Mesut Özil: Nạn nhân điển hình của một nước Đức chia rẽ vì chính sách nhập cư

Tác giả Elflaco - Thứ Hai 23/07/2018 16:52(GMT+7)

Tối 27/6. Lượt đấu cuối bảng F World Cup 2018. Đức thua sốc Hàn Quốc 0-2. Kết quả khiến “Die Mannschaft” chính thức trở thành cựu Vương. Thất thểu rời sân sau tiếng còi kết trận của trọng tài người Mỹ Mark Geiger, Mesut Özil bị 1 nhóm CĐV quá khích trên khán đàn sân Kazan Arena thóa mạ. “Số 10” tuyển Đức, trong nỗi thất vọng cùng cực, đã không giữ nổi bình tĩnh tới mức anh suýt chút nữa nhảy lên ăn thua đủ với CĐV.

 
Mesut Ozil cự cãi với người hâm mộ khi ĐT Đức bị loại từ vòng bảng.
Và đấy là hình ảnh cuối cùng của Özil, trong màu áo tuyển Đức. Bởi hôm qua, qua tài khoản Twitter cá nhân, Özil đã chính thức nói lời chia tay “Die Mannschaft”. Lý do Özil đưa ra, qua bức tâm thư rất dài, được anh đăng tải tới 3 lượt trên Twitter, là bởi tiền vệ này không thể chịu đựng được sự thiếu tôn trọng và phân biệt chủng tộc mà nhiều quan chức Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) cũng như một bộ phận người Đức dành cho mình.
 
“Tôi từng khoác lên mình tấm áo tuyển Đức với niềm kiêu hãnh và cảm hứng lớn. Nhưng giờ điều đó không còn tồn tại nữa… Đây là một quyết định vô cùng khó khăn, bởi tôi luôn muốn cống hiến tất cả vì đồng đội, vì ban huấn luyện, vì những con người tử tế của nước Đức. Nhưng khi DFB đối xử với tôi như thế, với sự thiếu tôn trọng gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ của tôi và cố tình đưa tôi vào những cuộc chơi chính trị vô lối, với tôi thế là quá đủ rồi. Tôi sẽ không tiếp tục thi đấu cho đội tuyển Đức nữa” – đấy là một phần rất nhỏ trong những gì Özil viết trên Twitter của anh nhưng đủ để cho thấy tiền vệ này đã phải chịu vô vàn áp lực và biết bao ẩn ức trong những ngày qua. Những ngày mà anh bị coi là “cừu đen” trong thất bại của Đức tại World Cup.
 
“Khi thắng trận, tôi là người Đức. Khi thua trận, tôi chỉ là… dân nhập cư” – một lời đầy chua chát từ Özil. Và tất cả bắt nguồn từ chính tấm hình mà Özil (cùng Ilkay Gündoğan) chụp chung với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tại London hôm 13/5, đúng 1 tháng trước khi VCK World Cup khởi tranh.
 
Trước thềm World Cup 2018, Mesut Ozil gây tranh cãi khi chụp ảnh chung với ông Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Erdogan, trong mắt đa số người Đức, là kẻ độc tài ngạo mạn. Erdogan thậm chí còn không được chính phủ Đức hoan nghênh tới quốc gia này. Việc Özil chụp ảnh chung với Erdogan, theo như anh trần tình hôm qua chỉ là bởi sự tôn trọng dành cho người đứng đầu quê hương gốc gác của mình. Nhưng với rất nhiều người Đức, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc bởi chính sách nhập cư của chính phủ Đức vài năm qua, những tấm hình đó truyền tải thông điệp chính trị rõ ràng. Rằng Özil ra mặt ủng hộ Erdogan, vốn tới London hồi tháng Năm để thực hiện chiến dịch vận động tranh cử.
 
Nhờ sự chống lưng bởi Đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” – AFD, một Đảng non trẻ nhưng chiếm số ghế lớn thứ 3 trong Quốc hội Đức với tôn chỉ hành động là “chống Hồi giáo, xa lánh châu Âu, chủ trương siết chặt dòng người nhập cư…” tấm hình chụp chung với Erdogan của Özil (và Gündoğan) trở thành cái cớ để giới truyền thông thân AFD thực hiện một tổng tấn công vào tuyển Đức. Đây thực ra là một đòn đánh gián tiếp của AFD vào Chính phủ của nữ Thủ tướng Angela Merkel, vốn chủ trương mở cửa biên giới cho dân nhập cư/tị nạn. Bạn còn nhớ bức hình nổi tiếng Merkel bắt tay Özil hồi tháng 10/2010, sau trận Đức thắng Thổ Nhĩ Kỳ 3-0, vốn được coi như tuyên ngôn hình ảnh về một nước Đức thành công và phát triển nhờ chính sách nhập cư không? Nếu nhớ, bạn sẽ hiểu tại sao giới truyền thông thân AFD lại tập trung “đánh” Özil trước, trong và sau World Cup 2018!
 
Trước những đòn đánh liên tiếp của AFD, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức – ông Reinhard Grindel, một thành viên của Đảng Liên minh Dân chủ CDU đứng đầu bởi bà Merkel đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo Özil và Gündoğan với phát biểu: “Bóng đá Đức và DFB không hoan nghênh và chia sẻ những giá trị của Erdogan. Do đó, việc các tuyển thủ quốc gia để bản thân bị lợi dụng cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là điều không được phép xảy ra”.
 
