Michael Emenalo và 8 năm công – tội

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 01/12/2021 17:03(GMT+7)

Newcastle United đang ở rất gần việc bổ nhiệm Emenalo làm GĐĐH, nhưng 8 năm giữ chức vụ này ở Chelsea và Monaco cho thấy những nốt trầm nhiều hơn thăng.

 
 
Avram Grant và nhân vật chính trong bài viết, Michael Emenalo có một điểm chung: Đều trở thành những người bạn tốt của Roman Abramovich, để rồi nhanh chóng tiến tới các chức vụ cao hơn. 
 
Hãy nói về trường hợp của Grant trước. Grant và Abramovich quen biết nhau nhờ siêu cò Pini Zahavi (Zahavi đóng vai trò quan trọng trong việc gợi ý Abramovich mua lại Chelsea). Bộ đôi này nhanh chóng trở nên thân thiết bởi họ đều là người Do Thái.
 
 
Ý định ban đầu của Abramovich là muốn mua lại Hapoel Tel Aviv và để Grant làm HLV trưởng. Vị tỉ phú người Nga muốn đội bóng này trở thành tập hợp của những cầu thủ Israel, qua đó giúp đỡ đội tuyển nước này (Abramovich là một người Do Thái, vì thế ông có lòng yêu mến đặc biệt với Israel). Mặc dù vậy, luật của UEFA không cho phép một ông chủ sở hữu hai đội bóng, vì thế Abramovich nhờ Lev Leviev, một tỉ phú người Israel thực hiện điều này. 
 
Tuy nhiên thương vụ này đổ bể, bởi Leviev không thích sự ồn ào. Thay vào đó, Grant đến Portsmouth và trở thành GĐKT của đội bóng này. Rất nhanh chóng, ông trở thành GĐKT của Chelsea một năm sau!
 
Avram Grant lúc đó là cái gai trong mắt của Jose Mourinho. Trước khi Grant được chọn làm GĐKT của đội, Mourinho từng được ban lãnh đạo yêu cầu sa thải một trợ lí HLV (Steve Clarke) và thay bằng Grant. Ông từ chối; điều này không khác gì đổ thêm dầu vào lửa vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mourinho và ban lãnh đạo. Mourinho từng có phát biểu ám chỉ việc ban lãnh đạo đừng cố xen vào công việc huấn luyện của ông: “Nếu Abramovich giúp tôi trong việc huấn luyện, đội bóng sẽ đứng ở vị trí đội sổ. Còn nếu tôi phải giúp ông ấy trong công việc kinh doanh, đội bóng sẽ phá sản!”.
 
 
Như chúng ta đã biết, Mourinho kết thúc nhiệm kì đầu tiên ở Chelsea sau trận hòa đáng thất vọng trước Rosenborg ở Champions League. Grant trong một nước đi thần kì nữa trở thành HLV tạm quyền của Chelsea, dù trước đó ông chỉ có kinh nghiệm huấn luyện ở các CLB trong nước. 
 
Mặc dù vậy, ông cũng không trụ được ở đây lâu. Tập thể Chelsea khi ấy đủ mạnh để tiếp tục các cuộc đua vô địch, nhưng luôn trượt ngã ở thời điểm quyết định. Với bản thân Avram Grant, thời gian huấn luyện ở Chelsea là những trải nghiệm của sự dè bỉu (bị chính CĐV nhà phản đối vì “dám“ thay thế Mourinho, một tượng đài ở Stamford Bridge thời điểm đó) và những ngờ vực về chuyên môn, xuất phát từ việc ông chưa có bằng A của UEFA dành cho HLV, cũng như chưa từng dẫn dắt đội bóng nào ngoài biên giới Israel, nơi trình độ bóng đá “chỉ như con gián so với bóng đá thế giới”, như lời Zahavi từng nhận định.
 
Sự nghiệp thi đấu quốc tế của Michael Emenalo có những điểm nhấn nhất định, khi ông từng đại diện cho đội tuyển Nigeria tại World Cup 1994 cùng với những Jay-Jay Okocha hay Daniel Amokachi. Mặc dù vậy, ở cấp CLB, ông chỉ thi đấu quanh quẩn ở những giải đấu thấp trên khắp châu Âu và MLS.
 
