Miếng băng cuốn trên ngón tay Son Heung Min và cái tôi của Lee Kang In

Tác giả Nam Giang - Thứ Sáu 16/02/2024 13:37(GMT+7)

Zalo

Lee Kang In nên noi gương Son Heung Min để biết cách cúi đầu sau sự cố bóng bàn của ĐT Hàn Quốc ở Asian Cup 2023. 

202402141920028195_d-800x500
 

“Bố tôi từng nói với tôi rằng: ‘Nếu con là một cầu thủ giỏi, nhưng lại không biết tôn trọng người khác, thì con sẽ chẳng là ai cả’. Tới bây giờ, ông vẫn nhắc lại điều đó với tôi. Chúng ta đều là con người bình thường trước khi trở thành cầu thủ bóng đá. Chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau, ở cả trong và ngoài sân cỏ”, Son chia sẻ trong buổi phỏng vấn với tờ The Guardian hồi đầu tháng 3/2019. 

Miếng băng cuốn trên ngón tay Son Heung Min và cái tôi của Lee Kang In 1
Son Heung Min và bố của anh, ông Son Woong Jung

 

“Yếu tố đã nâng tầm Son trong mắt khán giả là sự tôn trọng, nghị lực và sự tích cực trên nụ cười của anh ấy. Đối với một cầu thủ tự tin vào trình độ của mình như vậy, thật khó để có được sự khiêm tốn như Son”, tác giả Dave Hytner viết. 

Lee Kang In – tài năng trẻ vừa ẩu đả với người đàn anh sinh năm 1992 ở ĐT Hàn Quốc tại Asian Cup 2023 – có thể chưa từng đọc bài phỏng vấn này. Sau vụ xô xát ấy, Lee có lẽ nên tìm đọc bài viết được The Guardian đăng tải từ 5 năm trước, để rút ra thêm những bài học xương máu cho tương lai của bản thân. 

Lee Kang In bị tẩy chay sau vụ ẩu đả với Son Heung MinLee Kang In bị tẩy chay sau vụ ẩu đả với Son Heung Min
Tiền vệ Lee Kang In đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích sau vụ việc lùm xùm với đàn anh Son Heung Min ở Asian Cup 2023 vừa qua.

Lee có gì mà dám thái độ với Son? 

“Chúng tôi đã khiến người hâm mộ thất vọng, tôi rất buồn vì điều này. Lẽ ra, tôi nên nghe lời đàn anh. Nhưng tôi đã không làm vậy và thật sự xin lỗi vì để lại hình ảnh xấu trong mắt người hâm mộ. Tôi hiểu được kỳ vọng từ phía CĐV ở giải đấu này. Từ giờ, tôi sẽ nỗ lực để bản thân cũng như đồng đội trở thành những cầu thủ tốt hơn”, Lee đã đưa ra lời xin lỗi, nhưng các trang MXH của cầu thủ sinh năm 2001 vẫn hứng chịu cơn bão chỉ trích từ khán giả nhà. 

NHM Hàn Quốc tỏ ra bất bình và “chướng tai gai mắt” khi Lee dám bật “đại ca” của đội. Tiền vệ thuộc biên chế Paris Saint-Germain kém Son 9 tuổi. Cả 2 cầu thủ này đều có lần đầu tiên góp mặt ở ĐTQG năm 18 tuổi. Từ đó đến nay, Son đã chơi 123 trận cho đội bóng tới từ xứ sở kim chi, con số này của Lee chỉ là 25. Thậm chí, tiền vệ sinh năm 2001 còn lên tuyển lần đầu (tháng 3/2019) sau thời điểm tiền đạo sinh năm 1992 trở thành đội trưởng chính thức của ĐT Hàn Quốc (tháng 1/2019, tại Asian Cup).

Ở cấp độ ĐT trẻ, cả Son (2018) lẫn Lee (2022) đều từng giúp tuyển Olympic Hàn Quốc giành HCV Asiad. Tiền vệ của PSG từng giúp U20 Hàn Quốc vào chung kết U20 World Cup 2019, thì chân sút của Tottenham Hotspur cũng có thành tích á quân Asian Cup 2015 và U16 châu Á 2008.

