Messi ra đi là hệ quả từ những năm tháng Barcelona bị quản lý yếu kém

Tác giả CG - Thứ Sáu 06/08/2021 19:58(GMT+7)

Không ai muốn một siêu sao như Lionel Messi, người đã mang về vinh quang cho Barcelona suốt những năm tháng qua, lại phải kết thúc hành trình với CLB một cách đáng buồn như vậy. Nhưng, sự thật đôi lúc phũ phàng.

 
ĐẰNG SAU DÒNG THÔNG BÁO

 
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Barcelona công bố một thông tin gây sốc với toàn thế giới: Lionel Messi sẽ không tiếp tục gắn bó với CLB. Trong khoảng vài phút đầu tiên, bài đăng trên trang chủ đã không thể truy cập được do lượng người dùng vào quá lớn. Nhưng đó không phải điều quan trọng, điểm mấu chốt là lý do mà đội bóng xứ Catalunya đưa ra: Dù CLB lẫn Messi đã đạt được thỏa thuận và đều có ý định ký hợp đồng mới nhưng điều này không thể xảy ra vì những trở ngại về tài chính (theo quy định của LaLiga).
 
Những nội dung được đưa ra rất rõ ràng: Messi và Barcelona muốn đồng hành tiếp với nhau, nhưng quy định của LaLiga không cho phép họ làm điều đó. Lúc này Barcelona vẫn chưa thể đăng ký các tân binh do đội bóng vẫn chưa thể giảm bớt quỹ lương để đáp ứng giới hạn ở mùa giải này (khoảng 200 triệu euro). Trong cuộc họp báo vào lúc 11 giờ trưa (giờ địa phương), chủ tịch Joan Laporta cũng tuyên bố: “Một kỷ nguyên mới bắt đầu từ ngày hôm nay”.
 
Suốt hơn một thập kỷ, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã tạo ra cuộc so kè hấp dẫn và kinh điển trên sân cỏ. Xét về các giá trị thương mại, thương hiệu và truyền hình, họ cũng mang tới cho LaLiga quá nhiều lợi ích. Khi Ronaldo rời đi vào năm 2018, Messi trở thành “thỏi nam châm” duy nhất ở LaLiga. Nói cách khác, anh không chỉ là báu vật của Barcelona mà còn là của cả LaLiga. Chính vì thế, để mất Messi nữa chẳng khác nào LaLiga đánh mất đi sức hút của mình, nhất là khi Premier League vẫn luôn lớn mạnh. 
 
Ông Laporta cho biết, Messi muốn ở lại và đã rất nỗ lực giảm bớt quyền lợi để có thể ký hợp đồng với CLB, song như thế là chưa đủ. Để có thể ký hợp đồng với Messi và đáp ứng đúng tiêu chí tài chính của LaLiga, Laporta phải chấp nhận một thỏa thuận có ảnh hưởng tới bản quyền truyền hình của Barca trong vòng 50 năm tới.
 
Thỏa thuận đó là gì? Cụ thể là hôm thứ Tư vừa qua, LaLiga tuyên bố đã đạt được thỏa thuận nhượng 10% tiền bản quyền truyền hình của các CLB cho CVC trong 50 năm để đổi lấy 2,7 tỷ euro. 90% trong số 2,7 tỷ euro đó sẽ được chia cho 42 CLB ở LaLiga và Segunda Division (hạng Hai Tây Ban Nha).

 
Theo The Athletic, một ủy ban gồm 12 CLB (không bao giờ Barcelona và Real Madrid) đã đồng ý nhượng 10% tiền bản quyền truyền hình cho CVC. Cả hai gã khổng lồ bóng đá Tây Ban Nha đều đã lên tiếng phản đối vì những thiệt hại họ phải chịu nếu chấp nhận thỏa thuận này. 
 
Nếu đồng ý với thỏa thuận của LaLiga và CVC, Barca sẽ nhận được khoảng 280 triệu euro trong vòng 3 năm. Nghe thì có vẻ lớn và sẽ giúp giải quyết tình trạng tài chính bấp bênh hiện tại, nhưng thực chất LaLiga thông báo rằng chỉ 15% trong số đó (42 triệu euro) được sử dụng để trả lương hoặc phí chuyển nhượng và phần còn lại dành cho các hạng mục như cơ sở hạ tầng, marketing và phát triển thương hiệu. Rõ ràng con số đó không thấm tháp vào đâu để mất 10% tiền bản quyền truyền hình trong vòng 50 năm.
 
Với các đội bóng tầm trung trở xuống, thỏa thuận này có thể là phao cứu sinh trong thời đại dịch, nhưng với Barca thì không. Vài tiếng sau khi thông báo chia tay Messi, Barca cũng đăng một thông báo khác phản đối thỏa thuận của LaLiga với CVC. 
 
“Tôi không thể đưa ra quyết định sẽ ảnh hưởng tới CLB trong 50 năm tới. CLB này đã hơn 100 tuổi và lớn hơn tất cả mọi thứ, tất cả mọi người, kể cả cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử”, Laporta khẳng định trong cuộc họp báo.
 

ĐỐNG HOANG TÀN TỪ VƯƠNG TRIỀU BARTOMEU

 
Có thể nói tình cảnh như hiện tại của Barcelona xuất phát từ những năm tháng quản lý yếu kém của cựu chủ tịch Josep Bartomeu. Trước đại dịch, Barcelona là CLB đầu tiên trong bất cứ CLB thể nào vượt qua cột mốc 1 tỷ USD doanh thu hàng năm. 
 
