Chúng ta nên bắt đầu từ đâu đây? Có quá nhiều thứ để ta có thể trao đổi với nhau.
|
Marcelo: Đã đá là phải tấn công! |
Tôi muốn cho bạn biết ông tôi đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi như thế nào. Nhưng tôi cũng muốn kể với bạn về Ronaldo. Hay chuyện Romario treo mình trên máy bay, và cả câu chuyện về chiếc Volkswagen màu cam.
Thôi, tạm thời hãy bắt đầu bằng...một “cái mùi” vậy.
“Cái mùi” ấy thuộc những thứ đầu tiên mà tôi có thể nhớ trong cuộc đời mình. Năm tôi lên sáu, mặc dù vẫn còn đang nghỉ hè và không phải đi học, nhưng tôi vẫn đều đặn thức dậy vào lúc 7:30 rồi te te xách trái bóng xuống dưới bãi biển Botafogo.
Bãi biển này thuộc Rio, nơi sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, hehe.
Có một công viên nằm kề bên, một sân đấu futsal nằm bên trong công viên đấy, sát cạnh là khoảng không gian nhỏ dành cho bọn trẻ. Và dĩ nhiên là tôi không thể quên một ông già mặt nhăn lúc nào cũng quát tháo với khách vãng lai vào đậu xe, “Một dollar nha! Đưa một dollar đây!”
Lão muốn lấy tiền công một dollar để giữ xe cho bạn. Tôi vẫn còn nhớ rõ giọng nói của lão, nhưng tôi ấn tượng hơn với “cái mùi” ở xung quanh. Có một đường ống nước thải bị vỡ và tuôn nước trào lên cả mặt đất sát sân chơi, bùn đất lấm lem cả. Thế là sáng sáng khi rảo bước xuống công viên, tôi đã phải chịu đựng cái mùi ấy đấy các bạn ạ.
Sân đấu futsal là lãnh thổ dành cho những kẻ hâm mộ Botafogo FR. Có những ngày tôi đến và bọn họ đã chiếm lấy mảnh sân, vậy là tôi đành phải đá bóng dọc xung quanh ở bên ngoài một mình. Cũng có những ngày tôi đến và chẳng có ai chơi bóng cả. Điều đấy cũng chẳng phải là vấn đề gì to tát – Marcelito bé nhỏ ngày nào mà không có mặt ngoài đó.
Cái mùi từ ống nước thải ấy ghi một dấu ấn sâu đậm trong ký ức của tôi, bên cạnh là cảm giác được chạm chân vào trái bóng. Tôi đã nhận ra sẽ có gì đó đến với mình. Bất kể khi nào bạn có bóng ở trong chân, bạn đều cảm thấy thư thái. Bạn không cần ai để chơi cùng. Tất cả chỉ xoay quanh trái bóng mà thôi.
************
Cũng là mùa hè ấy, World Cup 1994 được tổ chức ở Mỹ. Ở Brazil, ngay trước thềm World Cup khởi tranh, xóm làng nào cũng ùa ra ngoài đường để cùng nhau vẽ những bức bích hoạ. Đâu đâu cũng nổi bật lên ba màu xanh lá, xanh dương và vàng – dù có là mặt đường, bức tường, hàng rào hay ngay cả...trên khuôn mặt của mọi người. Đấy thật sự là một kỷ niệm đặc biệt đối với mọi đứa trẻ ở Brazil. Có một lần tôi được đọc mẩu chuyện mà Ronaldo từng chia sẻ, rằng anh cũng có một thời băng ra đường và phụ người lớn vẽ mặt Zico lên tường nhà, ngay trước thềm World Cup 1982.
Phải, đoán xem, chính Ronaldo đấy.
Vào năm tôi sáu tuổi, nếu bạn được tôi và tụi hàng xóm vẽ chân dung trên đường phố quanh nhà. Chắc chắn bạn là người hùng trong lòng chúng tôi. Mảnh ký ức ấy đã được đính chặt vào trái tim tôi.
