Trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời cầu thủ, cuối cùng thì Mateja Kezman đã chọn cho mình một con đường kỳ lạ với nguyện vọng trở thành một tu sĩ với sứ mệnh phục vụ Chúa trọn đời.
Thế giới bóng đá luôn khắc nghiệt và có rất ít thời gian cho sự cảm thông. Một cầu thủ hoặc trở thành người hùng hoặc bị chôn xuống đáy bùn. Một đội bóng có thể vĩ đại hoặc trở nên vô nghĩa. Một nhà cầm quân tài năng hoặc bị sa thải. Bất kỳ điều gì không đáp ứng được khái niệm “thành công” đều nhanh chóng bị loại bỏ chi trong vài ba khoảnh khắc. Và sự nghiệp của Mateja Kezman có thể xem là một ví dụ điển hình về trường hợp này.
Với thất bại tại Chelsea, những năm tháng thể hiện phẩm chất thiên tài của chân sút người Serbia gần như đã tan biến thành mây khói. Khi Kezman đến Premier League và không thể hiện được năng lực cao nhất, anh đã bị giới truyền thông xóa sổ với tốc độ đáng kinh ngạc. Chẳng mấy ai quan tâm đến việc Kezman đã trải qua những gì trong cuộc nội chiến ở quê hương Nam Tư cũ. Và đương nhiên, những màn trình diễn từng định nghĩa cầu thủ sinh năm 1979 ở Hà Lan cũng sớm trôi vào quên lãng.
Trong mắt những người hâm mộ The Blues, cái tên Mateja Kezman có thể xem như hiện thân của sự thất bại, một vụ chuyển nhượng tệ nhất mọi thời đại trong lịch sử CLB. Tất nhiên, một số điều trong đó cũng là sự thật không thể nào chối cãi. Kezman đã sớm phải vật lộn khi mới chuyển đến sân Stamford Bridge và đó chính là khởi đầu cho một sự sụp đổ tất yếu. Dẫu vậy thì những kỹ năng tuyệt tác cùng phong độ hủy diệt mà chân sút người Serbia từng thể hiện không nên bị người đời lãng quên một cách phi lý như vậy.
Tại Partizan và PSV, bản năng săn bàn của Kezman là một thứ gì đó hoàn toàn tự nhiên. Anh thống trị các giải đấu giống như một nghệ sĩ múa rối bậc thầy và trở thành tác giả của những loạt bàn thắng kéo dài bất tận. Từ những cú chạm bóng tinh tế cho tới những cú sút xa uy lực, hoặc các tình huống đánh đầu, vô-lê đầy dứt khoát, Kezman giống như một cỗ máy ghi bàn được lập trình để hủy diệt ý chí đối phương. Tại giải VĐQG Hà Lan, Kezman sống trong những chuyển động của riêng mình, với một tốc độ mà khó ai có thể bắt kịp.
Mateja Kezman lớn lên trong môi trường bóng đá với cha là thủ môn chuyên nghiệp của FK Zemun, một đội bóng nhỏ ở Belgrade. Sau lần sinh nhật thứ 16 của mình, chàng thiếu niên Nam Tư cũ đã gia nhập FK Radnicki Pirot, một điểm đến cách nhà 200 dặm và mở đầu cho những chuyến du mục khắp thế giới của anh sau này. Những trải nghiệm sau đó tại Loznica và Sartid Smedereveo đã giúp Kezman thích nghi một cách nhanh chóng với thế giới bóng đá đầy khắc nghiệt ở vùng Balkan, trước khi ký hợp đồng với Partizan vĩ đại vào năm 1998.