Nhưng Emenalo có lẽ không nghĩ rằng ở đội bóng cuối cùng ông khoác áo, Maccabi Tel Aviv, ông sẽ được huấn luyện bởi người thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của ông sau này.
 
 
Luôn ấn tượng bởi trí thông minh của Emenalo, Avram Grant đã đề nghị ông một chức vụ huấn luyện sau khi ông giải nghệ năm 2000. Nhưng Emenalo từ chối và chuyển sang Mỹ sinh sống. Ông làm HLV tình nguyện cho Virginia Tech trước khi chuyển đến Tucson, Arizona, quê hương của vợ ông, Erin Fahey - cũng là một cựu cầu thủ và HLV bóng đá. Năm 2006, Emenalo gia nhập Học viện bóng đá Tucson và trở thành GĐĐH tại đó.
 
Bảy năm sau, Grant vẫn nhớ tới Emenalo. Sau khi thay thế Mourinho, trước trận đấu với Valencia ở Champions League, Grant đã nhờ Emenalo sang TBN để theo dõi đội bóng này. Kế hoạch này đã thành công, khi giúp Chelsea giành chiến thắng 2-1 tại Mestalla. Grant nhân cơ hội này để tiến cử Emenalo với Abramovich. Cựu cầu thủ Nigeria sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận tuyển trạch của đội.
 
“Sau khi Chelsea thua trận chung kết Champions League năm 2008, Avram bị sa thải,” Emenalo chia sẻ với The Guardian. “Tôi nói với Avram rằng tôi sẽ đi cùng ông ấy. Avram trả lời: ‘Không. Roman thích cậu. Ông ấy tin tưởng vào cậu.’ Abramovich cũng xác nhận điều này với người phiên dịch: “Hãy nói với Emenalo rằng ông ấy sẽ có vai trò quan trọng ở đây.” 
 
 
Năm 2010, cố trợ lí của Carlo Ancelotti, Ray Wilkins bị từ chối gia hạn hợp đồng. Một động thái khá kì lạ của hội đồng quản trị đội bóng, bởi Wilkins với khả năng nói tiếng Ý trôi chảy, cũng như học hỏi nhanh chóng lối chơi của Ancelotti, là chìa khóa để chiến lược gia người Ý truyền tải chiến thuật của mình tới các học trò.
Trong một diễn biến quen thuộc, chính Emenalo là người thay thế, dù Ancelotti cảnh báo rằng ông “sẽ không được tham gia vào các buổi tập”. Một năm sau, khi Andre Villas-Boas thay thế Ancelotti, Emenalo trở thành GĐKT của Chelsea.
 
 
Việc Emenalo gia nhập hội đồng quản trị Chelsea và nhận được sự tin tưởng của Abramovich có lẽ là câu chuyện hấp dẫn trong lịch sử Chelsea. Bởi khác với Emenalo, tất cả những thành viên khác trong ban lãnh đạo đều có mối quan hệ kinh doanh lâu dài với chủ sở hữu.
 
Chủ tịch Chelsea, Bruce Buck, một luật sư, đã thực hiện thỏa thuận bán 72% cổ phần của Sibneft, công ty dầu khí của Abramovich cho Gazprom với giá 13 tỷ USD vào năm 2005. Marina Granovskaia đã làm việc cho Abramovich tại Sibneft trong nhiều năm và là cố vấn đáng tin cậy nhất của ông. Còn Eugene Tenenbaum từng là giám đốc tài chính doanh nghiệp của Sibneft.
 
Họ là một nhóm rất chặt chẽ, đã gắn bó với nhau nhiều năm trên khắp thế giới, nhưng Michael Emenalo, cựu cầu thủ người Nigeria đã vươn lên để có ảnh hưởng lớn tới bộ máy làm việc. Ông là người duy nhất trong hội đồng quản trị có kinh nghiệm bóng đá thực tiễn, điều này cho phép ông có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến bóng đá. Chỉ có Granovskaia bấy giờ được cho là thân cận hơn với Abramovich.
 
 
Công việc của Emenalo đóng vai trò tối quan trọng trong việc thay đổi mô hình tài chính của Chelsea, vì luật Công bằng tài chính của UEFA ngăn các CLB chi tiêu quá doanh thu của họ; nghĩa là Chelsea giờ không thể chỉ phụ thuộc vào túi tiền của Abramovich.
 