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi cho những quyết sách thiếu hợp lý khiến nền tảng tài chính yếu dần từ phần gốc. Báo cáo tài chính năm ngoái của Barcelona cho biết tổng nợ của họ đã hơn 1 tỷ euro (khoảng 1,18 tỷ USD). Những thương vụ chuyển nhượng sai lầm là một trong những nguyên nhân chính. 
 
Mọi thứ bắt đầu bằng việc để Neymar đến Paris Saint-Germain và thu về 222 triệu euro. Tất nhiên, bản thân Neymar có tham vọng muốn đi để xây dựng đế chế riêng của mình thay vì đứng sau cái bóng của Messi, nhưng số tiền mà Barcelona dùng để tái đầu tư vào thị trường chuyển nhượng nhằm thay thế thế nhân tố N trong bộ ba MSN đã bị phung phí.
 
Mùa hè đó, họ chấp nhận trả 105 triệu euro cộng thêm 40 triệu euro phụ phí cho Borussia Dortmund để mang về Ousmane Dembele. 6 tháng sau, họ chi 160 triệu euro (120 triệu euro tiền chuyển nhượng cộng 40 triệu euro phụ phí) để mua Philippe Coutinho từ Liverpool. Và ai cũng biết đây là hai thương vụ thất bại của đội bóng chủ sân Camp Nou, những người thừa mà Barcelona đang muốn đẩy đi để giảm bớt quỹ lương.
 
Từ năm 2014 đến 2019, Barcelona đã chi hơn 1 tỷ euro vào thị trường chuyển nhượng, nhưng kể từ khi Giám đốc Thể thao Andoni Zubizaretta bị sa thải, hoạt động chuyển nhượng của Blaugrana thực sự quá thiếu hiệu quả. 

Neymar rời Barca là khởi đầu cho những sai lầm chuyển nhượng của Barcelona. Ảnh: Getty Images
 
Đầu năm 2019, Barca tiếp cận với Frenkie de Jong. Cuối cùng, Barca trả Ajax 75 triệu euro để có được tiền vệ triển vọng người Hà Lan. Trong cuốn sách Barca: The Inside Story of The World’s Greaest Football Club” của nhà báo, cây bút kỳ cựu Simon Kuper, anh tiết lộ ông Hasan Cetinkaya, người cố vấn cho Ajax ở thương vụ này, nói rằng mức giá mà Barca đưa ra gấp đôi con số mà Ajax kỳ vọng ban đầu.
 
Theo Kuper viết trong cuốn sách, Barcelona quen với việc trả giá quá cao. Trong khi hầu hết các CLB sẽ đặt ra một kiểu cầu thủ mục tiêu, ví dụ như một tiền vệ kiến thiết trẻ có giá ít hơn 30 triệu euro, thì đến tận năm 2020, họ vẫn quen với việc trả mức giá thật cao để “tóm gọn” mục  tiêu mà không đặt ra một phương án dự phòng.
 
Một ví dụ nữa là đầu năm 2020, khi Luis Suarez chấn thương, Barca gấp rút tìm một tiền đạo cắm thay thế. Giám đốc Thể thao Eric Abidal đã liên hệ với người đại diện của Cédric Bakambu, tiền đạo người Congo đang khoác áo… Bắc Kinh Quốc An. Khi nhận được thông tin, Bakambu lập tức bay tới Hong Kong để nối chuyến đến Catalunya. Trong tâm trạng háo hức khi ngồi chờ ở sân bay, anh nhận được tin nhắn từ Abidal với thông báo Barca đã đổi mục tiêu và chiêu mộ Martin Braithwaite.
 
Sau đó, Bakambu chia sẻ một cách đầy châm biếm trên mạng xã hội: “Transfermakt hãy sửa lịch sử chuyển nhượng của tôi thành: suýt gia nhập Barcelona”.
 
Ngoài ra, có thể kể đến các thương vụ kỳ lạ trong kỷ nguyên Bartomeu như Matheus Fernandes từ Palmeiras, cầu thủ thậm chí không được có buổi giới thiệu chính thức và cũng chẳng đá một trận chính thức nào, hay vụ trao đổi Arthur lấy Miralem Pjanic để làm đẹp sổ sách kế toán. Những thương vụ chuyển nhượng sai lầm khiến quỹ lương CLB phình to mà không mang lại hiệu quả tích cực. 
 
Tất nhiên, chiếm phần lớn trong quỹ lương là của Messi, tuy nhiên giá trị của tiền đạo người Argentina là quá to lớn, vượt qua cả giá trị về thể thao đơn thuần. Và theo như Kuper dẫn lời của một quan chức ở Barca, vấn đề không phải Messi mà nằm ở việc bất cứ khi nào anh được tăng lương, các đồng đội của anh cũng muốn tăng.
 
Bước vào mùa giải này, Barcelona đang phải tìm cách thanh lý những “hàng thừa” để đăng ký tân binh và quan trọng là đội trưởng Messi. Giới hạn lương của Barcelona mùa này thấp hơn các mùa giải trước rất nhiều, và chủ tịch Joan Laporta vẫn đang phải giải quyết đống đổ nát mà vương triều Bartomeu để lại. Nhưng Messi sẽ đi, và ông Laporta nói là một kỷ nguyên mới bắt đầu. Nhưng nó sẽ bắt đầu và diễn ra thế nào thì lúc này không ai biết.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.