Đôi khi những gì bạn nhớ cũng có vài thứ hài hước. Tôi không nhớ lắm cái ngày được xem Brazil thắng trận chung kết. Tất cả khá mù mờ. Nhưng tôi luôn nhớ rõ một tấm hình được đưa lên trang bìa của tờ báo địa phương. Đó là hình ảnh đội tuyển trở về quê nhà, Romario đã đu người trước cánh cửa sổ của phòng lái máy bay, vẫy mạnh lá cờ Brazil cứ như thể ông ấy giúp chúng tôi chinh phục thế giới vậy.
Tôi còn nhớ khi nhìn thấy bức ảnh ấy, trong người tôi bừng lên một cảm xúc tự hào. Và tôi nghĩ, “Chúa ơi, con mong có một ngày được như thế này.”
Dĩ nhiên, thời bấy giờ, đó là một giấc mơ kỳ quặc với khá nhiều lý do. Đầu tiên, Brazil có dân số là 200 triệu người, và ai ai trong số họ cũng đều muốn trở thành cầu thủ (kể cả mấy lão già). Thứ hai, lúc ấy tôi chưa phải là cầu thủ thực sự. Tôi chỉ là một thành viên thuộc đội futsal sân năm người của địa phương. Chu du cùng một câu lạc bộ bóng đá không phải là điều thực tế đối với hoàn cảnh gia đình tôi. Có thể những ai ở Anh hoặc Mỹ sẽ không hiểu được chuyện này, nhưng xăng ở Brazil rất là đắt đỏ vào những tháng ngày mà tôi còn bé.
Nhưng may mắn thay, ông tôi là người luôn sẵn lòng hy sinh mọi thứ vì tôi. Ông thực sự là một nhân vật quan trọng trong chuyện đời của tôi. Nếu bạn muốn hình dung về ông, thì...ông sẽ là một nhân vật chính. Ông luôn xuất hiện với cặp kính mát ngầu lòi, cùng một câu nói không lẫn ở đâu được. Ngày nào ông cũng nói câu ấy khi ông ra ngoài gặp gỡ bạn bè.
Để tôi nghĩ cách chuyển ngữ nó qua tiếng Anh xem?
Ờm, ông nói thế này này...
“Mẹ kiếp, nhìn tao này. Chả một xu dính túi, nhưng tao vẫn thấy yêu đời vãi cả đạn!”
Ông thường đánh xe đưa tôi đến sân futsal bằng chiếc Volkswagen Variant cũ mèm. Tôi nghĩ là nó phải từ năm 1969. Nhưng khi tôi bắt đầu phải theo đội bóng ngày càng nhiều vào những năm 8-9 tuổi, thì chi phí cho tiền xăng xe, bữa ăn trưa cùng nhiều thứ khác là quá cao, thế là ông đã đưa ra một quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi.
Ông bán đi chiếc xe của mình và dùng số tiền ấy để mua cho chúng tôi xấp vé đi xe buýt. Hy sinh một thứ như thế, có thể bạn nghĩ rằng ông sẽ cảm thấy mất tất cả hoặc buông một câu đại loại, “Mẹ ơi, tội nghiệp thân tôi.”
Nhưng không, ông nói thế này mới kinh.
“Cháu trai ta là cầu thủ xuất sắc nhất Rio! Cầu thủ xuất chúng nhất Brazil! Người tài ba nhất! Kẻ không thể bị đánh bại!”
Trong đôi mắt ông, tôi là một con người hoàn hảo. Có một chuyện hài hước. Mỗi khi về nhà sau khi đến xem trận đấu của tôi, ông thường kể với bố, “Mày phải đi xem thằng Marcelo đá đi! Biết hôm nay nó làm được gì không? Lạy chúa. Đôi chân thằng nhỏ như có phép. Thật không thể tin được!”
Tuy nhiên, đối với bố, việc đi xem tôi thi đấu thật sự không dễ dàng vì bố luôn phải tối mặt với công việc. Bố cứ tưởng ông tôi bị điên. Phần vui nhất của câu chuyện là khi tôi chơi cực dở và đội bóng thua cuộc. Ông chỉ nhún vai và nói, “Uầy, thôi kệ đi. Lần tới cháu sẽ làm tốt hơn thôi.”
Ông luôn khiến tôi cảm thấy mình giống như Ronaldo vậy. Tôi thề với Chúa, tôi bước vào nhà với ngực ưỡn ra phía trước, tự mãn, “Vâng, con là một cầu thủ thực thụ đây.”
