Sau một giai đoạn không được đá chính thường xuyên, sự kiên định của Odegaard đã được đền đáp với những màn trình diễn thăng hoa đi kèm sự tiến bộ của Arsenal.
Tháng 7 năm nay, Martin Odegaard viết trên trang cá nhân lời chào tạm biệt Arsenal sau 6 tháng thi đấu ở đội bóng thành London theo dạng cho mượn. Đọc những gì tiền vệ người Na Uy viết, ta hiểu rằng ở thời điểm ấy anh đã nghĩ đó là một lời chào tạm biệt lâu dài. “Cảm ơn tất cả mọi người vì 6 tháng vừa qua. Quãng thời gian với đại gia đình Arsenal sẽ luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi sẽ nhớ tất cả mọi người. Cảm ơn đại Gia đình pháo thủ, các bạn sẽ luôn trong trái tim tôi”, Odegaard viết.
Thời điểm đó, các tờ báo hay ký giả uy tín của cả Tây Ban Nha lẫn Anh đều khẳng định Odegaard muốn chiến đấu cho một vị trí ở Real Madrid và chứng tỏ bản thân trong màu áo đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Nhưng hơn một tháng sau, Odegaard đã trở lại Arsenal, lần này là với một bản hợp đồng dài hạn. Biết mình sẽ không thể có nhiều thời gian thi đấu trong màu áo Real Madrid dưới thời Carlo Ancelotti – câu chuyện tương tự như dưới thời Zinedine Zidane – Odegaard quyết định không thể chờ đợi thành công ở Real Madrid thêm nữa mà sẽ đến với một đội bóng cần mình hơn.
Mới 23 tuổi, nhưng Odegaard đã nổi lên từ rất sớm với danh xưng mà nhiều người gọi anh khi đó là thần đồng. Năm 15 tuổi, Odegaard đã thi đấu trận đầu tiên cho đội tuyển quốc gia và trở thành cầu thủ trẻ nhất khoác áo đội tuyển Na Uy trong lịch sử. Cũng trong năm đó, anh được Real Madrid chiêu mộ. 22 tuổi, Odegaard trở thành đội trưởng đội tuyển quốc gia. Rõ ràng, trở thành thủ lĩnh của đội tuyển quốc gia ở độ tuổi trẻ như vậy là điều rất lớn lao, đòi hỏi anh vừa phải có uy tín, sự tôn trọng của tập thể lẫn năng lực chuyên môn.
Nhưng việc nổi lên từ sớm, được truyền thông nhắc đến quá nhiều với cái mác thần đồng khiến việc anh liên tục bị Real Madrid đem cho mượn vô tình tạo nên một định kiến về sự thất bại. Nhưng đôi khi điều chúng ta cần chỉ là một môi trường phù hợp và được đặt niềm tin để sẵn sàng “cất cánh”. Tại Vitesse và Real Sociedad, Odegaard đã có một môi trường như thế. Mùa giải 2019/2020 của LaLiga, tính trên cả giải đấu, anh là cầu thủ tạo nhiều cơ hội ghi bàn nhiều thứ sáu, đứng thứ ba về kiến tạo kỳ vọng và số đường chuyền vào vòng cấm địa đối phương, đứng thứ hai về số pha chọc khe và dẫn đầu về số lần đoạt bóng thành công ở 1/3 sân cuối cùng.
Có thể nói, cả Arsenal lẫn Odegaard đều cần nhau để phát triển. Ảnh: Getty Images
Và ở Arsenal bây giờ, Odegaard đang có một môi trường phù hợp để anh tiếp tục phát triển sự nghiệp lên tầm cao mới. Nửa sau mùa giải trước, Odegaard gia nhập Arsenal ngay sau khi đội bóng này chia tay Mesut Ozil. Thay thế một tiền vệ sáng tạo bằng một tiền vệ sáng tạo, điều đó cho thấy Mikel Arteta đánh giá cao một cầu thủ “số 10” như thế nào. Ngay lập tức đã có những so sánh giữa Ozil và Odegaard: cả hai đều thuận chân trái, đều có nhãn quan, chơi bóng thông minh và biết cách liên kết, di chuyển khôn khéo. Nhưng điểm khác biệt giữa hai người chính là khả năng đóng góp vào mặt trận phòng ngự.
Nếu như Mesut Ozil là một trong những ví dụ cuối cùng của mẫu tiền vệ sáng tạo truyền thống chơi bóng ở những sân khấu bóng đá đỉnh cao - những cầu thủ thường không tham gia nhiều vào việc phòng thủ - thì Odegaard ngược lại. Bản thân thống kê liệt kê ở trên đã nói lên điều đó: tiền vệ người Na Uy là cầu thủ đoạt bóng thành công nhiều nhất ở khu vực 1/3 sân cuối cùng tại LaLiga mùa giải 2019/2020.
