Marouane Fellaini: Cái trở mình của kẻ bị coi thường

Tác giả CG - Thứ Ba 05/12/2017 17:04(GMT+7)

Khi ai đó mà bạn gọi là của riêng mình chẳng muốn làm việc gì cùng với bạn, từ chính xác nhất có thể miêu tả cảm giác lúc đó là trống rỗng. Khi ca sĩ Travie McCoy của ban nhạc Gym Class Heroes hát đến đoạn “Half the population is waiting to see me fail” trong bài The Fighter, tôi chắc chắn sẽ có những người cảm thấy một mối liên kết tự nhiên nào đó. Một cảm giác cô đơn rất khó thoát ra.
 
Có thể nói rằng, các cầu thủ bóng đá chính là những người hiểu cảm giác này nhất. Sau tất cả, họ cũng chỉ là những con người, và những đớn đau mà họ phải chịu thật sự rất lớn. Đó là điều mà hầu hết chúng ta thật may mắn là ít khi cảm thấy được.
 
Bạn muốn biết cảm giác đó như thế nào ư? Hãy hỏi Marouane Fellaini. Cầu thủ người Bỉ đã trải qua tất cả. Anh đối mặt với sự căm ghét và xỉ vả không chỉ của các cổ động viên nói chung mà còn là từ chính những người hâm mộ của những đội bóng mà anh phục vụ. Và dường như anh vượt qua được tất cả những điều đó, thách thức mọi thứ như một chiến binh. Đôi khi có cảm giác, tất cả mọi người muốn anh phải nhận lấy thất bại.
 
Một cảm giác kỳ lạ của sự hạnh phúc dường như đang ẩn náu xung quanh Nhà hát của những giấc mơ khi tiếng còi chung cuộc của trọng tài Mike Dean vang lên trong một buổi chiều âm u ở Manchester. Thời tiết không phải điều tạo nên sự khác biệt, cũng không phải tỷ số 4-0 trước Crystal Palace. Câu trả lời nằm ở sự xuất hiện của một cái tên trên bảng tỷ số - cái tên đó không chỉ xuất hiện một mà những hai lần.
 
Fellaini vượt qua tất cả để lập cú đúp đầu tiên cho Manchester United, cũng giống như khi anh vượt lên những sự đối xử "tàn nhẫn" phải nhận xuyên suốt sự nghiệp của mình. Cả hai bàn thắng đều là những cú đánh đầu mang đúng thương hiệu, tiền vệ người Bỉ bật cao hơn tất thảy để ghi bàn thắng thứ hai và thứ ba của United. Rất ít người nghĩ anh có thể tạo nên một hình ảnh gì mới trong sự nghiệp của mình, đặc biệt khi có vẻ những tháng ngày tại United sắp kết thúc.
 
Công bằng mà nói, Fellaini chưa bao giờ cảm nhận được quá nhiều tình yêu từ các cổ động viên trung thành tại sân Old Trafford kể từ khi anh gia nhập đội bóng từ Everton như một cận vệ đáng tin cậy của David Moyes. Mọi thứ tại đây quá khác so với Goodison Park dù hình ảnh về những chiếc cùi chỏ và lối chơi xù xì vẫn là một thứ đeo bám. Ở Manchester United, mọi người luôn muốn đội bóng chơi một thứ bóng đá hấp dẫn và không thể chấp nhận chuyện có nhiều cách khác nhau để giành chiến thắng. Đó là lý do tại sao Fellaini luôn bị nhìn với con mắt ghẻ lạnh. Sau tất cả, anh ít khi chơi một thứ bóng đá "đẹp".
 
Nhưng có một điều sẽ khiến nhiều người bất ngờ là Fellaini có thể đã trở thành cầu thủ của United từ sáu năm trước, trước khi anh gia nhập đội bóng vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng năm 2013. Không chỉ nhận được sự quan tâm từ United, trước đó anh cũng đã từ chối những lời đề nghị từ Tottenham, Real Madrid và Bayern Munich để tới Everton, nơi mà Fellaini ít nhiều phù hợp hơn cả với thứ bóng đá của Moyes.
 
Tại Standard Liège, Fellaini được ca ngợi là tiền vệ box-to-box xuất sắc nhất trong nước và thậm chí còn giành được giải Ebony Shoe vào năm 2008, giải thưởng dành cho cầu thủ châu Phi hoặc gốc Phi xuất sắc nhất tại giải VĐQG Bỉ. Trong suốt giai đoạn đó, khả năng không chiến và xu hướng trở thành một chiến binh của tiền vệ sinh năm 1987 đã thực sự nổi bật. Việc anh chuyển ra nước ngoài thi đấu chỉ còn là vấn đề sớm muộn.
 
