Vẻ ngoài phong trần, bụi bặm, có phần hơi đường phố và không giống như một cầu thủ Italia điển hình ở giai đoạn đầu thập niên 2000s từng khiến Camoranesi trở nên nổi bật hơn trong đội hình Azzurri. Mặc dù vậy, nguồn gốc Argentina cũng trở thành một rào cản khiến cho sự nghiệp của cựu tiền vệ Juventus đôi lúc bị quên lãng trong vinh quang.
Trước khi Jorginho trở thành hạt nhân trong lối chơi của ĐT Italia giành chức vô địch EURO 2020 thì đội bóng áo Thiên thanh từng chứng kiến một Oriundo khác cũng thành công không kém, thậm chí còn ấn tượng hơn bởi hình ảnh có phần kỳ lạ của mình, đó chính là Mauro Camoranesi. Ngôi sao gốc Argentina sở hữu mái tóc dài được buộc lại một cách khá cẩu thả cùng gương mặt góc cạnh được tô điểm thêm bởi bộ râu dưới cằm. Nếu như Camoranesi không đá bóng, người ta có thể đã nhầm anh với một rocker, hoặc một nghệ sĩ đường phố nào đó. Thế nhưng, trái bóng lại chính là niềm đam mê xuyên suốt cuộc đời tiền vệ sinh năm 1976 này.
“Nếu phải dừng lại việc chơi bóng và không thể tiếp tục tham gia vào thế giới bóng đá, chắc là tôi sẽ bị điên mất. Sau khi giải nghệ, chỉ có một việc duy nhất cho tôi làm đó là trở thành huấn luyện viên”, chính Camoranesi đã chia sẻ như vậy vào năm 2011, khi vẫn còn đang khoác áo Stuttgart. Và sự thật là kể từ ngày quyết định chia tay sân cỏ đến giờ, cựu ngôi sao Juve vẫn đang miệt mài đi tiếp con đường bóng đá của mình. Tất nhiên, so sánh với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa, sự nghiệp cầm quân của Camoranesi vẫn khá âm thầm và lặng lẽ, thậm chí còn có phần kém may mắn hơn. Mặc dù vậy, điều này cũng chẳng phải vấn đề gì to tát lắm bởi trước khi trở thành một Oriundo vĩ đại của ĐT Ý trong quá khứ, Camoranesi từng phải vượt qua vô vàn thử thách để vươn tới đỉnh cao.
Mặc dù rời khỏi quê hương Argentina từ năm 16 tuổi nhưng trong suốt gần một thập kỷ sau đó, chàng trai sinh năm 1976 đã phải lang bạt qua Mexico, Uruguay để kiếm cơ hội khẳng định bản thân. Ngay cả khi tỏa sáng rực rỡ trong màu áo CLB Cruz Azul thì Camoranesi vẫn chỉ nhận được thái độ hờ hững từ phía HLV Marcelo Bielsa ở những lần triệu tập ĐTQG. Thế nhưng, chính những màn trình diễn ấn tượng ở Mexico cuối cùng đã mở ra một cánh cửa tìm đến chân trời châu Âu dành cho tiền vệ sở hữu dáng vẻ thấp bé này. Mùa Hè chuyển nhượng năm 2000, Camoranesi gia nhập Hellas Verona bằng một bản hợp đồng trị giá 7 triệu euro, sau đó cùng với Adrian Mutu và Alberto Gilardino tạo nên một hàng công trẻ trung và tươi mới cho đội bóng miền Bắc Italia. Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh ở Serie A vào thời điểm bấy giờ không hề dễ dàng và phải chờ tới những vòng đầu cuối cùng, Verona mới chính thức trụ hạng sau thắng lợi đầy kịch tính 5-4 trước Bologna.
Về phần Camoranesi, mùa giải đầu tiên tại Calcio của tiền vệ gốc Argentina có thể được đánh giá là khá tốt. Với những kỹ năng chơi bóng tương đối ngẫu hứng của một cầu thủ Nam Mỹ điển hình, bên cạnh tinh thần chiến đấu cùng cá tính mạnh mẽ, Camoranesi đã thực sự gây ấn tượng mạnh với các tifosi cũng như nhiều đội bóng lớn khác, trong đó có cả Juventus. Mùa Hè năm 2002, sau khi Verona xuống hạng, Camoranesi cùng nhiều ngôi sao đã quyết định rời “con tàu đắm” và đương nhiên, Bianconeri chính là lựa chọn không thể nào chối từ.
Tại Turin, bất chấp những khó khăn trong giai đoạn đầu hòa nhập nhưng cựu tiền vệ Verona vẫn có một mùa giải gần như hoàn hảo. Đội bóng chủ Delle Alpi thẳng tiến tới chức vô địch Scudetto mùa 2002/03 đồng thời lọt vào trận chung kết Champions League gặp AC Milan. Tuy nhiên, trận cầu tẻ nhạt trên sân Old Trafford cuối cùng đã gọi tên Rossoneri sau loạt sút luân lưu đầy may rủi. Đáng chú ý, chỉ vài tháng trước khi trận chung kết châu Âu diễn ra, Camoranesi đã được đích thân HLV Trapattoni đề nghị khoác áo ĐT Italia. Với gốc gác Ý từ thời cụ mình (một người Argentina nhập cư từ Italia), ngôi sao thuộc biên chế Juve không quá khó để xin được tấm hộ chiếu mới và chính thức trở thành một Oriundo trong đội hình Azzurri đầy rẫy những ngôi sao vào thời điểm bấy giờ. Cho tới lúc này, HLV Marcelo Bielsa mới quyết định hành động để đưa Camoranesi về ĐT Argentina nhưng tất cả đã quá muộn.
