Mesut Oezil: Sự thật về kẻ lười nhác đáng thương

Tác giả Elflaco - Thứ Sáu 29/06/2018 16:29(GMT+7)

Có những quan niệm sai lầm nhưng được truyền miệng và phổ biến đến mức đại đa số chúng ta, những người bình thường luôn tin rằng đó là sự thật hiển nhiên.
Mesut Oezil: Sự thật về kẻ lười nhác đáng thương
Như lý thuyết về “Vụ nổ Big Bang là khởi nguồn của vũ trụ”. Như mắt của chúng ta sẽ bị nổ tung do áp lực trong môi trường chân không. Như Hoa Hướng dương là loài hoa duy nhất luôn hướng về phía Mặt Trời.

Như bộ nhớ ngắn hạn chỉ khoảng 3-5 giây của não Cá Vàng. Như Bò tót sẽ hóa điên khi nhìn thấy màu Đỏ. Hay thậm chí như việc uống rượu sẽ… giúp cơ thể bạn ấm (nóng) hơn. Và trong bóng đá thời hiện đại, một trong những quan điểm sai lầm lớn nhất chính là việc nhìn nhận tiền vệ Mesut Oezil là “kẻ lười nhác”.
 
Sự thật: Cho tới thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa thể lý giải được vũ trụ từ đâu mà có và “Big Bang” chỉ được chấp nhận như là nguyên nhân số 1 về sự mở rộng của vụ trụ. 
 
Sự thật: Chẳng bộ phận nào trên cơ thể chúng ta, kể cả mắt sẽ bị nổ tung ở môi trường chân không ngoài việc chúng ta sẽ… chết vì thiếu dưỡng khí. 
 
Sự thật: Không chỉ Hoa hướng dương, mà hầu như tất thảy các loài Hoa đều hướng về phía ánh sáng của Mặt Trời để thực hiện tốt nhất cơ chế quang hợp. 
 
Sự thật: Cá vàng có thể lưu giữ trong bộ nhớ của nó 1 hình ảnh, 1 sự kiện trong tối thiểu 3 tháng trước khi… tự quên. 
 
Sự thật: Bò tót mù màu chẳng thể phân biệt được Đỏ hay Xanh và nó tức khí chẳng qua là bởi tay đấu sĩ đung đưa tấm vả trước mắt mà thôi. 
 
Sự thật: Uống rượu khiến mạch máu của bạn nở rộng, khiến nhiệt độ trong cơ thể dễ bị thoát ra ngoài hơn và điều này khiến nhiệt độ cơ thể của bạn giảm xuống.
Mesut Oezil trong trận gặp Hàn Quốc
Và sự thật về Mesut Oezil: chàng tiền vệ người Đức, số 10 cổ điển cuối cùng của kỉ nguyên bóng đá hiện đại, người đang bị coi là tội đồ trong thất bại thảm hại của Die Mannschaft tại World Cup 2018, không phải và không bao giờ là một cầu-thủ-lười-chạy như cách mà đám đông đang chỉ trích, đang ném đá anh. Sự thật hoàn toàn NGƯỢC LẠI!
 
Đây là những thông số chuyên môn của Oezil trong trận Đức thua Hàn Quốc 0-2, kết quả khiến đội tuyển này chính thức trở thành nhà vô địch còn cá nhân tiền vệ này nhận về vô vàn lời chê bai thậm chí là thóa mạ: Tổng quãng đường di chuyển 10,23 km; Tạo ra 7 đường chuyền kiến thiết cơ hội ghi bàn; thực hiện 4 pha đi bóng qua người thành công; Có 5 pha đoạt/cắt bóng thành công; Và cuối cùng: 7,6 điểm phong độ theo đánh giá của Whoscored.
 
Ở chi tiết thứ nhất: Oezil là 1 trong 5 cầu thủ chạy nhiều nhất của Die Mannschaft. Và con số 10,23 km mà anh có trước Hàn Quốc cao hơn quãng đường di chuyển bình quân của 20 đội tuyển tại Word Cup 2018.

