Mauricio Pochettino và 16 tháng "hóa rồng" Southampton (P1)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 17/05/2019 15:55(GMT+7)

Cái tên Mauricio Pochettino chắc chắn vẫn sẽ được người ta nhớ đến mãi mãi trong thế giới bóng đá, như một phần lịch sử tràn đầy cảm xúc của cả hai CLB, Southampton và Tottenham.

Những câu hát “There’s only one Nigel Adkins” (chỉ có một Nigel Adkins) cứ liên tục vang lên trên khắp các góc khán đài sân St Mary’s vào ngày 21/1/2013, thời điểm mà The Saints đang chuẩn bị đón tiếp Everton. Chỉ mới ba ngày trước đó thôi, Nigel Adkins, vị chiến lược gia từng giúp cho Southampton thăng hạng từ League One lên chơi tại Premier League đã bị sa thải và điều này đương nhiên không nhận được sự đồng tình từ phía các CĐV đội bóng.
Mọi thứ diễn ra dường như hơi bất công đối với Adkins. Sau 11 trận mở màn ở Premier League, đội bóng của HLV người Anh chỉ giành được duy nhất một chiến thắng. Mặc dù vậy, sự nỗ lực của vị chiến lược gia sinh năm 1965 là không thể phủ nhận khi ông liên tục cố gắng bằng mọi cách để đưa Southampton thoát khỏi nhóm cầm đèn đỏ và leo lên vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng.

Đáng chú ý, trong số này có trận hòa 2-2 hết sức đáng khen ngợi trước Chelsea. Nhưng rồi, chuyến làm khách đến sân Stamford Bridge cũng trở thành trận đấu cuối cùng của Adkins dưới vai trò người dẫn dắt Southampton bởi ngay lập tức sau đó, chủ tịch CLB, Nicola Cortese, đã quyết định sa thải ông để thay thế bằng một cái tên khác mới mẻ và đầy tranh cãi, Mauricio Pochettino.
Vào thời điểm ấy, chẳng ai biết Pochettino là ai. Một gã người Argentina mới hơn 40 tuổi đầu, có quá ít kinh nghiệm, không biết nói tiếng Anh và chưa bao giờ nếm trải mùi vị của Premier League, liệu sẽ làm được gì tại sân St Mary’s đây? Thái độ khó chịu từ những người hâm mộ Southampton có lẽ là tương đối dễ hiểu. Thậm chí, nhiều CĐV The Saints cảm thấy phẫn nộ còn tuyên bố rằng họ sẽ lấp đầy khán đài sân St Mary’s bằng những chiếc khăn tay trắng để phản đối quyết định của ban lãnh đạo sau khi đã “xử trảm” Adkins một cách quá tàn nhẫn.
Mauricio Pochettino và 16 tháng hóa rồng Southampton
Vấn đề ở đây, Pochettino, mặc dù chỉ là một tay xoàng xĩnh, vừa mới bị Espanyol sa thải hồi tháng Mười Một năm 2012, chẳng có thành tích gì thực sự nổi bật trên băng ghế huấn luyện và cũng không hề nổi tiếng, nhưng lại… rất được lòng ngài Chủ tịch Cortese. Quay trở lại thời điểm năm 2012, Cortese có một chuyến bay đến Catalonia cùng với Nigel Adkins và Paul Mitchell, người hiện nay đang là chuyên gia chuyển nhượng của CLB Leipzig, khi ấy vẫn còn giữ vai trò trưởng phòng tuyển dụng cho Southampton, với mục đích khảo sát các cầu thủ tiềm năng của Espanyol.

Trọng tâm chính của chuyến đi là nhằm nhiệm vụ phân tích các thông số kỹ thuật cũng như năng lực thực sự của Philippe Coutinho, cầu thủ mà sau những màn trình diễn thiếu ấn tượng ở Inter Milan đã phải đến sân Cornellà-El Prat thi đấu dưới dạng cho mượn. Tuy nhiên, cuối cùng thì vị chủ tịch đội bóng nước Anh lại bị thu hút bởi một gã đàn ông ngoài lề.
“Trong khoảng thời gian này, chúng tôi cùng với Nigel đã đi thăm dò Coutinho, một tài năng đang được Inter cho mượn ở Espanyol. Tôi cảm thấy mình như bị chàng trai trẻ này thu hút, tôi thích thứ ngôn ngữ cơ thể mà cậu ta trình diễn trên sân bóng”, Cortese kể lại, “Còn tay huấn luyện viên ư? Nói thật là khi ấy tôi cũng chẳng hề biết tên anh ta là gì, nhưng từ sau khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu quan tâm đến sự nghiệp của anh ta một chút. Tôi trao đổi với anh ta nhiều hơn về các cầu thủ trẻ trong đội hình của Espanyol cũng như các phương án huấn luyện mà họ áp dụng”. Mọi thứ cứ âm thầm diễn ra cho đến cái ngày Cortese quyết định đưa Pochettino về với sân St Mary’s trong sự ngỡ ngàng của hàng vạn CĐV The Saints. 
Pochettino - Lovren - Luke Shaw