Sau khi chi 140 triệu bảng để mua Chelsea vào năm 2003, Abramovich sau đó đã chi tới 2 tỷ bảng cho CLB. Khi mô hình tài chính của CLB phát triển, khoản đầu tư của Abramovich cũng thay đổi, từ việc cho không sang các khoản cho vay không lãi suất có giá trị hơn 1 tỷ bảng Anh. Bản thân đội bóng đã lỗ lũy kế khoảng 1 tỷ đô la trong 10 năm tính đến mùa giải 2014/15. Hầu hết những tổn thất đó đến từ những bản hợp đồng cầu thủ đắt giá.
 
Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của Emenalo là hồi sinh lại hệ thống đào tạo trẻ. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng, như chính ông chia sẻ: “Các đội bóng lớn đều có những học viện tuyệt vời. Nhưng tạo ra bản sắc mới cho Chelsea, bắt nguồn từ học viện, trong khi vẫn giữ nguyên tham vọng giành danh hiệu của ông ấy (Abramovich – NV), quả là điều khó khăn!
 
Do đó, Emenalo quyết định tạo ra mạng lưới cho mượn cầu thủ dày đặc trên khắp thế giới. Ông muốn cho các cầu thủ trẻ chơi khoảng 45 trận/mùa, để họ có thể làm quen với sự khắc nghiệt của môi trường bóng đá đỉnh cao.
 
Ông nhớ lại: “Lúc đầu, mọi người đều nói: ‘Cả đội chẳng có ai đến từ học viện.’ Nhưng một cậu bé đến học viện không thể thách thức vị trí của Frank Lampard ở tuổi 19 được.”
 
“Cho họ đi du học trong khoảng thời gian từ 19 đến 22 tuổi là hợp lí, để kiểm tra xem họ có đủ khả năng trở thành cầu thủ của Chelsea hay không.”

 
Hoạt động như một người trung gian giữa hội đồng quản trị và HLV, Emenalo đã trở thành một người đàn ông quyền lực ở Chelsea. Điều này hạn chế quyền hạn của HLV như một lẽ tất yếu. Năm 2013, khi tin tức về sự trở lại của Mourinho được xác nhận, Emenalo đã đề nghị từ chức, vì hiểu rằng Mourinho sẽ không thích cấu trúc mới của CLB vốn hạn chế quyền lực của ông, cũng như để các tài năng trẻ ngồi ngoài. Nhưng để minh chứng cho sự thăng tiến về tầm vóc của Emenalo, Abramovich đã từ chối. 
 
Sau mùa giải 14/15 thành công khi Chelsea giành được cú đúp, Emenalo bắt đầu thắt chặt chi tiêu. Ông để những cầu thủ lương cao như Petr Cech hay Filipe Luis ra đi, đổi lại chỉ đưa về những cầu thủ giá rẻ như Asmir Begovic hay vô danh như Papy Djilobodji. Những người được đưa về để chiều Mourinho như Pedro bị Emenalo chỉ trích sau này. “Đó là lí do tại sao chúng tôi cần học viện. Hoặc bạn bỏ ra 12 triệu bảng vào học viện và dùng nó để phát triển Ruben Loftus-Cheek, hoặc bỏ ra 30 triệu bảng cho cầu thủ đã 28 tuổi từ Barcelona,” ông nói với The Guardian.
 
Sau khi Mourinho bị sa thải, khi được hỏi liệu các cầu thủ có đóng vai trò trong việc sa thải HLV người Bồ Đào Nha hay không, ông giải thích có phần thẳng thừng:
 
“Nhóm cầu thủ mà các bạn nghi ngờ là những người đã vô địch Premier League và cúp Liên đoàn mùa trước. Họ đã làm điều đó bằng cách thể hiện sự cam kết, mồ hôi và cả máu khi cần. Họ tuân thủ mọi thứ mà HLV yêu cầu. Rất dễ dàng để đưa ra kết luận đó (rằng các cầu thủ đã “phản thầy” – NV), nhưng đó không phải suy luận mà đội bóng chấp nhận.”
 
Thậm chí Emenalo còn dùng từ “cá nhân”, thay vì đề cập đến tên chiến lược gia người Bồ Đào Nha: “Trong khi đội bóng vẫn dành tình cảm rất lớn dành cho cá nhân, người đã làm rất nhiều điều cho CLB, kết quả trên sân đang không được tốt. Rõ ràng đã có mối bất đồng giữa HLV và cầu thủ, khiến chúng tôi cảm thấy đã đến lúc phải hành động”. 
 
