Mario Mandzukic có phá được lời nguyền áo số 9 của Milan?

Tác giả CG - Chủ Nhật 24/01/2021 14:08(GMT+7)

Zlatan Ibrahimovic rất vui với bản hợp đồng này. “Tôi rất hạnh phúc. Bây giờ chúng tôi đã có 2 người có thể khiến đối phương sợ hãi”, tiền đạo Thụy Điển khẳng định. Liệu lời nguyền số 9 sẽ trở thành dĩ vãng từ đây?

Pippo Inzaghi lắc đầu: “Tôi không tin vào lời nguyền đó”. Kể từ khi cỗ máy săn bàn ấy giải nghệ vào năm 2012, không ai thành công với chiếc áo số 9 mà anh để lại ở AC Milan. Sức nặng của 126 bàn thắng mà anh ghi được, nhiều trong số đó là những bàn đem về chiến thắng trong các trận quan trọng, là áp lực quá lớn.
Gần một thập kỷ kể từ khi Inzaghi treo giày, ý niệm rằng chiếc áo này mang lại đen đủi ngày càng tạo thành một giai thoại gây nhiều tò mò hơn. Có một số người cho rằng đáng lẽ Milan nên treo số áo đó. Tuy nhiên, “Không nên làm vậy. Họ có làm vậy sau Van Basten đâu”, Inzaghi lập luận. Tiền đạo người Hà Lan là số 9 cuối cùng của Milan trở thành vua phá lưới của Serie A. Andriy Shevchenko 2 lần đạt thành tựu này nhưng tiền đạo người Ukraine khoác áo số 7.
Dù vậy, không ai thời kỳ đó nói về lời nguyền. Tại sao? Inzaghi có Milan yểm trợ. Ông không cần đoạt Capocannoniere (ông đoạt danh hiệu này với Atalanta) để được công nhận là một tiền đạo xuất sắc. Nếu có thì đó chỉ là nỗi hoài niệm về chính Inzaghi và những vinh quang ở Champions League gắn với tên tuổi ông. Điều đó giải thích cho sự kết nối với chiếc áo số 9. Có thể nói đây không chỉ là một số áo.
“Hãy nhìn xem, nếu họ trao nó cho Ibrahimovic, lời nguyền đã bị hóa giải rồi. Hãy trao nó cho những cầu thủ xuất sắc và lời nguyền sẽ biến mất”, Inzaghi khẳng định. Nhưng Ibra lại thích áo số 11. Việc kế thừa số áo từng được Van Basten và Inzaghi sử dụng sẽ không làm tiền đạo Thụy Điển sợ hãi và chắc chắn cũng không khiến Mario Mandzukic - chủ nhân mới - phải nao núng.
Mandzukic nổi tiếng ở Italy như một nhân vật mang hình mẫu “Kẻ hủy diệt”. HLV Max Allegri từng đùa rằng ông sợ phải thay tiền đạo Croatia. Anh không phải là người mà bạn muốn làm khó chịu. Có thể (và hy vọng) Mandzukic sẽ là người chấm dứt lời nguyền. Có Ibra bên cạnh, tiền đạo Croatia sẽ giúp Milan ổn định và vững mạnh hơn.
Nhưng nếu lịch sử gần đây cho chúng ta biết điều gì thì đó là vận đen vẫn còn đeo đẳng chiếc áo này. Dưới đây là 9 cầu thủ khoác áo số 9 trước đó của Rossoneri.

ALENXANDRE PATO

Khi giám đốc kỹ thuật Leonardo của Milan cùng Kaka đến Lễ trao giải Quả bóng vàng 2007, ông đã hứa sẽ trở về với bản hợp đồng mới mang tên Alexandre Pato. Thời điểm đó, Milan có kinh nghiệm và thành tích chiêu mộ những cầu thủ Brazil đẳng cấp. Pato được kỳ vọng sẽ là người tiếp theo.
Thời điểm Inzaghi giải nghệ, Pato mới 21 tuổi. Lúc đó anh đã ở CLB 4 mùa rưỡi và sẵn sàng kế thừa số áo của tiền bối. Nhưng chỉ sau 1 năm, anh đã rời đi. Hàng tuần, tờ Gazzetta dello Sport lại bổ sung thêm một chấn thương vào hình ảnh Pato được khắc họa theo phong cách người Vitruvius. Việc anh hẹn hò với Barbara Berlusconi - con gái chủ tịch Silvio Berlusconi đồng thời là đồng giám đốc điều hành AC Milan - thu hút nhiều sự chú ý của các paparazzi. Lúc đó, mối quan hệ của anh với HLV Allegri đã nguội lạnh.
Khi Pato từ chối tái ngộ Leonardo ở PSG, điều đó đã ngăn Milan có được Carlos Tevez, người mà phó chủ tịch Adriano Galliani đã đạt thỏa thuận sau một bữa trưa ở Rio de Janeiro. Cuối cùng, Tevez gia nhập Juventus sau khi rời Manchester City và trở thành quân bài quan trọng của Antonio Conte - người thiếu trong tay một tiền đạo đẳng cấp hàng đầu trong suốt 2 mùa đầu tiên dẫn dắt Bianconeri.
Thành tích: 63 bàn trong 150 trận trên mọi đấu trường.

