Messi: Vật tế thần của Barca

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Hai 09/08/2021 13:13(GMT+7)

Tân Chủ tịch Joan Laporta đã phủi bay trách nhiệm không thể giữ chân Lionel Messi vì quy định từ BTC La Liga, nhưng câu chuyện này có nhiều điều mờ ám. Sau 21 năm, siêu sao người Argentina đã buộc phải rời ngôi nhà của mình.

Vì sao Messi không thể ở lại?


Ngày 5/8/2021 sẽ đi vào lịch sử đội bóng xứ Catalonia, khi họ chia tay ngôi sao xuất sắc nhất và cũng là biểu tượng CLB – Lionel Messi. Nguyên nhân được đưa ra vì tình hình tài chính khó khăn, bởi Barca không thể đăng ký Messi – giờ đã là cầu thủ tự do, sau khi đáo hạn hợp đồng ngày 30/6 vừa rồi. Quỹ lương của đội chủ sân Camp Nou đã vượt quá doanh thu 110%.
 
Không ít ý kiến cho rằng nếu Lionel Messi thực sự yêu quý Barcelona, tại sao anh không ký hợp đồng không hưởng lương, như vậy rắc rối sẽ được giải quyết. Câu trả lời là dù có như vậy, hợp đồng cũng không thể được ký kết.


 

Chủ tịch Joan Laporta lên tiếng lý giải: “Quỹ lương của CLB đang là 110% so với doanh thu. CLB phải xếp trên tất cả, ngay cả khi đó là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Chúng tôi đã đạt thỏa thuận nhưng không thể chính thức hóa hợp đồng, bởi tình hình kinh tế của CLB, nghĩa là Barca không thể đăng ký cầu thủ mới vì giới hạn quỹ lương.
 
Ngay cả khi không tính lương Messi, quỹ lương của CLB vẫn bằng 95% doanh thu, trong khi con số theo quy định là không quá 70%. Bởi vậy, mọi thứ đã chấm dứt.”
 
Và như vậy, cuộc hành trình 21 năm của Leo Messi tại Barca đi đến hồi kết.
 
Những chia sẻ trong nước mắt của siêu sao Argentina trong cuộc họp báo cũng khẳng định, anh đã làm mọi thứ có thể để ở lại. Tất nhiên, Barca cũng ưu tiên gia hạn với cầu thủ sinh năm 1987. Và trách nhiệm bây giờ được đá sang La Liga, với “âm mưu” được cho là bắt Barca nhận khoản tiền đầu tư 250 triệu euro từ quỹ CVC để giải quyết nợ nần, điều mà BLĐ Barca cho rằng thỏa thuận đó chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn và gây hại về sau.
 
Chủ tịch La Liga – Javier Tebas lên tiếng đáp trả trên Twitter vì những chỉ trích ‘buộc ngôi sao của giải đấu ra đi’: “Xin chào ông Joan Laporta, ông thừa biết rằng  quỹ đầu tư CVC không yêu cầu Barcelona phải "thế chấp" bản quyền truyền hình trong 50 năm.”

Tất nhiên, câu chuyện này cần thời gian và chi tiết hợp đồng để kiểm chứng. Nhưng nếu Joan Laporta có khả năng “nhìn” được hậu quả trong 50 năm tới, điều ông tin rằng 250 triệu euro thu về bây giờ phải trả giá bằng 900 triệu euro trong tương lai; thì tại sao ông lại thực hiện việc gia hạn hợp đồng với Messi một cách cẩu thả đến vậy – ngay cả khi đó là mục tiêu số 1, là lời hứa của Laporta thời điểm tranh cử vị trí Chủ tịch?

Chiếc áo số 10 của Barcelona được người hâm mộ lựa chọn nhiều nhất, ngay cả khi Lionel Messi đã ra đi
 

Trong cuộc họp báo chính thức sau khi đắc cử, Joan Laporta khẳng định: "Tôi sẽ cố gắng làm việc hết sức, ví dụ như thuyết phục Messi ở lại bởi có những việc cần phải thực hiện. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể. Và xin lỗi Leo vì lại nói điều này ở đây nhưng cậu biết tôi rất yêu cậu và Barca cũng yêu cậu rất nhiều. Nếu SVĐ này chật cứng khán giả, cậu sẽ không muốn đi đâu đâu.”
 
