Với những ai trót mê đắm chất nghệ sĩ trong con người của Ozil, tình cảnh hiện tại của tiền vệ người Đức thật khó mà có thể chấp nhận. Không được ra sân thi đấu hàng tuần, cũng chẳng góp mặt trên băng ghế dự bị, lần gần nhất Ozil ra sân trong màu áo đỏ trắng đã là chuyện của cách đây 7 tháng.
Mesut Ozil lại chuyền bóng cho Ronaldo ghi bàn, các khán đài rung chuyển dõi theo màn ăn mừng của ngôi sao người Bồ Đào Nha. Nhưng chỉ những ai tinh ý mới cảm thấy lạnh buốt sống lưng, khi nhìn thấy tiền vệ gốc Thổ ở phía xa xa nở một nụ cười nhạt. Đường chuyền vừa xong thật đơn giản, nhưng quá… “nham hiểm”. Và hôm nay The Silent Genius - thiên tài thầm lặng ấy tròn 32 tuổi !
Đã từng có một Mesut Ozil như vậy, một Mesut Ozil làm tan chảy trái tim của những người yêu bóng đá đẹp. Real Madrid từng chứng kiến biết bao nhiêu tiền vệ tài hoa với khả năng chuyền bóng thượng thừa như Zinedine Zidane, David Beckham, Jose Maria Guti và cả “thiên thần” Kaka nữa, thế nhưng ở Mesut Ozil người ta vẫn thấy được nét đặc biệt và cái chất riêng, chẳng thể lẫn vào đâu được.
Camp Nou những năm 2006 từng may mắn chứng kiến một Ronaldinho với kỹ năng đi bóng thượng thừa thì Santiago Bernabeu giai đoạn 2010-2013 cũng ghi dấu của một chân chuyền đẳng cấp bậc nhất trong lịch sử túc cầu giáo. Chẳng vậy mà cái ngày Mesut Ozil rời Real để cập bến Arsenal vào giây phút cuối cùng của TTCN mùa hè 2013, Ronaldo gần như phát điên và ngay lập tức muốn gặp để chất vấn giới thượng tầng của Los Blancos.
Những đường chuyền của Ozil là “chất xúc tác” giúp Ronaldo thăng hoa tại Real Madrid.
Không tức giận sao được khi đội bóng của anh vừa bán đi môt ông Vua kiến tạo thực thụ – người thực hiện tổng cộng 81 đường chuyền dọn cỗ cho đồng đội lập công trong vòng vỏn vẹn 3 mùa giải, đạt hiệu suất 27 kiến tạo/mùa. Vâng! Các bạn không nghe nhầm đâu ! Là 27 pha kiến tạo mỗi mùa, đều đặn như vậy trong vòng 3 năm.
Cách đây ít ngày, vào thời khắc cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, BLĐ Arsenal đã làm nức lòng NHM của họ bằng bản hợp đồng bom tấn mang tên Thomas Partey. Nó gợi nhớ một chút hoài niệm xưa cũ khi trong quá khứ Pháo thủ thành London cũng đưa Mesut Ozil về theo kịch bản tương tự. Arsenal khi ấy phải chờ đến thời khắc cuối cùng của phiên chợ hè để chốt hạ thương vụ bom tấn này. Nhưng so với Mesut Ozil, sự háo hức mà các Gooners dành cho Thomas Partey rõ ràng chẳng thể bằng được. Hiệu ứng mà tiền vệ người Đức đem lại lúc đó là cực lớn. Bởi lẽ kể từ thời “The Invincibles”, Arsenal mới đón một ngôi sao thực thụ, một ngôi sao mang đẳng cấp thế giới đến từ đội bóng hùng mạnh bậc nhất Châu Âu là Real Madrid.
Sự xuất hiện của Ozil đã giúp đế chế của Arsene Wenger thoát khỏi cơn khát danh hiệu.
