafioso.

Vào một ngày nọ của năm 2004, tại Amsterdam, Zlatan Ibrahimovic đang đeo trên tay một chiếc đồng hồ bằng vàng, mặc áo khoác hiệu Gucci và lái một con Porsche đến đậu ngay trước lối vào của một khách sạn 5 sao mang tên Okura. Tay tiền đạo trẻ của Ajax đang vô cùng chán nản và nôn nóng muốn tìm cho mình một người đại diện mới, chính vì vậy, anh ta đã gọi điện thoại cho Thijs Slegers, một người bạn làm nghề nhà báo, để nhận được lời tư vấn. Slegers đã đề cập ngay đến một gã tên là Mino Raiola, nhưng lại tỏ ra khá do dự. 
Mino Raiola: Một siêu cò hay một người đàn ông tận tâm với công việc?
“Tại sao?” Zlatan thắc mắc.
“Ờ thì … thằng cha đó là Mafioso đấy,” Slegers trả lời.
“Mafioso à? Nghe chất đấy.” Zlatan đáp lại.
Zlatan đã biết về cái tên này, vì Raiola chính là người đại diện của Maxwell, người đồng đội, và cũng là bạn thân của anh tại Ajax khi đó. Còn về phần “Mafioso”, có lẽ nguyên nhân là vì gã đàn ông này là một người gốc Italia. Sinh ra ở Salermo, Raiola đã cùng gia đình chuyển đến thành phố Haarlem của Hà Lan vào năm 1968, khi gã chỉ vừa tròn 1 tuổi. Tại đây, cha của Raiola đã mở một tiệm bánh Pizza, cũng chính là nơi mà gã làm việc thời còn trẻ.
Chính xác thì Raiola đã làm thế nào để đi từ một tay bồi bàn quèn, đến trở thành một người đại diện nổi tiếng, nhận được sự tin cậy của rất nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới? Zlatan không biết gì về điều đó cả. Cái duy nhất mà anh biết, là gã này đang giữ mối liên hệ với những câu lạc bộ lớn nhất châu Âu, cũng như việc hắn đang làm việc cùng Pavel Nedved, và tất cả mọi người đều nhận xét rằng, hắn là một kẻ sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có thể đạt được mục tiêu cuối cùng mà mình hướng đến.
“Nghe quá ngon lành luôn,” Zlatan viết trong cuốn tự truyện của mình. “Ngay từ đầu, tôi đâu có muốn tìm cho mình một gã ‘lương thiện’.”
Zlatan bước vào bên trong khách sạn Okura và ngồi xuống một nhà hàng sushi, địa điểm gặp mặt mà họ đã thống nhất. Trong khi chờ đợi, tiền đạo người Thụy Điển mường tượng ra trong đầu rằng, cái gã sẽ bước qua cánh cửa kia sẽ là quý ông ăn mặc lịch lãm, bên trong một bộ pinstripe suit. “Nhưng thứ mà tôi thấy …” Zlatan viết. “Là một thằng cha mặc quần jeans, áo phông hiệu Nike và một cái bụng như mấy gã trong phim The Sopranos.”

Zlatan nhận ra, Raiola không hề ăn mặc như một Mafioso. Gã chưa bao giờ là một Mafioso và cũng không làm việc theo kiểu Mafioso. Nhưng hắn ta hành động giống hệt như vậy. Khi họ bắt đầu nói chuyện, Raiola đã gọi sushi và pasta – một phần ăn đủ cho năm người – và ăn hết chỉ trong chớp mắt. Sau đó, gã rút ra bốn tờ giấy A4 và đưa chúng cho Zlatan xem.
Christian Vieiri, 27 trận, 24 bàn.
Filippo Inzaghi, 25 trận, 20 bàn.
David Trezeguet, 24 trận, 20 bàn.
Zlatan Ibrahimovic, 25 trận, 5 bàn.
“Mày nghĩ tao bán được mày kiểu đ** gì với mấy cái số liệu như c** này?” Raiola nói.
Zlatan đã rất sửng sốt. Raiola nói đúng, các số liệu thống kê của anh quá tệ. Nhưng Zlatan luôn là … Zlatan. Từ trước đến nay chưa có ai dám nói chuyện với anh kiểu đó.
Tiền đạo người Thuỵ Điển lấy lại bình tĩnh. “Nếu tôi ghi được 20 bàn,” anh phản công. “Thì mẹ tôi cũng đủ trình để bán được tôi, chứ việc đ** gì phải nhờ đến ông.”
Raiola im lặng. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn một phút. Gã chỉ tay vào chiếc đồng hồ làm bằng vàng, áo khoác Gucci, chiếc Porsche – và nói với Zlatan rằng, gã chỉ xem mấy cái thứ đồ xa xỉ đó như rác rưởi. Cái gã quan tâm, là Zlatan có thực sự muốn trở thành cầu thủ đỉnh nhất thế giới hay không? “Dĩ nhiên rồi,” anh trả lời. “Vậy thì từ giờ hãy tập trung vào bóng đá,” Raiola nói. “Rồi sau đó mày sẽ có tất mọi thứ mình muốn.”
Zlatan hoàn toàn đồng ý với những gì Raiola đã nói với anh. 