ALESSANDRO MATRI

Có thể nói lần trở về nhà năm 2013 của Matri đã không diễn ra như mong muốn. Là một cầu thủ tốt nghiệp từ học viện ở AC Milan, sau khi tạo dựng tên tuổi tại Cagliari dưới thời Allegri, Matri trở thành chân sút số một của Juventus trong mùa giải giành Scudetto đầu tiên dưới thời Conte dù chỉ ghi 10 bàn.
Khán đài Curva Sud không quá phấn khích với sự trở lại của anh. “Matri: No Grazie” (Matri: Không cảm ơn” là một tấm biểu ngữ xuất hiện tại đó. Các ultra không ghen tị với vẻ đẹp trai như một thành viên nhóm nhạc nào đó của anh, họ cũng chẳng có vấn đề với bạn gái anh là người mẫu Federica Nargi hay việc anh ở trong nhóm bạn với Christian Vieri. Họ chỉ cảm thấy Milan có những vị trí khác đáng ưu tiên và cần bổ sung hơn, ví dụ như ở hàng phòng ngự và tuyến tiền vệ.
Giampaolo Pazzini lúc ấy đang trở lại sau chấn thương trong khi người hâm mộ thì muốn thấy tiền đạo trẻ Andrea Petagna được trao cơ hội. Mùa hè trước, Matri đã suýt tái ngộ với Silvio Berlusconi và Galliani ở Monza. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, anh quyết định giải nghệ và hiện tại làm việc ở bộ phận chuyển nhượng của Lazio dưới quyền giám đốc thể thao Igli Tare.
Thành tích: 1 bàn trong 19 trận.

FERNANDO TORRES 

Năm 2003, AC Milan đồng ý bán Javi Moreno, Jose Mari, Fabricio Coloccini và Cosmin Contra cho Atletico Madrid. 1 năm sau, họ vẫn chờ Atleti thanh toán, vì vậy Galliani đã đưa ra đề suất giúp đội bóng thủ đô Tây Ban Nha giải quyết các khoản nợ, đó là đưa Fernando Torres đến Milan theo chiều ngược lại.
Galliani đã nghe về cầu thủ này vài năm trước khi một trong những đội trẻ của Milan đối đầu Atleti và bị đánh bại với tỉ số 0-4. Torres chính là ngôi sao ngày hôm đó. Sau khi giành chức vô địch Champions League 2007, Milan lại hỏi thăm anh một lần nữa. Ricardo Oliveira không khỏa lấp được vị trí của Shevchenko còn Inzaghi và Alberto Gilardino cần có sự thay thế vì phải đá nhiều đấu trường.
“Cậu ấy sẽ hoàn hảo với Milan”, Galliani khẳng định. Tuy nhiên, Milan đã không chấp nhận mức giá được đưa ra, thay vào đó Torres chuyển tới Liverpool.
Khi cuối cùng hai bên cũng đến với nhau vào năm 2014, Galliani tin rằng “muộn còn hơn không”. Thời điểm đó, Torres chỉ còn là cái bóng của chính mình. Tuy nhiên sau khi quay về Atleti, anh đột nhiên ghi bàn trở lại và sau đó còn tham dự một trận chung kết cúp châu Âu với đội bóng thuở ấu thơ (ở chính San Siro).
Thành tích: 1 bàn trong 10 trận.

MATTIA DESTRO

“Tôi, Adriano đây, hãy mở cửa cho tôi”. Từng chiêu mộ những Marco van Basten, Jean Pierre Papin, George Weah và Shevchenko, thật không thể tin nổi khi thấy giám đốc điều hành Adriano Gallini của Milan thời điểm đó lại bấm chuông căn hộ của Mattia Destro vào buổi sáng lạnh giá một ngày tháng 1 năm 2015. “Điều đó cho thấy chúng tôi muốn có cậu ấy như thế nào”, ông phân trần.
Điều kỳ lạ là cách Destro được tiếp đón khi anh rời tàu Frecciarossa ở ga Milano Centrale. Cảm giác như thể Milan chiêu mộ một siêu sao chứ không phải một tài năng chưa hoàn thiện.
Sau này khi rời Milan, anh chuyển tới Bologna - nơi mà các tiền đạo không quá xuất sắc thường có xu hướng đến để tìm lại mình - và cũng không thể hồi sinh.
Thành tích: 3 bàn trong 15 trận.

