1. “Anh ấy là chàng trai tốt nhất trên thế giới,” Zlatan Ibrahimović khẳng định. “Cậu ấy là con người tuyệt vời với một trái tim bao la,” Unai Emery nói. “Anh ấy là một con người ưu tú,” Zoumana Camara chia sẻ.
|
Maxwell: Chuyện một người tử tế |
Khi yêu cầu bất kì ai trong
thế giới bóng đá miêu tả về Maxwell - tên đầy đủ là Maxwell Scherrer Cabelino Andrade - thì họ thường sẽ nói anh là một con người tử tế như thế nào trước khi đề cập đến tài năng trên khía cạnh một vân động viên. Hậu vệ trái mới giải nghệ này là cầu thủ nhiều danh hiệu cấp câu lạc bộ nhất mọi thời đại, thế nhưng điều khiến anh nổi tiếng nhất vẫn là tính cách. Đó là một lời ngợi ca nhưng cũng phần nào gói gọn sự nghiệp của anh.
Di sản mà Maxwell để lại vẫn còn là điều nhiều người phải đặt dấu hỏi. 37 danh hiệu trong 35 năm cuộc đời đến lúc này là một điều tuyệt vời. Thế nhưng anh lại không được công nhận là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Hãy ghé thăm trang Wikipedia của Maxwell và trang web này thậm chí còn phải ghi chú anh là cầu thủ bóng đá trong ngoặc đơn. Không những Maxwell không phải cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất mà anh cũng không phải Maxewell nổi tiếng nhất luôn.
Nhìn vào những câu lạc bộ mà anh từng giành huy chương chúng ta thấy anh đã thi đấu cho những đội bóng lớn nhất trên thế giới trước khi treo giày cuối mùa giải 2016/2017. Điều quan trọng hơn, anh dường như luôn tìm được con đường đến với đội bóng mạnh nhất ở mỗi giải đấu mà anh chơi.
Với nhiều người, Maxwell là một thợ săn danh hiệu bóng đá. Bắt đầu từ việc gia nhập Ajax - câu lạc bộ lớn nhất Hà Lan - vào đầu thế kỷ mới rồi chuyển tới Inter khi họ bắt đầu chuỗi năm chức vô địch quốc gia liên tiếp trước khi chuyển tới đoàn quân chinh phục mang tên Barcelona của Pep Guardiola. Anh khép lại hành trình với việc tham gia vào dự án của Paris Saint-Germain với những đồng tiền từ Qatar. Tuy nhiên, góc nhìn đó phần nào làm giảm đi những gì mà Maxwell mang đến cho những đội mà anh khoác áo cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Cứ cho rằng Maxwell vô địch rất nhiều vì anh thi đấu cho Ajax, Inter, Barcelona và PSG, nhưng có lẽ cũng phải khẳng định Ajax, Inter, Barcelona và PSG đã giành được rất nhiều chức vô địch vì có Maxwell trong đội.
2. Trước khi trở thành người chinh phục các danh hiệu ở châu Âu, Maxwell đã khởi đầu trong màu áo Cruzeiro ở quê nhà Brazil. Anh ra đời ở Cachoeiro de Itapemirim thuộc Espírito Santo, một bang không có truyền thống bóng đá giống như những nơi khác ở trong nước. Thế nhưng anh đã chuyển tới học viện của Cruzeiro tại Belo Horizonte ở tuổi niên thiếu. 18 tuổi, anh tận hưởng hương vị chiến thắng đầu tiên khi Cruzeiro vô địch Copa do Brasil 2000 mặc dù Maxwell không được chơi một phút nào suốt giải đấu. Trước đó, anh đã chứng kiến đội bóng giành Copa Libertadores chỉ hai năm trước và loại São Paulo trong cả hai lượt trận chung kết.
Mặc dù không thi đấu nhiều cho đội một của Cruzeiro nhưng màn trình diễn của anh ở các giải trẻ là đủ để gây ấn tượng với Ajax, đội bóng đã để mắt tới anh ở một giải đấu khi anh bước sang tuổi 20. Họ mang anh đến Amsterdam với cái giá 3 triệu euro. Tại Eredivisie, Maxwell lần đầu tiên có được vị trí thường xuyên trong đội hình xuất phát, điều mà anh đã không thể làm được ở Belo Horizonte.
