Khoản thời gian này, cái tên Marcos Alonso đang nhận được sự quan tâm từ phía người hâm mộ sân Stamford Bridge nhiều hơn bao giờ hết. Cuối tuần vừa rồi, trong một ngày Chelsea thiếu vắng chân sút chủ lực Diego Costa, không phải những Hazard, Willian hay Pedro mà chính cầu chủ chạy cánh người Tây Ban Nha mới là nhân tố cứu tinh bên phía The Blues với một cú đúp vào lưới nhà ĐKVĐ Leicester City, qua đó giúp thầy trò HLV Antonio Conte giành chiến thắng chung cuộc 3-0 và tiếp tục vững bước trên ngôi đầu bảng xếp hạng Premier League. |
Marcos Alonso: Kẻ sát nhân đã trở thành viên đạn bạc |
Từ một cái tên hết sức bình thường trong những ánh nhìn của giới truyền thông khi mới quay trở lại nước Anh vào cuối tháng Tám năm ngoái, giờ đây Marcos Alonso đã trở thành “con bài” chiến thuật không thể thiếu bên phía đội bóng thành London, một “viên đạn bạc” thực sự dưới bàn tay dẫn dắt của vị thuyền trưởng tài ba Conte.
TỪ BẢN HỢP ĐỒNG BỊ NGHI NGỜ
Ban lãnh đạo Chelsea đã chấp nhận chi ra 24 triệu bảng để đưa Marcos Alonso từ Fiorentina về sân Stamford Bridge trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2016, một cái giá khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ. Mặc dù xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống bóng đá, với ông nội Marcos Alonso Imaz từng đoạt 5 danh hiệu Cúp C1 cùng Real Madrid ở thế kỷ 20, người cha Marcos Alonso Pena từng khoác áo Barca và Atletico Madrid trong một thời gian dài (vô địch La Liga 1984/85), thế nhưng giai đoạn khởi đầu sự nghiệp của cậu quý tử Mendoza (tên đầy đủ là Marcos Alonso Mendoza) lại chẳng hề sáng sủa chút nào.
Có điều kiện được ăn tập tại lò đào tạo trẻ Madrid ngay từ khi mới 9 tuổi, tuy nhiên Alonso cũng không thể hiện được nhiều phẩm chất xuất sắc hơn so với những bạn bè cùng trang lứa. Năm 2008, chàng trai sinh năm 1990 đã nhận được bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong cuộc đời cùng đội B của Real Madrid. Mặc dù vậy, những màn trình diễn sau đó của anh cũng chẳng có gì quá nổi bật. Phải đến tận cuối năm 2009, Alonso mới lần đầu tiên được triệu tập lên danh sách đội một Los Blancos để chuẩn bị cho trận gặp Valencia tại La Liga. Thế nhưng, đến phút chót, HLV Manuel Pellegrini vẫn quyết định loại bỏ anh. Và rồi, phải chờ thêm hơn 4 tháng nữa, chính xác là vào ngày 4/4/2010, Alonso mới được ra sân trong màu áo Real Madrid, khi anh vào thay thế Gonzalo Higuain ở phút thứ 90 trận gặp Racing Santander, lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng trước khi anh nói lời chia tay đội bóng chủ sân Bernabeu.
|
Marcos Alonso khi còn ở đội trẻ Real |
Suốt 11 năm khoác áo một trong những đội bóng lừng danh và hào nhoáng bậc nhất thế giới, tuy nhiên Marcos Alonso chưa bao giờ cảm nhận được sự tồn tại của mình ở nơi đây, điều hoàn toàn trái ngược với ông nội hay cha mình. Không cam tâm đành lòng chấp nhận số phận, hậu vệ trẻ người Tây Ban Nha đã quyết định ra đi để tìm đường giải cứu tương lai. Tháng Bảy năm 2010, Alonso cập bến Bolton, theo đuổi một chặng hành trình mới tại chân trời nước Anh. Bất chấp những cú sốc về mặt văn hóa, những thay đổi về môi trường chơi bóng, thế nhưng Alonso vẫn luôn kiên trì và cố gắng nỗ lực luyện tập. Hoàn toàn khác với Madrid xa hoa ngày trước, những áp lực tại sân Reebok cũng “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều. Để rồi, đây chính là khoảng thời gian vô cùng quan trọng giúp cho cầu thủ sinh năm 1990 trưởng thành và tiến bộ một cách nhanh chóng, cả về thể chất lẫn phong cách thi đấu.