Đầu tháng 6, DFB yêu cầu Özil và Gündoğan lên tiếng chính thức để giải quyết cho xong “scandal truyền thông” này. Nhưng trong khi Gündoğan đồng ý, đưa ra phát ngôn theo đúng “kịch bản” của DFB thì Özil lại từ chối ra mặt. Ngôi sao số 1 tuyển Đức chọn thái độ im lặng, không thừa nhận cũng chẳng phản đối trước làn sóng chỉ trích và gán ghép vấn đề chính trị nhằm vào bản thân.
 
Thái độ của Özil trước và trong giải đấu tại Nga trở thành cái cớ quá tốt để DFB và giới truyền thông  vin vào sau khi Die Mannschaft thất bại thảm hại ở World Cup 2018. Özil chính là người chơi hay nhất tuyển Đức ở trận thua Hàn Quốc 2-0 với kỉ lục của giải về số đường chuyền kiến tạo (7 lần). Nhưng kết trận và Đức bị loại ngay từ vòng bảng, Özil trở thành “cừu đen”, thành “bia đỡ đạn”, thành nguồn cơn cho bi kịch thất bại của đội tuyển.
 
Gần 1 tuần sau khi Đức rời World Cup 2018, Lãnh đội Die Mannschaft Oliver Bierhoff thừa nhận “sai lầm lớn nhất của chúng tôi là vẫn để Özil tham dự giải cùng đội tuyển”. Đây không phải lời đổ lỗi của Bierhoff, một cựu danh thủ Đức, với đàn em, mà ý của ông là ở chỗ: sự hiện diện của Özil với những vấn đề rắc rối liên quan đến sắc tộc và chính trị, khiến “Die Mannschatf” trở thành mục tiêu tấn công liên miên bởi giới truyền thông cực hữu nước nhà.
Mesut Özil: Nạn nhân điển hình của một nước Đức chia rẽ vì chính sách nhập cư
Ngày 10/7, Cha của Özil cho biết, nếu ở vào vị trí của con trai mình, trong vô vàn áp lực và chỉ trích ác nghiệt, ông sẽ giã từ tuyển Đức luôn và ngay. Và hôm qua, 23/7, điều gì đến cũng đã đến. Sau 92 trận, 23 bàn thắng và rất nhiều màn trình diễn siêu hạng, Özil đã chính thức nói lời chia tay “Die Mannschaft”.  Việc Özil phải rời tuyển Đức theo cách đáng tiếc như vậy, chở theo những tín hiệu chẳng lành cho nền bóng đá vốn dựa rất nhiều vào nguồn lực nhập cư như Đức. 
 
Sau Özil hôm nay, tương lai sẽ còn bao nhiêu Özil nữa? Và những tài năng có gốc gác nước ngoài khác, đang trưởng thành trong những Học viện bóng đá Đức, khi nhìn vào “tấm gương” Özil, liệu có sẽ lựa chọn “Die Mannschaft” hay đội tuyển quê gốc của mình?

ELFLACO (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Anh 1-0 Serbia: Jude Bellingham là sự khác biệt!

“Tôi nghĩ Jude là chất xúc tác. Cách cậu ấy thể hiện bản thân và cách cậu ấy thi đấu trên sân cho thấy điều đó. Sức mạnh trong lối chơi của Jude giúp mang lại cho chúng tôi điều gì đó đặc biệt trong những thời khắc khó khăn. Tâm lý của Jude thật đáng kinh ngạc. Thể hiện sự trưởng thành và khiêm tốn ở độ tuổi trẻ như cậu ấy là điều không thể tin được. Chúng tôi thật may mắn khi có Jude”.

Adam Wharton: 5 tháng từ hạng nhất Anh tới Euro 2024

Adam Wharton không phải cầu thủ trẻ nhất, cũng chẳng phải ngôi sao số 1 của tuyển Anh tại Euro 2024, nhưng đây là cái tên có quá trình phát triển đáng kinh ngạc nhất trong danh sách triệu tập tới Đức của “Tam sư”.

Sylvinho: 'Nhà vua' của Albania

Sylvinho - cựu hậu vệ của Arsenal và Barcelona là một sự bổ nhiệm bất ngờ vào năm ngoái cho vị trí huấn luyện viên trưởng của Albania. Tuy nhiên, ông đã dẫn dắt quốc gia thuộc bán đảo Balkan đến với EURO 2024. Và ở lần trả lời phỏng vấn với FourFourTwo, vị chiến lược gia người Brazil nói rằng ông muốn tạo ra một bất ngờ khác tại EURO lần này.

Dominik Szoboszlai: Niềm tự hào của bóng đá Hungary

Sau khi lỡ hẹn với Euro 2020, Dominik Szoboszlai chuẩn bị có kỳ Euro đầu tiên trong sự nghiệp ở năm 2024, khác với 3 năm trước, anh giờ đã là một ngôi sao hàng đầu của tuyển Hungary và gánh trên vai trọng trách người đội trưởng. 

Joselu và kỳ Euro đầu tiên đầy hứa hẹn

Từ một cầu thủ chỉ chơi cho các CLB tầm trung và trụ hạng, Joselu có lần đầu tiên vô địch Champions League, lần đầu tiên được triệu tập lên tuyển Tây Ban Nha cũng như cơ hội toả sáng ở kỳ Euro đầu tiên trong sự nghiệp, khi đã 33-34 tuổi.

Federico Dimarco và hình bóng Leonardo Spinazzola

Leonardo Spinazzola là một trong những hậu vệ trái hay nhất Euro 2020, tới Euro 2024, khi anh vắng mặt trong đội hình tuyển Ý vì đánh mất phong độ sau chấn thương, NHM bóng đá của đất nước hình chiếc ủng đang kỳ vọng vào một hậu vệ trái khác: Federico Dimarco.