VCK EURO 2004 chính là giải đấu lớn đầu tiên của Camoranesi trong màu áo Thiên thanh. Mặc dù bị loại ngay từ vòng bảng nhưng ít nhiều thì cầu thủ sinh năm 1976 đã để lại dấu ấn tại ĐTQG. Khoảng thời gian sau đó, cá nhân Camoranesi ngày càng thi đấu thăng hoa tại Juve và cùng với những Pavel Nedved, Del Piero, David Trezeguet… tạo nên một hàng công xuất chúng ở Serie A. Liên tiếp hai mùa giải 2004/05 và 2005/06, “Bà đầm già thành Turin” đều giành được Scudetto và việc Camoranesi dần chiếm được niềm tin của HLV Marcelo Lippi, người trước đó không mấy tin tưởng anh tại ĐTQG cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Dẫu vậy thì trong thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, mọi vinh quang của tiền vệ gốc Argentina đã sớm bị lu mờ bởi bóng ma scandal Calciopoli vào mùa Hè năm 2006, khi Juve rơi vào cơn bão tố, bị xử xuống hạng và tước luôn hai chức vô địch quốc gia vừa giành được. Thật trớ trêu khi mà trong màu áo đen trắng, Camoranesi đã trình diễn thứ bóng đá hay nhất cuộc đời mình nhưng rồi lại phải cùng Bianconeri xuất hiện ở những phiên tòa với cái án “treo cổ” lơ lửng trên đầu.
Để rồi, cũng chính bằng tinh thần chiến đấu của những kẻ đang phải đối diện với cái chết, Camoranesi cùng các đồng đội đã hành quân tới World Cup 2006 trong tâm thế… chẳng còn gì để mất, trước khi giành được chức vô địch Thế giới trên một chặng hành trình đầy cảm xúc. Ngay trong thời khắc huy hoàng nhất mà có lẽ trong giấc mơ cũng không nghĩ đến, khi bản nhạc “mùa hè nước Ý” vang lên tại Berlin, tiền vệ của Juventus đã quyết định cắt mái tóc dài từng gắn bó với mình suốt ngần ấy năm để ăn mừng thắng lợi sau trận chung kết trước ĐT Pháp. “Tôi luôn biết mình là một người Argentina và tôi cũng hoàn toàn cảm nhận được điều đó ở trong mình, thế nhưng tôi vẫn đứng đây và chiến đấu để bảo vệ màu cờ sắc áo Italia. Đó là lựa chọn của tôi, cho dù Argentina vẫn là quê hương, là máu mủ của tôi. Chẳng điều gì thay đổi được sự thật cả”, Camoranesi chia sẻ khi được hỏi về nguồn gốc Argentina và việc lựa chọn khoác áo Azzurri.
Trên thực tế, Camoranesi cũng chẳng phải Oriundo đầu tiên thi đấu cho tuyển Ý. Thế nhưng, trước khi Jorginho xuất hiện, có lẽ anh là người thành công nhất. Thậm chí, những khoảnh khắc mà cựu ngôi sao Juventus để lại trong lòng người hâm mộ đội bóng áo thiên thanh còn trở nên ấn tượng hơn bởi vẻ ngoài có phần bụi bặm, cá tính chẳng giống với bất kỳ ai. Là một tiền vệ chạy cánh phải với phong cách chơi bóng kỹ thuật của một cầu thủ xuất thân từ Nam Mỹ, thế nhưng Camoranesi cũng chưa bao giờ thiếu đi sự cần mẫn, bền bỉ và thái độ nghiêm túc, cẩn thận trong công việc, yếu tố cực kỳ quan trọng giúp anh có thể trở thành một ngôi sao của Azzurri.
Sau chức vô địch World Cup 2006 bên cạnh việc Juventus phải xuống chơi tại Serie B, nhiều ngôi sao đã chạy trốn khỏi đội bóng thành Turin, thế nhưng Camoranesi lại là một trong số ít những tên tuổi quyết định tiếp tục gắn bó cùng “Bà đầm già”, cùng với Buffon, Del Piero, Trezeguet hay Nedved. Tất cả đều được ngợi ca như những biểu tượng sau cùng cho lòng chung thủy, thứ đã không còn tồn tại trong thế giới bóng đá kim tiền. Khoảng thời gian sau này, Camoranesi vẫn tham dự thêm hai giải đấu lớn khác trong màu áo ĐT Italia ở EURO 2008 và World Cup 2010, tuy nhiên những gánh nặng tuổi tác đã dần khiến cho tiền vệ sinh năm 1976 không còn thể hiện được phong độ ổn định.
Cũng có thể, những gì tinh túy nhất thuộc về tài năng của ngôi sao gốc Argentina đã nằm lại trong những năm tháng chơi bóng cho Juve ở giai đoạn trước scandal Calciopoli mà đỉnh cao chính là chức vô địch World Cup 2006. Thế nhưng, điều trớ trêu là những danh hiệu Scudetto mà Camoranesi từng cống hiến thứ bóng đá hay nhất cuộc đời để giành được sau cùng đã bị người ta tước bỏ một cách đầy oan nghiệt trong bóng ma của tội ác. Để rồi, cho tới tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến cái tên Mauro Camoranesi, tất cả các tifosi vẫn luôn hoài niệm về một tiền vệ đầy tài năng, giàu cá tính bên cạnh vẻ ngoài phong trần, bụi bặm nhưng rồi lại bị vinh quang chối bỏ trong bức tranh sáng tối đan xen lẫn lộn của nền bóng đá Italia, cũng chỉ bởi vì anh từng là một Oriundo, hay đúng hơn là một người Ý vô thừa nhận…
-Ole-