Sau khi có màn ra mắt vào tháng 8/2001 trong trận hòa 1-1 trước Roda, anh liền có trận đấu đầu tiên ở Champions League chỉ ba ngày sau đó, anh bước ra ánh sáng dù đội bóng của anh thua 1-3 ở trận lượt đi vòng loại trước Celtic. Tuy đội bóng Hà Lan đã thắng 1-0 ở lượt về nhưng nó là không đủ và họ phải thi đấu ở UEFA Cup trong mùa giải đó. Thế nhưng Maxwell đã có một màn trình diễn rất tốt trong lần đầu tiên bước ra đấu trường châu Âu, khiến Celtic Park phải khiếp sợ ngay khi nhạc hiệu Champions League nổi lên.
Suốt phần còn lại của mùa giải đó, anh giành lấy vị trí từ tay một cầu thủ lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn là Tim de Cler. Kết thúc mùa giải, anh có 31 lần ra sân, là cầu thủ có số phút thi đấu nhiều thứ tám trong hành trình Ajax đoạt chức vô địch quốc gia lần đầu sau bốn năm. Anh thậm chí còn có số phút thi đấu nhiều hơn những ngôi sao khác như Mido, Johnny Heitinga, Steven Pienaar và cả Zlatan Ibrahimović.
Sau đó, khi đã là một tài năng vô cùng hứa hẹn, cầu thủ người Thụy Điển cũng trở thành một trong những người bạn thân nhất của Maxwell trong bóng đá cũng như cuộc sống hàng ngày. Cặp đôi kì lạ này một người là tiền đạo đến từ Scandinavia và người kia là hậu vệ từ Nam Mỹ, họ bằng tuổi nhau (Maxwell chỉ lớn hơn người bạn mình năm tuần tuổi). Mặc dù vậy, Maxwell có thể ví như người cha của Ibrahimović khi anh thắp sáng những năm kế tiếp cuộc đời người bạn mình về sự trưởng thành và cách bảo vệ bản thân mình.
“Maxwell đến Ajax cùng thời điểm với tôi, vì thế anh ấy gặp tôi ở sân bay và tôi biết một chút về anh ấy,” Ibrahimović sau này nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với trang web chính thức của Ligue 1. “Hai tuần sau, tôi gọi Maxwell và nói ‘Tôi có vài vấn đề’ và anh ấy nói ‘OK’. Nếu bạn muốn một chú gấu teddy thì bạn có Maxwell rồi đấy. Tôi gọi cho anh ấy và nói ‘nghe này, tôi không có thức ăn trong nhà, tôi cần sự giúp đỡ’. Anh ấy nói ‘đến chỗ tôi đi’ và đặt một cái đệm lên sàn để tôi ngủ. Tôi ngủ ở nhà anh ấy trong hai tuần. Tôi sống với anh ấy, ăn uống và lái xe đến sân tập cùng nhau. Thế rồi sau một tháng, những tờ tiến lương đầu tiên xuất hiện và mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn với tôi.”
Câu chuyện trên đã cho thấy sự khôn khéo và độc lập của Maxwell ở độ tuổi 20 dù sống ở nước ngoài và có sự nghiệp bóng đá đang phát triển mà mình cần tập trung. Sau nhiều năm, anh dần nổi tiếng vì cách đối xử với các đồng đội phía sau hậu trường như là anh em trong nhà, như thể anh là một sĩ quan liên lạc. Những sự tương tác đầu tiên này với Ibrahimović vào năm 2001 đã tạo ra một ánh nhìn có thể không quá lớn lao nhưng đủ quan trọng. Có một thực tế là 16 năm sau, vợ của Maxwell đã giúp Julian Draxler tìm căn hộ ở Paris. Điều này cho thấy chàng hậu vệ trái này luôn luôn sẵn lòng dang rộng cánh tay bất kể khi nào có một người đồng đội cần sự trợ giúp.
Trở lại với những ngày tháng đầu tiên ở Hà Lan, Maxwell còn hơn cả người quản lý của Ibrahimović. Thực tế, ban đầu anh đã đạt những thành công sân cỏ ở Amsterdam ArenA còn hơn cả người bạn Thụy Điển của mình. Mùa giải 2002/2003, Ajax giành Johan Cruyff Shield - Siêu cúp Hà Lan - đồng thời trước đó là chức vô địch quốc gia và cúp quốc gia. Xét trên phương diện cá nhân, đây thực sự là năm đột phá của Maxwell vì thời gian thi đấu của anh đã tăng lên nhiều và do đó anh là một trong những người được ra sân nhiều nhất trong cả đội.