Cầu thủ là do Emenalo đưa về, còn Mourinho là người phải ra đường, do đó có thể hiểu quyền lực lần này đứng về ai. Ở Inter Milan, Mourinho là số một. Ở Real Madrid, đã có lúc Mourinho đạt đến quyền lực tối thượng (khi khiến GĐTT Jorge Valdano bị sa thải), nhưng ở Chelsea, Mourinho chỉ là trò đùa trước Grant và Emenalo.
................................
 
Thật dễ dàng để rơi vào trạng thái hoài nghi, khi nhìn vào thông báo về quyết định từ chức của Michael Emenalo vào tháng 11/2017. Bởi trong đó có trích dẫn bày tỏ sự tiếc nuối của Antonio Conte. “Tôi rất tiếc khi thấy Michael ra đi […] Tôi rất thích làm việc với anh ấy,” ông nói.
 
Chelsea trước kia luôn có những âm mưu tranh giành quyền lực, thế nên bài điếu văn của chiến lược gia người Ý trở nên vô cùng đáng ngờ. Bởi Conte sau tất cả, đã cau có suốt cả mùa hè dù Chelsea đang là ĐKVĐ giải Ngoại hạng. Từ chuyến nghỉ dưỡng ở bãi biển Địa Trung Hải, ông liên tục gửi tin nhắn đến ban lãnh đạo đội bóng để càu nhàu về tình hình chuyển nhượng.
 
 
Conte có lí do để tức giận. Chelsea đã bỏ lỡ việc chiêu mộ Romelu Lukaku. Alex Oxlade-Chamberlain chọn Liverpool, còn Fernando Llorente quyết định đến Tottenham, dù The Blues đã theo dõi anh từ kì chuyển nhượng mùa đông. Cuối cùng, Alex Sandro không bao giờ thực hiện chuyến bay từ Turin đến London, dù Chelsea đã nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận trị giá 60 triệu bảng với Juventus.
 
Granovskaia, người đóng vai trò chính trong việc mua bán cầu thủ, rõ ràng không đồng tình với cách chi tiêu mạnh tay như vậy. Dù họ đã chi tới 185 triệu bảng cho 6 cầu thủ cho mùa hè năm, chi tiệu ròng của Chelsea kể từ tháng 1/2017 đến nay đã có lãi, sau khi bán Diego Costa cho Atletico Madrid. Chelsea từ một món đồ chơi của Abramovich, trở thành đội bóng kiếm được ra tiền, một phần nhờ vào hệ thống cho mượn cầu thủ trẻ khét tiếng của họ.
 
Nathan Ake và Nathaniel Chalobah, hai cầu thủ trẻ nổi bật của Chelsea đã ra đi vì muốn được đá chính nhiều hơn, dù Granovskaia và Emenalo muốn họ ở lại. Chính Conte là người ủng hộ việc mua những cầu thủ giàu kinh nghiệm, những người đều đã trên 30 tuổi như Leonardo Bonucci, Dries Mertens và Antonio Candreva, thay vì tin tưởng những mầm non triển vọng như Ake và Chalobah.
 
 
Các lãnh đạo đội bóng muốn kí hợp đồng với những cầu thủ trẻ hơn, để có lợi nhuận sau này trong trường hợp phải bán. Đó là lí do Danny Drinkwater, 27 tuổi là cầu thủ lớn tuổi nhất mà Chelsea mang về. 
 
Emenalo thừa nhận việc tâm trạng của Conte đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài tuần, khi HLV người Ý cảm thấy CLB không ủng hộ mình trên TTCN. Cảm giác bị phản bội chắc chắn cũng xuất hiện trong tâm trí ông, bởi ông là người đã đưa Conte đến Chelsea, cũng như bảo vệ ông sau khi Chelsea thua hai trận liên tiếp trước Liverpool và Arsenal ở giai đoạn đầu mùa giải.
 
“Tôi đã cố gắng thay đổi cách tuyển trạch, cũng như tạo ra hệ thống cho mượn trong một môi trường đầy áp lực. Tôi phải bình tĩnh và lắng nghe mọi người, vì một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là hiện diện cho Roman, trong khi vẫn là chính tôi. Nhưng giờ tôi đã mệt mỏi.”
 
