“Nếu cứ mãi nhìn vào những điều tiêu cực ngoài chiến trường khốc liệt kia, chúng ta sẽ tự giết chính mình trước cả bom đạn của quân địch”
“Save Private Ryan”, tạm dịch là “Giải cứu binh nhì Ryan”, là một bộ phim về đề tài chiến tranh được công chiếu vào năm 1998, do Steven Spielberg làm đạo diễn và tài tử Tom Hanks được chỉ định đóng vai chính. Phim kể về cuộc hành trình đặc biệt của 8 người lính dưới sự chỉ huy của đại úy John Miller, với nhiệm vụ được giao là đưa binh nhì James Ryan trở về Mỹ, sau khi 3 người anh em của gia đình Ryan đã tử trận trong chiến tranh thế giới lần thứ II.
Tóm tắt nội dung phim chỉ bằng vài câu như vậy nghe có vẻ đơn giản, nhưng điều gì đã làm nên sự đặc biệt của bộ phim này, biến nó trở thành tác phẩm công phá mọi kỷ lục phim ảnh trong năm 1998? Điều kéo khán giả ngồi lại đến cuối bộ phim chính là hành trình, là quãng đường mà tiểu đội ấy đã phải trải qua để hoàn thành được nhiệm vụ. Với họ, nhiệm vụ không chỉ là đưa binh nhì Ryan lành lặn trở về, mà còn là nghĩa vụ với tổ quốc, là sứ mệnh chiến thắng cuộc chiến chung với lý tưởng mà họ theo đuổi.
Và trong bóng đá, chúng ta cũng từng được chứng kiến rất nhiều cuộc giải cứu như vậy. Xét cho cùng bóng đá là cảm xúc và ngược lại cảm xúc là thứ gia vị không thể thiếu để hình thành nên một trận bóng đá.
Chỉ 2 ngày sau thất bại trước Liverpool trên sân nhà, Arsenal hành quân đến Villa Park để đối đầu với Aston Villa – đội bóng đang có phong độ cao trong giai đoạn gần đây với 3 chiến thắng trong 4 trận đấu liên tiếp tại Premier League. Đã có những sự phàn nàn của HLV Mikel Arteta về ban tổ chức khi đội bóng của anh chỉ có chưa đầy 60 tiếng nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, cuối cùng Arsenal cũng đã thắng, một chiến thắng nhọc nhằn theo đúng nghĩa, như cái cách thủ thành Bernd Leno bay người cản phá pha sút phạt lúc cuối trận. Rõ ràng nếu đội khách đủ tinh tế và bản lĩnh hơn trong các pha dứt điểm, họ đã có thể kết thúc trận đấu từ sớm. Nhưng giống như một câu thoại trong bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan”: “Nếu cứ mãi nhìn vào những điều tiêu cực ngoài chiến trường khốc liệt kia, chúng ta sẽ tự giết chính mình trước cả bom đạn của quân địch”.
Thành thật mà nói, đã có rất nhiều điều tích cực từ Arsenal mà nó không hiển thị trên bảng tỉ số. Trên tất cả, dễ dàng nhận ra Arsenal ở thời điểm hiện tại là một tập thể đoàn kết, bản lĩnh và đang sở hữu điểm tựa niềm tin cực lớn cho cuộc đua giành vé dự Champions League.
Ngược dòng trước đó nửa năm, vào ngày 12/8/2021, tức là 2 ngày trước khi thời điểm Premier League 2021/2022 khởi tranh, không một ai trong số 20 bình luận viên của đài truyền thanh BBC TV điền tên Arsenal cho một vị trí trong Top 4 vào cuối mùa, ngay cả các cựu Pháo thủ như Martin Keown hay Matthew Upson. Thay vào đó, cả 20 người đều nhất trí cho rằng Manchester United sẽ là đội sẽ giành vé dự Champions League mùa tới. Sự lựa chọn này càng có cơ sở sau khi Arsenal thảm bại cả 3 trận đầu tiên với 9 bàn thua không gỡ, đứng cuối cùng trên BXH.