Nếu như trong suốt hành trình giành cúp của Cruzeiro năm 2000, anh không có một đóng góp gì thì lúc này anh đã không còn là người ngoài cuộc; ở Ajax, anh là một trong những trụ cột của đội bóng. Mùa giải 2003/2004, chức vô địch quốc gia đã trở lại với đội bóng áo đỏ trắng và Maxwell được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất năm ở Hà Lan; trở thành cầu thủ nước ngoài thứ năm có được giải thưởng này. Thường thi đấu ở một vị trí có thiên hướng dâng cao hơn bên hành lang cánh trái thay vì là một hậu vệ trái đơn thuần, anh đã chứng tỏ mình là một cầu thủ giỏi và nhanh nhẹn, ghi được hai bàn và có sáu đường kiến tạo ở Eredivisie. Tầm ảnh hưởng anh tạo ra ở hành lang cánh là rất lớn, anh hỗ trợ người bạn Zlatan của mình có 13 pha lập công trong năm đó, đủ để chân sút người Thụy Điển thu hút được sự chú ý từ những câu lạc bộ hàng đầu (và sau đó anh gia nhập Juventus).
Thời điểm đó cũng có nhiều đội bóng quan tâm tới tài năng của Maxwell tuy nhiên anh lựa chọn ở lại Hà Lan thêm hai mùa giải nữa, giành thêm một chức vô địch quốc nội nữa và giành Johan Cruyff Shield, hai danh hiệu đó giúp cầu thủ người Brazil vượt số danh hiệu so với Ibrahimović. Nhưng rốt cuộc thì sau đó bộ đôi này cũng hội ngộ ở thành Milan khi tiền đạo Thụy Điển chuyển từ Juventus tới Inter vào mùa hè 2006.
3. Maxwell trải qua một chấn thương đầu gối nghiêm trọng vào tháng 4/2005 và anh không bao giờ thi đấu cho Ajax một lần nào nữa sau một trận đấu quyết định trước Willem II, anh trở thành cầu thủ tự do vào tháng Một. Để tránh mức hạn ngạch với các cầu thủ ngoài EU, anh ký hợp đồng với Empoli cho đến hết mùa giải 2005/2006. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ thi đấu cho Azzurri (Biệt danh của Empoli) trước khi chuyển tới Inter cũng chính mùa hè đó.
Dù vừa mới hồi phục sau chấn thương dây chằng đầu gối phải, Maxwell cũng đã đảm đương tốt vị trí hậu vệ trái của mình suốt mùa giải đầu tiên ở Italia với một chức vô địch Serie A và một khoảnh khắc cá nhân đáng nhớ. Đó là ngày Cá tháng Tư năm 2007 nhưng không hề có một trò đùa nào hết khi Maxwell ghi một trong những pha lập công vĩ đại nhất mọi thời đại của Inter. 26 tháng sau bàn thắng cuối cùng, và gần hai năm sau chấn thương dài hạn, cái tên Maxwell đã trở lại trên bảng tỉ số với cú sút làm tung lưới Parma. Đó là pha lập công mở màn cho chiến thắng 2-0 của Inter, điều đó có nghĩa họ chỉ cần một chiến thắng nữa là sẽ trở thành nhà vô địch quốc gia.
Cầu thủ người Brazil đã chạy chéo sân để đoạt bóng từ chân đối thủ, dùng gót chân chạm bóng để giữ bóng trong cuộc, tăng tốc thoát khỏi hậu vệ đối phương, chuyền bóng cho Hernán Crespo ở cánh rồi nhanh chóng nhận lại, lại vượt qua ba hậu vệ đối phương để xâm nhập vòng cấm và tung cú dứt điểm.
|
Maxwell trong màu áo Inter |
Một vài tuần sau đó, Inter tiếp tục có được chiến thắng cần thiết để giành Scudetto thứ 15. Đội bóng thành Milan bảo vệ thành công chức vô địch trong mùa giải tiếp theo và sau đó là một Siêu cúp Italia, trong đó cái chân trái của cầu thủ người Brazil đã thực hiện thành công một quả penalty trong loạt luân lưu để qua đó giành chiến thắng trước Roma.
Đến mùa hè năm 2009, bộ sưu tập danh hiệu của Maxwell đã lên con số 12, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Barcelona của Pep Guardiola thời điểm ấy vừa giành được cú ăn ba lịch sử đồng thời bắt đầu hành trình thâu tóm danh hiệu của mình. Và Maxwell - cùng với người bạn thân Ibrahimović - đã chuyển tới sân Camp Nou.
Sau khi kí vào bản hợp đồng năm năm với Barcelona, Maxwell chính thức trở thành cầu thủ của Barcelona vào ngày 17/9/2009. Tuy được đem về như là một giải pháp thay thế trong trường hợp Éric Abidal không thể thi đấu, sự linh hoạt cùng khả năng chơi nhô cao bên hành lang trái khiến sự xuất hiện của Maxwell về lý thuyết trở nên vô cùng quan trọng. “Guardiola yêu cầu tôi giữ cân bằng giữa phòng thủ và tấn công. Và đó là những gì tôi cố gắng thực hiện,” anh giải thích ngắn gọn về vai trò của mình.
