Từ đầu thế kỷ 21, Manchester United đã là một trong những nhân tố định hình nên Premier League với những thành công to lớn chưa từng thấy. Nhưng nếu thành công đã đến thì họ cũng phải chấp nhận bị sa sút.
Việc Sir Alex Ferguson nghỉ hưu khiến câu lạc bộ rơi vào tình trạng mất ổn định. David Moyes đã nhanh chóng bị nhấn chìm trong vũng bùn của mình còn Louis van Gaal chỉ tạo ra những màn giải trí bên ngoài sân bóng trong khi trên sân lại hoàn toàn trái ngược. Nhưng khi José Mourinho đang cố gắng thắp lại ngọn lửa với thành quả vẫn còn khá hạn chế, có một người đã nhìn thấy hết được toàn bộ cục diện. Michael Carrick đã nhận ra sự thoái trào của câu lạc bộ hàng đầu nước Anh giống như vài người khác, và việc anh quyết định giải nghệ có lẽ sẽ đẩy Manchester United cách xa khỏi những ngày tháng tươi đẹp dưới thời Ferguson.
Nước Anh đã từng tự hào về rất nhiều tiền vệ đẳng cấp thế giới trong thập niên 2000 và dấy lên những cuộc tranh luận của người hâm mộ rằng ai là xuất sắc nhất. Steven Gerrard là cầu thủ xuất chúng và toàn diện có thể định đoạt trận đấu; Frank Lampard sở hữu kỷ lục ghi bàn sánh ngang với những tiền đạo hàng đầu trong khi Paul Scholes là người mà khả năng và đẳng cấp của anh chỉ được mọi người nhìn nhận sau khi quãng thời gian đỉnh cao qua đi. Dường như không có chỗ để cho người thứ tư chen ngang vào giữa bộ ba đó.
Carrick trong suốt sự nghiệp của mình luôn là một tiền vệ lùi sâu không được đánh giá đúng khả năng. Không giống như những người đồng hương của mình, bộ kỹ năng của anh tinh tế hơn, anh không ghi bàn đem về chiến thắng nhưng sẽ là người tạo nên cái hồn của trận đấu. Những tiền vệ cầm nhịp thường ít khi được công nhận một cách xứng đáng nhất là khi những đồng đội hay đối thủ của họ lại sở hữu nhiều kỹ năng tấn công rõ ràng hơn. Carrick không phải một người đội trưởng theo kiểu ăn to nói lớn mà là mẫu thủ lĩnh trầm lặng. Điều này lý giải tại sao việc Carrick không còn thi đấu sẽ khiến Manchester United phải nhận tổn thất vô cùng nặng nề.
Điều vô cùng đáng ngạc nhiên là huấn luyện viên Ferguson đã đưa Carrick về để thay thế Roy Keane - một người mạnh mẽ với trái tim luôn hừng hực lửa - ở sân Old Trafford. Keane là một người thủ lĩnh thẳng thắn và sự ra đi của anh để lại một khoảng trống quá lớn, khó để lấp đầy.
Và khi so Carrick với Keane thì chắc chắn chẳng có quá nhiều điểm tương đồng: anh điềm tĩnh và thận trọng đồng thời sở hữu những phẩm chất của một tiền vệ cầm nhịp hiện đại. Các cổ động viên thường yêu những cầu thủ có cá tính sôi nổi nhưng Carrick lại không phải như thế. Anh là mẫu cầu thủ có sự chín chắn, dày dạn để làm nền cho những người quảng giao hơn toả sáng. Đó có lẽ là lý do khiến tiền vệ người Anh vẫn là một chủ đề gây tranh cãi cho đến ngày nay. Nhiều người đánh giá anh không cao, nhiều người thì trái ngược còn Carrick thì đơn giản là làm công việc của mình và rồi sau đó dừng lại. Và chắc chắn nếu anh có rời nước Anh để chuyển tới nơi khác thi đấu thực sự đó cũng không phải vấn đề.
Carrick sinh ra ở Wallsend, Bắc Tyneside và là một cổ động viên của Newcastle từ khi còn nhỏ. Anh bắt đầu gia nhập câu lạc bộ Wallsend Boys năm 4 tuổi, đó là nơi mà luôn có các trận đấu được diễn ra dành cho mọi lứa tuổi. Dù đã có cơ hội để gia nhập đội bóng quê hương [Newcastle – ND] tuy nhiên anh đã từ chối lời đề nghị từ học viện của họ và thay vào đó lựa chọn học viện West Ham trứ danh. Đó là một thách thức rất lớn cho Carrick ở trong lẫn ngoài sân cỏ vì cuộc sống ở London rất khác. Cùng với đó là áp lực và khó khăn khi sẽ phải thay thế những tài năng xuất sắc ở hàng tiền vệ West Ham.