LUIZ ADRIANO

Hãy tạm gạt Milan sang một bên và hướng tới trận chung kết Copa Libertadores 2020 vào cuối tháng này với 2 đại diện đều tới từ Brazil. Bạn có thể không nhớ Gustavo Gomez đã từng có quãng thời gian khoác áo AC Milan. Trung vệ người Paraguay không để lại nhiều dấu ấn trong màu áo đội bóng sọc đỏ đen nhưng đang chuẩn bị cùng Santos đối đầu Palmeiras.
Còn ở Palmeiras cũng có một cầu thủ từng khoác áo Rossoneri. Vâng, đó chính là Luiz Adriano, người cách đây vài tuần vừa ghi bàn ở vòng bán kết trước River Plate. Vào năm 2015, tiền đạo người Brazil chuyển tới Milan không phải điều quá bất ngờ. Adriano là một thành viên của Shakhtar tạo được dấu ấn đậm nét với những Willian, Douglas Costa, Fernandinho và Alex Teixeira.
Anh lập được 2 cú hattirck liên tiếp ở Champions League vào lưới BATE Borisov. Vấn đề là lúc đó Milan cũng chiêu mộ Carlos Bacca trong cùng kỳ chuyển nhượng và chỉ sau trận đấu với Empoli, tất cả nhanh chóng hiểu ra họ không thể nào đá cặp với nhau.
Thành tích: 6 bàn trong 36 trận.

GIANLUCA LAPADULA

Là con trai của một người trồng hoa, Lapadula cũng có thể được ví như một bông hoa nở muộn. Vì việc học của anh, Juventus đã để anh rời đi khi còn nhỏ. Sau đó, Lapadula lang bạt ở một vài nơi trước khi gia nhập Parma vào năm 2009. Nhưng thời điểm đó, Parma có 226 cầu thủ trong hợp đồng và điều đó buộc họ phải gửi cầu thủ đi khắp nơi. Với Lapadula cũng vậy, thậm chí vào năm 2013 anh còn tới Nova Gorica ở Slovenia và giành danh hiệu.
Sau khi trở lại Italy, Lapadula giúp Teramo thăng hạng và sau đó anh gia nhập Pescara. Sau thời của Immobile - Verratti - Insigne, lúc này đội bóng lại có bộ đôi Lucas Torreira - Lapadula. Lapa ghi 30 bàn trong 46 trận và giúp đội bóng có biệt danh “Cá heo” trở lại Serie A (sau khi thắng trận play-off).
Thời điểm ấy Lapadula 26 tuổi và chưa từng thi đấu ở Serie A. Anh được kỳ vọng sẽ tiếp bước Torreira đến một đội bóng có tham vọng vô địch Europa League như Sampdoria. Thay vào đó, Berlusconi và Galliani đã nhấc điện thoại lên. Anh chính là tiền đạo cuối cùng mà bộ đôi này ký hợp đồng cho Milan và có thể tin rằng mọi thứ sẽ khác nếu CLB không được bán cho Yonghong Li.
Lapadula không thể tái hiện vị thế huyền thoại của Inzaghi - thực sự không ai kỳ vọng anh làm điều đó. Điều thú vị là năm ngoái anh đã đồng ý thi đấu cho đội tuyển Peru của quê mẹ và được chào đón như một người hùng ở thủ đô Lima.
Thành tích: 8 bàn trong 29 trận.

ANDRE SILVA

Tiền đạo người Bồ Đào Nha đến Milan vào mùa hè năm 2017 dưới thời tân chủ tịch Yonghong Li. Anh là cầu thủ đắt giá thứ hai sau Leonardo Bonucci - người đã từng thề sẽ mang đến cho Milan những gì Pirlo đã dành cho Juventus.
Xem xét khoản phí mà Marco Fassone và Massimiliano Mirabelli chi ra cho chân sút Bồ Đào Nha (38 triệu euro) chúng ta sẽ thấy áp lực dành cho anh ngay từ đầu là rất lớn. Tuy nhiên, sự thiếu ổn định và chắc chắn mà Milan trải qua trong quãng thời gian ngắn ngủi Li sở hữu đội bóng cũng như sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện (Rino Gattuso thay thế Vicenzo Montella) khiến Silva không có được môi trường ổn định trong lần đầu tiên khoác áo một CLB nước ngoài.
Cuối cùng, Patrick Cutrone - một cầu thủ được đôn lên từ học viện và giàu khát khao - đã đẩy bản hợp đồng đắt tiền của bộ đôi Fassone - Mirabelli lên ghế dự bị. Silva không phải cầu thủ kém. Mùa giải này anh đang ghi 17 bàn thắng sau 14 trận ở Bundesliga cho Eintracht Frankfurt. Tuy nhiên, phí chuyển nhượng và thời điểm anh gia nhập Milan lại không hợp lý.
Thành tích: 10 bàn trong 41 trận.