Chỉ hơn một tháng sau, anh đã có thêm một tấm huy chương, một phần của năm 2009 kì diệu. Ngay cả khi anh chỉ đóng góp một phần công lao trong thành công ở UEFA Cup, Siêu cúp Tây Ban Nha và Cúp thế giới các câu lạc bộ nhưng tổng số danh hiệu mà anh có được vẫn tiếp tục tăng lên.
Tổng cộng, anh có cho mình 10 chiếc cúp trong suốt quãng thời gian ở Catalonia với hai La Liga, ba Siêu cúp Tây Ban Nha, hai Siêu cúp châu Âu, hai Cúp thế giới các câu lạc bộ và một Champions League. “Chứng nhân” có lẽ là từ chính xác nhất để miêu tả vì quả thực giai đoạn Maxwell ở sân Camp Nou là giai đoạn thâu tóm nhiều danh hiệu nhất trong toàn bộ sự nghiệp của mình nhưng cũng là giai đoạn anh được đóng góp ít nhất. Anh có 89 lần ra sân cho Barcelona qua hai mùa rưỡi, trung bình cứ 9 trận đấu anh lại có một danh hiệu.
Về cơ bản, anh gần như không có đóng góp gì đáng kể và không được đá một phút nào trong trận chung kết Champions League 2009 và 2011 cũng như trận tranh Siêu cúp châu Âu hay Cúp thế giới các câu lạc bộ. Các trận chung kết duy nhất anh được thi đấu là ở Siêu cúp Tây Ban Nha, trong đó có hai lượt trận ở năm 2009 và tất cả các phút năm 2010.
Mặc dù vậy, Maxwell là người đầu tiên thừa nhận rằng anh đã giành được các tấm huy chương một cách quá dễ dàng ở Catalonia. “Điều dễ dàng có thể làm là ở lại Barcelona,” anh nói và khẳng định rằng đáng ra anh có thể tiếp tục đóng vai trò dự bị cho “hậu vệ trái số một thế giới” Abidal để giành nhiều hơn những vinh quang. Nhưng thay vào đó, anh đã quyết định rằng mình muốn kiếm tìm một thử thách và đó là lý do tại sao anh đến nước Pháp, nơi mà Paris Saint-Germain chiêu mộ với mức giá 3,5 triệu euro.
Có thể nói anh không quá thất bại ở Barcelona vì anh chưa bao giờ được kì vọng sẽ đánh bật Abidal. Nhưng 30 tháng chủ yếu làm bạn trên băng ghế dự bị tại Camp Nou đã làm giảm đi phần nào danh tiếng và anh chuyển tới sân Công viên các Hoàng tử vào tháng 1/2012 cũng là để dập tắt đi những lời xì xào. Để rồi 5 năm rưỡi sau, anh đã treo giày với vị thế như một người hùng. Với tinh thần làm việc tận tụy, tính cách dễ mến và thiện ý hòa mình vào nền văn hóa bản địa bằng cách học tiếng Pháp, anh nhanh chóng trở thành một người được các cổ động viên cũng như huấn luyện viên yêu quý.
Sau khi chuyển đến đội bóng mới khi mùa giải 2011/2012 đã trôi qua được một nửa, anh ngay lập tức trở thành hậu vệ trái số một trong đội hình của Carlo Ancelotti - người cũng gia nhập cùng thời gian đó - và cầu thủ người Brazil đã thi đấu 14 trên tổng số 19 trận còn lại của Ligue 1. Dù vậy, đó là không đủ để ngăn chặn hành trình xưng vương đầy tính bất ngờ của Montpellier, qua đó mùa giải 2011/2012 trở thành mùa đầu tiên mà Maxwell không phải là nhà vô địch quốc gia kể từ năm 2005.
Điều này đã không lặp lại trong bốn năm tiếp theo khi PSG liên tục tăng cường sức mạnh. Trong khi những cái tên chất lượng liên tục cập bến như Thiago Silva, Ezequiel Lavezzi, David Beckham, Edinson Cavani, Marquinhos, David Luiz và tất nhiên là cả Ibrahimović thì Maxwell vẫn có thể giữ được vị trí hậu vệ trái của mình và trở thành một trong những gương mặt quan trọng nhất trong đội hình, cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Trong sân, anh thi đấu hơn nửa số trận ở giải vô địch quốc gia trong tất cả các mùa giải mà anh ở Paris, đánh bật những tài năng như Lucas Digne và Layvin Kurzawa. Không giống như ở Barcelona, anh là một lựa chọn thường xuyên cho những trận đấu lớn của đội và giành được 11 chức vô địch các giải quốc nội - 3 lần vô địch Coupe de France (Cúp quốc gia Pháp), 4 Coupe de la Ligue (Cúp Liên đoàn) và 4 Trophée des Champion (Siêu cúp).