Tại Upton Park, anh đã chuyển từ tiền đạo xuống đá tiền vệ, vị trí sau này định nghĩa nên sự nghiệp của anh. Trong khi đó, cầu thủ sinh năm 1981 này cũng gặp những khó khăn vì thân hình mảnh mai của mình. Mùa giải 1998/1999 anh có màn ra mắt đội một nhưng sau đó liên tiếp bị đem cho mượn tới Swindon và Birmingham.
Bước ngoặt đến vào mùa giải 2000/2001 khi Carrick có 41 lần ra sân trên mọi đấu trường. Đó là mùa đầu tiên anh thi đấu trọn vẹn cho đội một trong tổng cộng 4 mùa giải ở đây. Mùa giải cuối cùng, Carrick phải thi đấu ở Hạng nhất sau khi West Ham bị rớt hạng vào năm 2003. Dù rất thất vọng nhưng anh vẫn quyết định ở lại. Cuối mùa giải 2003/2004, West Ham thất bại trong trận playoff lên hạng và Carrick có mặt trong đội hình tiêu biểu của mùa bóng.
Không thể trở lại Premier League cùng West Ham, đây là lý do khiến Carrick muốn rời West Ham để đến một đội bóng ở giải đấu cao nhất xứ sở sương mù. Anh quyết định ở lại London và địa điểm được lựa chọn là Tottenham Hotspur. Hai năm ở Spurs chứng kiến Carrick duy trì một phong độ ổn định - dù rằng đó cũng là khởi đầu cho những tranh cãi về anh khắp cả nước - khiến Sir Alex Ferguson phải chú ý.
|
Phong thái làm nên đàn ông, sự trầm lặng làm nên Carrick |
Chuyển đến sân Old Trafford vào mùa hè năm 2006 với mức phí 14 triệu bảng, tiền vệ sinh năm 1981 là cầu thủ đắt giá thứ sáu của câu lạc bộ thời điểm đó. Tuy nhiên, Carrick không hề bị ngợp. Thậm chí, anh còn giúp Manchester United thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng. Mùa hè đó, câu lạc bộ dường như đang bị chững lại trong khi các đối thủ của họ thì cứ mạnh dần lên. Manchester United đã không vô địch ba mùa giải Premier League gần nhất trong khi ở đấu trường châu lục cũng không thi đấu thành công. Ngoài ra sau sự ra đi của Keane, Ruud van Nistelrooy chuyển tới Real Madrid vì những bất đồng khiến không thể hàn gắn mối quan hệ với huấn luyện viên Ferguson.
Những người sẽ nhận lãnh trọng trách ghi bàn từ chân sút Hà Lan là Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo thì lại vừa có vụ cãi vã nổi tiếng ở World Cup 2006. Ở hàng tiền vệ, có một lỗng hổng rất lớn vẫn chưa thể giải quyết sau khi Keane rời đi vào tháng 11/2005. Ferguson xem Carrick là một cái tên đủ khả năng dù cho nhiều người vẫn chưa nhìn ra điều này vào thời điểm đó. Phong cách thi đấu của anh hoàn toàn khác so với tiền vệ người Ireland và một con “quái vật” khác ở Premier League lúc ấy, Patrick Vieira.
Ngoài ra, trong mắt nhiều người lúc đó những mẫu tiền vệ box-to-box có phần nổi bật hơn với sự hiện diện của Gerrard và Lampard. Lampard cũng xuất thân từ học viện của West Ham nhưng nếu xét tổng thể về kỹ thuật thì dường như Carrick trội hơn - một sự mỉa mai khi Carrick lại luôn xếp sau người cựu đồng đội trong thứ tự lựa chọn tại đội tuyển Anh.
Điều buồn đối với Carrick là anh còn cả một thập kỷ thi đấu ở phía trước. Claude Makélélé có thể là hình mẫu cho một tiền vệ phòng ngự ở Anh thời điểm đó nhưng Carrick lại khác. Anh thường không quá mặn mà trong những pha tranh chấp để lấy bóng, thậm chí so với ngôi sao của Chelsea thì Carrick cũng không cơ động bằng. Nhưng với trường phái bóng đá dựa trên chuyền và kiểm soát, rất ít người có thể tiệm cận đẳng cấp của anh về khoản phân phối từ tuyến dưới. Pep Guardiola nhận ra điều đó dù người hâm mộ ở Anh thì không.
Sergio Busquets chính là điểm tựa cho bộ ba tiền vệ trứ danh của Barcelona và Tây Ban Nha. Cầu thủ này có nhiệm vụ kiểm soát nhịp độ ngay phía trước hàng phòng ngự qua đó cho phép Xavi và Andrés Iniesta tạo ra “ma thuật” ở tuyến trên. Quả thực đó là một bộ ba tiền vệ hoàn hảo.