“Nghe này,” Zlatan nói. “Tôi không muốn chờ đợi. Tôi muốn bắt đầu làm việc với ông ngay và luôn.”
Hai người họ im lặng trong chốc lát.
“Được rồi, tao hiểu,” Raiola trả lời. “Nhưng tao nói trước: Nếu làm việc với tao, mày phải biết nghe lời tao.”
“Chắc chắn rồi, tôi thề luôn,”
"Vậy thì bán gấp mấy con xe của mày đi. Bán luôn cái đồng hồ vàng chóe đó nữa và tập gấp ba vào cho tao, vì những thống kê của mày như rác rưởi vậy.”
Zlatan đã suy nghĩ về những lời nói đó. “Tôi định bảo hắn ta cút xuống địa ngục đi,” anh viết. Nhưng anh hiểu Raiola nói đúng. Và thế là Zlatan đã làm theo những gì Raiola bảo. Anh đã bán chiếc Porsche Turbo của mình để mang về một con Fiat Stilo. Anh dẹp chiếc đồng hồ bằng vàng sang một bên để đổi sang mang một chiếc Nike. Anh vứt xó chiếc áo khoác da Gucci để mặc bộ đồ tập luyện. “Tôi lao vào luyện tập như điên,” Zlatan kể lại. Bất cứ khi nào anh cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi, Raiola lại đến bên anh.
“Mày đ** phải số 1 đâu,” Gã bảo. “Mày chả là cái đ** gì cả, mày chỉ là một thằng rác rưởi thôi. Vậy nên luyện tập chăm chỉ hơn đi.”
“Biến về nhà thủ dâm đi, lão khốn,” Zlatan điên tiết.
“Đ** m* mày,” Raiola cũng chẳng vừa.
Không lâu sau đó, chính Zlatan cũng nhận thức được rằng anh vẫn làm việc chưa đủ chăm chỉ. Nhưng vào tháng 8 năm đó, anh đã va phải một bức tường. Sự nghi ngờ đang bủa vây tương lai của anh, và tại Euro, anh đã thực hiện không thành công lượt sút penalty của mình trong trận đấu mà đội tuyển Thụy Điển bị đánh bại bởi đội tuyển Hà Lan ở loạt sút luân lưu. Sau đó, anh bị huấn luyện viên Ronald Koeman rút ra khỏi sân trong cuộc đối đầu với Utrecht và đã đá vào một tấm bảng quảng cáo trong lúc bực tức. Sau trận đấu đó, Zlatan đã gọi cho Raiola và xổ hết cơn giận của mình ra. Raiola đã bảo với Zlatan rằng anh chỉ là một thằng phế vật, óc chó. Họ bắt đầu hét vào mặt nhau. Zlatan gác máy và lái xe về thẳng nhà. 
Khi tiền đạo người Thụy Điển về đến nhà, anh nhìn thấy có người đã đứng chờ mình sẵn ở ngoài cửa. Đó chính là Raiola. Zlatan thậm chí còn không thèm bước ra khỏi xe khi họ bắt đầu chửi bới nhau một lần nữa.
“Tôi muốn biến khỏi cái chốn này, ngay và luôn,” Zlatan hét lên trong lúc cãi nhau.
“Vậy đến Turin nhé?” Raiola nói.
“Ông nói cái đ** gì cơ?”
Hóa ra, Raiola đang đề cập đến Juventus. Trong cuộc hành trình để từ một tay bồi bàn trở thành một người đại diện danh tiếng, gã đã học hỏi được rất nhiều thứ. Và cũng trong cuộc hành trình đó, gã đã quen biết với Luciano Moggi.

