Marcus Rashford: Không cần những chiếc cúp để trở thành nhà vô địch (P1)

Tác giả Elflaco - Chủ Nhật 20/12/2020 15:09(GMT+7)

Zalo

Tháng trước, khi United làm khách tại Goodison Park, các CĐV Everton gửi tới Marcus Rashford một thông điệp đặc biệt, qua màn hình lớn trên sân: “Cảm ơn bạn đã ở bên và chiến đấu vì những đứa trẻ của chúng tôi - ở đây - Merseyside và trên khắp đất nước này”. Rashford có lẽ không chuẩn bị để trở thành người hùng theo cách này, khi anh bắt đầu chiến dịch tuyệt vời của mình 8 tháng trước.

Marcus Rashford Không cần những chiếc cúp để trở thành nhà vô địch (P1) hình ảnh gốc 2
 
1. Vài tuần trước, Marcus Rashford đang tận hưởng ngày nghỉ hiếm hoi tại nhà riêng thì điện thoại của anh đổ chuông. Một số lạ!
 
Nhưng giọng nói qua điện thoại – “Có phải Marcus đấy không” – thì quen lắm. Và khi Rashford nhận ra người đang nói chuyện với mình là ai thì anh nghẹn lời: Sir Alex Ferguson.
 
Sir Alex gọi cho Rashford để nói rằng, với tư cách một cựu HLV Man United và cũng là một CĐV “Quỷ đỏ”, ông rất tự hào vì anh. Vì cách mà Rashford đã và đang tận dụng rất tốt vị trí của mình, một ngôi sao Premier League, một thành viên của United, để chiến đấu vì người nghèo.
 
Sir Alex và Rashford nói chuyện với nhau trong 20 phút. Họ nói về bóng đá – tất nhiên, vì đó là thứ định nghĩa cuộc đời họ. Nhưng họ cũng nói rất nhiều về cuộc sống, về những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia. Càng trò chuyện thì họ, một chàng trai 23 tuổi và một ông lão 78 tuổi, càng nhận ra, giữa 2 người có không ít điểm chung.
 
Rashford sinh ra và lớn lên ở Wythenshawe, rìa phía Nam Manchester, một trong những khu vực nghèo nhất của vùng Greater Manchester. Đó là lý do thúc đẩy Rashford kêu gọi cộng đồng mạng xã hội, người hâm mộ, các công ty,... quyên góp hơn 20 triệu bảng hỗ trợ tổ chức từ thiện FareShare cung cấp thực phẩm cho trẻ em nghèo khắp nước Anh trong mùa dịch COVID-19.
 
Thành công ban đầu ấy là động lực khiến Rashford gửi thư lên Quốc hội Anh kêu gọi duy trì bữa ăn miễn phí cho học sinh. Và thật tuyệt khi Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sau đó đã quyết định thông qua gói hỗ trợ hơn 120 triệu bảng – Quỹ thực phẩm mùa Hè.
 
Rashford không bao giờ quên cội nguồn của mình. Và Sir Alex cũng vậy.
 
Khi Fergie tới Manchester để dẫn dắt United, ông đã đặt tên ngôi nhà đầu tiên của mình ở đây là “Fairfield” – theo tên xưởng đóng tàu cũ ở Govan (thị trấn nhỏ bên bờ sông Clyde ở Glasgow), nơi mà cha ông làm việc hàng chục năm. Chú ngựa đua đầu tiên Fergie sở hữu có tên “Queensland Star”, tên của một trong những con tàu mà cha ông từng góp phần tạo ra. “Đó là cách tôi giữ cho tiếng vọng Govan luôn ở quanh mình”, Sir Alex cho biết.
 
Trở lại với cuộc nói chuyện điện thoại giữa 2 thế hệ cách nhau… 55 năm, Sir Alex bảo ông tự hào về tất cả mọi thứ Rashford đã làm. Tự hào về cách mà một cầu thủ của Học viện vươn lên trở thành trụ cột hàng đầu đội một United. Tự hào vì những cống hiến tuyệt vời mà Rashford mang đến cho xã hội, cho hàng triệu trẻ em và tất nhiên cho giá trị mà United luôn theo đuổi.
 
