Messi không đáng bị thành vật tế thần ở Barcelona

Tác giả CG - Thứ Hai 01/02/2021 16:16(GMT+7)

Lionel Messi có thu nhập khổng lồ ở Barcelona, tuy nhiên xét những gì anh mang lại cho lịch sử đội bóng chủ sân Camp Nou trên sân cỏ cũng như giá trị hình ảnh mang đến cho CLB thì anh không xứng đáng bị chỉ trích.

Khi Barcelona đánh bại Athletic Bilbao vào sáng nay với tỉ số 2-1, trong đó Lionel Messi đóng góp 1 bàn thắng từ cú đá phạt trực tiếp, tờ Sport đã giật tiêu đề trên trang nhất số ra sáng nay: “Messi là vô giá”. Đó như là cách thể hiện quan điểm của tờ báo đặt trụ sở tại Barcelona này với những lùm xùm liên quan tới bản hợp đồng bị rò rỉ của tiền đạo người Argentina từ hôm qua.

ĐÒN TẤN CÔNG BẤT NGỜ TỪ EL MUNDO

Sóng gió một lần nữa lại nổi lên ở CLB Barcelona khi tờ nhật báo El Mundo tiếp cận được bản hợp đồng dày 30 trang mà Lionel Messi đã ký với CLB vào năm 2017. Những con số trong bản hợp đồng đó thực sự gây chấn động sau khi họ công bố.
Theo đó, mức lương cố định và biến phí mà siêu sao Argentina nhận được trong mỗi mùa giải là 138 triệu euro. Anh nhận được 115.250.000 euro khi đồng ý gia hạn hợp đồng và 77.929.955 euro phí cho lòng trung thành. Dù thất bại ở đấu trường Champions League - nơi có tiền thưởng cao nhất - nhưng Leo Messi vẫn đảm bảo nhận được 92% tổng số tiền trong hợp đồng và con số đó vẫn tiếp tục tăng.
El Mundo giật tiêu đề rất gay gắt trên trang nhất: “Hợp đồng khổng lồ của Messi đã hủy hoại Barca”. Đó giống như một cách đánh mạnh vào tinh thần của Barca lẫn Messi trong bối cảnh đội bóng đang thi đấu tốt suốt thời gian qua sau giai đoạn đầu mùa chuệch choạc. Bài viết muốn nhấn mạnh mệnh đề rằng tình cảnh tài chính lao đao của Barca (khi trước đó đội bóng vừa công bố báo cáo tài chính mùa giải 2019/2020) là vì phải gánh số tiền lương khổng lồ cùng những chi phí phải trả Messi.
Có vẻ sóng gió không chịu buông tha Messi và Barca. Mùa hè năm ngoái, anh gửi burofax đề đạt ý muốn rời khỏi Barcelona. Nhưng sau đó, mọi chuyện không thành, Messi cho biết anh sẽ tập trung toàn bộ tinh thần và suy nghĩ cho đội bóng trong phần còn lại của mùa giải. Mọi thứ tưởng chừng êm xuôi thì sự việc này xuất hiện.
Sau khi El Mundo công bố chi tiết bản hợp đồng của Messi, CLB Barcelona lập tức thông báo trên trang chủ rằng họ sẽ có hành động pháp lý với tờ nhật báo này. Về phía Messi, anh cũng chuẩn bị có những hành động của mình. Kênh RAC1 cho biết tiền đạo Argentina sẽ kiện tòa soạn El Mundo. Kênh TV3 tiết lộ phía Messi đang nghi ngờ trong số 3 nhân vật là cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu, quyền chủ tịch Carles Tusquets và giám đốc điều hành Oscar Grau, có người đã tiết lộ chi tiết hợp đồng. Cần phải nói thêm rằng đây là 3 trong 5 người ở Barcelona được cho là biết về chi tiết bản hợp đồng. 

Theo đó, hợp đồng của Messi chỉ có 4 bên biết là LaLiga, Barcelona, luật sư của Messi và Messi. Mũi dùi đang được nhắm tới ông Bartomeu, người đã từ chức sau những lùm xùm và bị El Pulga chỉ trích đích danh trên truyền thông. Năm ngoái, ông cũng bị cáo buộc đã thuê truyền thông bẩn để bôi nhọ danh tiếng các đối thủ trong cuộc bầu cử chủ tịch Barca, các cựu nhân vật cũng như các cầu thủ hiện tại của CLB trong đó có Messi.
Ngay lập tức, Bartomeu lên tiếng phản bác: “Hoàn toàn không chính xác, tôi không hề tiết lộ hợp đồng của cậu ấy. Leo xứng đáng với từng euro cậu ấy được nhận, từ cả khía cạnh thể thao lẫn thương mại. Nếu không có đại dịch, Barca có thể dễ dàng trả lương cho cậu ấy”.