Mino Raiola chưa bao giờ thực sự tự tay nướng Pizza, nhưng gã đã làm rất nhiều những việc khác. “Hồi tôi 11 hay 12 tuổi gì đó, tôi đã đi cùng bố đến chỗ làm để học việc,” Gã kể lại với tờ Financial Times. Bố của Raiola đã làm việc đến tận 20 tiếng mỗi ngày. “Việc của ông ấy là ở trong nhà bếp. Vậy, tôi có thể làm gì? Tôi lo phần rửa bát đĩa. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích làm công việc này. Việc dọn dẹp có thể mang đến cho tôi một sự bình yên trong tâm hồn, nó giúp tôi thấy được kết quả tức thì của một công việc mà mình làm.”
Khi lớn lên, Raiola trở thành một bồi bàn và điều hành một quán bar. Gã trở nên thuần thục trong việc thỏa mãn nhu cầu của những người khác – không chỉ mang đến thứ họ muốn, mà còn giúp họ cải thiện tâm trạng. Nếu có một khách quen đang gặp chuyện phiền muộn, gã sẽ ngồi xuống và nghe anh ta tâm sự. “Cái nhà hàng đó cứ như một trường đại học chuyên dạy về xã hội vậy,” gã kể lại với tờ SportExpressen.

Vì Raiola có thể nói tiếng Hà Lan tốt hơn cha mình, nên gã đã bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán kinh doanh. Một vài khách quen đang làm việc như những thương nhân đã đến nói với gã rằng, họ đang gặp rắc rối với mấy tay cung cấp người Italia, hàng hóa mà họ đặt sẽ không thể đến nơi. Raiola có thể giúp gì cho họ? Raiola biết nói tiếng Italia, vì vậy, gã đã gọi điện thoại cho mấy tay kia và giải quyết vấn đề. Đánh hơi được một thị trường mới có thể giúp mình vùng vẫy, Raiola đã quyết định thành lập ra một công ty riêng, mang tên Intermezzo, với công việc chính là giúp dân Hà Lan làm ăn, kinh doanh tại Italia. 
Một khách quen khác thường lui tới tiệm Pizza của nhà Raiola chính là chủ tịch của FC Haarlem, một câu lạc bộ mà gã đã từng đầu quân cho thời còn nhỏ. “Tôi luôn nói với ông ấy là ổng chẳng biết cái đ** gì về bóng đá cả,” Raiola hồi tưởng lại với tờ Secolo XIX. “Một ngày nọ, ổng nói với tôi: ‘Nghe này, chú mày thử nhảy vào làm việc với bọn tao xem sao.’” Thế là, khi vẫn còn ở độ tuổi đôi mươi, Mino Raiola đã trở thành một giám đốc thể thao. Thế nhưng Haarlem không có đủ tiền để ký hợp đồng với những cầu thủ mà gã muốn, nên gã đã quyết định từ chức không lâu sau đó.
Tuy nhiên, Raiola rất thích được làm việc trong thế giới bóng đá. Gã quyết định từ bỏ theo học ngành luật – vì cho rằng lĩnh vực này không hợp với gã. Gã đã mua về một nhà hàng McDonald và bán nó cho một nhà phát triền bất động sản với giá hàng triệu, nhờ đó, gã đã có một nền tảng tài chính rất vững chắc. Giờ đây, Raiola muốn tập trung hoàn toàn vào việc theo đuổi đam mê của bản thân. Gã đã phát hiện ra được một lỗ hổng pháp lý cho phép mình bán đám cầu thủ người Hà Lan cho các câu lạc bộ Italia với giá rẻ.