Vào một ngày lúc năm tôi 12 tuổi, ông đánh xe đến rước tôi sau một trận đấu, đó là một chiếc Volkswagen “Con bọ” màu cam.
Ông réo lên, “Vào xe đi, ông đưa cháu về nhà.”
Tôi ngẫn ngơ, “Ủa? Ở đâu ra chiếc xe thế ông?”
Ông trả lời,
“Jogo do Bicho.”
Ở Rio, chúng tôi có một thú chơi mang tên “vé số in hình động vật.” Nó không hoàn toàn hợp pháp, tuy nhiên mọi người cũng chẳng bận tâm. Bạn chọn một con số tương ứng với một con vật, ví dụ như một con đà điểu hay gà gì đó, đại loại thế. Mỗi ngày sẽ có một con vật mới được vẽ và nếu tương ứng với con bạn chọn thì bạn sẽ thắng. Tôi không rõ ông đã trúng bao nhiêu, nhưng ông đã dùng số tiền ấy để mua chiếc “Con bọ” này.
Đó là một sự kiện tuyệt vời. Chúng tôi đã đi khắp nơi trên chiếc xe ấy. Nhưng năm tôi 15 tuổi, tôi được mời để thi đấu bóng đá 11 người thực thụ cùng đội trẻ Fluminense. Vấn đề nằm ở chỗ khu huấn luyện ở tuốt bên Xerem, phải mất tận hai tiếng đồng hồ để đi từ nhà đến đó, chúng tôi không thể nào trả nổi tiền cho chi phí xe cộ đi lại mỗi ngày. Vậy là tôi quyết định ở lại đó trong khu ký túc xá. Tôi ở Xerem có một mình, cách xa gia đình. Ông tôi vẫn đánh xe đến đón tôi vào tối thứ bảy và tôi có thể dành cả ngày chủ nhật thăm nhà ở Rio, trước khi ông đưa tôi về lại khu huấn luyện.
Có điều này bạn cần phải hiểu. Ông thắng “vé số động vật.” Nhưng tiền thưởng thì không nhiều nhặn gì. Thế nên chiếc xe ông mua cũng là hàng cũ mèm từ thập niên 1970. Cứ mỗi lần mà lỡ đánh tay lái quá mạnh, đài radio nó cũng tự động chuyển kênh!
Sau một lần về thăm nhà, và đang trên đường trở về Xerem, tôi cảm thấy quá mệt mỏi. Tôi có cảm tưởng như mình là nô lệ của bóng đá. Tôi nhìn thấy bạn bè mình ở nhà được chơi bóng dưới biển và tận hưởng cuộc sống, trong khi bản thân cứ phải lao đầu vào luyện tập.
Ngày kia, ông đến đón tôi và tôi liền thở dài với ông, “Cháu oải quá rồi. Cháu bỏ cuộc đây, cháu sẽ về nhà.”
Ông phát hoảng, “Này, này, này. Không được như thế. Cháu không được làm thế đâu. Chúng ta đã chiến đấu tới đây rồi mà.”
Tôi chán nản, “Cháu bị dính chặt với băng ghế dự bị. Cháu đang phí hoài tuổi trẻ của mình. Cháu chán lắm rồi.”
Và, ông bật khóc.
Ông bảo tôi, “Marcelo, cháu bình tĩnh lại. Cháu không thể bỏ cuộc. Ông phải được xem cháu chơi trên Maracana vào một ngày nào đó.”
Đó thật sự làm lay động tâm can tôi. Tôi dạ với ông, “Cháu nghe lời ông, cháu sẽ tiếp tục cố gắng thêm một tuần nữa.”
Từ lúc ấy, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nữa.
*************
Hai năm sau, trên khán đài đứng, ông trông tôi bước vào sân vận động Maracana cùng đội một của Fluminense. Ông biết. Ông đã đánh cược tất cả cho tôi ngay từ những ngày đầu, ông đã biết trước tất cả.
Năm tôi 18 tuổi, một vài đội bóng ở châu Âu bắt đầu đến mời chào. Tôi nghe nói rằng CSKA Moscow muốn có tôi, và cả Sevilla nữa. Thời điểm ấy, Sevilla đang nổi như cồn, và họ có nhiều cầu thủ Brazil trong đội hình, thế nên tôi nghĩ rằng, “Hay đến đó cũng là một quyết định thật tuyệt.”