Cây bút Sam Dean viết trên Telegraph như thế này: “Vài năm gần đây chúng ta thường nghe thấy rằng vai trò ‘số 10’ truyền thống đã biến mất, nó không còn phù hợp bởi thứ bóng đá gây áp lực tầm cao với cường độ lớn thời điểm hiện tại. Nhưng Odegaard chứng minh điều đó không đúng. Bóng đá vẫn còn chỗ cho ‘số 10’ nhưng chỉ khi ‘số 10’ đó hoạt động như phần còn lại của đội khi không có bóng”.
Trong khi đó, HLV Mikel Arteta nhận xét về cậu học trò như sau: “Tần suất hoạt động của cậu ấy thật xuất sắc. Cậu ấy thực sự có nguồn năng lượng to lớn, nhưng không chỉ thế, cậu ấy rất thông minh. Cậu ấy biết khi nào cần chạy, khi nào gây áp lực và cơ thể phải mở ra sao”.
Tại Premier League mùa giải này, anh đang là cầu thủ có số tình huống gây áp lực mỗi 90 phút nhiều thứ hai Arsenal (18) cũng như số pha tắc bóng ở 1/3 sân cuối cùng mỗi 90 phút nhiều thứ ba của Pháo thủ (0,62). Nhưng những con số thống kê ấn tượng về mặt phòng ngự không thể làm lu mờ khả năng sáng tạo của Odegaard.
Sau một giai đoạn không được đá chính thường xuyên, sự kiên định của Odegaard đã được đền đáp. Ảnh: Getty Images
Trong tháng 12, tiền vệ 23 tuổi đã có 3 bàn thắng và 3 kiến tạo trong 6 lần ra sân. Squawka thống kê trong tháng 12 đội trưởng tuyển Na Uy là cầu thủ tạo nhiều cơ hội ghi bàn nhất (20), tạo nhiều cơ hội ghi bàn ngon ăn nhất (Big chances - 4) và chọc khe nhiều nhất Premier League. Ngoài ra, không cầu thủ nào in dấu giày trực tiếp vào nhiều bàn thắng như Odegaard trong tháng này. Thống kê của The Athletic cho biết trong số những cầu thủ chơi ít nhất 900 phút ở Premier League mùa này, chỉ Raheem Sterling, Jack Grealish và Bruno Fernandes là tạo nhiều cơ hội ghi bàn cho đồng đội mỗi 90 phút nhiều hơn tiền vệ người Na Uy.
Chúng ta đã thấy hình bóng của một Mesut Ozil “lấp ló” đâu đây, một người thường có chỉ số tạo cơ hội ghi bàn rất cao nhưng đôi khi các đồng đội của anh lại không thể chuyển hoá chúng thành bàn thắng. Nhưng có những thứ trong cách chơi của cầu thủ đôi khi các con số không thể nào khắc hoạ được mà chỉ có xem trực tiếp chúng ta mới cảm nhận được. Đó là khả năng tìm kiếm không gian, liên kết lối chơi, điều tiết nhịp độ, giữ bóng và chuyền bóng dưới áp lực của đối phương hay lùi xuống để triển khai lối chơi. Một tiền vệ tấn công như Odegaard có thể được định nghĩa bằng số pha kiến tạo, bằng những tình huống tạo cơ hội ghi bàn và cả những hành động không tên tưởng chừng rất nhỏ.
Sau một giai đoạn không được đá chính thường xuyên, sự kiên định của Odegaard đã được đền đáp với những màn trình diễn thăng hoa đi kèm sự tiến bộ của Arsenal. Có thể nói Odegaard và Arsenal như hai mảnh ghép phù hợp đã tìm được đến với nhau.
Ruud van Nistelrooy đã không giành được chiến thắng trong trận đầu tiên tại Premier League với tư cách huấn luyện viên tạm quyền Manchester United khi “Quỷ đỏ” bị Chelsea cầm chân 1-1 tại Old Trafford. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực về tinh thần và chiến thuật phát đi từ United.
Ngày trở lại Anfield rạng sáng thứ Tư này của Xabi Alonso không phải là dịp để bản thân anh lẫn người hâm mộ Liverpool cảm thấy nuối tiếc. Mà là để hồi tưởng lại những năm tháng xưa cũ, và để trao cho nhau lời chào trọn vẹn còn thiếu.
Đây là Bryan Mbeumo! Cầu thủ hiện đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới tại Premier League mùa này với 8 bàn thắng sau 9 lần ra sân, chỉ kém 3 bàn so với người dẫn đầu là Erling Haaland.
Raphinha có vẻ không thích phỏng vấn lắm, nhưng anh cũng không tỏ ra khó chịu khi được chúng tôi (tờ El Pais – Tây Ban Nha) tiếp cận. Anh nói chậm rãi, lướt qua một số câu hỏi, nhưng không hề né tránh: Raphinha là kiểu người thẳng thắn.
Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.