Chính vì vậy, việc gia hạn với Messi cần phải có kế hoạch chi tiết để thực hiện mục đích, bao gồm cả phương án dự phòng. Nhưng tất cả những gì BLĐ Barcelona làm là “ngồi nhìn” bản hợp đồng của Leo Messi đi đến hồi kết vào ngày 30/6, và “tin rằng” cầu thủ này chỉ việc ký vào thỏa thuận ở lại sau khi trở về từ Copa America. Những lời hứa hẹn của Laporta, cùng sự thực ông là một luật sư và biết thừa những quy định tài chính, càng khiến việc không gia hạn được Messi là một sự mỉa mai.
 
Quỹ thời gian eo hẹp cũng không phải lý do để Barca chần chừ tới vậy. Từ thời điểm La Liga hạ màn giữa tháng 5, họ có gần 1 tháng để thuyết phục Messi trước khi cầu thủ này lên tuyển dự Copa. Thậm chí từ trước nữa, Laporta tái đắc cử vị trí Chủ tịch ngày 8/3, nghĩa là ông có hơn 3 tháng cho đến thời hạn kết thúc hợp đồng của Messi (30/6) để thực hiện lời hứa của mình. Nhưng rồi mọi thứ đổ vỡ vì nguyên nhân Laporta biết rõ.
 
Và trong bối cảnh nợ nần chồng chất hơn 1 tỷ euro, với 800 triệu euro là nợ ngắn hạn, cần giảm quỹ lương, thanh lọc đội hình để gia hạn với Messi – những gì Barca thực hiện là… chiêu mộ Emerson, Garcia, Aguero và Depay, điều chỉ khiến quỹ lương của họ tăng lên. 
 
Tất cả những hành động đó, liệu Chủ tịch Laporta có đổ lỗi cho La Liga?


 
 

Vật tế thần của Barcelona

 
Trên thực tế, Barca có nhiều cơ hội để gia hạn hợp đồng với Leo Messi, nếu họ thực sự “làm mọi thứ có thể” như hứa hẹn. Đó là thanh lý, hoặc đẩy đi những ngôi sao hao tiền tốn của và có đóng góp hạn chế như Philippe Coutinho, Ousmane Dembele hay Antoine Griezmann.
 
Nhưng sau tất cả, bộ ba trên vẫn được giữ lại và hưởng mức lương hàng tuần đều đặn, trong khi Lionel Messi, người mới thực sự “làm mọi cách để gia hạn”, đã chủ động giảm 50% lương, vẫn phải ngậm ngùi ra đi.

Tất nhiên nhìn nhận một cách thực tế, Messi sẽ ra đi không sớm thì muộn, nhưng sẽ tốt hơn là bằng những cách có thể đem lại lợi ích cho đội bóng. Cuối năm ngoái, Chủ tịch tạm quyền của Barcelona, Carles Tusquets thừa nhận rằng nếu có quyền, ông đã bán đi Messi vào mùa hè 2020 bởi đó là một điều tốt cho CLB xét về khía cạnh kinh tế. Khi đó, Messi muốn ra đi và Man City cũng đã gửi lời đề nghị 100 triệu euro.
 
Ứng viên cho chức Chủ tịch Barca, Victor Font (người đã thất bại vì có số phiếu bầu ít hơn một nửa Laporta) xuất thân doanh nhân, đã thảo một bản kế hoạch chi tiết, với cam đoan đưa Xavi Hernandez trở thành HLV trưởng tương lai. Ông cũng khẳng định sẽ giữ chân Messi nhưng đồng thời sẽ thanh lọc lực lượng: “Cầu thủ hay nhất lịch sử như Messi phải là người được trả lương cao nhất, nhưng chúng ta không nên trả mức lương quá cao cho những cầu thủ không phải là xuất sắc nhất ở vị trí của mình.”