Trên sân cỏ, Rashford còn nhiều thứ phải hoàn thiện, còn nhiều đỉnh cao cần chinh phục. Nhưng ngoài bóng đá, phải thừa nhận, chàng trai 23 tuổi đang tiến rất xa…
 
Marcus Rashford Không cần những chiếc cúp để trở thành nhà vô địch (P1) hình ảnh gốc 2
 
2. Tất cả bắt đầu trên một bãi đất trống nhỏ, trước một dãy nhà khiêm tốn, nơi chú nhóc Rashford “sắm vai” Cristiano Ronaldo, thần tượng của cậu, chơi đùa với trái bóng. Không mất quá nhiều thời gian để người dân ở khu Button Lane, Northern Moor bắt đầu bàn tán về một thần đồng bóng đá.
 
Rashford vẫn thường xuyên trở về chốn cũ, hầu như mỗi tuần 1 lần. Bên hông trái của Rashford có hình xăm gợi nhắc về thời thơ ấu của anh: ngôi nhà nhỏ ẩn dưới những tán cây, một khoảng sân trống vả cả cột đèn lớn. Đó là sân bóng đầu tiên của Rashford. Nơi gốc cây là khung thành và cột đèn là đối thủ.
 
Khi Rashford ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với United, anh đã dùng toàn bộ tiền lương kiếm được hàng tháng của mình để giúp mẹ Melanie trả khoản vay thế chấp ngôi nhà này. Hiện gia đình Rashford vẫn sở hữu nó, nhưng cho một cặp vợ chồng người địa phương thuê lại.
 
Button Lane, lãnh thổ thời ấu thơ của Rashford là một khu phố nhỏ, chỉ dài chưa đầy 500m, hoàn toàn bình thường với một cửa hàng tiện lợi, một salon tóc, mỗi đầu góc phố là 1 tiệm thịt nướng và một quán cafe kiêm phục vụ bữa sáng.
 
Nhưng Button Lane nói riêng và khu vực Wythenshawe nói chung chưa bao giờ là một vùng đất yên bình. “Những điều tồi tệ đã xảy ra ở nơi này”, Collin Little – một trong những người thầy bóng đá đầu tiên của Rashford cho biết. “Mới tuần trước, có một án mạng đã xay ra ngay trên đường”.
 
Little là cựu cầu thủ Crewe Alexandra những năm 90s trước khi nhận công việc làm huấn luyện viên bóng đá trẻ thuộc hệ thống đào tạo của United ở khu vực Wythenshawe .
 
“Lần đầu tôi gặp Marcus là khi thằng bé 12 tuổi thì phải”, Little nhớ lại. “Chúng tôi có sự gắn bó đặc biệt vì Marcus sống cách nhà bố mẹ tôi chỉ khoảng 100 thước. Ở tuổi đó, Marcus đã là niềm tự hào của Wythenshawe, vì tài chơi bóng. Có lẽ ĐỊNH MỆNH đặt sắp đặt thằng bé trở thành một “Quỷ đỏ”.
 
“Thỉnh thoảng tôi vẫn qua đón Marcus rồi đưa thằng bé tới trung tâm huấn luyện. Thường tôi, tấp xe vào 1 trong số những cửa hàng tiện lợi hay tiệm thịt nước ở Button Lane, bóp còi rồi Marcus xuất hiện, miệng cười tươi rói và bánh mỳ trên tay”.
 
Little chỉ là 1 trong rất nhiều người bạn đồng hành của Rashford trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Một gia đình hàng xóm của nhà Rashford cũng có con trai theo học ở Lò đào tạo của United khu vực Wythenshawe thường cho cậu đi nhờ tới khu huấn luyện The Cliff và cả sau này – trung tâm Carrington. Ông Fletcher Moss, người trực tiếp huấn luyện Rashford trong những ngày đầu ăn tập bóng đá, thường đưa cậu về nhà.
 
Luôn có một ai đó ở Button Lane hoặc United sẵn sàng giúp đỡ Rashford và gia đình cậu.
 
Marcus Rashford Không cần những chiếc cúp để trở thành nhà vô địch (P1) hình ảnh gốc 2
 
3. Melanie “Mel” Rashford có công việc chính là nhân viên thu ngân cho một chi nhánh của hãng cược Ladbrokes. Ngoài ra bà còn làm thêm việc dọn dẹp ở 2 trung tâm thương mại. Marcus hiểu hơn ai hết, mẹ của cậu đã vất vả như thế nào để nuôi dưỡng cậu cùng 4 anh chị em khác, Dwaine và Dane, Chantelle và Claire.
 