Lần này, Abramovich đã chấp nhận lá đơn từ chức. Bởi lần này Emenalo không còn làm đúng nữa. Các bản hợp đồng như Drinkwater, Tiemoue Bakayoko, Davide Zappacosta và Alvaro Morata dù trẻ trung, đều tỏ ra không hiệu quả trên sân cỏ. Mức lương cũng như phí chuyển nhượng của họ quá cao, khiến đội bóng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán lại họ sau này.
 
 
Ba tuần sau khi rời khỏi vị trí GĐKT Chelsea, ông đảm nhiệm chức vụ tương tự tại Monaco, dù trong buổi phỏng vấn cuối cùng với Chelsea TV, ông có chia sẻ việc muốn có thời gian chăm sóc con cái.
Nhưng dù đã ở Chelsea được 7 năm với những công lao không nhỏ, ông chỉ trụ lại ở đội bóng Công quốc vỏn vẹn 1,5 năm trước khi phải cuốn gói ra đi.
 
 
Trước khi mùa giải thảm họa 18/19 diễn ra, những sai lầm rất hiếm khi xuất hiện ở Monaco. Chỉ trong 5 năm, phó chủ tịch Vadim Vasilyev và GĐKT Luis Campos đã dẫn dắt CLB từ hạng hai đến danh hiệu Ligue 1.
 
 
Thế nhưng, dấu hiệu của sự thất bại bắt đầu manh nha, sau sự ra đi của Luis Campos năm 2016. Để rồi đến khi Monaco hoàn toàn sụp đổ ở mùa giải 18/19, Vasilyev cũng phải ra đường.
 
Ban đầu được bổ nhiệm làm cố vấn vào tháng 1/2013, Vasilyev nhanh chóng được thăng chức làm CEO và phó chủ tịch, trở thành người phát ngôn chính của CLB. Chiến lược của ông tập trung vào chủ nghĩa hiện thực, doanh thu và đàm phán cứng rắn.
 
Vasilyev biết những hạn chế nhất định của Monaco; việc sao chép mô hình của PSG vì thế là không bền vững. Ông giải thích: “Bạn cần nhiều hơn ở tiền và tham vọng. Bạn cần phải ở một thành phố lớn, có dân cư xung quanh bạn để chơi bóng ở một giải đấu. Có một số yếu tố không tồn tại ở đây.” Quả thật, với dân số chỉ 40.000 người và có lượng khán giả đến sân ít nhất Ligue 1, Monaco sẽ phải làm những điều khác biệt.
 
Vasilyev liền mang về một loạt những cầu thủ tên tuổi. James Rodriguez, Radamel Falcao và Joao Moutinho đều đã đến Công quốc, nhưng chủ tịch Dmitry Rybolovlev cảm thấy mệt mỏi vì liên tục bị phạt do vi phạm luật Công bằng tài chính. Các bản hợp đồng ngôi sao cũng không thu hút được nhiều tài trợ như họ mong đợi.

Vasilyev thừa nhận: “Chúng tôi cứ nghĩ rằng Monaco sẽ kiếm được thu nhập nhanh chóng từ việc này.”
 
 

Cũng trong năm 2013, Luis Campos chia tay Real Madrid để sang Monaco. Ban đầu ông giữ vai trò cố vấn cho Vasilyev, để rồi đến tháng 8/2014 thì trở thành GĐKT đội bóng. Một chính sách chuyển nhượng mới được đưa ra.
 
Thay vì biến thành CLB nhập siêu, họ trở thành đội bóng xuất siêu. Vasilyev gọi đó là “một dự án cho một chặng đường dài - nó mất nhiều thời gian hơn, ít vinh quang hơn, nhưng chúng tôi tin vào nó.” Sự thay đổi này đã phát huy thế mạnh của Vasilyev. Cùng với Luis Campos, ông đã thể hiện khả năng vô song trong việc cân bằng doanh thu chuyển nhượng với thành công trên sân cỏ.
 
Tài năng sáng giá nhất học viện, Kylian Mbappe được bán với giá 180 triệu euro. Thomas Lemar, được mua với giá chỉ 4 triệu euro, sau đó được bán cho Atletico Madrid với giá 70 triệu euro. Benjamin Mendy, Fabinho, Bernardo Silva, Anthony Martial, Tiemoue Bakayoko, Layvin Kurzawa, Yannick Carrasco, Geoffrey Kondogbia và Guido Carrillo đã được ký hợp đồng với giá khoảng 72 triệu euro, để rồi mang về gần 358 triệu euro cho Monaco.
 