Trải qua ba mùa giải khoác áo Bolton, thời điểm mùa Hè 2013, Marcos Alonso tiếp tục chuyến phiêu lưu đến Italia để khoác áo Fiorentina. Mặc dù vậy, định mệnh trái ngang vẫn luôn muốn anh phải gắn bó với xứ sở sương mù. Chỉ sau chưa đầy nửa mùa bóng trải nghiệm trên đất Ý, Alonso đã sớm bị ban lãnh đạo The Viola đem đi cho mượn tại Sunderland, trước khi trở thành một nhân tố then chốt góp phần giúp “Mèo đen” lọt vào tới trận chung kết League Cup năm 2014 (thua 1-3 trước Man City). Trở lại sân Artemio Franchi, Alonso đến lúc này mới bắt đầu nhận được sự tin tưởng và góp mặt thường xuyên hơn trong đội hình đội bóng áo tím ở hai mùa giải 2014/15 và 2015/16. Cứ thế, ngôi sao người Tây Ban Nha âm thầm và lặng lẽ hoàn thiện bản thân mình, cho đến cái ngày mà anh được Antonio Conte hỏi thăm vào mùa Hè năm ngoái.
|
Marcos Alonso trong màu áo Bolton |
Dẫu vậy thì trong khoảnh khắc đầu tiên khi nghe cánh báo giới nhắc đến cái tên Marcos Alonso, những người hâm mộ Chelsea vẫn không khỏi giật mình. Một thoáng chần chờ và hồ nghi khi họ vừa biết rằng ban lãnh đạo The Blues đã chấp nhận chi ra tới 24 triệu bảng để đưa một hậu vệ chạy cánh thuộc vào loại khá (nhưng không thực sự nổi bật) của Serie A về Premier League. Người ta nghi ngờ Alonso vì văn hóa bóng đá Anh chẳng giống như bất cứ nơi nào trên thế giới, thậm chí hoàn toàn trái ngược với lối chơi chậm rãi và “giàu tư duy” của người Ý. Người ta cũng nghi ngờ Alonso vì chỉ anh từng khoác áo những đội bóng làng nhàng như Bolton hay Sunderland. Để rồi, trong tất cả những nỗi hoài niệm ngày càng trở nên da diết hơn về một Ashley Cole cùng bài toán thay thế hậu vệ lừng danh của Chelsea ngày nào, các CĐV sân Stamford Bridge đã không thể không lo lắng cho bản hợp đồng đến từ thành Florence…
ĐẾN “ĐẶC SẢN” CỦA CONTE
Marcos Alonso bước vào mùa giải 2016/17 trong vai trò dự bị, đó một là điều hoàn toàn dễ hiểu. Khi mà Conte chưa thể hiểu rõ những gì sắp sửa diễn ra với mình và Chelsea tại Premier League, đương nhiên vị chiến lược gia người Italia chẳng có lý do gì để mạo hiểm. Giai đoạn đầu mùa, thời điểm The Blues thường xuất phát với sơ đồ 4 hậu vệ, Alonso hoàn toàn không có cửa cạnh tranh với Cesar Azpilicueta, cầu thủ vừa mới trải qua một mùa bóng xuất sắc dưới vai trò hậu vệ cánh trái. Phải đến khi Conte chấp nhận thử nghiệm Alonso lần đầu tiên trong trận thua 0-3 trước Arsenal (24/09/2016) với 35 phút ra sân từ băng ghế dự bị, nhà cầm quân từng dẫn dắt Juventus mới quyết định thay đổi toàn bộ hệ thống chiến thuật của đội bóng thành London.
Rất nhanh chóng, Conte đã nhận ra rằng Alonso chỉ thực sự phù hợp dưới vai trò wing-back (cầu thủ chạy cánh thuần túy), nơi anh sẽ phát huy được trọn vẹn mọi tố chất lên công về thủ toàn diện của mình. Và rõ ràng, sơ đồ chiến thuật 3 hậu vệ sẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất dành cho The Blues, vừa bù đắp những khoảng trống ở hai hành lang phía sau, vừa tạo ra nền tảng vững chắc cho lối chơi pressing cuồng nhiệt tại Stamford Bridge. Kết quả, sau khi tìm kiếm được miếng ghép cuối cùng để xây dựng công thức 3-4-3 “tủ” của mình, cựu chiến lược gia ĐT Italia đã đưa Chelsea đến chuỗi 13 chiến thắng liên tiếp tại Premier League trước khi bị Tottenham đánh bại 2-0 vào hồi đầu tháng Một vừa rồi. Dẫu vậy thì cuối tuần qua, đội bóng của Conte đã cho thấy sự trở lại đáng kinh ngạc bằng cách đè bẹp nhà ĐKVĐ Leicester City tới 3 bàn không gỡ.