Trên thực tế, quá trình tuyển chọn người dẫn dắt Southampton đã phần nào được Cortese thực hiện và đánh giá một cách tương đối tỉ mỉ, cho dù có phần hơi phiến diện và cũng dựa nhiều vào cảm xúc của ông. Nhưng rồi, bất chấp mọi sự phản đối từ phía người hâm mộ, trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt, Pochettino đã trở thành sự lựa chọn đúng đắn nhất, một tuyệt tác của Cortese, đưa Southampton nổi lên như một nghệ sĩ giải trí tại Premier League với biệt danh “Giant-killer” (kẻ giết người khổng lồ).
Màn ra mắt của vị chiến lược gia người Argentina không có gì quá nổi bật. Trong một trận cầu nhạt nhòa, Southampton chỉ có được kết quả hòa 0-0 trước Everton. Tuy nhiên, những dấu hiệu của sự đổi thay trong phong cách thi đấu đã xuất hiện một cách khá rõ rệt. Với một hàng phòng ngự thường xuyên dâng cao, đội bóng chủ sân St Mary’s sẵn sàng gây sức ép nhiều hơn, chủ động cầm bóng và tổ chức tấn công một cách đều đặn hơn.

Bước sang hiệp hai, khi mà thể lực của các cầu thủ bắt đầu suy giảm đáng kể, The Saints dần gặp khó khăn với cách tiếp cận này và những cơ hội cũng trở nên khan hiếm hơn. Mặc dù vậy, về cơ bản, Southampton vẫn là đội chơi tốt hơn nếu xét trên khía cạnh tổng thể và cũng có ít nhiều CĐV nhận thức được điều này. 
Thái độ không mấy thiện cảm từ phía người hâm mộ sau vụ sa thải Adkins đã sớm tan biến theo những màn trình diễn khởi sắc và ấn tượng của đội bóng. Mặc dù chỉ giành được vỏn vẹn bốn trận thắng trong mùa giải 2012/13 dưới thời HLV mới, thế nhưng Southampton lại gây chú ý mạnh mẽ bởi tinh thần chiến đấu ngoan cường và không biết sợ hãi trước mọi đối thủ. Khác biệt với những CLB vừa mới thăng hạng, thường hay chấp nhận buông xuôi hoặc chơi phòng ngự khi phải chạm trán các đội bóng lớn, thầy trò Pochettino lại sẵn sàng khiến cho 90 phút của những “gã khổng lồ” trở thành cơn ác mộng và hiển nhiên, các CĐV The Saints hoàn toàn cảm thấy hài lòng. 

Chỉ trong vòng vỏn vẹn hai tháng, Pochettino đã chứng kiến đội bóng của mình hoàn tất ba chiến thắng trước Manchester City, Liverpool và Chelsea, một thành tích quá đỗi mãn nhãn với người hâm mộ và cũng đủ để CLB chắc chắn tiếp tục góp mặt tại Premier League ở mùa giải tiếp theo. Những bản hợp đồng mới đã mang đến sức sống cần thiết cho Southampton, tiêu biểu như Jay Rodriguez, trong khi Luke Shaw nổi lên như một sản phẩm đào tạo tuyệt vời của học viện đội bóng. 
Xét ở một góc độ nào đó, Adkins hoàn toàn đủ sức giúp cho Southampton trụ hạng an toàn, nhưng với một Pochettino giàu khát vọng và sẵn sàng mạo hiểm, tiềm năng của đội bóng chủ sân St Mary’s sẽ có cơ hội được phát tiết một cách tối đa. Lấy cảm hứng từ người thầy cũ Marcelo Bielsa, phong cách huấn luyện của Pochettino dựa trên ba nguyên tắc căn bản, bao gồm cường độ, tốc độ và tổ chức. Ở khía cạnh kiểm soát bóng, vị chiến lược gia người Argentina đã thực hiện những thay đổi liên tục theo trục dọc, với Rickie Lambert án ngữ trên tuyến đầu, sự sáng tạo của Adam Lallana, khả năng tấn công trực diện từ Jay Rodriguez hay một Steven Davis cực kỳ đa năng. 
Cũng cần phải nói thêm rằng, cách tiếp cận táo bạo của Pochettino trong nửa mùa giải đầu tiên làm việc tại nước Anh xuất phát từ tình trạng khẩn cấp mà đội bóng khi ấy đang trải qua. Theo đó, Southampton cần phải làm mọi cách để không phải quay trở lại giải Hạng Nhất. Bên cạnh sự cuồng nhiệt trong mỗi trận đấu, Pochettino vẫn luôn đề cao tính thận trọng đồng thời kêu gọi các học trò tuân thủ mọi yếu tố tổ chức chiến thuật. Nhà cầm quân người Argentina thường xuyên nhấn mạnh rằng phong cách của ông không phải là sự hỗn loạn hay một cuộc cách mạng gì cả. “Dường như chúng ta đang chạy nhiều hơn trước, nhưng sự thật là chúng ta đang chạy một cách có tổ chức hơn và điều đó hoàn toàn phục vụ cho chiến thuật chung của toàn đội”. 
Southampton không hề chơi pressing theo kiểu một-một. Thay vào đó, Pochettino muốn các học trò tạo áp lực một cách thông minh hơn, đủ để khiến cho đối phương phải tự mắc sai lầm. Cụ thể, trong sơ đồ 4-2-3-1 mà The Saints thường sử dụng, bốn cầu thủ tấn công của Southampton sẽ giữ vai trò chia cắt các lựa chọn chuyền bóng bên phía đối thủ. Những mắt xích cơ động như Jay Rodriguez hay Lallana sẽ trực tiếp pressing lên đối phương để gây áp lực, trong khi các cầu thủ còn lại sẽ lựa chọn vị trí phù hợp nhất nhằm mục đích cắt bóng đồng thời giành lại quyền kiểm soát ở những khu vực nguy hiểm.

