Cách đây 5 năm, Matthijs de Ligt chính là đội trưởng của tập thể Ajax Amsterdam thiện chiến, sẵn sàng “áp đảo quần hùng” bằng một lối chơi tấn công rực lửa.
Ở tuổi 19, De Ligt đã là thủ lĩnh tinh thần trong một tập thể có nhiều ngôi sao hội tụ đủ tài năng và kinh nghiệm như Daley Blind, Frenkie de Jong, Donny van de Beek, Hakim Ziyech, Dusan Tadic và cả lão tướng Klaas-Jan Huntelaar. Cho đến ngày hôm nay, những ẩn số xung quanh việc vì sao Erik ten Hag lựa chọn một cậu nhóc “mặt non choẹt” làm đội trưởng Ajax vẫn tồn tại, tuy nhiên chúng ta không phủ nhận đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, với những gì được bảo chứng qua thời gian.
De Ligt từng là thủ lĩnh trong mùa giải thần kỳ 2018/2019 của Ajax Amsterdam |
De Ligt đưa người hâm mộ bóng đá đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Tiêu biểu phải kể đến việc chủ nhân của danh hiệu Golden Boy 2018 đã khóa chặt “ngòi nổ” Karim Benzema của Real trong trận lượt về vòng 1/8 Champions League, giúp Ajax tạo ra cơn địa chấn ngay tại Bernabeu với chiến thắng 4-1. Và cũng chỉ 1 tháng sau đó, cũng chính trung vệ người Hà Lan là người đã tung đòn kết liễu Juventus với bàn thắng quyết định để đập tan hi vọng xưng vương của Cristiano Ronaldo trong mùa giải đầu tiên trên đất Italia. Trên hành trình đáng nhớ tại cúp Châu Âu năm ấy, De Ligt còn đóng góp thêm một bàn thắng nữa ở trận bán kết đấu lượt về với Tottenham. Kết thúc mùa giải đại thành công đó, De Ligt nhận về cơn mưa danh hiệu cá nhân khi trở thành cầu thủ Hà Lan xuất sắc nhất Eredivisie 2018/2019, lọt vào đội hình tiêu biểu của cả Champions League lẫn UEFA Nations League.
Chiến tích ấn tượng của thầy trò Erik ten Hag thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Cũng từ đây, hàng loạt các CLB lớn đã để mắt và đánh tiếng muốn chiêu mộ các nhân tố thi đấu nổi bật nhất của Ajax. Và với một đội bóng có truyền thống làm kinh tế như Ajax, họ sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tốt như vậy để thu về những khoản tiền kếch sù. De Jong thậm chí đã ký hợp đồng trước với Barcelona vào tháng 1/2019 với mức giá 80 triệu euro. Đến tháng 7/2019, De Ligt – đội trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ajax cũng chuyển tới đầu quân cho Juventus thông qua bản hợp đồng có thời hạn 5 năm cùng mức giá 75 triệu euro.
Mùa hè 2019, Juventus khiến giới truyền thông phát sốt khi chiêu mộ thành công De Ligt |
Người hâm mộ Ajax đã rất hụt hẫng khi đội bóng con cưng của họ cùng lúc mất đi hai sao mai triển vọng bậc nhất chỉ sau một mùa hè. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh rõ ràng quy luật “cá lớn nuốt cá bé” trong bóng đá. Và để thuyết phục thành công De Ligt xuất ngoại chơi bóng, ngoài cái giá ngất ngưởng trả cho Ajax, Juventus đã biến trung vệ người Hà Lan trở thành cầu thủ hưởng lương cao thứ hai toàn đội, với mức đãi ngộ lên đến 12 triệu euro/mùa, hơn cả những công thần như Gonzalo Higuain và Paolo Dybala, chỉ kém mỗi siêu sao Ronaldo (31 triệu euro/mùa).
Nói một cách khác, Juventus đã biến De Ligt trở thành triệu phú khi tuổi đời còn chưa bước qua ngưỡng cửa 20. Một viễn cảnh cực kỳ tươi đẹp được vẽ ra trước mắt De Ligt, khi anh được chơi bóng giữa một tập thể vô đối tại Serie A và đang khát khao có được danh hiệu Champions League đầu tiên sau gần 3 thập kỷ, được học hỏi từ hai “giảng viên đại học Havard” chuyên về phòng ngự như theo lời Jose Mourinho từng mô tả về Giorgio Chiellini – Leonardo Bonucci.