Và màn trình diễn ấn tượng trước Liverpool, đại kình địch của Everton, đã khiến anh nhận được sự chú ý. Suốt vòng sơ loại Champions League, Fellaini đã làm khổ Lữ đoàn đỏ và trong khi các học trò của huấn luyện viên Rafael Benítez phải chật vật để giành chiến thắng chung cuộc 1-0 thì màn trình diễn của anh suốt cả hai lượt đi và về là thực sự xuất sắc. Đó cũng chỉ là một trong nhiều trận đấu lớn mà Fellaini đã thi đấu rất thuyết phục trong sự nghiệp của mình. Everton đã sẵn sàng với tấm séc trên tay và chờ đợi.
 
Khi Lee Carsley chuyển tới Birmingham sau sáu năm phục vụ tại Goodison Park, Everton thực sự cần một ai đó thay thế và tạo ảnh hưởng ngay lập tức. Carsley là trái tim của đội bóng, là một tiền vệ box-to-box với khả năng bao quát sân. Sau sáu năm tại câu lạc bộ, anh để lại một di sản mà cho đến nay nhiều người vẫn còn nhớ.
 
Với việc Andrew Johnson được bán cho Fulham với giá 10 triệu bảng, Everton lúc này không những chỉ cần cầu thủ đánh chặn mà còn cần cả một chân sút. Khi ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng đã tới gần mà Everton không có một bản hợp đồng nào, David Moyes nói: "Vẫn còn một chàng trai to lớn ở Standard Liège.”
 
Everton chi ra con số kỷ lục 15 triệu bảng để chiêu mộ Fellaini, một thương vụ thực sự gây chú ý khắp nước Anh. Cầu thủ người Bỉ trở thành bản hợp đồng thứ ba của Everton trong mùa hè đầy thất vọng năm 2008 sau Louis Saha và Carlo Nash.
 
Sự thật là thương vụ kỷ lục này của Everton đã làm dấy lên những câu hỏi liệu Fellaini có đủ giỏi để xứng đáng với số tiền như vậy ở tuổi 19 hay không. Ít người vào thời điểm đó biết rằng anh hội tụ mọi yếu tố của một cầu thủ mà những người chuộng cái đẹp trong bóng đá sẽ nhíu mày.
 
Việc Everton thiếu đi những siêu sao cũng là điều thuận lợi cho Fellaini. Tổng số bàn thắng của anh trong suốt quãng thời gian khoác màu áo xanh của thành phố Liverpool dường như luôn đủ để xóa đi hình ảnh lối chơi xấu xí. Những bàn thắng ghi được và cách anh không cho bất cứ ai trong vòng cấm một thời điểm bình yên nào bởi thể hình cao to không ngại va chạm đã trở thành một thương hiệu. Anh có 8 pha lập công trong mùa giải đầu tiên tại Premier League trong đó bao gồm 1 bàn thắng vào lưới Manchester United. Điều này lặp lại trong mỗi mùa giải - những màn trình diễn ấn tượng với bàn thắng và cả những tranh cãi là điều làm nên sự nổi bật trong phong cách đặc biệt của Fellaini.
 
Anh trở nên nổi tiếng vì mái tóc xù và khả năng không chiến tuyệt vời. Nó giúp Fellaini xác lập một bản sắc độc đáo ở câu lạc bộ mà chưa một gương mặt nào như anh xuất hiện kể từ khi Abel Xavier chuyển đi. Đã trở thành thói quen, người hâm mộ "Kẹo bơ" lại đội bộ tóc xù và đến xem đội bóng của mình thi đấu.
 
Tuy nhiên, những cái nhìn thiếu thiện cảm không chỉ đến từ lối chơi mà còn bởi hệ thống mà anh phục vụ. Khi anh được David Moyes dùng như một tiền đạo lùi phía sau Tim Cahill thì điều đó có nghĩa đội bóng của anh gần như không có nhu cầu phải chơi thứ bóng đá hấp dẫn. Thậm chí nếu có thì áp lực cũng không thể như khi chiến lược gia người Scotland làm việc tại Manchester United. Những kết quả tại Goodison Park không hề tồi, điều đó khiến thứ bóng đá hấp dẫn hoa mỹ gần như càng không có đất để thể hiện. Fellaini dần ghi được nhiều những bàn thắng quan trọng và thực hiện những nhiệm vụ rất xấu xí gai góc, điều này khiến anh dần chiếm được tìm cảm của các cổ động viên nhưng cũng biến anh trở thành một trong những cầu thủ bị ghét bậc nhất trong mắt các cổ động viên đội bóng khác tại Premier League.
 