Trước khi Ozil đến Arsenal, đội bóng của Arsene Wenger từng chìm trong 9 năm u tối không một danh hiệu. Mỗi năm SVĐ Emirates lại chứng kiến một vài ngôi sao rời khỏi đội bóng. Lần lượt những Cesc Febregas, Samir Nasri hay Van Persie ra đi khi niềm tin trong họ về một cuộc hồi sinh của đội bóng ngày càng cạn kiệt. Và rồi cơn khát ấy chỉ thực sự chấm dứt nhờ đôi chân ma thuật của Mesut Ozil.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc vì sao bài viết này lại bắt đầu bằng những khoảnh khắc xa xưa đến vậy, bắt đầu từ hình ảnh Ozil chuyền bóng cho Ronaldo ghi bàn, cho đến cơn địa chấn khi anh cập bến Arsenal mùa hè 2013. Bởi lẽ với những ai trót mê đắm chất nghệ sĩ trong con người của Ozil, tình cảnh hiện tại của tiền vệ người Đức thật khó mà có thể chấp nhận.
Không được ra sân thi đấu hàng tuần, cũng chẳng góp mặt trên băng ghế dự bị, lần gần nhất Ozil ra sân trong màu áo đỏ trắng đã là chuyện của cách đây 7 tháng. Bằng cách này hay cách khác, bóng đá đang biến mất dần trong cuộc sống của Ozil. Người ta càng kỳ vọng HLV Mikel Arteta sẽ đưa anh trở lại đội hình, thì đáp lại sự mong mỏi ấy chỉ là thêm những chuỗi ngày dài đằng đẵng với nỗi nhớ khôn nguôi.
Arsenal gặp bế tắc trong việc luân chuyển bóng, thiếu đi chất sáng tạo ở hàng tiền vệ, Ozil vẫn bị gạch tên. Arsenal không thể thuyết phục Olympique Lyon bán Houssem Aouar cho mình, số phận của Ozil cũng chẳng khá khẩm hơn. Hẳn phải có nhiều lý do mà chúng ta, những người theo dõi đá bóng qua màn hình và phương tiện truyền thông không thể nào biết được, rằng vì sao Mikel Arteta không sử dụng Ozil. Khó có thể đưa ra lời phán xét khi những câu chuyện diễn ra phía sau tấm rèm nhung đến giờ vẫn còn là bí mật. Là đơn thuần vì vấn đề chuyên môn hay còn nội tình sâu xa nào khác mà ngay cả Mikel Arteta cũng không thể can thiệp được?
Để rồi sau cùng, hành động loại bỏ Ozil ra khỏi danh sách đăng ký dự vòng bảng Europa League mới đây chính là giọt nước tràn ly cho số phận tiền vệ 32 tuổi. Rất có thể Ozil đã chơi trận cuối cùng trong màu áo Arsenal và chúng ta sẽ không còn thấy nhạc trưởng số 10 ấy chạy trên mặt cỏ của SVĐ Emirates thêm lần nào nữa. Bảy năm trôi qua, 254 lần ra sân, 44 bàn thắng, 77 kiến tạo, 4 chức vô địch FA Cup, 4 danh hiệu FA Community Shield. Dù sao đó cũng là một sự ghi nhận đáng được trân trọng!
Rất có thể chúng ta sẽ không thấy Ozil trong màu áo Arsenal thêm một lần nào nữa.
Cách đấy ít giờ, đoạn clip ngắn về một buổi tập của Arsenal được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Đúng rồi, là Ozil xuất hiện trong buổi tập cùng các đồng đội với khuôn mặt vui tươi, hớn hở. Anh thậm chí còn làm hành động đập tay với HLV Mikel Arteta khi nhận thấy sự xuất hiện của chiến lược gia trẻ tuổi. Điều đó dấy lên suy nghĩ rằng không sớm thì muộn Ozil sẽ được trao cơ hội trở lại. Và rồi…
Trong cuộc sống, đau lòng cũng là một loại tan vỡ không thành tiếng. Thế giới của người trưởng thành, không thể gào khóc một cách điên cuồng, cũng không thể làm loạn với người bên cạnh. Ngay cả suy sụp cũng phải xếp hàng từ từ xuất hiện. Ozil vẫn vậy, vẫn chia sẻ rất nhiều thông điệp tích cực về cuộc sống của anh, về tình yêu cháy bỏng với Arsenal lên mạng xã hội. Chỉ có điều, đằng sau sự bình thản ấy phải chăng là cả cơn bão trong lòng ?