Busquets chính là người bị đánh giá không chính xác nhất về khả năng của mình trong tập thể Barcelona vô tiền khoáng hậu của Guardiola. Tuy nhiên chiến lược gia người Tây Ban Nha biết giá trị của cậu học trò hơn bất cứ ai và niềm tin của ông đã đặt đúng chỗ. Và huấn luyện viên đương nhiệm của Manchester City cũng xếp Carrick ngang với Busquets và Xabi Alonso trong danh sách những tiền vệ cầm nhịp xuất sắc nhất vài năm trở lại đây. Ông cũng khẳng định tiền vệ người Anh là cầu thủ duy nhất của Manchester United có thể thi đấu trong đội hình giành chức vô địch Champions League 2011 của mình.
Chỉ có điều, Carrick lại xuất hiện trước cuộc cách mạng của bóng đá Tây Ban Nha và vì thế anh phải tự viết lại các khái niệm được hình thành trước đó về vị trí của mình ở một quốc gia không thực sự mạnh về chiến thuật. Đồng đội của anh, Paul Scholes, là chân chuyền đẳng cấp thế giới, người được xem là một trong những cầu thủ có lối chơi thông minh nhất lịch sử bóng đá Anh thì nay chỉ còn là ngôi sao dĩ vãng.
Xét về khả năng đọc trận đấu và chọn vị trí của Carrick có thể dùng một từ đó là xuất sắc. Cùng với đó, anh sở hữu khả năng thực hiện những đường chuyền dài, ngắn khác nhau nhưng cực kỳ tinh quái. Ở Anh, người hâm mộ không đánh giá cao phần lớn quãng thời gian sự nghiệp của cựu tiền vệ West Ham nhưng tại châu Âu, Carrick nhận được rất nhiều lời ngợi khen. Các huấn luyện viên đối thủ luôn đánh giá rất cao tầm nhìn và sự tinh tế của cầu thủ sinh năm 1981.
Điển hình như sau màn trình diễn xuất sắc trong trận hoà trước Inter Milan năm 2009, tờ La Repubblica đặt biệt danh cho anh là “El Magnifico Carrick” (Carrick kỳ diệu - ND). Trong khi đó Xavi thì khẳng định người đồng nghiệp là cầu thủ bóng đá Anh yêu thích của mình vào thời điểm ấy. Tuy nhiên tại Tam sư, anh lại không thể chen chân vào giữa Gerrard và Lampard. Cho đến hôm nay dường như vẫn còn những mệnh đề được đặt ra rằng bộ ba ấy nếu được thi đấu cùng nhau sẽ là hàng tiền vệ cân bằng và tài năng nhất châu Âu.
Thay vào đó, Carrick lại thường bị hầu hết các huấn luyện viên tuyển Anh bỏ rơi ngay cả khi đó là những chiến lược gia nổi tiếng như Sven-Göran Eriksson và Fabio Capello. World Cup 2010, Gareth Barry là người được Capello ưa thích hơn; tại Euro 2012, huấn luyện viên Roy Hodgson đã loại Carrick khỏi danh sách cuối cùng do tiền vệ này không muốn chỉ là người đóng vai phụ. Sau đó, anh cũng không được chọn tới Brazil tham dự World Cup 2014. Quả thật là 34 lần khoác áo tuyển sau 15 năm thi đấu là một số lượng quá ít và rõ ràng khả năng của anh hoàn toàn chưa được khai thác hết.
|
Đội tuyển Anh trước thềm Euro 2012 |
Với Carrick và những cầu thủ thi đấu theo phong cách giống như anh thì các con số thống kê luôn không thể hiện được quá nhiều điều ngoại trừ thông số chuyền bóng. Carrick không ghi bàn, kiến tạo nhiều và cũng chẳng tắc bóng mạnh mẽ dù đây là điều mà những tiền vệ cùng thời anh luôn làm. Có thể khẳng định vị trí của Carrick là nơi thường bị nhìn nhận một cách sai lầm trầm trọng đặc biệt trước khi bóng đá Tây Ban Nha lên ngôi. Những thứ vô hình thì ít khi được đánh giá đúng.
Carrick ở thời đỉnh cao của mình luôn bị đánh giá thấp hơn khả năng và phần nào đó có thể nói anh không may khi là một cầu thủ Anh. Tiền vệ của Manchester United đã bị vỡ mộng với màu áo Tam sư vì không được trao cơ hội, Phil Neville thậm chí còn được ra sân nhiều hơn anh. Trong khi dù Gerrard, Lampard hay những tài năng khác ở thời điểm đó không đáng bị loại ra thì có một câu hỏi vẫn mãi là bí ẩn: với hai tiền vệ trung tâm có khả năng phòng ngự tốt, tại sao đội tuyển Anh lại không kết hợp thêm một cầu thủ lùi sâu có thể điều bóng vào các khoảng trống giữa hàng hậu vệ và tiền vệ của đối thủ?