MESSI CÓ HỦY HOẠI BARCA KHÔNG?

Chưa bàn đến việc El Mundo có được ai đó thuê để tấn công Messi hay không thì rõ ràng cách lập luận với ý muốn nói Messi hủy hoại Barca thực sự vô lý và mang tính lập lờ đánh lận con đen. Trước hết cần phải nói rằng hợp đồng của Messi có chữ ký đến từ sự thống nhất giữa tất cả các bên.
Thứ hai, những gì Messi mang lại cho Barcelona là vô cùng to lớn. Vai trò của siêu sao người Argentina trong lịch sử là không cần phải bàn cãi. Dù chính Messi từng khẳng định không ai được lớn hơn đội bóng, kể cả chính anh nhưng rõ ràng nhắc tới Barcelona là nói đến Messi. Suốt hơn chục năm qua, tiền đạo 33 tuổi in dấu ấn lên mọi thành công của Blaugrana trên sân cỏ, mang về 33 danh hiệu cho CLB. Anh phá hàng loạt những kỷ lục để trở thành vĩ đại nhất.
Cả trên khía cạnh thể thao lẫn thương mại, quảng cáo và marketing, Messi mang về cho Barcelona quá nhiều giá trị. Chuyên gia kinh tế Marc Ciria chia sẻ trên tờ Libertad Digital như sau: Messi đóng góp một phần cơ bản trong doanh thu thường xuyên của Barca. Tôi đã tiến hành phân tích số tiền anh ấy tạo ra cho CLB và con số này trong khoảng từ 250 triệu đến 300 triệu euro.. Nếu lương anh ấy nhận là 140 triệu euro mỗi năm thì Barca ít nhất cũng kiếm được 100 triệu euro mỗi năm nhờ cậu ấy”.
Cira cho biết nhiều nhà tài trợ của Barcelona chỉ gia hạn hợp đồng từng năm với CLB vì họ lo ngại tiền đạo Argentina có thể rời CLB vào cuối mỗi mùa giải. Trong khi đó ông Cinto Ajram - cựu trưởng bộ phận Kích hoạt Quan hệ đối tác của Barcelona - cũng đồng tình với quan điểm của Cira. Ajram cho rằng các thương hiệu làm việc với Barca sẽ không gia hạn hợp đồng 3 hoặc 4 năm vì họ không biết giá trị CLB sẽ ra sao nếu thiếu Messi.
Ông cũng tiết lộ một thông tin thú vị: “Trong các chuyến du đấu của CLB suốt 5 năm qua, 50% doanh thu đến từ việc Messi ra sân thi đấu các trận giao hữu”.
Nói cách khác, Messi có thu nhập khổng lồ ở Barcelona, tuy nhiên xét những gì anh mang lại cho lịch sử đội bóng chủ sân Camp Nou trên sân cỏ cũng như giá trị hình ảnh mang đến cho CLB thì anh không xứng đáng bị chỉ trích. Messi không đáng bị trở thành vật tế thần cho sự lao đao của Barca.

BARCA NGẬP TRONG NỢ NẦN RA SAO?