|
Marcos Alonso và cú đúp vào lưới Leicester |
Bất chấp trong một ngày thiếu vắng “họng pháo” chủ lực Diego Costa, thế nhưng phong độ vô cùng xuất sắc của Alonso đã khiến cho người hâm mộ The Blues hoàn toàn quên đi nỗi nhớ cựu chân sút Atletico Madrid. Phút thứ 6 trận đấu, bằng bản năng của một cầu thủ leo biên thuần túy, hậu vệ người Tây Ban Nha đã âm thầm di chuyển tiếp cận vòng cấm địa đối phương trước khi có mặt đúng thời điểm để nhận đường chuyền ngang từ Hazard. Một pha dứt điểm cận thành đơn giản và quyết đoán bằng chân phải của Alonso là quá đủ để đưa thầy trò HLV Conte vươn lên dẫn trước. Ngay sau giờ nghỉ, đến lượt một tình huống chọn vị trí đón “bóng hai” chuẩn xác nữa của cựu ngôi sao Fiorentina trước khi sút bóng đổi hướng ghi bàn đã nâng tỷ số lên 2-0 cho Chelsea, số phận trận đấu lúc này xem như được định đoạt. Chẳng có gì bất ngờ khi Alonso được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất sau khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc.
Thống kê cho thấy, Marcos Alonso chính là một trong những mắt xích hoạt động hiệu quả nhất bên phía đội bóng thành London tính đến thời điểm này với điểm số nhận được trung bình từ Whoscored cho mùa giải 2016/17 là 7,51 (chỉ kém Hazard: 7,91 và Costa: 7,71). Hiện tại, số lượng bàn thắng mà Alonso ghi được ở Premier League (tổng cộng 3 bàn) chỉ kém hơn Costa, Hazard, Pedro và Willian, đều là những tiền đạo, tiền vệ tấn công, trong khi anh đơn thuần chỉ là một hậu vệ cánh. Bên cạnh đó, ngôi sao người Tây Ban Nha cũng góp phần đáng kể trong nhiệm vụ tạo ra sự đột biến đối với lối chơi của toàn đội, khi mà trung bình mỗi trận anh thực hiện được 1,1 đường chuyền quan trọng (chỉ kém Hazard, Willian và Fabregas); tạt bóng chuẩn xác 0,6 lần; qua người thành công 0,6 lần.
Về mặt lý thuyết, Alonso không cần phải chuyên tâm quá nhiều cho nhiệm vụ phòng ngự bởi phía sau anh đã có bộ ba Cahill-Luiz-Azpilicueta án ngữ. Tuy nhiên, khả năng tranh chấp cực kỳ hiệu quả của cựu cầu thủ Fio cũng chính là một trong những yếu tố then chốt mang đến sự chắc chắn cho hàng thủ Chelsea. Cụ thể, tính trung bình, Alonso đã thực hiện tới 2,1 tình huống thắng bóng bổng/trận, chỉ kém duy nhất Cahill (2,7), thậm chí còn cao hơn cả những trung vệ, tiền vệ phòng ngự như Luiz hay Matic. Dễ dàng nhận thấy rằng, chiều cao lên đến 1m88 cùng nền tảng thể hình thuận lợi chính là một điểm mạnh hết sức quan trọng giúp cho ngôi sao sinh năm 1990 không hề e ngại những cuộc tranh chấp tay đôi ở giải Ngoại hạng. Theo đó, Alonso đã tắc bóng thành công 2,2 lần/trận (chỉ sau Kante và Azpilicueta); đánh chặn chính xác 1,9 lần/trận (cũng chỉ sau Kante và Azpilicueta) đồng thời có trung bình 3,1 pha phá bóng mỗi trận, xếp sau Luiz, Cahill và Azpilicueta, đều là những trung vệ chơi thấp hơn.
Thống kê về Marcos Alonso tại Premier League 2016/17
“Tôi đã chơi ở nhiều vị trí khác nhau, tùy thuộc vào mỗi hệ thống chiến thuật. Tuy nhiên, phần lớn thời gian của sự nghiệp, tôi đều thi đấu như một hậu vệ chạy cánh trái. Khi cần thiết, tôi vẫn sẵn sàng đá tiền vệ trái hoặc trung vệ. Nhiệm vụ lớn nhất của tôi là phòng ngự và bảo đảm an toàn cho đội nhà, nhưng tôi vẫn luôn muốn hỗ trợ tấn công. Thật không dễ dàng gì khi bạn vừa chuyển tới một đất nước mới và phải thích nghi với nền văn hóa mới. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng điều này cũng không phải vấn đề quá khó khăn đối với mình bởi tôi từng chơi bóng ở Anh nhiều lần”, Alonso phát biểu trong lần quay trở lại Premier League để khoác áo Chelsea.