Anh chuyển tới United vào năm 2013 sau khi đội bóng lần lượt bị những siêu sao hàng đầu như Cesc Fàbregas, Toni Kroos và Gareth Bale từ chối. Sự ra đi của Sir Alex Ferguson và thành công mà ông đạt được với một đội hình không quá mạnh năm 2013 khiến các cổ động viên vô cùng mong mỏi đội bóng mang về một tiền vệ sáng tạo. Fellaini được coi là phương án cuối cùng trong trường hợp Moyes không thể chiêu mộ một ngôi sao nào sáng giá hơn. Thế nhưng Ander Herrera đã từ chối còn Thiago Alcântara thì nghe theo tiếng gọi của Pep Guardiola đến Bayern Munich. United vẫn chưa ký được một bản hợp đồng nào khi ngày chuyển nhượng cuối cùng sắp đến. David Moyes chỉ còn hai sự lựa chọn - Marouane Fellaini hoặc không ai, vì ngay cả việc mượn Fábio Coentrão cũng đổ bể.
 
Và dĩ nhiên thì cầu thủ người Bỉ chẳng hề sáng tạo như Kroos hay Fàbregas, điều này khiến nỗi thất vọng của cổ động viên United càng thêm chồng chất. Khi đó người hâm mộ cảm thấy như thể huấn luyện viên mới đã mang về một người không phù hợp, không xứng đáng được chơi cho một đội bóng như United trong khi họ cần những người khác. Phong cách thi đấu của anh cũng hoàn toàn trái ngược với Quỷ đỏ, không phải là những điều mà người hâm mộ bấy lâu nay luôn tự hào.
 
Thứ bóng đá hấp dẫn không bao giờ đến trong mùa giải đó. Manchester United dường như chỉ là cái bóng của chính mình và Moyes phải khoác tấm áo quá rộng mà Sir Alex để lại. Lối chơi quá thiên về phòng ngự và một kỳ chuyển nhượng mùa hè nghèo nàn đã để lại tác động đúng như nhiều người dự đoán. Chẳng có gì diễn ra đúng theo kế hoạch, ngay cả trường hợp của Fellaini cũng như vậy.
 
Anh trở thành vật tế thần cho đủ thứ sai lầm của câu lạc bộ. Hay đúng hơn, anh bị người hâm mộ gắn với chiến lược gia người Scotland và triều đại thất bại của ông. Sự căm ghét ngày càng tăng lên khi Moyes không thể chiếm được tình yêu từ các cổ động viên. Cách mà ông sử dụng bản hợp đồng trong mùa hè của mình cũng bị đặt dấu hỏi - vị trí tiền vệ lùi sâu, một vị trí yêu cầu cầu thủ đó phải có kỹ thuật và khả năng chuyền bóng cực tốt.
 
Thực tế là việc không được đá đúng với điểm mạnh của mình không phải là lỗi của anh. Thay đổi chỉ đến khi Louis van Gaal xuất hiện từ mùa giải 2014/2015. Trước khi chiến lược gia người Hà Lan tới, đã có những lời kêu gọi bán Fellaini ngay lập tức.
 
Trong một cuộc phỏng vấn với Daily Mail ở giai đoạn mà Van Gaal còn nắm quyền, Fellaini đã sử dụng từ "bullshit", điều hiếm khi xuất hiện ở một con người như anh. Bên ngoài sân, anh không phải người nói quá nhiều, anh thích sự yên tĩnh và tận hưởng cuộc sống gia đình. Bên ngoài sân, anh hoàn toàn khác với hình ảnh của "con quái thú" 1m94.
 
Ngay bản thân cuộc phỏng vấn đó cũng là một lần khá hiếm hoi anh nhận lời. Anh không phải một người quá dễ để cởi mở. Khi được hỏi liệu anh có lấy lại phong độ dưới thời Van Gaal hay không, Fellaini thở dài: "Tôi đã thi đấu 5 năm ở Anh và mùa nào chơi cho Everton tôi cũng đều đá tốt. Sau đó chỉ trong 1 năm, tôi đánh mất thứ bóng đá của mình, tôi đánh mất khả năng, tôi đánh mất mọi thứ. Thật vớ vẩn (bullshit). Đó là suy nghĩ của tôi. Và phẩm chất của tôi sẽ quay trở lại. Nhưng không phải bây giờ, không phải bây giờ."
 