GONZALO HIGUAIN

Higuan đã rất khó chịu khi Juventus quyết định loại anh để nhường chỗ cho Cristiano Ronaldo. Anh từng rời bỏ Napoli để đến với Bianconeri, một quyết định đã biến anh thành kẻ thù trong mắt cổ động viên đội bóng miền nam.
Ban đầu, có vẻ như Milan đã được hưởng lợi từ sự tức giận của tiền đạo người Argentina. Anh kiến tạo cho Cutrone ghi bàn ở phút bù giờ ở Rome, một đường chuyền xé toang hàng phòng ngự. Sau đó, El Pipita ghi bàn trong 5 trận liên tiếp.
Lời nguyền áo số 9 đã được hóa giải, cho đến khi Higuan đối đầu Juventus. Đó là một buổi tối thảm họa. Trước tiên, anh thực hiện hỏng một quả phạt đền và sau đó xô xát với đồng đội cũ Mehdi Benatia dẫn đến việc bị đuổi khỏi sân. Đó mới chỉ là tháng 11 nhưng tấm thẻ đỏ đã chấm dứt quãng thời gian của Higuain ở Milan.
Anh được đem cho mượn ở Chelsea trước khi trở lại Juventus. Nhiều người hy vọng Maurizio Sarri có thể tái sinh một cầu thủ từng phá kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải dưới sự dẫn dắt của ông ở Napoli. Nhưng Gonzalo đó đã không còn nữa.
Thành tích: 8 bàn trong 22 trận.

KRZYSZTOF PIATEK

Đây là cầu thủ đã sa sút một cách đáng kinh ngạc. Phong độ ghi bàn của Piatek đã sụt giảm thê thảm khi anh quyết định từ bỏ chiếc áo số 19 để chuyển sang áo số 9 ngay trước mùa giải trọn vẹn đầu tiên cho Milan. Sự sa sút của tiền đạo người Ba Lan càng khiến nhiều người tin vào lời nguyền của số áo này.
Năm đầu tiên ở Serie A, nói không ngoa thì mọi cú chạm của anh đều dẫn đến bàn thắng. Sau đó, cầu thủ đã ghi 31 bàn trên mọi đấu trường - ghi bàn trong 4 trận đầu tiên cho Milan - không còn biết cách sút bóng vào trong lưới nữa. Cộng đồng phân tích không quá ngạc nhiên về điều này.
Piatek đã ghi nhiều bàn thắng hơn xG (Bàn thắng kỳ vọng) của anh trong suốt khoảng thời gian dài đến nỗi niềm tin vào số liệu đã bị thử thách. Nhưng, các con số thống kê đều đúng và sự sa sút của Piatek cũng nhanh như cách anh nổi lên. Milan bán “khẩu súng lục” Ba Lan cho Hertha Berlin chỉ sau 1 năm chiêu mộ anh.
Thành tích: 16 bàn trong 41 trận

VÀ MARIO MANDZUKIC SẼ RA SAO?

Tiền đạo người Croatia vừa có trận đấu đầu tiên cho AC Milan trong trận đấu với Atalanta. Anh vào sân từ phút 70 và thực sự chưa để lại quá nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, thời gian vẫn còn nhiều để Mandzukic hòa nhập với màu áo mới.
Mandzukic chỉ chơi 7 trận trong suốt 18 tháng qua. Trận đấu gần nhất của anh cho Al Duhail ở Qatar đã từ tháng 3 năm ngoái. Suốt một thời gian dài không chơi trận đấu chính thức nào là một thử thách. Tuy nhiên, “Sức mạnh và thể lực của Mario rất cao”, đó là lời khẳng định từ HLV cá nhân của anh trên tờ Tuttosport tuần này.
Hãy cho anh thời gian và chờ xem liệu tiền đạo 34 tuổi có thể đạt được phong độ như từng thể hiện ở Juventus hay không. HLV Allegri coi Mandzukic là đối tác tốt nhất của Cristiano Ronaldo và luôn sẵn sàng hy sinh bản thân vì đội bóng. Thậm chí, anh từng đá cả cánh trái trong sơ đồ 4-2-3-1 của “Bà đầm già” trong mùa giải họ lọt vào chung kết Champions League, đây cũng là sơ đồ của AC Milan hiện tại.
Zlatan Ibrahimovic rất vui với bản hợp đồng này. “Tôi rất hạnh phúc. Bây giờ chúng tôi đã có 2 người có thể khiến đối phương sợ hãi”, tiền đạo Thụy Điển khẳng định. Liệu lời nguyền số 9 sẽ trở thành dĩ vãng từ đây?
Lược dịch từ bài viết của tác giả James Horncastle trên The Athletic.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.