 
Dù đã bán gần nguyên một đội hình trong 4 năm, Monaco vẫn cán đích ở top 3 Ligue 1 trong 5 mùa giải trước đó, đồng thời lọt vào tứ kết Champions League năm 2015 và bán kết năm 2017. Nhờ công của Vasilyev và Campos, Monaco đã trở thành ví dụ tiêu biểu về cách xây dựng một đội bóng vừa thành công, lại vừa có lợi nhuận.
 
Nhưng điều đó đã thay đổi ở mùa giải 18/19. Như Rybolovlev thừa nhận: “Trong năm qua, những sai lầm nghiêm trọng đã dẫn đến thành tích tồi tệ nhất của đội trong bảy năm qua.” Quãng thời gian thất bát đó đến từ việc chính sách chuyển nhượng của họ đã thay đổi. Trùng hợp thay, nó đến sau khi Michael Emenalo được bổ nhiệm làm GĐTT.
 
Dưới sự điều hành của Emenalo, Monaco tập trung kí hợp đồng với những cầu thủ có phần thiếu kinh nghiệm. Họ đã chi tới 40 triệu euro cho Pietro Pellegri và Willem Geubbels, hai cầu thủ 16 tuổi mới chỉ có 11 trận đấu ở đội một và Sofiane Diop, 18 tuổi, người được cho đá chính ngay tại đội một Monaco, dù chưa từng đá chính ở Rennes.
 
Trong khi đó, Moutinho đã chuyển sang Wolverhampton và kinh nghiệm của anh là không thể thay thế. Những cầu thủ lão luyện như Moutinho, Kamil Glik và Falcao là chìa khóa cho thành tích của Monaco, nhưng tầm quan trọng của họ đã bị bỏ qua. Còn những cái tên giàu kinh nghiệm được Emenalo đưa về như Cesc Fabregas, Nacer Chadli và Naldo lại không thuyết phục được ông chủ Rybolovlev.
 
 
Monaco kết thúc mùa giải đó ở vị trí thứ 17 với 36 điểm, chỉ hơn vỏn vẹn 2 điểm so với nhóm xuống hạng. Và thế là đủ để Emenalo phải xách vali ra đường.
 
Michael Emenalo chưa hề có ý định nghỉ ngơi. “Tôi sẽ quay trở lại ngành công nghiệp này trong tương lai. Tôi mới 56 tuổi và đã có 12 năm kinh nghiệm ở cấp độ giám đốc điều hành. Tôi muốn có cơ hội trở lại với công việc này một cách nghiêm túc – lý tưởng nhất là ở Premier League,” ông chia sẻ với The Guardian.
 
Newcastle United đang tìm kiếm một GĐTT mới, sau khi được tiếp quản bởi các ông chủ người Saudi Arabia. Các nguồn tin cho thấy những cuộc thương thảo giữa Emenalo và Newcastle đang tỏ ra khá tích cực. Với Emenalo, sẽ chẳng có dự án nào tuyệt vời hơn đội bóng giàu nhất thế giới, với những người đang bắt đầu lại từ đầu, do đó sẵn sàng lắng nghe những ý tưởng mới.
 
Nhưng Emenalo không phải vua Midas; không phải thứ gì ông chạm vào cũng là vàng. 8 năm giữ chức vụ GĐĐH của cựu cầu thủ người Nigeria, từ Chelsea đến Monaco mang đến những di sản nhất định, nhưng không phải không có những sai lầm. Đặc biệt, những thất bại của ông khiến các đội bóng tốn rất nhiều thời gian để sửa chữa. Đến thời điểm này, Chelsea vẫn chưa bán được Drinkwater và Bakayoko, trong khi đó Monaco còn rất lâu nữa mới trở lại vinh quang như cách đây ít năm.
 
Bổ nhiệm Emenalo với Newcastle do đó giống như một canh bạc hơn. Với một đội bóng có tiền và muốn có thành quả tức thì, việc đưa về một người có sự nghiệp như chiếc tàu lượn, với những lần lượn xuống gần như chạm đáy, chưa hẳn đã là ý hay.
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?