Marcus cũng không bao giờ quên những hy sinh của anh cả Dwaine, hơn cậu 14 tuổi. Dwaine cũng có giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, từng chơi bóng cho CLB địa phương Wythenshawe Town F.C. Nhưng đến năm 20 tuổi anh đã quyết định từ bỏ giấc mơ ấy để làm tất cả những gì có thể cho Marcus, khi đó vẫn còn đang học tiểu học. Dwaine, có lẽ là người đầu tiên nhận thấy tiềm năng lớn lao ở Marcus. Hệt như mẹ Mel, Dwaine đã làm cùng lúc 3 công việc lao động chân tay khác nhau để em trai mình có thể chuyên tâm vào sự nghiệp bóng đá.
 
Trong bức thư ngỏ mà Rashford gửi tới Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson có đoạn: “Tôi vẫn nhớ tiếng nức nở của mẹ, trong một lần chợt tỉnh giấc vào giữa đêm. Bà ngồi đó, ôm mặt khóc sau khi đã làm việc 14 tiếng mỗi ngày và trong nhà thì không còn một xu..”.
 
Đó là thực tế của Rashford, là hoàn cảnh mà cậu lớn lên. Tuyệt nhiên không 1 chút phóng đại. Khi còn nhỏ, Rashford thường xuyên phải đối mặt với cảm giác đói. Cha cậu phải đi làm xa, tiền bạc ở nhà eo hẹp. Thậm chí, chuyện trong nhà không có nổi 1 ổ bánh mì là điều thường xuyên xảy ra. Bóng đá không chỉ là đam mê của Rashford mà là con đường duy nhất để họ thoát nghèo.
 
“Tôi đã tận mắt chứng kiến thực tế ấy”, Robson Buckley, đồng đội của Rashford ở Học viện United khu vực Wythenshawe nhớ lại. “Có những ngày cậu ấy đến trung tâm huấn luyện với cái bụng đói. Tôi cũng biết nhà Marcus có tới 5 anh chị em và họ thực sự khó khăn”.
 
Marcus Rashford Không cần những chiếc cúp để trở thành nhà vô địch (P1) hình ảnh gốc 2
 
“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao, Marcus, ngay từ nhỏ, nhận ra và quyết tâm trở thành 1 cầu thủ bóng đá. Cậu ấy đơn giản là không có lựa chọn khác. Và chính những trải nghiệm thực tế của một thời thơ ấu khó khăn đã thúc đẩy Marcus làm một điều gì đó cho những đứa trẻ ở vào hoàn cảnh của cậu nhiều năm trước”.
 
“Marcus hoàn toàn có thể dính vào ma túy, trở thành một tội phạm. Nhưng Marcus đã chọn cho mình một con đường khác. Cậu ấy, ngay từ hồi thiếu niên đã luôn sống với những suy nghĩ và mục tiêu tốt đẹp” -  Buckley.
 
Nhưng phải đến năm 11 tuổi, khi chính thức là thành viên của Học viện United, Rashford mới thực sự hiểu… mình nghèo đến nhường nào. Gặp gỡ với nhiều cậu bé cùng trang lứa ở Học viện, Rashford nhận ra cuộc sống bất công ra sao. Nhưng chính điều này giúp Rashford thêm quyết tâm trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu. Bởi khi đó, cậu có thể làm được nhiều thứ để thay đổi sự bất công này.
 
Những đứa trẻ nghèo. Những cái bụng rỗng. Những cơn đói cồn cào. Rashford đã trải qua những điều đó rõ ràng, chân thực, hơn bất kỳ ai. Đó là một thực tế trong thời đại của Rashford nhưng nó không nên và không thể cứ tồn tại mãi cho đến tận những ngày này. Chắc chắn phải có một cách nào đó, tốt hơn cho những đứa trẻ ở vào hoàn cảnh của cậu. Và Rashford đã hành động!
 
(còn nữa)
 
Lược dịch từ bài viết: Marcus Rashford: Man United footballer, people’s champion (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến, không có bất ngờ nào xảy ra ở Mỹ Đình đêm qua. Đội tuyển Việt Nam lại thua bạc nhược trước những người Indonesia, làn sóng phản đối HLV Philipe Troussier lên đến đỉnh điểm, và lúc nửa đêm, trang chủ của VFF ra thông cáo chấm dứt hợp đồng với vị HLV người Pháp.

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

“Tôi sẽ trở lại Đức vào tháng 3,” Toni Kroos đã thông báo như thế trên Instagram của anh vào cuối tháng 2. "Tại sao? Trước hết là bởi Julian yêu cầu tôi trở lại và sau đó là vì, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ cho đội tuyển. Tôi đang có tâm trạng tốt và tôi chắc chắn rằng tại EURO Hè này tuyển Đức sẽ làm được nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tin vào lúc này.”

X
top-arrow