Cách đây chưa lâu, CLB Barcelona đã công bố báo cáo tài chính của CLB trong mùa giải 2019/2020. Để làm rõ tình hình của CLB, blog Swiss Ramble chuyên mảng kinh tế bóng đá đã làm rõ những con số để chỉ ra tình hình hiện tại của CLB.
Theo đó, mùa giải 2019/2020, ban đầu Barcelona dự kiến thu về lợi nhuận 4 triệu euro trước thuế, nhưng cuối cùng họ lỗ 128 triệu euro trước thuế (97 triệu euro sau thuế). Doanh thu giảm 135 triệu euro (14%), từ 990 triệu euro xuống 855 triệu euro.
Không tính tiền thu về từ việc chuyển nhượng, doanh thu của Barcelona giảm 123 triệu euro (14%), từ 852 triệu xuống 729 triệu euro. Phần bị giảm nhiều nhất chính là bản quyền truyền hình: giảm 50 triệu euro (17%) xuống còn 248 triệu euro. Xếp tiếp theo là tiền quảng cáo và marketing: giảm 40 triệu euro (11%) xuống còn 323 triệu euro. Mức doanh thu từ các giải đấu mà Barca tham dự giảm 33 triệu euro (29%) xuống còn 81 triệu euro. Tiền bán vé mùa giải giảm 6 triệu euro (9%) xuống còn 55 triệu euro.
Quỹ lương của Barcelona giảm 55 triệu euro (10%) xuống còn 487 triệu euro (trong đó bóng đá là 443 triệu euro, còn lại các môn thể thao khác). Các chi phí khác giảm 23 triệu euro (10%) xuống 216 triệu euro. Tuy nhiên, mức khấu hao chi phí cầu thủ tăng 31 triệu euro lên 174 triệu euro.
So sánh với 2 kình địch của Barcelona ở Tây Ban Nha là Real Madrid và Atletico Madrid, dù lợi nhuận của 2 CLB này đều giảm trong mùa giải 2019/2020 vì ảnh hưởng của đại dịch nhưng cả 2 đều cố gắng xoay xở để hòa vốn. Chính vì vậy, khoản lỗ 97 triệu euro sau thuế của Barca vẫn là khác biệt. Cần chú ý là trong đó bao gồm khoản lỗ 43 triệu euro từ các môn khác ngoài bóng đá như bóng rổ (28 triệu euro), bóng ném (7 triệu euro).
Rõ ràng COVID-19 tác động quá lớn lên tài chính các đội bóng trong mùa giải trước. Nhiều CLB hàng đầu châu Âu chịu mức lỗ khủng khiếp như AS Roma (204 triệu euro), AC Milan (195 triệu euro), Everton (158 triệu euro), Inter Milan (100 triệu euro), Juventus (90 triệu euro) và Tottenham (72 triệu euro). Rõ ràng Barca không đơn độc.
Barcelona nhấn mạnh rằng nếu không có COVID-19, họ sẽ thu về lợi nhuận là 2 triệu euro, cuối cùng họ lại lỗ 128 triệu euro (trước thuế).
Mùa trước, Barca thu về 73 triệu euro từ việc bán cầu thủ (Arthur Melo đến Juventus, Malcom đến Zenit Saint Petersburg, Carles Perez tới Roma, Marc Cucurella đến Getafe, Abel Ruiz tới Braga). Tuy nhiên con số này vẫn ít hơn dự kiến trước mùa giải (101 triệu euro) và thấp hơn cả Atletico Madrid (136 triệu euro) lẫn Real Madrid (101 triệu euro).
Giống nhiều CLB khác, Barcelona ngày càng trở nên phụ thuộc vào việc bán cầu thủ. Lợi nhuận trung bình hàng năm từ hoạt động này tăng gấp gần 4 lần trong 3 năm qua, lên tới 127 triệu euro bao gồm cả việc bán Neymar cho PSG vào năm 2018.
EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) giảm từ 179 triệu euro xuống 104 triệu euro (bao gồm cả tiền bán cầu thủ). Barca cho biết nếu không có đại dịch COVID-19, con số này sẽ tăng lên 234 triệu euro. Và nếu không có đại dịch, Barcelona cho biết mùa giải 2019/2020 họ sẽ đạt được mục tiêu doanh thu là 1 tỷ euro (bao gồm tiền bán cầu thủ), tức là tăng từ 990 triệu euro lên 1.059.000.000 euro.
Barcelona ước tính mùa giải 2020/2021 này doanh thu của họ sẽ giảm 64 triệu euro, từ 855 triệu euro xuống 791 triệu euro - số tiền này sẽ giảm nhẹ bớt một phần nhờ tiền bản quyền truyền hình mùa giải 2019/2020 nhận được vào tháng 7 và tháng 8. Điều đó có nghĩa tổng doanh thu của họ sẽ hụt gần nửa tỷ (470 triệu euro) trong 2 năm.