Về kỷ lục, Lee chỉ là cầu thủ trẻ thứ… 7 trong lịch sử ra mắt đội bóng tới từ xứ sở kim chi, còn Son từng là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử tuyển Hàn Quốc ghi bàn tại Asian Cup (với bàn thắng vào lưới Ấn Độ ở vòng bảng năm 2011). 

Miếng băng cuốn trên ngón tay Son Heung Min và cái tôi của Lee Kang In 2
Son ăn mừng sau khi chọc thủng lưới Ấn Độ ở Asian Cup 2011

 

Tóm lại, về những cống hiến và kinh nghiệm ở ĐTQG, tiền vệ 22 tuổi chỉ bằng hoặc kém, chứ chưa hề hơn được tiền đạo 31 tuổi ở bất kỳ điểm nào. Trên Transfermarkt, Son dù đã bước sang tuổi đầu 3, nhưng vẫn có giá trị chuyển nhượng (50 triệu euro) gấp đôi Lee (22 triệu euro). 

Về vai vế và thậm chí là cả chuyên môn, tiền vệ sinh năm 2001 chưa “đủ tuổi” để được so sánh với tiền đạo sinh năm 1992. Lee chỉ là phận em, còn Son ngồi mâm đàn anh. Và một khi anh đã nói, thì em phải nghe lời, hoặc dù Lee có không bằng lòng thì tiền vệ của PSG vẫn sai khi xử sự như vậy với “đại ca” của cả đội. 

Nếu chịu hạ cái tôi của mình xuống, tiền vệ thuộc biên chế PSG sẽ nhận ra có hàng tá điều mà mình có thể học tập về tính cách của tay săn bàn đang khoác áo Tottenham. 

Lee nên coi Son là tấm gương để noi theo

Theo lời kể của nhà báo Dave Hytner, Son thường được Tottenham cho nghỉ vào thứ 5 hàng tuần, nhưng anh chưa bao giờ hủy lịch đi thăm các em nhỏ ở Vale – một ngôi trường dành cho trẻ em khuyết tật gần đại bản doanh của CLB thành London – để làm việc riêng. Đây là một hoạt động thiện nguyện do quỹ từ thiện Tottenham tổ chức. Thậm chí, siêu sao mang áo số 7 còn thường đến sớm 10 phút so với lịch hẹn. 

“Đây là điều mà gần như chưa có bất kỳ ngôi sao nào của bóng đá thế giới từng làm”, Dave Hytner cho biết.  “Son rất hòa đồng khi giao lưu với các học sinh của trường Vale. Thật thú vị khi quan sát phản ứng của các bạn nhỏ trong lúc họ trò chuyện với anh ấy. Đã có những cái ôm và cả những cái bắt tay, tất cả đều rất thân thiện”. 

Hồi cuối năm 2017, khi nhận câu hỏi của các phóng viên về việc mình đang được so sánh với huyền thoại Park Ji Sung, Son trả lời: “Còn lâu tôi mới vươn đến đẳng cấp của anh ấy!”.

Ngoài việc ngồi chung mâm với Park, Son còn từng có biệt danh “David Beckham châu Á”. Khi các phóng viên đặt câu hỏi về biệt danh này hồi tháng 1/2018, Mauricio Pochettino – người lúc bấy giờ đang là HLV trưởng của tiền đạo 26 tuổi ở Tottenham – nói: “Beckham là biểu tượng lớn của bóng đá thế giới. Điều này phần nào giống với Sonny. Tuy nhiên, Son là một cầu thủ rất khiêm tốn, là một chàng trai rất… bình thường”.

