Marina Granovskaia: “Bông hồng thép” của Chelsea

Tác giả CG - Thứ Bảy 05/03/2022 18:10(GMT+7)

Sau khi Roman Abramovich tuyên bố bán Chelsea, người hâm mộ đội bóng này có thể sẽ phải chứng kiến sự ra đi của một nhân vật quan trọng không kém khác: Marina Granovskaia.

 
Nếu tìm kiếm thông tin của Marina Granovskaia trên trang chủ của Chelsea, bạn sẽ thấy chức danh của người phụ nữ này chỉ là giám đốc (director). Một chức danh khá chung chung và nhìn vào đó bạn chẳng thể biết cụ thể bà làm những công việc gì. Song, vai trò của Granovskaia ở đội bóng chủ sân Stamford Bridge thì rất lớn, thậm chí nói không ngoa ở The Blues bà “dưới một người trên vạn người”, là nhân vật quyền lực thứ hai đội bóng, chỉ sau ông chủ Roman Abramovich. Nhiều người còn miêu tả bà giống như CEO của Chelsea, dù về thực tế theo như những thông tin trên trang chủ đội bóng, CEO của Chelsea là ông Guy Laurence.
 
Những ngày này, tương lai của người phụ nữ quyền lực nhất Chelsea đang gây nhiều tò mò với giới mộ điệu cũng như những người theo dõi đội bóng. Là cánh tay phải của Abramovich trong suốt nhiều năm, việc tỷ phú người Nga buộc phải bán đội bóng trong bối cảnh căng thẳng chính trị khiến không ít người thắc mắc vị trí của Granovskaia – người được miêu tả là luôn quan tâm từ những chi tiết nhỏ nhất tới lớn nhất - trong thời gian tới, khi liệu mối quan hệ làm việc lâu năm giữa hai người có khiến bà rời đi hay không. 
 
Marina Granovskaia tốt nghiệp Đại học Quốc gia Moscow vào năm 1997 và cùng năm đó bà trở thành trợ lý cá nhân của Abramovich tại công ty Sibneft. Năm 2003, sau khi tỷ phú người Nga mua Chelsea từ Ken Bates, bà Marina Granovskaia cũng chuyển tới London. Vai trò của bà ban đầu là trưởng đại diện cho văn phòng của Abramovich ở London. Sau đó, Granovskaia tham gia nhiều hơn vào công việc tại Chelsea, từ việc sắp xếp, tổ chức cho các vị khách VIP tới sân Stamford Bridge đến các công tác liên quan đến chuyển nhượng.
 
Chính Granovskaia là người đã thuyết phục Didier Drogba ở lại Chelsea vào năm 2009 khi tiền đạo người Bờ Biển Ngà tưởng như sắp rời khỏi đội bóng vào thời điểm đó. Khi ấy, Drogba không được trọng dụng dưới thời HLV Luiz Felipe Scolari, hơn nữa còn bị treo giò ở Champions League sau màn công khai chỉ trích trọng tài Tom Henning Ovrebo. Song, Granovskaia kiên quyết giữ Drogba ở lại đội bóng và trao cho anh một bản hợp đồng mới với lời hứa sẽ chịu trách nhiệm cho bất cứ hành động nào của danh thủ người Bờ Biển Ngà. Drogba đồng ý ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm và niềm tin của Granovskaia đã được đền đáp xứng đáng khi “Voi rừng” giúp Chelsea đoạt Premier League, FA Cup và Champions League.
 
Việc giữ chân Drogba ở lại Chelsea được cho là một bước ngoặt trong việc Marina Granovskaia tham gia sâu hơn vào các công việc tại Chelsea. Roman Abramovich sau đó rút dần các hoạt động cũng như sự can thiệp trực tiếp ở Chelsea khi giao Marina Granovskaia là đại diện cho mình ở đội bóng. Bà trở thành cánh tay nối dài của tỷ phú Nga, người báo cáo trực tiếp các công việc ở CLB tới ông. Từ năm 2010, bà bắt đầu thay mặt Abramovich trong các cuộc họp ban lãnh đạo.

Marina Granovskaia là cánh tay nối dài của tỷ phú Abramovich tại Chelsea. Ảnh: Getty Images
 
Năm 2013, Granovskaia chính thức được bổ sung vào ban lãnh đạo Chelsea, qua đó trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới bóng đá. Cùng với giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo, bộ đôi này chính là hai người điều hành chính của Chelsea khi tỷ phú Abramovich không có mặt. Khi Emenalo chia tay đội bóng chủ sân Stamford Bridge vào năm 2017, quyền lực của Granovskai lại càng lớn hơn nữa. Dù Abramovich vẫn là người có quyết định cao nhất, song với các hoạt động thường ngày, bà Granovskaia là người thay mặt ông chủ.
 
Là một người phụ nữ quyền lực trong giới bóng đá, có thể gọi Granovskaia là một “bông hồng thép”. Đằng sau vẻ ngoài xinh đẹp là một người phụ nữ cứng rắn trên bàn đàm phán. Một người đại diện chia sẻ với Telegraph: “Với Marina, không tức là không, một điều thực sự khá hiếm trong bóng đá. Với người khác, nói không thường có nghĩa là ‘họp thêm 20 lần nữa và mọi thứ sẽ giải quyết ổn thoả’. Nhưng khi Marina nói không, bạn sẽ không nghe thấy lời nào từ cô ấy nữa”.
 
Lãnh đạo một đội bóng đối thủ của Chelsea cho biết: “Tôi đã tham gia vào 3-4 thương vụ với Marina và cô ấy luôn giữ lời. Mỗi khi tôi thương lượng với Marina, cô ấy luôn rất thẳng thắn, chuyên nghiệp và không bao giờ nuốt lời. Không phải ai trong nghề này tôi cũng có thể nói như thế”.
 
Tại Chelsea lúc này, Marina Granovskaia thường chủ trì các cuộc họp liên quan đến chiến lược chuyển nhượng với HLV trưởng, cố vấn chuyên môn Petr Cech và trưởng phòng tuyển trạch quốc tế Scott McLachlan. Tuy nhiên, như đã nói, một trong những điểm mạnh của bà chính là khả năng đàm phán xuất sắc. 
 
Năm 2013, bà là người đã hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa Jose Mourinho và Roman Abramovich, qua đó thuyết phục chiến lược gia người Bồ Đào Nha trở lại Chelsea. Năm 2016, bà đàm phán thành công và giúp Chelsea ký hợp đồng có giá trị 60 triệu bảng mỗi năm với Nike đến năm 2032. 

Khả năng điều hành cùng tài đàm phán giúp Granovskaia ngày càng nổi bật trong công việc của mình. Ảnh: Chelsea FC
 
Năm 2019, bà bán Eden Hazard cho Real Madrid với mức giá lên tới hơn 100 triệu euro mà điều đáng nói là khi đó ngôi sao người Bỉ với Chelsea chỉ còn 1 năm hợp đồng. Khả năng “đi chợ” tài tình của Marina Granovskaia giúp Chelsea có thể an toàn trước Luật Công bằng tài chính đồng thời cân đối thu chi một cách hợp lý. Danh hiệu “Giám đốc xuất sắc nhất năm” được trao cho Marina Granovskaia tại lễ trao giải Golden Boy vào cuối năm ngoái như một minh chứng cho những gì mà bà đã làm được.
 
Giống như Roman Abramovich, Marina Granovskaia không phải một người thích phô trương hình ảnh của mình. Thay vào đó, sự ổn định của Chelsea những năm qua là minh chứng cho sự làm việc hiệu quả của người phụ nữ này.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.