Sau tất cả, trong mối tình Chelsea – Sarri này có lẽ cả 2 bên chẳng nợ nần gì nhau. Chelsea đã đáp ứng yêu cầu của Sarri, họ mang bằng được cậu học trò cưng Jorginho về Stamford Bridge dù vấp phải sự cạnh tranh gắt gao từ Man City, trong khi chiến lược gia người Italia cũng đem thêm 1 chiếc cúp quan trọng vào phòng truyền thống CLB.
Chưa đầy 1 tháng sau khi giúp Chelsea đăng quang Europa League, Maurizio Sarri đã nói lời chia tay đội bóng thành London để trở về Italia làm việc.
|
Maurizio Sarri rời Chelsea: Chào mừng ông giáo về làng |
Và cũng chưa đầy 365 ngày kể từ khi ký vào bản hợp đồng 3 năm dẫn dắt The Blues, ông lại ký vào bản hợp đồng 3 năm khác nhưng là với Juventus. Bleacher Report - một trang web có đội ngũ sáng tạo nội dung về thể thao hàng đầu thế giới hiện nay – vẫn như thường lệ, lập tức đăng lên các trang mạng xã hội của mình hình ảnh một điếu thuốc cháy dở phải dập vào chiếc gạt tàn có logo Chelsea.
Điếu thuốc ấy chính là hình ảnh của Sarri, một người chưa thể làm hết tất cả những gì ông muốn ở The Blues. Giám đốc Marina Granovskaia của Chelsea cho biết ông muốn trở về Italia để được gần gia đình và chăm sóc cha mẹ lớn tuổi. Tuy nhiên theo logic thông thường, ai cũng hiểu nếu là một người đang hạnh phúc cũng như có tinh thần làm việc tại Stamford Bridge, Sarri sẽ chẳng rời nơi ông vẫn còn hợp đồng và dự án ấy tràn đầy hy vọng để thành công, đặc biệt khi vừa giành một danh hiệu châu lục.
Kể từ khi trở thành ông chủ Chelsea, tỷ phú Roman Abramovich luôn ôm mộng Chelsea sẽ chơi thứ bóng đá quyến rũ mà ông gọi là “sexy football”. Hơn ai hết, với những gì đã thổi vào Napoli trong 3 mùa giải cầm quân tại đây, Sarri là sự lựa chọn hợp lý nhất nếu xét về mặt lý thuyết. Chiến lược gia người Napoli sau đó đi vào lịch sử Premier League khi là người duy nhất đạt thành tích bất bại trong 12 trận đầu tiên cầm quân tại giải đấu này.
Mọi thứ bắt đầu đi chệch khỏi quỹ đạo từ vòng 13 với thất bại 1-3 trước Tottenham Hotspur. “Sarriball”, thuật ngữ mà giới mộ điệu xứ sở sương mù dùng để gọi chiến thuật của nhà cầm quân người Italia (dù ông từng khẳng định chẳng hiểu nó nghĩa là gì), bị đem ra chỉ trích. Cổ động viên bắt đầu kêu gọi sa thải Sarri như một lẽ tất yếu khi những màn trình diễn ngày càng không như ý muốn.
Đỉnh điểm của câu chuyện chính là trận thua Arsenal với tỷ số 0-2 ở vòng 23 Premier League. Sarri yêu cầu toàn bộ các cầu thủ vào trong phòng thay đồ và nói chuyện trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tất cả những người khác trong thành phần ban huấn luyện cũng như đội bóng - bao gồm trợ lý số 1 Gianfranco Zola – đều phải ở ngoài. Sau đó ông cay đắng thừa nhận trước giới truyền thông: “Tôi không thể thúc đẩy tinh thần các cầu thủ. Chúng tôi cần thi đấu với một tinh thần khác”. Trong 3 vòng tiếp theo đó, The Blues thua thêm Bournemouth 0-4 và để Manchester City đánh bại “không còn manh giáp” với tỷ số 6-0, những thất bại như giọt nước sắp tràn ly.
Có lẽ sau gần 1 năm sống và làm việc ở xứ sở sương mù, Sarri đã hiểu áp lực khủng khiếp khi phải dẫn dắt một đội bóng lớn như Chelsea. Giống như một ông giáo làng chân chất, cả đời gắn với những ngôi trường nhỏ ở quê hương, tới một ngày lên chốn phồn hoa, ông đã có phần bị choáng ngợp. Khuôn mặt vốn đã khắc khổ của người đàn ông lục tuần sau 1 năm như càng thêm nhiều sương gió. Sarri có cô đơn hay không? Câu hỏi này chỉ mình người đàn ông ấy có thể giải đáp nhưng nhìn cái cách ông bất lực khi cậu học trò Kepa Arrizabalaga từ chối rời sân không khỏi khiến những người quan sát như chúng ta cảm nhận điều đó.
Vậy 1 mùa giải làm việc tại Stamford Bridge của Sarri thì sao, có thể gọi nó là thành công hay thất bại? Xét về những màn trình diễn, Chelsea của ông không làm được như những gì người hâm mộ kỳ vọng. Thế nhưng nếu gọi nó là 1 năm thất bại thì không hề xác đáng. Trong 1 mùa giải mà cả Man City lẫn Liverpool đều thể hiện sự xuất chúng so với phần còn lại, việc giúp Chelsea cán đích trong top 3 thực sự là một thành tích đáng ghi nhận.
Hơn nữa, The Blues đâu có trắng tay? Chiếc cúp bạc Europa League dẫu kém danh giá hơn Champions League thì đó vẫn là chức vô địch châu Âu. Sarri đã giúp Chelsea giành Europa League, vậy đâu thể gọi 2018/2019 là mùa giải thất bại của đội bóng thành London vì ít nhất vẫn đảm bảo được danh hiệu. Nhưng có lẽ như thế là đủ để ông rời đội bóng ấy với cái đầu ngẩng cao, để sau này ông có thể mỉm cười khi nhớ về kỷ niệm mang tên Chelsea như cái cách ông ngắm nhìn chiếc huy chương vàng Europa League – danh hiệu đầu tiên ở 1 đội bóng hạng nhất sau gần 30 năm theo nghiệp huấn luyện.
|
Sarri vô địch Europa League cùng Chelsea |
Sau tất cả, trong mối tình Chelsea – Sarri này có lẽ cả 2 bên chẳng nợ nần gì nhau. Chelsea đã đáp ứng yêu cầu của Sarri, họ mang bằng được cậu học trò cưng Jorginho về Stamford Bridge dù vấp phải sự cạnh tranh gắt gao từ Man City, trong khi chiến lược gia người Italia cũng đem thêm 1 chiếc cúp quan trọng vào phòng truyền thống CLB.
Giờ là lúc cả 2 bước vào những hành trình mới, với Sarri là chuyến phiêu lưu tại Juventus. Chắc chắn sẽ là một cuộc chơi đầy thử thách chông gai vì ai cũng hiểu những người Napoli – vốn cực đoan và ghét cay ghét đắng những gã nhà giàu ở miền Bắc Italia như Juventus – sẽ chẳng thể hài lòng khi nhìn thấy người con của mình dẫn dắt đội bóng mà họ không hề ưa.
CG (TTVN)