Nên nhớ, 3 câu chuyện trên diễn ra từ cuối năm 2017 tới đầu năm 2019, tức là khi Son đã trở thành một siêu sao, đã thu hút được sự chú ý của toàn thế giới và được coi là niềm tự hào của lịch sử bóng đá châu Á, chứ không diễn ra khi tiền đạo sinh năm 1992 còn là một cầu thủ chưa ai quen mặt biết tên. 

Đó là những câu chuyện về cách đối nhân xử thế của Son. Vậy còn Lee thì sao?

“Tính khí của Kang In thất thường lắm. Cậu ấy tỏ ra rất kén chọn đối với các tiền bối và đôi khi vượt quá giới hạn. Có thể Kang In làm vậy vì quý chúng tôi. Nhưng khi đang trong giải đấu, chúng tôi rất nhạy cảm và dễ cáu. Dẫu vậy, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng nín nhịn cậu ấy. Chúng tôi từng mong Kang In có thể cư xử đúng mực”, Cho Young Wook – người từng dự U20 World Cup 2019 cùng Lee chia sẻ trên tờ Money Today.

Ở giải đấu năm ấy, chàng trai sinh năm 2001 là em út, nhỏ hơn các cầu thủ như: Cho Young Wook, Oh Se Hun, Um Won Sang và Hwang Tae Hyeon 2 tuổi. 

“Won Sang là một trong những cầu thủ từng không chịu được những trò đùa của Kang In. Anh ấy không thể chịu đựng nổi khi nói bất kỳ điều gì với cậu ấy. Một lần, Won Sang đến gặp tôi và than thở: “Tôi phải làm gì bây giờ?””, Cho kể tiếp. 

Theo tiết lộ của Um Won Sang, Lee thậm chí còn từng văng tục với các cầu thủ lớn tuổi hơn trong đội. “Một hôm, tôi đang ăn thì Kang In tới chửi tôi và bảo tôi đừng nói chuyện bậy bạ. Lúc đó, tôi chết lặng và rất xấu hổ. Vì không thể nói trực tiếp với cậu ấy, nên tôi đã tới than vãn với Young Wook”.

Trong khi đó, Oh Se Hun thì khẳng định Lee không phải… người bình thường. “Kang In là đứa trẻ bất thường. Cậu ấy đã nhiều lần vượt quá giới hạn. Nhưng thay vì im lặng, tôi đã trừng phạt Kang In. Có lần tôi đã nhấc và ném cậu ấy lên giường”, Oh cho biết. 

Hwang Tae Hyeon – người khi ấy là đội trưởng của tuyển U20 Hàn Quốc – nói mình đã phải rất cố gắng cũng như nhẫn nại thì mới có thể ăn tập và sinh hoạt chung với Lee. “Có thể do chúng tôi lớn lên từ những địa phương, những nền văn hóa khác nhau. Chúng tôi luôn cố gắng thấu hiểu nhau nhiều nhất có thể. Nhưng con người ai mà chẳng có cá tính, nên mỗi khi tôi buồn bực vì Kang In, tôi lại gọi cậu ấy ra nói chuyện riêng”. 

Thực tế, trong mỗi tập thể, việc đôi khi không hài lòng với nhau là điều không thể tránh khỏi. Và mọi chuyện phải như thế nào, cách cư xử của Lee phải quá giới hạn đến thế nào, thì các đồng đội cũ của tiền vệ sinh năm 2001 ở ĐT U20 mới công khai hết cho báo chí, thay vì giấu đi để giữ thể diện cho anh. 

Đó là những điều mà những người xung quanh nói về Son và Lee. Những câu chuyện ấy, có lẽ đã đủ để khắc họa tính cách và cách ứng xử của 2 ngôi sao này. 

Lee đã khiến Son phải băng ngón tay khi thi đấu. Nếu như ví tính cách của tiền vệ sinh năm 2001 là ngón tay của tiền đạo sinh năm 1992, thì nó đang bị “hỏng hóc”, nhưng vẫn có thể “sửa chữa” được. Vào lúc này, Lee cũng đang cần một miếng băng cuốn để “sửa chữa” tính cách của mình. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.

X
top-arrow