Đầu những năm 1990, Raiola đã giúp hàng loạt cầu thủ của Ajax hoàn tất các thỏa thuận để chuyển đến Italia, tiêu biểu như Dennis Bergkamp (đến Inter), Wim Jonk (đến Inter) và Bryan Roy (đến Foggia). Tại Foggia, gã đã ở chung với Roy đến bảy tháng và giúp anh ta sơn lại ngôi nhà của mình. Chính tại đây, Raiola đã được gặp cô vợ tương lai của mình và kết bạn với huấn luyện viên của Foggia, Zdeněk Zeman. Raiola đã bắt đầu hiểu biết về những người đang điều hành các câu lạc bộ tại Italia, và cảm thấy chẳng có gì đáng để ấn tượng ở họ. “Đó là một thế giới khép kín, với tiềm năng to lớn và doanh thu khủng lồ,” Gã nói với tờ FT. “Nhưng lại được điều hành bởi một đám người khiến tôi phải thốt lên: ‘Cái đ** gì thế này?’”
Một trong những giám đốc điều hành máu mặt nhất mà Raiola đã gặp gỡ là Luciano Moggi, khi đó đang đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật tại Torino. Hai người họ hẹn gặp nhau vào lúc 11h. Raiola đã có mặt tại văn phòng của Moggi từ lúc 10h45. Ở đó, gã đã được dẫn đến một căn phòng, nơi có 25 người khác cũng đang đợi để được gặp mặt Moggi. Raiola quyết định bỏ đi. Cuối ngày hôm đó, gã tình cờ chạm mặt Moggi tại một nhà hàng. Raiola đã kể lại với FT về cuộc trò chuyện của họ.
“Ông là Mr Moggi?”
“Ừ.”
“Ông không thấy bất lịch sự khi bắt tôi phải chờ lâu đến thế à?”
“Cậu là thằng nào?”
“Tôi là Raiola.”
“À, ra cậu là Raiola. Nghe này, nếu cậu cảm thấy khó chịu với tôi, cậu sẽ không bao giờ bán được bất cứ một thằng cầu thủ nào trên đất Italia này đâu.”
Nhưng vào giữa những năm 1990, Raiola đã “tìm thấy” Pavel Nedved, một cầu thủ thuộc biên chế Sparta Prague. Năm 1996, sau khi Cộng Hòa Czech lọt vào trận chung kết Euro, Raiola đã bán Nedved cho Lazio, đội bóng khi đó đang được dẫn dắt bởi Zeman. Raiola chưa bao giờ được nhìn thấy một cầu thủ chăm chỉ như Nedved, chính vì vậy, gã đã quyết định sẽ xem ngôi sao người Cộng Hòa Czech như một hình mẫu cho những khách hàng khác của mình. Năm 2000, Nedved đã giúp Lazio đoạt được Scudetto. Một năm sau, Moggi, hiện đã chuyển đến làm việc ở Juventus, muốn ký hợp đồng với Nedved.

Raiola đã lên kế hoạch để bán tiền vệ này cho Real Madrid. Nhưng gã đã đồng ý gặp mặt Moggi ở Turin, chỉ để biết ông ta muốn nói gì. Điều mà Raiola không ngờ tới, chính là việc Moggi sẽ mời cả một đám nhiếp ảnh gia và nhà báo theo đến điểm hẹn. Khi tin tức về sự kiện này xuất hiện tràn lan trên báo đài, tất cả mọi người đều mong đợi Nedved sẽ gia nhập Juventus, và anh đã làm như vậy. Juve đã giành được hai chức vô địch quốc gia tiếp theo, còn Nedved thì được trao danh hiệu Quả Bóng Vàng năm 2003. Tất cả những điều này có nghĩa là, khi Zlatan muốn rời khỏi Ajax, Raiola đã có sẵn một mối quan hệ khá tốt với Moggi. 
Raiola và Zlatan đã hẹn gặp Moggi tại một phòng Vip của sân bay gần Monaco. Tuy nhiên, cuộc gặp này lại diễn ra cùng lúc với giải Monaco Grand Prix, vì vậy, họ đã bị kẹt xe. Do đó, Raiola và Zlatan buộc phải chạy bộ đến điểm hẹn. Khi họ đến nơi thì Raiola đã ướt đẫm mồ hôi. Gã mặc áo phông hiệu Nike, đi giày mà không thèm mang tất và mang một chiếc quần short. Họ bước vào một căn phòng đầy khói, nơi Moggi đang ngồi tận hưởng một điếu xì gà.
“Mày ăn mặc kiểu đ** gì thế này ?” Moggi ngạc nhiên.
“Vậy ra ông ở đây chỉ để nói chuyện về cách ăn mặc của thằng này ư ?”
Tất cả bọn họ đều muốn mau chóng đạt được một thỏa thuận. Nhưng đến tận khi tháng 8 kết thúc, cuộc đàm phán vẫn chưa thể hoàn tất. Moggi đột nhiên nói rằng Zlatan và Trezeguet không thể đá cặp với nhau. Tức giận, Raiola đã mời cả  Moggi và Capello cùng đi ăn tối để “ba mặt một lời”. Capello khẳng định  hai người họ hoàn toàn có thể đá cặp với nhau, và điều này đã khiến Moggi không thể nói gì thêm. 
Tuy nhiên, khi thị trường chuyển nhượng mùa hè đã gần đến ngày đóng cửa, họ vẫn chưa đạt được bất cứ một thỏa thuận nào với nhau. Juventus đang mặc cả từng đồng với Ajax. Trong lúc thời gian sắp hết, Raiola và Zlatan đã bay đến văn phòng của Liên Đoàn bóng đá Italia, nằm tại Milan, nơi các cuộc chuyển nhượng được đăng ký. Moggi đang cố gắng hạ giá mua xuống càng thấp càng tốt, trong khi Raiola đã đến gặp trực tiếp ban lãnh đạo của Ajax.