Trong khi nhiều cổ động viên vẫn ghét Fellaini vì không mang thứ "phẩm chất United" và trở thành đại diện tàn dư cho triều đại của Moyes, những màn trình diễn của anh trong tháng 3/2015 trước Tottenham, Liverpool và Manchester City bắt đầu nhận được những thiện cảm từ người hâm mộ. Không phải vì anh đột nhiên trở thành một cầu thủ xuất sắc ngay lập tức hay hình ảnh "cầu thủ của Moyes" đã mất đi mà bởi hệ thống đã được vận hành hợp lý. Khả năng không chiến của anh được sử dụng hoàn hảo. Với một phong cách trực diện, Fellaini chơi gần khung thành và gây ra nhiều mối đe dọa hơn với thủ môn đối phương hơn.
 
Dù vậy, khiếm khuyết về mặt kỹ thuật vẫn được phơi bày và những chỉ trích bắt đầu quay trở lại để ám ảnh lấy anh. Hệ thống ấy đã phát huy được điểm mạnh nhưng gần như không thể che đậy những điểm yếu. Anh ghi những bàn quan trọng dưới thời Van Gaal, đặc biệt trận chung kết mang về chức vô địch FA Cup 2016.
 
Khi José Mourinho nắm quyền từ người đã giúp Fellaini vụt lên từ đống tro tàn, đã có rất nhiều người nghĩ rằng thời gian của anh tại Old Trafford đã hết. Họ cho rằng tiền vệ người Bỉ sẽ là một trong những người đầu tiên phải cuốn gói ra đi dưới thời cựu HLV của Chelsea và Real Madrid.
 
Nhưng màn trình diễn xuất sắc trước Hull City trong trận bán kết League Cup ở mùa giải đầu tiên của Mourinho là tiêu biểu cho việc mọi thứ đã thay đổi kể từ khi anh sa sút dưới sự dẫn dắt của Moyes. Sau hai bàn dẫn trước của Untied, Fellaini chạy đến chỗ Mourinho, người đã có dấu hiệu của sự phấn khích, và ôm lấy ông - một hình ảnh đáng nhớ thể hiện tình cảm và sự biết ơn. Mourinho tin rằng anh đang rất khao khát lấy lại sự nghiệp của mình.
 
Fellaini hoàn toàn phù hợp với phong cách trực diện của chiến lược gia người Bồ Đào Nha. Mourinho giải quyết được những điểm yếu về mặt kỹ thuật của cậu học trò cũng như phát huy điểm mạnh bằng cách để anh thi đấu gần khung thành và thường đưa anh vào mỗi khi cần một người giảm bớt áp lực. Điều này trở thành một hình ảnh quen thuộc của Manchester United dưới thời Mourinho khi Fellaini được đẩy lên cao và những đường chuyền được tung trực diện lên vị trí của cầu thủ người Bỉ. Cựu tiền vệ Everton trở thành nhân tố quan trọng trong mùa giải đầu tiên của Mourinho, với những màn trình diễn ấn tượng tại đấu trường châu Âu cũng như tại giải quốc nội.
 
Trong khi các cổ động viên Quỷ đỏ không bao giờ nghĩ tới Fellaini khi anh không có mặt trên sân, thực tế là thời gian gần đây họ đã bắt đầu nhớ anh cũng như Paul Pogba. Đó là dấu hiệu cho thấy Fellaini đã chiếm được tình yêu của các cổ động viên. 
 
Fellaini, đó là một từ mà trước đây có nằm mơ các cổ động viên cũng không nghĩ rằng nó sẽ được in lên chiếc áo đấu của Manchester United. Thế nhưng, người hâm mộ chắc chắn rất vui khi anh đã trở lại với phong độ của mình sau một quãng thời gian dài chìm trong nghi ngờ. Tuy nhiên, sẽ chẳng có ai vui hơn chính bản thân tiền vệ này. Anh chưa bao giờ từ bỏ dù có lúc tưởng chừng mất tất cả. Anh tiếp tục tập luyện chăm chỉ, thi đấu với điểm mạnh và hạn chế những khuyết điểm. Sau tất cả, việc mọi người nghĩ gì khi bạn đến chẳng còn là điều quan trọng nữa. Vấn đề là họ sẽ như thế nào khi bạn ra đi mà thôi.

Lược dịch từ bài viết How Marouane Fellaini, against all the odds, won the hearts of Old Trafford của tác giả Kaustubh Pandey trên These Football Times.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.