“Phong cách chơi bóng của chúng tôi chính là việc phải giành lại bóng càng sớm càng tốt. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm soát và chơi bóng theo cách của mình”, Pochettino cho biết, “Chúng tôi có thể tiến lên phía trước và chơi ngay trên phần sân của đối thủ. Khi chúng tôi mất bóng, toàn đội phải sẵn sàng giành lại bóng thật nhanh”. Mọi thứ thoạt nghe qua thì có vẻ khá đơn giản, nhưng dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Argentina, sự biến đổi trong lối chơi của Southampton là hết sức rõ ràng. Điều này không chỉ giúp cho Pochettino nhận được những lời khen ngợi ngay sau chiến dịch đầu tiên của mình ở xứ sở sương mù mà còn khiến cựu chiến lược gia Espanyol trở thành tâm điểm chú ý bởi một vài nhân vật lớn, đặc biệt là chủ tịch Tottenham Hotspur, Daniel Levy.
Mùa hè 2013, Southampton chỉ thực hiện thành công ba thương vụ chuyển nhượng. Thay vì một cuộc cách mạng nhân sự, Pochettino quyết định đặt niềm tin vào các cầu thủ mà mình đang có. Những cái tên mới bao gồm tiền vệ Victor Wanyama tới từ Celtic với mức giá 12 triệu bảng, trong khi trung vệ Dejan Lovren cập bến sân St Mary’s từ Lyon bằng một bản hợp đồng trị giá 8,5 triệu bảng. Chữ ký đắt đỏ nhất mà The Saints có được, chính là Pablo Daniel Osvaldo, chân sút có giá 15 triệu bảng từ Roma, kỷ lục chuyển nhượng của đội bóng. 
Tiền đạo người Ý từng có quãng thời gian làm việc cùng Pochettino ở Espanyol nên mặc dù có nhiều tranh cãi từ phía dư luận nhưng anh vẫn được ông thầy cũ hoàn toàn tin tưởng. Một huyền thoại của Southampton khi ấy là Rickie Lambert, người đã thể hiện khá tốt với 5 bàn thắng và 4 tình huống kiến tạo trong giai đoạn nửa sau mùa giải 2012/13, khi Pochettino bắt đầu đến làm việc tại nước Anh, sẽ vấp phải sự cạnh tranh vị trí khốc liệt ở mùa bóng mới.
Osvaldo có nhiều kinh nghiệm trong việc thích ứng với những yêu cầu và hệ thống chiến thuật của Pochettino. Thậm chí, chính bản thân tiền đạo này còn tuyên bố mình từng được tận hưởng mùa giải tuyệt vời nhất tại Espanyol dưới sự chỉ bảo của ông thầy người Argentina. Nhưng rồi, tính cách “ngựa chứng” quen thuộc đã khiến tài năng của Osvaldo trở thành nỗi thất vọng đối với Pochettino cũng như các CĐV Southampton. Ở trận ra mắt trước Sunderland, cựu cầu thủ Roma may mắn thoát được một thẻ đỏ.

Đến làm khách trên sân của Newcastle, Osvaldo lại cãi vã để rồi dính án treo giò ba trận đồng thời bị phạt 40.000 bảng. Chưa dừng lại, trong một buổi tập, chân sút người Italia tiếp tục thể hiện bản chất hoang dại của mình với hành động húc đầu làm vỡ mũi Jose Fonte. Sau vụ việc này, Pochettino đã buộc phải quyết định cấm Osvaldo thi đấu.
Bản thân Osvaldo có vẻ cũng chẳng cảm thấy ân hận hay ăn năn gì. Khoảng thời gian sau đó, tiền đạo này nói lời chia tay với Southampton rồi lần lượt về đầu quân cho Juventus, Inter, Porto, Boca Juniors trước khi quyết định giải nghệ để theo đuổi sự nghiệp của một ngôi sao nhạc rock. Cũng chẳng ai biết trong con đường âm nhạc, Osvaldo có trưởng thành hơn không hay vẫn như “dở dở ương ương” như vậy.

(còn nữa)

LX (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.