Ajax không muốn chốt deal bởi vì Juventus không hề mang bất kì một tấm séc nào tới. Đến lúc này, Raiola đã gào thét ầm ĩ để đe dọa Ajax. “Nếu các ông đ** ký vào cái hợp đồng chuyển nhượng này, thì các ông sẽ đ** có 16 triệu Euro, cũng đ** có Zlatan nốt, các ông hiểu không,” Gã nói. “Các ông nghĩ Juventus họ xù tiền của các ông à ? Họ là Juventus đấy. Nhưng kệ mẹ các ông. Thích làm gì thì cứ làm đi, cứ để vụ này đổ bể đi, rồi ngồi đó mà tận hưởng cái cảm giác mất cả chì lẫn chài.” Nhưng Ajax vẫn không có động tĩnh gì. Sự căng thằng đã lên đến đỉnh điểm.
Vào thời điểm đó, Raiola cứ như một gã đã tìm thấy quả bóng của mình và bắt đầu thực hiện những pha tâng bóng. Zlatan không thể tin vào chuyện đang diễn ra. Thế rồi gã bất ngờ chuyền bóng đến cái đầu của Moggi. Ngay khi toàn bộ các thỏa thuận đang trên bờ vực sụp đổ, Raiola dường như đã quyết định sẽ trở thành một nghệ sĩ đường phố. 
“Điên vãi linh hồn,” Zlatan viết. “Thằng cha đó đang làm cái đ** gì thế.”
Tuy nhiên, vào những phút cuối cùng, Ajax đã đồng ý ký vào các giấy tờ. Zlatan sẽ chuyển đến Juventus. Mino Raiola đã chiến thắng. 
Ngày nay, Mino Raiola chính là đối thủ của Jorger Mendes, với tư cách là những “siêu cò” hàng đầu thế giới. Năm ngoái, Forbes đã xếp Raiola đứng ở vị trí thứ 5 trong số tất cả các  “tay cò” của giới thể thao. Gã chính là người đại diện của những cái tên máu mặt như Zlatan, Paul Pogba, Marco Verratti, Mario Balotelli, Blaise Matuidi, Gianluigi Donnarumma, và những người khác. Mặc dù có văn phòng chính đặt ở Monaco, nhưng Raiola thường dùng phần lớn thời gian để bay vòng quanh châu Âu, gặp gỡ các cầu thủ và các giám đốc.

Gã thông thạo đến 7 ngôn ngữ khác nhau : Tiếng Italia, tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha. Gã thường xuyên làm ăn trên đất Italia và Hà Lan, nhưng lại cạch mặt Đức, bởi vì theo gã, các giám đốc ở đây không hề chuyên nghiệp một chút nào. “Có thể thấy rõ điều này qua cái cách mà họ hỏi ‘Mino là thằng nào ?’ khi tôi gọi điện thoại cho họ,” Raiola nói với 11 Freunde. “Tôi nói thẳng luôn nhé : Một tay giám đốc thể thao mà không biết Mino Raiola là ai, thì nên bỏ việc mẹ nó đi.”
Raiola khẳng định gã chưa bao giờ phải tự mình tiếp cận các cầu thủ, chính họ mới là người tìm đến và tiếp cận gã. Khi được gặp một khách hàng tiềm năng, gã sẽ vạch ra một kế hoạch của riêng mình. “Và sau đó phải đi theo đúng cái kế hoạch đó, nếu không, mọi thứ sẽ chỉ là vô nghĩa.” Raiola kể lại với 11 Freunde. 

(còn nữa)

Lược dịch từ bài viết “Just like family”, của tác giả Thore Haustad, đăng tải trên Time on the ball.

NAM KHÁNH (TTVN)


Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.