Chi tiết thứ 2: 7 đường kiến tạo (key-pass) là kỉ lục cao nhất mà một cầu thủ có thể đạt tới sau tổng cộng 48 trận đã đấu ở vòng bảng World Cup 2018. Tính cả trận ra quân thua Mexico, Oezil sở hữu tổng cộng 11 key-pass, bình quân 5,5 lần/trận – hiệu suất cao nhất toàn giải.
Mesut Oezil và gương mặt thất thần
Chi tiết thứ 3: Với 4 pha qua người thành công (trong cả thảy 5 lần thực hiệ), Oezil cũng là cầu thủ hay nhất trong số những cái tên hiện diện trên sân ở trận Đức - Hàn Quốc. Chi tiết thứ 4: Con số 5 pha đoạt bóng thậm chí còn cho thấy nỗ lực tự thân tột cùng của Oezil, bởi nó cao gần gấp đôi mức bình quân mà anh thể hiện trong màu áo tuyển Đức 5 năm qua. Whoscored chấm Oezil 7,6 điểm – cao nhất tuyển Đức và chỉ kém 3 cái tên nổi bật ở hàng thủ Hàn Quốc: thủ môn Hyun-Woo, trung vệ Young-Gwon và hậu vệ phải Lee Yong.
 
Và một Oezil như thế sau trận đấu đã bị chính các CĐV nhà có mặt trên khán đài sân Kazan Arena thóa mạ. Một Oezil như thế đang bị coi là nguyên nhân số 1 khiến Đức không thể triển khai một thế công tốt trước Hàn Quốc, hệ quả là Die Mannschaft thất trận và rời World Cup ngay sau vòng bảng.

Có thể gương mặt lúc nào cũng phảng phất nét buồn của Oezil, thần thái dị biệt của Oezil so với tất cả các đồng đội xung quanh anh hay thậm chí ngôn ngữ cơ thể của Oezil khiên đa số lầm tưởng rằng anh không nỗ lực, anh thiếu quyết tâm hay thậm chí anh… chẳng buồn chạy.

Nhưng thực tế mà Oezil thể hiện trên sân cỏ, trong mỗi bước chạy, ở từng pha bóng, không chỉ riêng trận Đức – Hàn Quốc, mà là trong hầu như toàn bộ sự nghiệp của anh, chưa bao giờ là một kẻ lười chạy.
 
Các CĐV hướng vào anh để chỉ trích
Cả Thế giới bóng đá công nhận óc sáng tạo và năng lực chuyền bóng siêu hạng của Oezil. Nhưng cũng trong Thế giới ấy, một bộ phận đông đảo đã, đang và luôn nhìn nhầm Ozil, từ đó đánh giá hoàn toàn sai về anh.

Sự thật: Oezil trước sau vẫn là Oezil với phong cách  và thần thái dị biệt, chỉ có người đời là cứ thích dựa trên kết quả của một tập thể để đưa ra những phán xét bất nhất về anh mà thôi. Đức và Arsenal chiến thắng? OK, vì họ có một Oezil sáng tạo. Đức và Arsenal thất bại? Nhìn đi, với 1 kẻ lười nhác và hời hợt sắm vai “nhạc trưởng” như Oezil, không thua mới là lạ.
 
Thống kê từ SkySports ở Premier League 2016/17, Oezil với tổng cộng 329,3 km – là 1 trong 2 cầu thủ chạy nhiều nhất Arsenal. Với 1759 lần tăng tốc, anh xếp hạng 4 “Pháo thủ” ở hạng mục này. Bình quân mỗi trận, Oezil “ngốn” 10,4 km quãng đường di chuyển, đứng thứ 8 trong tổng số gần 30 thành viên của Arsenal.

Wenger, khi còn tại vị, thường nhận xét về Oezil thế này: “Mesut là một chàng trai luôn tận tậm và hết mình vì đội bóng, vượt xa tất thảy những đánh giá tiêu cực về cậu ấy. Dù quả thật, ngôn ngữ cơ thể của Mesut đôi khi… làm hại cậu ấy”.
 
“Có người thích tôi. Có người không. Nhiều người cứ nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của tôi, trên sân bóng, và cho rằng tôi chẳng nỗ lực vì tập thể. Nghĩ vậy thì kệ họ thôi. Bởi tôi, trước sau luôn là Tôi. Và chẳng có lý do gì khiến tôi phải thay đổi phong cách của mình cả”.
 
Bóng đá có thắng có bại. Oezil lúc dở lúc hay. Nhưng Oezil-lười-chạy, quan niệm hoàn toàn sai lầm này đã đến lúc dẹp bỏ được rồi!

ELFLACO (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.