Nhưng xét ở một khía cạnh khác, giống như Ryan Giggs, việc Carrick không được thi đấu nhiều ở đội tuyển quốc gia phần nào đó giúp anh có nhiều cống hiến hơn cho Manchester United. Anh là một lựa chọn không thể thay thế của Ferguson và đó là một trong những lý do tại sao Quỷ đỏ đã vượt ra khỏi khuôn một đội bóng Anh sau năm 2006. Carlos Queiroz, trợ lý có tầm ảnh hưởng rất lớn của huấn luyện viên Ferguson, đã xây dựng một triết lý dựa trên kiểm soát bóng trái ngược hẳn với phong cách Anh phổ biến khi đó. Lối chơi này đã đặt cho Carrick một vai trò rất lớn ở hàng tiền vệ. Nói không ngoa thì sự nghiệp câu lạc bộ và sự nghiệp đội tuyển của cựu tiền vệ Tottenham đối nghịch nhau như là âm và dương.
Anh không phải ngôi sao; những gì anh làm trên sân không được chú ý bởi phần đông người xem trong đó bao gồm một vài cổ động viên United. Điều đó dẫn đến một luồng quan điểm cho rằng Carrick là cầu thủ được đánh giá vượt quá khả năng chủ yếu là vì có nhiều người cho rằng anh là nhân vật bị nhìn nhận thấp hơn trình độ thực. Một sự mâu thuẫn kỳ lạ nhưng lý do lại rất rõ ràng.
Carrick làm công việc của mình một cách thầm lặng và đơn giản, điều mà nhiều người nghĩ rằng ai cũng có thể làm được. Nhưng thực ra thấy vậy mà không phải vậy. Có thể nói Carrick chính là một “của hiếm” ở Anh đến mức bị coi như một người bình thường. Do đó không có gì lạ khi nhiều người thấy số 16 của Manchester United chỉ là một tiền vệ Anh hạng khá trong khi cổ động viên Quỷ đỏ lại rất yêu mến anh. Đây là một trong những cầu thủ mà khả năng chỉ có thể được nhận định bằng cách theo dõi thường xuyên.
Tuy nhiên trên tất cả, những điều đó chắc chắn không làm Carrick bận tâm. Là một “diễn viên phụ” ở sân Old Trafford trong suốt 12 năm, anh chưa bao giờ thèm khát “ánh đèn sân khấu”. Đó là lý do tại sao anh luôn là cầu thủ chủ chốt cả trước và sau khi Ferguson nghỉ hưu, là người thủ lĩnh trong cơn giông bão.
|
Carrick chia tay M.U bằng một chiến thắng |
Michael Carrick là một trong số những cầu thủ người Anh hiếm hoi đã giành được tất cả: 5 chức vô địch Premier League, 3 League Cup, 1 FA Cup, 1 Champions League, 1 Europa League và 1 Club World Cup. Nếu cộng thêm cả 6 lần giành Community Shield thì tức là anh đã vô địch 7 danh hiệu khác nhau ở United. Bộ sưu tập thành tích này chính là câu trả lời để đáp trả lại những nghi ngờ. Anh đã giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm mùa giải 2012/2013 - mùa mà Ferguson đã giành danh hiệu cuối cùng trong sự nghiệp - xếp trên Robin van Persie. Điều đó đã khẳng định tầm quan trọng của Carrick trong mắt những người quan trọng nhất: các đồng đội.
Là thành viên còn sót lại duy nhất của đội hình lên ngôi tại Champions League 2008, việc Carrick treo giày đã chính thức khép một chương huy hoàng của tập thể vĩ đại cuối cùng do Ferguson dẫn dắt. Thời gian trôi qua thật nhanh và ai cũng phải già đi. Nhưng dù thế nào, Michael Carrick sẽ luôn là hình mẫu của sự khiêm tốn, thành công và tinh thần cống hiến cho tất cả các cầu thủ trẻ. Sau khi giải nghệ, không nghi ngờ gì nữa anh sẽ nhận được những sự tri ân xứng đáng. Nhưng sẽ không lạ nếu nhiều người lại thấy anh thầm lặng trong sự nghiệp huấn luyện giống như cuộc đời cầu thủ đã liên tục bị phớt lờ, gạt bỏ sang một bên.
Lược dịch từ bài viết Why was Michael Carrick so under-appreciated throughout his career?” của tác giả Rahul Warrier trên These Football Times.
CG (TTVN)