Người ta thường nhắc đến cựu danh thủ từng khoác áo Bayern Munich và Chelsea giống như một “vị vua không ngai”, một siêu sao đại diện cho sự dở dang và vô duyên tới kỳ lạ trước những danh hiệu. Mặc dù vậy, tất cả đều phải thừa nhận rằng Michael Ballack chính là hiện thân tiêu biểu cho những hình ảnh cuối cùng về một thủ lĩnh kiểu Đức cổ điển, luôn có thừa sự mạnh mẽ và quyết đoán, một điều dường như đã không còn tồn tại trong bóng đá ngày nay.
|
Cuộc đời của Ballack thường xuyên phải gắn liền với những khoảnh khắc ở cách đỉnh vinh quang chỉ vỏn vẹn một bước chân. Từ chung kết Champions League 2002, chung kết World Cup 2002 cho đến chung kết Champions League 2008 hay chung kết EURO 2008, thật khó tin là may mắn đều ngoảnh mặt đối với cựu tiền vệ Chelsea ngay trước ngưỡng cửa thiên đường. Ngay cả khi đã góp công lớn vào cuộc chuyển giao của nền bóng đá Đức ở giai đoạn cuối thập niên 2000s, từ một đội bóng vốn xù xì trong quá khứ chuyển sang lối chơi tấn công hiện đại đẹp mắt hơn thì Ballack cũng không hề được tận hưởng trọn vẹn thành quả cuối cùng, đó chính là chức vô địch World Cup 2014.
Đánh giá từ một góc độ nào đó thì Ballack đã một mình gồng gánh ĐT Đức bước qua giai đoạn đen tối nhất ở thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ. Khi ấy, Die Mannschaft vừa trải qua những thất bại đầy u ám ở các VCK World Cup 1998 và EURO 2000. Với một thế hệ quá thiếu thốn những tài năng trẻ, bên cạnh tư duy bảo thủ cực đoan có phần lỗi thời, bóng đá Đức bỗng dưng trở nên lạc hậu hơn trước những đổi thay của thời đại. Trong hoàn cảnh đó, Michael Ballack xuất hiện chẳng khác nào một vì sao chói sáng nhưng anh cũng chính là tài năng bản địa duy nhất tại Bundesliga. Để rồi, mùa giải 2001/02, cầu thủ đang thuộc biên chế Bayer Leverkusen đã lập một “cú ăn ba về nhì” vĩ đại (Bundesliga, Champions League và Cúp Quốc gia Đức) trước khi tiếp tục phải ngồi ngoài (do nhận thẻ vàng tại bán kết gặp Hàn Quốc) và chứng kiến các đồng đội gục ngã trong trận chung kết World Cup mùa Hè năm 2002 trước ĐT Brazil của những Rô béo, Rivaldo, Ronaldinho.
Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn đề cập khá nhiều về chiếc thẻ vàng mà Ballack từng phải nhận trong trận bán kết gặp Hàn Quốc. Mới chỉ cách đó ít phút, cầu thủ sinh năm 1976 này chính là người đã ghi bàn duy nhất giúp ĐT Đức vượt qua đối thủ chủ nhà. Trước đó, cũng chính anh là người lập công giúp Die Mannschaft vượt qua ĐT Mỹ sát nút 1-0 ở vòng tứ kết. Nói không quá thì Ballack đã một mình “gánh” tập thể ĐT Đức đi đến trận chung kết World Cup 2002, nhưng rồi thật trớ trêu khi mà chính anh lại phải vắng mặt vào thời khắc quan trọng nhất. Dẫu vậy thì một con người không bao giờ chấp nhận nhún mình hay lùi bước giống như Ballack, chắc chắn vẫn sẽ luôn giành hết những việc khó về tay mình. Hơn một thập kỷ sau pha xoạc bóng khiến bản thân không thể chơi trận chung kết World Cup duy nhất trong cuộc đời, Ballack vẫn hoàn toàn thẳng thắn chia sẻ về cảm xúc của mình trước báo giới: “Nếu được quay trở lại và lựa chọn thì tôi vẫn sẽ làm như vậy thôi, vẫn sẽ là một cú xoạc bóng y hệt”. Sâu thẳm trong tâm can, cựu tiền vệ Bayern Munich cho thấy mình luôn là một kẻ sẵn sàng hy sinh tất cả vì tập thể, một người đàn ông cổ điển kiểu Đức đầy chuẩn mực và truyền thống.