Một ngày kia, tôi nhận được cuộc gọi từ một văn phòng đại diện. Người đàn ông đầu dây bên kia lên tiếng, “Cậu có muốn đến Real Madrid không?”
Hắn nói tỉnh bơ thế đấy.
Tôi chưng hửng, “Hở. Ờ, đương nhiên rồi?”
Nhưng lúc ấy, tôi không biết hắn là ai.
Hắn tiếp tục, “Vậy thì cậu sẽ đến Real Madrid. Chuẩn bị đi.”
Vài tuần sau, chúng tôi đang thi đấu ở Porto Alegre, thì Real Madrid đã cử vài người đến gặp tôi trong khách sạn. Vậy là tôi bước xuống sảnh và gã đàn ông ấy tự giới thiệu bản thân. Nhưng hắn không mang huy hiệu của Real. Hắn cũng không đưa cho tôi danh thiếp hay bất cứ gì.
Hắn chỉ hỏi tôi vu vơ, “Thế cậu có bồ chưa?”
“Ờ, có.” Tôi trả lời.
Hắn tiếp tục, “Cậu ở cùng với ai?”
“Thì cùng với bà” tôi lại trả lời.
Và không có danh thiếp cụ thể gì. Cũng không có cả giấy tờ chi cả. Trong tôi bất giác nghĩ thầm, “Cái này là thật chứ? Hay hắn lừa đưa mình qua Siberia hay đâu đấy?”
Hai ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi rằng Real muốn tôi đến Madrid ngay để “kiểm tra y tế.”
Tôi hơi thấp thỏm, “Cái này hợp pháp không đây trời?”
Bạn phải hình dung hoàn cảnh của tôi lúc ấy. Đến năm 16 tuổi, tôi thậm chí còn không biết Champions League là cái chi chi. Tôi còn nhớ có một đợt – khi đang ngồi trong phòng của đội bóng ở Xerem, cùng một vài gã xem TV. Đó là trận đấu Porto gặp Monaco. Nhưng trận đấu đó trông rất khác. Nó diễn ra vào ban đêm, dưới những ánh đèn sáng loáng, và bao trùm bởi người xem. Nhìn mặt sân tuyệt đẹp. Ở giải vô địch quốc gia Brazil, ít ra là trong thời điểm đó, đèn sân không hề sáng như thế. Còn mặt cỏ, cũng chẳng bao giờ xanh mơn mởn.
Trận đấu đấy cứ như được phát sóng từ một hành tinh nào đấy tôi không hề biết.
Tôi nói với lên, “Ê, cái quái gì thế này?”
Người bạn trả lời, “Champions League đấy bồ.”
Tôi hỏi tiếp, “Champions cái gì cơ?”
Hắn hằn giọng, “Thôi nào bồ, đây là trận chung kết Champions League.”
Tôi không hề biết cái thứ hắn nói là cái gì. Ở Brazil, Champions League chỉ được phát trên những kênh phải trả tiền. Vậy nên đa số người dân không thể tiếp cận được.
Trở lại câu chuyện, như tôi đang kể, tôi lên máy bay đến thẳng Madrid.
Hãy nhớ rằng, đó là lúc tôi chỉ mới 18. Thề có chúa rằng tôi chỉ nghĩ đi đến đó chỉ để tán gẫu. Ngay lúc tôi vừa đến để gặp mặt đại diện câu lạc bộ, tôi nhìn thấy một bản hợp đồng trên bàn, nó có logo Real Madrid in nổi và nhiều thứ khác, rồi tôi nhanh chóng ký luôn cái thứ đó.
Sau đấy, những gã mặt áo vest dẫn tôi ra thẳng sân vận động. Họ giới thiệu tôi với phương tiện đài báo. Tôi đã không biết gì. Gia đình tôi ở Brazil nói rằng họ không hề tin nổi cho đến khi xem một bản tin trên kênh Globo Esporte:
“TÀI NĂNG TRẺ 18 TUỔI MARCELO ĐƯỢC THÔNG BÁO GIA NHẬP REAL MADRID.”
************
Hết phần một.
Nguồn:
Marcelo. But First We Attack. The Players’ Tribune.
PHƯƠNG GP (TTVN)