Hai năm qua, đối với sự nghiệp thi đấu của Ozil mà nói, thật chẳng khác nào cơn ác mộng. Từ tấm ảnh tưởng chừng vô hại chụp chung với thủ tướng Erdogan lại biến thành cái cớ để người hâm mộ Đức đổ lỗi cho thất bại của đội nhà tại World Cup 2018. Đúng là Ozil chơi không tốt trên đất Nga nhưng hãy thử nhìn lại hàng công trong tập thể của Die Mannschaft khi ấy, những Thomas Muller, Marco Reus hay Timo Werner cũng đâu còn là chính họ. Vậy tại sao luôn là Ozil, tại sao luôn là anh?
Để rồi Ozil tuyên bố giã từ sự nghiệp quốc tế trong cay đắng cùng với lời nhắn mà bất cứ người nào từng nghe đều cảm thấy chua xót: “Khi chiến thắng, tôi là người Đức, còn lúc thất bại, trong mắt họ tôi chỉ là một thằng nhập cư”.
Từ sau World Cup 2018, Ozil chưa bao giờ tìm lại phong độ đỉnh cao như trong quá khứ.
Trở về Arsenal với nỗi lòng nặng trĩu ưu tư, phong độ của Ozil ngày càng trượt dài, không bao giờ lấy lại được phiên bản hoàn hảo của chính mình trong quá khứ. Ngay cả Arsene Wenger cũng chẳng thể giúp anh tìm lại phong độ. Rồi khi Giáo sư chia tay Arsenal, mọi thứ về cơ bản càng trở nên tệ đi. Có thể nói sự ra đi của Arsene Wenger ảnh hưởng lớn đến tâm lý của tiền vệ sinh năm 1988. Kể từ khi chuyển đến nước Anh vào mùa hè 2013, Ozil luôn là hạt nhân trong cách xây dựng đội hình của Giáo sư, bất chấp phong độ. Đó là quãng thời gian Ozil chẳng bao giờ bất an, phải gồng mình chứng tỏ hay cạnh tranh vị trí với bất cứ ai.
Nhưng với Unai Emery và giờ là Mikel Arteta, để xây dựng đế chế mới của mình, họ cần phải cứng rắn với các quyết định về nhân sự. Khi “Pressing tầm cao” đang dần là xu thế bắt buộc của bóng đá hiện đại, việc các cầu thủ trên sân được yêu cầu di chuyển nhiều hơn cũng là dễ hiểu. Nhưng với Ozil, điều này khiến anh cảm thấy ngột ngạt. Ozil không phải mẫu cầu thủ có thể tham gia pressing một cách đều đặn, cũng chẳng phải mẫu cầu thủ hùng hục chạy theo trái bóng để vây bắt đối phương ngay từ sân khách. Không chịu thay đổi, Ozil đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Cộng thêm những hành động chống đối với BLĐ Arsenal bên ngoài sân cỏ, anh dần trở thành cái gai trong mắt giới thượng tầng.
Từ việc từ chối cắt giảm lương trong đại dịch Covid-19, cho đến việc công khai đá xoáy nhà Stan Kroenke trong vụ Gunnersaurus, ai cũng hiểu rằng anh đang đơn độc bước đi trên con đường không thể quay lại. Ở Ozil nếu có 7 phần đáng trách thì cũng có đến 3 phần đáng thương. Với các Gooners, phần đông trong số họ chắc hẳn đều có suy nghĩ như vậy. Người ta sẽ buồn khi chứng kiến tình cảnh của cuộc hôn nhân đã kéo dài 7 năm của Arsenal và Ozil dần đứng trên bờ vực tan vỡ. Và còn đáng buồn hơn với “bức tường” khoảng cách mà cả hai phía đang ngày từng ngày tạo ra.
Arsenal của thời điểm hiện tại vẫn đang chơi khá tốt mà không có Ozil. Nếu Pháo thủ có bước chạy đà tốt trong tháng 10 giông bão này trước các đối thủ mạnh như Manchester City hay Leicester, mọi dấu hỏi về cầu thủ hưởng lương cao nhất đội bóng dành cho Mikel Arteta cũng sẽ chấm dứt.
Dù sao thì cũng xin chúc mừng sinh nhật của anh, Mesut Ozil – một trong số những “số 10” xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá. Hi vọng những nỗi buồn sẽ qua đi, niềm vui đọng lại những ngày cuối năm. Tuổi 32 an yên trong lòng !
Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.
Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.