|
Khoảng thời gian sau này, khi người Đức liên tục giành được thành công với cuộc cách mạng chuyển giao bóng đá, khi người ta được chứng kiến những Mesut Oezil, Marco Reus, Toni Kross, Manuel Neuer hay Mats Hummels… chơi bóng đầy hào hoa trên sân cỏ thì chẳng mấy ai nhớ về một Ballack từng giữ vai trò là sợi dây kết nối giúp Die Mannschaft vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Chính cựu tiền vệ Bayern Munich đã rèn dũa Philipp Lahm và Bastian Schweinsteiger trở thành những đội trưởng kiểu mới, những cầu thủ biết cách dung hòa mọi thứ trong phòng thay đồ thay vì chỉ biết độc đoán theo phong cách cũ kỹ. Thường xuyên bị chỉ trích là một kẻ độc tài, cho tới ngày nói lời chia tay ĐTQG, bất chấp việc từng là một thủ lĩnh sẵn sàng hy sinh bản thân cho tập thể, thế nhưng Ballack đến cuối cùng vẫn phải hứng chịu vô vàn nỗi cô đơn và buồn tủi. Người ta cho rằng anh đã không còn phù hợp để làm kẻ đứng đầu trong đội hình của Die Mannschaft. Những thất bại sẽ mãi mãi gắn với tên tuổi của Ballack và vinh quang cũng chẳng hề dành cho anh, một sự bạc bẽo đầy trớ trêu của số phận.
Vào thời đỉnh cao của mình, Michael Ballack đích thực là một tiền vệ tài năng, thậm chí toàn năng nhất. Anh có thể chơi tốt bằng cả hai chân, đánh đầu cũng tốt, vừa biết ghi bàn, vừa biết kiến tạo. Nhắc đến Ballack, người ta cũng thường nhớ về một mẫu cầu thủ sở hữu những cú sút xa, sút phạt sấm sét, một ngôi sao biết cách dẫn dắt trận đấu, toàn diện trong cả tấn công lẫn phòng ngự và đặc biệt mạnh mẽ về tinh thần, ý chí chiến đấu, vốn là điểm mạnh truyền thống của nền bóng đá Đức. Nhưng dường như, cũng chính bởi phẩm chất phi thường của bản thân cùng với cá tính quá mạnh mà cựu danh thủ gốc Đông Đức đã vô tình bắt mình phải trở thành trung tâm trong mọi thời điểm. Thay vì động viên đồng đội, Ballack thích ra mệnh lệnh. Thay vì đưa lời khuyên, Ballack sẵn sàng quát tháo tất cả. Đối với cựu ngôi sao từng khoác áo Bayern Munich, dường như chỉ có tập thể và chiến thắng cuối cùng mới là những thứ duy nhất được phép tồn tại. Trong mắt nhiều người, anh thực sự là một kẻ độc tài theo đúng nghĩa.
Dẫu vậy thì khi nhìn lại cả sự nghiệp của Michael Ballack, người ta sẽ thấy rằng những thước đo thông thường đối với các cầu thủ khác như là những danh hiệu hay bảng thành tích cá nhân sẽ chẳng còn mang quá nhiều ý nghĩa. Xét cho cùng, Ballack là một kẻ đặc biệt, một gã đàn ông kém may mắn tới mức từng vô vàn lần phải vấp ngã trước cửa thiên đường. Thế nhưng, phía sau gương mặt đầy cương nghị và góc cạnh kiểu Đức ấy sẽ mãi mãi tồn tại một hình ảnh vô cùng hoài niệm, về một người thủ lĩnh cổ điển theo kiểu truyền thống nhưng cũng là một kẻ độc tài, có lẽ là cuối cùng…