Thật không may khi phần lớn quãng thời gian Kezman chơi cho Partizan đã bị gián đoạn bởi những nỗi ám ảnh kinh hoàng của chiến tranh. Sau những cuộc nội chiến không hồi kết, Partizan thấy mình rơi xuống giải hạng nhất Serbia và Montenegro, và mùa giải đầu tiên của Kezman cũng sớm khép lại khi Belgrade bị lực lượng NATO tấn công. Trong một căn hầm trú bom, Kezman đón ngày sinh nhật 20 tuổi với tâm thế bị cướp đi tất cả những điều bình thường nhất. Tài năng trẻ của bóng đá Nam Tư chấp nhận quay trở lại chơi bóng trên đường phố cùng bạn bè như một sự thoát ly khỏi hoàn cảnh. Thế nhưng, bóng đá cuối cùng vẫn trở thành tấm hộ chiếu đưa Kezman tới những miền đất có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mùa Hè năm 2000, sau một kỳ EURO đầy cảm xúc với tâm điểm là tấm thẻ đỏ phải nhận ở trận gặp Na Uy chỉ sau 30 giây bóng lăn, Kezman đã chuyển đến PSV với mức giá khoảng 8 triệu bảng. Đây là khởi đầu cho một triều đại mới bùng nổ. Mùa giải đầu tiên, chân sút người Serbia đã ghi 31 bàn trong 49 trận, giúp Eindhoven dễ dàng đoạt chức vô địch giải quốc nội.
Tất cả mọi ánh nhìn đều tập trung vào Kezman, người đang thừa kế bản năng ghi bàn của những Van Nistelrooy, Luc Nilis, Ronaldo và Romario trong quá khứ. Năm 2002, Guus Hiddink quay trở lại PSV và tiếp tục tìm kiếm vinh quang cho CLB nhờ những bàn thắng của Kezman. Sự kết hợp cùng Arjen Robben chuyển đến từ Groningen với khả năng cung cấp những cơ hội ghi bàn ổn định đã giúp PSV sở hữu một bộ đôi tấn công thượng hạng trên tuyến đầu. Mùa giải 2002/03 cũng chứng kiến Kezman nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm ở giải Hà Lan, một màn tưởng thưởng hoàn toàn xứng đáng.
Thống kê cho thấy, trong vòng 4 năm khoác áo PSV, có tới 3 lần Kezman giành danh hiệu vua phá lưới giải quốc nội, một thành tích “viễn tưởng” khiến cho cuộc săn đuổi chữ ký của chân sút người Serbia trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các đội bóng lớn ở châu Âu vào thời điểm bấy giờ. Robben đã tới Chelsea trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2023 và chỉ nửa năm sau, đến lượt Kezman gia nhập lời mời gọi của HLV Jose Mourinho, khép lại 176 trận đấu tại Hà Lan với thành tích 129 bàn (trung bình mỗi bàn sau 1,36 lần ra sân), một con số quá đỗi kinh ngạc.
Giống như nhiều tiền đạo vĩ đại khác, sự nhạy cảm chính là vũ khí quan trọng biến Kezman trở thành một cây săn bàn thượng thặng. Trước khung thành, cầu thủ sinh năm 1979 luôn duy trì được sự tàn nhẫn, lạnh lùng và quyết đoán cần thiết. Tất nhiên, Kezman cũng rất hay khi kiểm soát bóng và thực tế, đây là một chuyên gia rê dắt bóng bị đánh giá thấp. Cựu ngôi sao PSV cao, hơi gầy nhưng sở hữu thể chất cực tốt và đặc biệt nhanh nhẹn. Trong thể trạng của một cầu thủ đá cánh, Kezman có cho mình bộ kỹ năng hoàn hảo của một “poacher” điển hình, một phiên bản Thierry Henry có phần… bình dân hơn. Thế nhưng, chiếc áo số 9 tại Chelsea lại là một lời nguyền đầy ám ảnh và công việc ghi bàn ở nước Anh bỗng trở thành thử thách không thể vượt qua đối với tài năng đến từ bán đảo Balkan.
Con số 7 pha lập công sau 41 lần ra sân tại Chelsea không thể nào đủ thuyết phục những người hâm mộ London, bất chấp việc The Blues đã giành chức vô địch Premier League đầu tiên kể từ năm 1955. Hệ quả là Kezman đã phải rời nước Anh chỉ sau một mùa giải. Dẫu vậy thì tiền đạo từng khoác áo Partizan vẫn tin rằng giai đoạn khoác áo CLB chủ sân Stamford Bridge chính là đỉnh cao sự nghiệp của mình.