QUÊN ĐI QUÁ KHỨ TỘI LỖI
Một điểm chung giữa Marcos Alonso và người thầy Conte hiện tại chính là việc cả hai đều từng phải “vào tù ra khám”. Thế nhưng, thay vì chỉ dính dáng đến những vụ bán độ dàn xếp tỷ số giống như nhà cầm quân người Ý, ít biết rằng Alonso trước đây suýt chút nữa đã phải lỡ dở sự nghiệp vì tội danh… giết người.
Mùa Hè năm 2011, trong một dịp trở về thăm quê sau mùa giải đầu tiên khoác áo Bolton, chàng trai trẻ Alonso đã cùng bạn bè nhậu nhẹt thâu đêm tới tận sáng. Trên đường trở về nhà, bất chấp trời thời tiết mưa gió không thuận lợi, tuy nhiên Alonso vẫn quyết định “vít ga” lên tới vận tốc hơn 110km/h. Hệ quả, chiếc BMW của anh đã phi thẳng vào bức tường cạnh một bãi để xe ngầm gần trung tâm thành phố Madrid. Chiếc xe đã nát bét “như tươm”. Điều kinh khủng hơn nữa, cô bạn gái 22 tuổi của Alonso đã không thể qua khỏi dù ngay lập tức được chuyển tới bệnh viện do chấn thương sọ não quá nghiêm trọng. Anh trai của hậu vệ người Tây Ban Nha, Miguel đã bị gãy xương sườn và dập phổi còn người đồng đội cũ trong màu áo Real, Jaime Navarro cũng dính chấn thương nặng.
Khoảng thời gian sau đó, tòa án Madrid tuyên phạt Alonso mức 4 năm tù giam cho ba tội danh: giết người không chủ đích (ngộ sát), lái xe quá tốc độ và sử dụng phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu. Những tưởng vụ việc này sẽ nhanh chóng chấm dứt tương lai của cầu thủ sinh năm 1990, nhưng rất may mắn là sự xuất hiện đúng lúc của luật sư Luis Romero đã kịp thời kéo anh ra khỏi vũng bùn cuộc đời. Với 300.000 euro tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, cộng thêm khoản tiền phạt 61.000 euro cùng vô vàn những lời hứa hẹn không tái phạm trong mọi tình huống, Alonso đã được giảm án từ 4 năm xuống còn 1 năm 9 tháng ban đầu và cuối cùng được hưởng án treo. Dẫu vậy thì vào thời điểm ấy, nhiều người cũng lên tiếng chỉ trích, thậm chí nguyền rủa hậu vệ đang khoác áo Bolton và đó thực sự là quãng thời gian không hề dễ chịu chút nào đối với một chàng trai chỉ mới ngoài 20 tuổi đầu, khi mà anh liên tục phải sống trong cảnh dè bỉu và sự nhục nhã đến từ những điều tiếng dư luận.
***
Thời gian trôi qua, mọi thứ đã dần trở nên sáng sủa hơn đối với cuộc đời và sự nghiệp của Marcos Alonso. Giờ đây, anh đã không còn là một người thừa giống như tại Madrid năm nào, cũng không còn là một kẻ tầm thường chỉ thích “xê dịch” qua Bolton, Sunderland hay Fiorentina nữa. Thay vào đó, hậu vệ người Tây Ban Nha chính là một nhân tố chiến thuật vô cùng quan trọng của HLV Antonio Conte, vị chiến lược gia đã có công đưa cái tên Alonso bước ra ánh sáng trên bầu trời nước Anh.
“Tôi luôn cố gắng cải thiện mình. Quãng thời gian tại Madrid giúp tôi rèn luyện kỹ thuật. Khi chơi bóng ở Italia, tôi lại được hỏi hỏi và trưởng thành về ý thức chiến thuật, một giải đấu có thể giúp bất cứ ai cải thiện khả năng phòng ngự. Đương nhiên, Premier League sẽ là một môi trường nhiều sức ép hơn nhưng tôi không hề e ngại những thách thức”, Alonso tự tin cho biết.
Từ một kẻ sát nhân ở độ tuổi còn đôi mươi, chàng trai Marcos Alonso bây giờ có lẽ đã trưởng thành hơn rất nhiều sau những nỗi ám ảnh kinh hoàng về cái chết của người bạn gái cũ. Điều trớ trêu là chẳng ai thay đổi được quá khứ của mình, bởi ngay cả những bi kịch cũng chỉ phần nào giúp cho con người có thể nhìn thẳng vào tương lai và sống tốt hơn. Trở thành một “viên đạc bạc” bên hành lang cánh trái Chelsea, dường như Alonso đang tự mình bước đi trên một con đường khác, một con đường mà anh từng phải vất vả tìm kiếm trong suốt những năm tháng đã qua của cuộc đời.
OLE (TTVN)