Đỉnh điểm là việc Arsenal bị Manchester City hủy diệt tới 5 bàn tại Etihad. Không phải nói cũng biết áp lực dành cho Mikel Arteta vào thời điểm đó khủng khiếp thế nào. Ngay cả những Gooners lạc quan nhất cũng chẳng còn giữ được bình tĩnh. Họ muốn BLĐ đội bóng lập tức sa thải Mikel Arteta, bất chấp Pep Guardiola ra mặt bảo vệ người cũ với phát biểu:
“Thành thực mà nói tôi và các cầu thủ Man City học hỏi được rất nhiều điều từ Mikel. Mọi chuyện đang diễn ra không theo những gì cậu ấy mong muốn. Nhưng tôi chắc chắn nếu tiếp tục được tin tưởng, cậu ấy sẽ làm tốt công việc. Mọi thứ cần thời gian để thay đổi”.
Đã 5 năm kể từ thời điểm Man Utd đưa về phòng truyền thống một danh hiệu và họ vẫn loay hoay trong việc định hình lối chơi, bất chấp việc sở hữu một nền tảng tài chính vững mạnh. Arsenal không khát danh hiệu đến vậy, nhưng những gì họ làm được kể từ sau thời kỳ hậu Arsene Wenger cũng bạc nhược chẳng kém. Từng là hai thế lực thống trị nước Anh một thời, nhưng giờ lại phải loay hoay đi tìm lại ánh hào quang đã mất trong quá khứ. Mỗi bên đều có những hướng giải quyết của riêng mình.
Với Arsenal, họ chọn Mikel Arteta – một người hiểu bóng đá Anh – được so sánh là có nhiều nét tương đồng với Pep Guardiola để ngồi ghế nóng tại Emirates. Đó giống như một quyết định đánh cược khác sau khi canh bạc đặt vào tay Unai Emery thất bại toàn tập. Nhưng sự thật thì Mikel Arteta không có bất cứ kinh nghiệm làm HLV trưởng nào trước khi nhận trọng trách tại Arsenal, ngay cả làm HLV trưởng đội trẻ cũng chưa từng.
Và quan trọng hơn, tình hình phức tạp của Arsenal thậm chí còn khiến bất cứ chiến lược gia lão luyện nào cũng phải e dè chứ đừng nói là một HLV trẻ. Nửa đỏ thành London không có một tiềm lực tài chính đủ tốt để lấp chỗ trống về sức hút như Man United, không có khả năng quyến rũ các cầu thủ tham vọng như Real Madrid hay Bayern Munich, thậm chí mất luôn cả danh tiếng với khả năng thuyết phục tài tình của một tượng đài là Arsene Wenger.
Tháng 2/2020, hơn 2 tháng sau khi bổ nhiệm Mikel Arteta, Arsenal thiết lập kỷ lục buồn sau 107 năm khi chỉ giành 31 điểm sau 25 vòng đấu. Đó không hoàn toàn là lỗi của Mikel Arteta, tuy nhiên anh cũng không nâng nổi số trận thắng lên con số 2 dù đã trải qua 7 trận ở Premier League.
Tháng 12/2020, sau trận thua bạc nhược 0-1 trước Burnley ngay trên sân nhà Emirates, Arsenal tiếp tục xác lập kỷ lục buồn với chuỗi 4 trận thua liên tiếp trên sân nhà kể từ năm 1959, rơi xuống vị trí thứ 15 trên BXH, cách nhóm xuống hạng 5 điểm. Rồi đến chuyện 3 trận thảm bại hồi đầu mùa 2021/2022…
Các Gooners mông lung với mệnh đề “Trust the Process”, tạm dịch là tin tưởng vào quá trình thay đổi, mà giới thượng tầng dành cho triều đại Mikel Arteta. Một nhà quản lý muốn chiến thắng trên sân cỏ, việc đầu tiên họ phải chiến thắng cả hàng hà xa số những vấn đề bên ngoài đường pitch. Mikel Arteta ít ra vẫn còn may mắn vì anh vẫn được giới thượng tầng Arsenal tin tưởng sau hàng loạt những chuỗi trận kém ấn tượng. Để rồi sau cùng người đàn ông này đã và đang thay đổi văn hóa tại Arsenal theo hướng tích cực nhất.