Thi đấu ở đây là điều tuyệt nhất trong cuộc đời tôi. Những gì đã diễn ra tại London khiến tôi không thể nào quên được. Cũng có thể tôi đã mắc những sai lầm nhưng cuộc sống là vậy và tôi không bao giờ hối hận về điều đó, tôi tin tưởng vào quyết định của mình. Quan trọng là giấc mơ chơi bóng cho Chelsea của tôi đã trở thành hiện thực Kezman chia sẻ trên Sky Sports vào năm 2011. |
“Chelsea có những siêu sao khác. Kezman không còn là trung tâm của đội bóng giống như tại PSV và thường xuyên phải dạt cánh. Đó không phải vị trí để cậu ấy có thể tạo nên sự khác biệt. Thật khó để Kezman giành chiến thắng trong các pha tranh chấp trước khi tìm thấy cơ hội thể hiện khả năng dứt điểm tuyệt vời của mình”, Milos Dusanovic cho biết trên tờ Serbian Footy.
Một nguyên nhân khác cũng được đề cập tới là vấn đề tinh thần khi “cơn hạn hán” bàn thắng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự tự tin của Kezman. Sự tự tin của một thiên tài luôn vượt trội hơn các đồng nghiệp xung quanh dần dần biến mất. Ngay từ khi cập bến Chelsea, vốn dĩ Kezman đã chỉ là một vệ tinh trong dải thiên hà của Roman Abramovich và phải cạnh tranh với hàng loạt chân sút “rắn mặt” như Didier Drogba, Eidur Gudjohnsen, Damien Duff, Joe Cole hay Robben. Điều này không hề phù hợp với cựu tiền đạo Partizan, người đã quen đóng vai trò trung tâm của đội bóng.
Cũng không có gì phải bào chữa bởi thất bại do không thể thích nghi trong môi trường áp lực đã cho thấy Kezman chưa thể lọt vào danh sách những chân sút ưu tú nhất. Sau giai đoạn ngụp lặn tại Atletico Madrid, ngôi sao người Serbia chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2006 để khoác áo Fenerbahce và ở một góc độ nào đó, anh cũng dần tìm lại cảm giác ghi bàn quen thuộc, nhưng chỉ là “một chút”. Cuộc đời du mục của Kezman tiếp tục đưa chân sút này tới Paris, Nga, Hong Kong, Belarus trước khi khép lại sự nghiệp khi mới 33 tuổi.
Thời điểm hiện tại, Kezman đang hoạt động như một người đại diện cầu thủ ở quê nhà Serbia nhưng điều khiến anh trở nên nổi bật lại là tinh thần sùng đạo tới mức kỳ lạ. Anh là thành viên của Giáo hội Chính thống giáo Serbia và thừa nhận mình muốn trở thành một tu sĩ cho đến cuối đời. “Đó hoàn toàn là quyết định của Chúa. Nếu Chúa gọi tôi, tôi sẽ thực hiện sứ mệnh của mình”.
Có lẽ, sau tất cả những trải nghiệm đầy thăng trầm trong sự nghiệp, Kezman phần nào muốn nghỉ ngơi để tìm thấy sự bình yên thực sự trong con người mình. Từ việc vượt qua khói lửa chiến tranh ở quê nhà khi mới đôi mươi, rồi trở thành một sát thủ sẵn sàng hủy diệt mọi hàng phòng ngự ở Serbia và Hà Lan, cho đến những năm tháng tưởng chừng như đã vươn tới đỉnh cao nhưng rồi lại phải chịu những lời dè bỉu cay nghiệt ở Anh, Tây Ban Nha, Pháp… tất cả đều trở thành thứ “chất xúc tác” tạo nên một Mateja Kezman đầy gai góc và bản lĩnh. Để rồi, đến cuối cùng, danh thủ gốc Nam Tư cũ đã lựa chọn bỏ lại sau lưng tất cả những quá khứ ấy và đi tìm giấc mơ phụng sự Chúa của riêng mình.