Tuy nhiên, trái ngược với những suy tính ban đầu, sự khởi đầu của De Ligt trên đất Italia đã không diễn ra đúng như kỳ vọng. Hóa ra chấn thương dài hạn của lão tướng Chiellini chẳng những không phải cơ hội để De Ligt ghi điểm trong mắt HLV trưởng Maurizio Sarri, ngược lại còn khiến ông thầy mới này ngán ngẩm về anh. De Ligt có màn chào sân thảm họa khi mắc “trọn vẹn” cả 3 lỗi dẫn đến bàn thua trong thắng lợi 4-3 của Juventus trước Napoli ở vòng 2 Serie A 2019/2020.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho chuỗi ngày thảm họa còn kéo dài với De Ligt. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng sau đó, trung vệ sinh năm 1999 để bóng chạm tay dẫn đến phạt đền trong trận gặp Inter Milan, phá hụt bóng khiến đội nhà thủng lưới trước Lokomotiv Moscow, để rồi tiếp tục “chơi bóng chuyền” trong vòng cấm trước Lecce. Đó là chưa nói đến khá nhiều tình huống De Ligt chọn sai vị trí, thua sút trong tranh chấp tay đôi, dẫn đến khung thành Juventus chịu uy hiếp. Một vài sai lầm còn có thể lý giải, nhưng khi hàng loạt sai lầm diễn ra trong thời gian ngắn, khiến cho nhiều người cảm nghi ngờ về trình độ thực sự của De Ligt, rằng anh chỉ là hiện tượng một mùa.
Bản thân Sarri, người chỉ dẫn dắt Juventus duy nhất mùa giải 2019/2020, đã sớm nhận ra sự non nớt của De Ligt. Ông đề cao tiềm năng của cậu học trò, nhưng cũng thừa nhận trước truyền thông rằng De Ligt phải rèn luyện rất nhiều nếu muốn thành danh tại Serie A. De Ligt sở hữu thể hình ấn tượng khi cao tới 1,89m nhưng lại xoay trở khá chậm chạp. De Ligt khá tự tin trong việc chuyền bóng tịnh tiến, tuy nhiên lại gặp khó khi đưa ra quyết định phòng ngự. Về cơ bản, sao trẻ người Hà Lan có lối chơi khá giống Bonucci.
Sarri từng phạm sai lầm khi cố gắng đặt cả hai vào chung đội hình. Tại Juventus, sở dĩ Bonucci có thể phát tiết tài năng bởi đơn giản anh được chơi cùng một trung vệ có xu hướng phòng ngự chủ động, mạnh mẽ trong tranh chấp như Chiellini. De Ligt tất nhiên không giống Chiellini, và cũng chưa đủ thời gian để hoàn thiện bản thân chơi để theo cách của người đàn anh. Đó là lý do vì sao có thời điểm Sarri đẩy De Ligt lên băng ghế dự bị để trao cơ hội cho Merih Demiral. Hàng phòng ngự Juventus chơi cực kỳ ổn định với cặp trung vệ Demiral – Bonucci, trước khi cầu thủ người Thổ Nhĩ Kỳ bị chấn thương dây chằng thời điê đầu năm 2020 và phải nghỉ hết mùa giải.
Trung vệ người Hà Lan mắc rất nhiều sai lầm trong mùa giải đầu tiên tại Juventus |
Sự thật thì De Ligt đã tiến bộ hơn trong màu áo Juventus sau mùa giải đầu tiên đầy bất ổn. Tuy vậy, cựu thủ quân Ajax dần cảm thấy bản thân mình không phù hợp để chơi bóng tại Serie A, nơi bóng đá quá thiên về chiến thuật. Nhưng đó không phải lý do duy nhất dẫn đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa De Ligt và Juventus. Đại dịch Covid-19 và sự thất bại của dự án Super League đã trực tiếp phá hỏng “giấc mộng đẹp” của cựu chủ tịch Andrea Agnelli. Người đàn ông quyền lực này đã vung tiền mua sắm mạnh tay trước đại dịch với mong muốn biến Juventus trở thành thế lực thống trị Châu Âu giống như Real Madrid.
Không chỉ đưa về siêu sao Ronaldo với mức phí lên đến 100 triệu euro, những cầu thủ chất lượng khác như Joao Cancelo, Douglas Costa, De Ligt và Danilo cũng lần lượt cập bến Turin. Để rồi khi Covid-19 bùng nổ, dẫn đến việc các đội bóng lớn tại Châu Âu đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính, họ buộc lòng phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí. Vậy còn ai thích hợp để xướng danh hơn Ronaldo và De Ligt, bộ đôi có mức lương bằng 20% tổng quỹ lương toàn đội? Ngoài vấn đề lương bổng, nguồn tin nội bộ cũng bật mí về việc giới thượng tầng của Juventus cảm thấy De Ligt không phát triển đúng như kỳ vọng ban đầu.