 

 

Và giờ thì Barcelona chọn Joan Laporta làm người giải quyết hậu quả từ Chủ tịch tiền nhiệm Joseph Bartomeu. Ông dường như không có một kế hoạch rõ ràng như ứng viên tranh cử Victor Font, cũng không thực hiện được lời hứa giữ chân Messi. Mới đây, Victor Font như dội gáo nước lạnh vào các cule với đại ý, Joan Laporta chỉ lợi dụng cái tên Lionel Messi để tranh cử chức Chủ tịch. 
 
Hay nói cách khác, phải chăng ý định thực sự của Laporta là đẩy Messi đi? Trong một đội bóng với quỹ lương phình to, thì người hưởng lương cao nhất đúng là nên bị thanh lý – ngay cả khi đó là người quan trọng nhất.
 
Một trong những phát biểu đầu tiên của Laporta sau khi đắc cử là: “Chúng ta sẽ tới Paris để lội ngược dòng”. Thời điểm đó, Barca thất bại 4-1 trước PSG trong trận lượt đi tại vòng 16 đội Champions League. Lượt về, họ chỉ giành được 1 trận hòa 1-1 và bị loại chung cuộc.
 
Phóng viên ảnh Santiago Garces, người từng tác nghiệp trận Barca 6-1 PSG năm 2017 và có bức ảnh để đời về Lionel Messi, cho biết đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất sự nghiệp của anh.

Cả 2 câu chuyện kể trên đều thể hiện sự đối địch giữa Lionel Messi và đội bóng nước Pháp. Và giờ, PSG khả năng cao là… bến đỗ mới của Messi. Sự đau xót này không thể diễn tả thành lời.
 


Trong suốt 21 năm gắn bó với đội chủ sân Camp Nou, Messi đã cống hiến cho Barca những màn trình diễn xuất sắc nhất. 778 lần khoác áo Barca, 672 bàn thắng cùng 305 lần kiến tạo, giành 10 La Liga, 7 cúp Nhà vua, 8 lần giành Siêu cúp Tây Ban Nha, 4 Champions League, 3 siêu cúp châu Âu và 3 lần vô địch World Cup Club.
 
Trước khi Mesi lên đội một, Barca có 62 danh hiệu từ 1909 – 2003. Trong 21 năm dưới ‘triều đại’ Messi, họ có 35 danh hiệu. Lịch sử Barcelona được chia làm 2 phần, trước và sau khi có Messi.

Nhưng giờ thì anh ra đi trong nước mắt, với trận đấu cuối cùng tại C1 là thất bại trước PSG, và trận cuối cùng tại La Liga là bị Celta Vigo đánh bại. Và Barca bước sang một chương mới, phần 3, không có Messi.
 
 
 
 

“Tôi sẽ rời CLB mà không được nhìn thấy người hâm mộ trong sân suốt hơn 1 năm rưỡi. Tôi rất mong được thấy một Camp Nou chật cứng khán giả và nói lời tạm biệt đúng nghĩa. Tôi hy vọng mình có thể trở lại và đóng góp điều gì đó cho CLB này” – thật xót xa khi ngay cả một lời chia tay xứng đáng, anh cũng không có.
 
Khi được hỏi về khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong màu áo Barca, Messi cho biết: “Thật khó chọn, nhưng được ra sân lần đầu tiên đúng là giấc mơ trở thành hiện thực. Mọi thứ sau đó thật tuyệt diệu, nhưng tôi sẽ luôn nhớ khoảnh khắc khi mọi thứ bắt đầu.
 
Tôi đã quên rất nhiều điều mình định nói, nhưng đây là tất cả những gì tôi có thể nói lúc này. Xin lỗi, nhưng tôi không biết nói thêm gì nữa.”

Trong ngôn ngữ nước ngoài, danh từ  ‘dê’ (goat) được ví von là cách viết tắt của từ ‘Greatest of All Times’ (Vĩ đại nhất mọi thời đại). Lionel Messi đã được Barcelona gọi bằng cái tên như thế, nhưng sau tất cả, anh ra đi như một ‘con dê gánh tội’ – scapegoat (vật tế thần), với tư cách là gánh nặng tài chính vì hưởng lương cao nhất.
 
Và đó là cái kết thực sự buồn với biểu tượng của CLB.

 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.