Chiến lược gia 39 tuổi tạo ra một bầu không khí giống như gia đình tại đội bóng thông qua những điều nhỏ nhặt nhất. Những bữa trưa được tổ chức theo chủ đề để giúp các cầu thủ nước ngoài cảm thấy gần gũi hơn. Ví dụ có những ngày mà lá cờ Brazil sẽ được bố trí trong nhà ăn, còn các nhân viên thì sẽ mặc đồ màu vàng để chuẩn bị những món ăn Nam Mỹ cho các cầu thủ.
Mikel Arteta thích việc chuẩn bị cho ngày làm việc của mình tại London Colney. Anh thường đến nơi từ 8 giờ sáng - sớm hơn một tiếng so với mọi người - để có thể chuẩn bị mọi thứ trước. Việc các cầu thủ thường xuyên đi muộn là một vấn đề tại CLB khi anh tiếp quản vào năm 2019, nhưng qua thời gian thì điều đó đã không còn, thậm chí giờ đây các cầu thủ đã noi gương người thầy, thường đến sớm để ăn sáng tại sân tập và trò chuyện cùng các đồng đội.
Cựu trợ lý của Pep Guardiola được biết tới là người rất nghiêm khắc, nhưng anh cũng biết linh hoạt đúng lúc đúng chỗ. Ví dụ như các cầu thủ bây giờ sẽ đầu tư hơn trong việc chuẩn bị bánh hay quà để chúc mừng sinh nhật các thành viên của đội. Hay toàn đội sẽ ở lại trong những ngày cố định để cùng ăn trưa với nhau. Các cầu thủ được phép mang theo gia đình trong chuyến tập huấn tại Dubai, bởi ban huấn luyện muốn tạo ra một bầu không khí gần gũi nhất có thể.
Anh cũng đã di chuyển văn phòng của mình khỏi sảnh chính tại London Colney tới khu vực trung tâm của khu huấn luyện, nơi mà đội ngũ huấn luyện và phân tích làm việc. Cửa sổ của anh được bố trí hướng ra phía các sân tập. Bằng cách đó, HLV trưởng đã ở gần hơn với các cầu thủ và các nhân viên của đội. Phía bên ngoài văn phòng, anh bố trí một chiếc bàn lớn, nơi mà những buổi họp có thể diễn ra tại nơi mà mọi người đều có thể thấy. Sân tập cũng đã được tân trang lại với nhiều câu khẩu hiệu được gắn trên các bức tường để tạo thêm động lực cho các cầu thủ. Tất cả những điều trên chỉ là những chi tiết, những thay đổi nhỏ nhặt, nhưng nó cho thấy sự tỉ mỉ và tận tâm. Cho đến lúc này, những gì mà anh đã làm đang cho thấy sự hiệu quả rõ rệt cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Hãy nhìn cái cách mà toàn đội Arsenal ăn mừng sau chiến thắng 1-0 trước Aston Villa, khi toàn đội chạy đến ôm lấy Bernd Leno sau khi thủ thành người Đức có pha cứu thua xuất sắc cuối trận. Một trong số đó là Aaron Ramsdale – người phải ngồi ngoài vì chấn thương lưng nhưng vẫn đến sân để cổ vũ cho người đàn anh trong khung gỗ. Hay như cái cách họ ăn mừng đầy cảm xúc sau mỗi chiến thắng, thậm chí không ít lần khiến đối thủ phải “nóng mắt”, tuy nhiên hãy đặt mình vào vị thế của một đội bóng đang khát khao trở lại như Arsenal, chúng ta sẽ hiểu được vì sao họ làm vậy. Họ đã có 54 điểm sau 28 vòng đấu, hơn Tottenham và Man Utd lần lượt là 3 và 4 điểm, nhưng đá ít hơn 1 trận.
Mikel Arteta giống đại úy John Miller trong bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan” ở chỗ sứ mệnh của anh không chỉ là đưa Arsenal trở lại với Champions League, mà còn là sứ mệnh chiến thắng với lý tưởng chung mà tất cả các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng đang theo đuổi. Biết rằng cuộc cạnh tranh phía trước còn dài, tuy nhiên ngay cả khi thất bại, các Gooners cũng có quyền tự hào về người đàn ông đang làm tất cả để đưa Arsenal trở lại này.
Và hôm nay, người đàn ông bản lĩnh đó chính thức bước sang tuổi 40!