Ngoài sân, anh là một trong những nhân vật có tiếng nói nhất trong phòng thay đồ và là người có thể làm giảm bớt những áp lực mà đội bóng trải qua sau mỗi lần thay đổi huấn luyện viên. “Tôi cố gắng truyền đạt thật nhiều thông tin nhất có thể,” anh chia sẻ. “Tôi cố gắng truyền sự tự tin đến những cầu thủ chưa có nhiều kinh nghiệm.” Anh chưa từng là người đội trưởng chính thức của đội thế nhưng lại luôn hành động như thể mình được gửi gắm trọng trách ấy vậy. Và mỗi khi Thiago Sivla không có mặt trên sân, anh thường là người được đeo tấm băng thủ quân.
Sự hồi sinh thời kì hậu Barcelona của Maxwell ấn tượng đến nỗi mà anh đã được trao trận đấu đầu tiên cho đội tuyển Brazil ở tuổi 31. Cho rằng mình phải cạnh tranh vị trí với những Roberto Carlos, Marcelo và Filipe Luis - những hậu vệ trái xuất sắc trong lịch sử không chỉ của riêng đất nước Brazil - khiến anh chưa bao giờ kì vọng rằng mình sẽ được đại diện cho đội tuyển quê hương ở cấp độ cao nhất. Tuy vậy, ngoài những lần xuất hiện khi còn là một cầu thủ trẻ trong biên chế đội Olympic thì Maxwell có tổng cộng 10 trận đấu khoác màu áo vàng của đội tuyển quốc gia, trong đó có lần duy nhất ra sân ở World Cup 2014, một thời khắc đặc biệt ngay cả khi đó chỉ là trận tranh hạng ba.
“Thành thực mà nói tôi bất ngờ khi được triệu tập vì tôi hoàn toàn không nghĩ tới điều đó,” anh nói về cái duyên muộn màng của mình với Canarinho (Chim hoàng yến nhỏ bé - biệt danh của đội tuyển Brazil).
“Tôi chỉ cố gắng tận hưởng từng phút ở đội tuyển quốc gia, ở trên sân cũng như ngoài sân, nói chuyện với mọi người và chia sẻ niềm hạnh phúc tới toàn thể các cầu thủ Brazil khi họ gặp nhau.” |
Maxwell có tổng cộng 10 trận đấu khoác màu áo vàng của đội tuyển quốc gia |
4. Dù cho người đàn ông từ Espírito Santo không bao giờ giành được một chiếc cúp nào cùng đội tuyển quốc gia nhưng anh vẫn khiến quê hương mình tự hào ở cấp độ câu lạc bộ. “Giành chiến thắng trận đấu này có lẽ là lời chào từ biệt tuyệt vời nhất,” Unai Emery nói về thắng lợi ở Coupe de France 2017 của PSG trước Angers, trận đấu chia tay Maxwell và cũng đánh dấu danh hiệu thứ 37 mà anh giành được trong sự nghiệp. Chắc chắn, những kẻ theo chủ nghĩa xét lại sẽ cố gắng bằng mọi cách đánh giá vai trò của anh trong mỗi chức vô địch đó; được thi đấu bên cạnh những Zlatan Ibrahimović, Wesley Sneijder, Lionel Messi và Thiago Silva quả thực là một niềm may mắn. Thế nhưng, nếu có ai đó trong thế giới bóng đá này xứng đáng với những vinh quang ấy thì đó chắc chắn phải là Maxwell.
Có thể chẳng phải người tài năng nhất - dù những kĩ năng chơi bóng của anh chưa bao giờ bị đánh giá thấp - nhưng anh là một quý ông đích thực của bóng đá, luôn luôn giúp đỡ các đồng đội và chưa bao giờ phải nhận một tấm thẻ đỏ nào trong suốt 590 trận đấu ở châu Âu. Cũng chẳng cần phải để ai đó ngợi ca là cầu thủ hào nhoáng nhất mọi thời đại, đơn giản vì phẩm giá Maxwell là một điều chẳng ai có thể bàn cãi.
Lược dịch từ bài viết Maxwell: the most decorated club footballer in history của tác giả Euan McTear trên These Football Times.
CG