Mức suy giảm doanh thu 123 triệu euro của Barca trong mùa giải 2019/2020 (không tính tiền chuyển nhượng) cao hơn Real Madrid (42 triệu euro) và Atleti (10 triệu euro). Mức suy giảm này của Barca chỉ xếp sau Manchester United (133 triệu euro) dù xét về tỷ lệ suy giảm doanh thu thì họ (14%) không cao bằng nhiều đội khác.
Như đã nói ở trên, doanh thu quảng cáo và marketing của Barca trong mùa giải đã giảm 40 triệu euro (11%) xuống còn 323 triệu euro do CLB không thể hoàn thành các giao dịch còn các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa vì đại dịch.
Barca đã gia hạn hợp đồng tài trợ áo đấu với Rakuten thêm 1 năm (đến tháng 6 năm 2022), dù vậy các báo cáo truyền thông cho biết giá trị bản hợp đồng giảm từ 55 triệu euro xuống 30 triệu euro. Hợp đồng trang phục thi đấu trị giá 105 triệu euro với Nike kéo dài đến năm 2028, trong khi hợp đồng tài trợ trang phục tập và quảng cáo trên tay áo với Beko có giá trị 19 triệu euro sẽ hết hạn vào năm 2021.
Barcelona kiếm được 104 triệu euro nhờ lọt vào tứ kết Champions League, thấp hơn 13 triệu so với mùa giải 2018/2019 (lọt vào bán kết). Những con số này là chưa tính tới việc hạ giá hoặc hoãn sang mùa giải 2020/2021 (vì vòng 16 đội và tứ kết mùa trước diễn ra sau ngày 30 tháng 6).
Dự án Espai Barca, trong đó bao gồm việc tu sửa sân Camp Nou, sẽ tốn 815 triệu euro. CLB tìm kiếm doanh thu bổ sung 150 triệu euro mỗi năm thông qua: quyền đặt tên và tài trợ (50 triệu euro), khu VIP (50 triệu euro), bán vé, dịch vụ và tổ chức sự kiện (50 triệu euro).
Nói về quỹ lương của đội bóng đá Barcelona, nó đã giảm 58 triệu euro (12%), từ 501 triệu euro xuống 443 triệu euro, một phần nhờ việc giảm đi khoản thưởng trị giá 32 triệu euro. Tổng quỹ lương bao gồm các môn thể thao khác là 487 triệu - 513 triệu euro gồm bản quyền hình ảnh. Dự kiến ngân sách sẽ giảm 81 triệu euro xuống còn 362 triệu euro trong mùa giải 2020/2021.
Quỹ lương của Barca mùa trước cao hơn Real Madrid 65 triệu euro và là cao nhất ở Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung.
Mức chi tiêu ròng cho chuyển nhượng của Barca đã gấp đôi trong 3 mùa giải gần nhất, trung bình 132 triệu euro, so với 64 triệu euro trong 5 mùa trước đó. Mức tăng tổng chi tiêu thậm chí còn lớn hơn (103 triệu lên 320 triệu euro), nhưng tiền bán cầu thủ cũng tăng đáng kể (40 triệu lên 189 triệu euro). Trên thực tế, chi tiêu của Barca tương đương 15 CLB yếu nhất LaLiga cộng lại.
Tổng nợ tài chính của Barca đã tăng vọt 208 triệu euro, từ 272 triệu lên 480 triệu euro - bao gồm 279 triệu euro vay từ ngân hàng và 201 triệu euro từ các giao dịch. Với khoản tiền mặt 162 triệu euro, nợ ròng tăng từ 114 triệu euro lên 318 triệu euro.
Tiền nợ chuyển nhượng của Barca tăng từ 261 triệu lên 323 triệu euro. Giá thực phải trả là 155 triệu euro. Chủ yếu số tiền nợ trong các thương vụ Philippe Coutinho từ Liverpool (69 triệu euro), Frenkie de Jong từ Ajax (64 triệu euro) và Miralem Pjanic từ Juventus (58 triệu euro). Số nợ này cao nhất châu Âu năm 2019.
Tóm lại, sử dụng định nghĩa rộng nhất có thể về nợ, tổng nợ Barca phải trả tăng từ 212 triệu euro lên 1,4 tỷ euro.  Khoản nợ của Barca thực sự đáng báo động, ngay cả trước khi cần nguồn tài chính khổng lồ cho dự án Espai Barca.
Họ cần phải trả 395 triệu euro trong vòng 12 tháng tới (tiền nợ ngân hàng 269 triệu euro, nợ chuyển nhượng 126 triệu euro). Cộng thêm đó, họ còn nợ lương cầu thủ.
Như các CLB khác, Barcelona bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 nhưng mô hình của họ đã phải chịu áp lực nặng nề vì quỹ lương lương phình to cũng như chi tiêu chuyển nhượng bất hợp lý. Thời gian tới, người hâm mộ Barca sẽ phải chứng kiến thời kỳ thắt lưng buộc bụng của CLB.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?