Chỉ 1 năm sau ngày Ronaldo trở lại Manchester United, De Ligt cũng chuyển tới đầu quân cho Bayern Munich với mức phí 80 triệu euro vào mùa hè 2022. Điều đáng nói là ngay khi cập bến Allianz Arena, De Ligt đổ lỗi cho môi trường chơi bóng tại Italia và lối chơi chặt chẽ của Juventus dưới thời Massimiliano Allegri đã kìm hãm khả năng phát triển của bản thân. Phát biểu trước truyền thông, De Ligt nhấn mạnh việc anh muốn chơi trong một tập thể lấy tấn công làm tôn chỉ như Bayern. Đặt quyết tâm là vậy, thế nhưng De Ligt cũng chỉ trụ lại ở Bayern vỏn vẹn 2 mùa. “Cái chết” của De Ligt tại Bayern được mô tả ngắn gọn qua 2 vấn đề.
Thứ nhất, đó chính là sự ra đi bất đắc dĩ của Julian Nagelsmann – người đã tác động trực tiếp để thuyết phục De Ligt chuyển sang Đức chơi bóng. So với Nagelsmann, Thomas Tuchel không thích những phẩm chất của cầu thủ này.
De Ligt không được sử dụng thường xuyên dưới triều đại Thomas Tuchel |
Trong mùa giải thứ 2 của mình, Tuchel thuyết phục BLĐ đưa về trung vệ Kim Min Jae từ Napoli. Và khi bộ đôi Upamecano - Kim Min Jae chơi dưới sức, ông lập tức tăng cường nhân sự bằng việc ký hợp đồng với lão tướng Eric Dier, thay vì lựa chọn tin tưởng vào bom tấn 80 triệu euro. Cộng thêm những chấn thương dai dẳng, De Ligt chỉ ra sân tổng cộng 1.927 phút ở mùa giải 2023/2024, ít hơn rất nhiều so với 3.390 phút ở mùa giải trước đó. Mất suất đá chính tại CLB, dễ hiểu khi De Ligt mất luôn vị trí chính thức trong màu áo ĐTQG. Xuyên suốt hành trình vào tới bán kết Euro 2024 của ĐT Hà Lan, người ta không hề thấy bóng dáng của cậu nhóc giành Golden Boy năm nào. De Ligt nằm trong số 5 cầu thủ hiếm hoi không được HLV Ronald Koeman trao cơ hội, dù chỉ ít phút ngắn ngủi. Thậm chí, De Ligt phải đến gặp bác sĩ tâm lý trong quãng thời gian giải đấu diễn ra trên đất Đức. Giờ đây, khi Vincent Kompany lên thay thế Tuchel, tình hình thậm chí còn bi đát hơn. HLV trưởng mới của Bayern thẳng thừng loại trung vệ sinh năm 1999 ra khỏi kế hoạch của mình.
Thứ hai, vẫn là câu chuyện về lương bổng và vẫn là câu chuyện về đãi ngộ cao nhưng đóng góp không tương xứng. Việc De Ligt nhận tới 16 triệu euro/mùa là “tác phẩm” của cựu Giám đốc điều hành Oliver Kahn và cựu Giám đốc thể thao Hasan Salihamidzic. Cả hai bị sa thải ngay sau khi Bayern đăng quang chức vô địch Bundesliga 2022/2023, nhưng hậu quả mà họ để lại thì phải 1 năm sau mới được giải quyết. Bayern muốn thay máu đội hình bằng các bản hợp đồng mới. Và để rộng cửa đón những ngôi sao như Joao Palhinha và Michael Olise gia nhập, họ phải giải phóng bớt áp lực quỹ lương bằng việc chia tay cả cầu thủ chẳng còn quan trọng. Thêm một lần nữa, cái tên De Ligt trở thành “vật tế thần”.
Từ chỗ được ca tụng như một thần đồng, De Ligt ở tuổi 24 tiếp tục phải lang bạt sang Manchester United nhằm cứu vãn sự nghiệp đang trên đà lao dốc. Tại đây, De Ligt sẽ được tái ngộ ông thầy cũ Erik ten Hag, người được kỳ vọng sẽ giúp anh lấy lại phong độ. Xét cho cùng, De Ligt còn rất trẻ và vẫn còn nhiều cơ hội để làm lại. Nhưng đối diện với áp lực phải gồng gánh hàng phòng ngự của một đội bóng bất ổn như Man Utd, liệu đó sẽ là cơ hội hay thách thức mà cựu thủ quân Ajax phải đối mặt?