Manuel Pellegrini: Kỹ sư yêu bóng đá và nghệ thuật

Tác giả CG - Thứ Năm 10/11/2022 16:59(GMT+7)

Manuel Pellegrini luôn điềm tĩnh. Ẩn sau vẻ ngoài điềm đạm, tác phong tĩnh lặng đó là bộ não luôn suy nghĩ, đôi mắt luôn quan sát để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Tư duy của một kỹ sư giúp ông có điều đó, còn niềm đam mê nghệ thuật của Pellegrini khiến thứ bóng đá mà ông truyền tải luôn có nét đẹp trong đó.

 

 

1. Khi Manuel Pellegrini - người đàn ông với dáng vóc cao gầy - ngồi xuống một chiếc ghế ở khu tập luyện của Real Betis, ông đăm chiêu suy nghĩ. Ông không vội vã nhưng đồng hồ vẫn điểm tích tắc, thời gian vẫn trôi. HLV trưởng của Real Betis có một trận đấu ở đấu trường Europa League vào thứ năm, một trận đấu với Girona vào cuối tuần, xen kẽ hai trận đấu là các buổi tập. Và ông muốn đến Bảo tàng Mỹ thuật để xem những bức tranh của Zurbaran và Goya.

Giống như tất cả những vị HLV đã gặt hái thành công khác, Pellegrini dành tâm huyết cho bóng đá. Nhưng ông không hoàn toàn đắm chìm trong đó. Ông nói: “Đó không phải tất cả những gì tôi quan tâm. Tôi dành thời gian cho việc đọc sách, nghệ thuật và những bãi biển”. Đó là những ưu tiên của ông và cũng cấp thiết như cách ông chuẩn bị cho các đối thủ tiếp theo. “Tôi luôn cố gắng sống như thể mình chỉ còn một ngày để sống bởi tôi không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì”.

Là HLV trưởng, Pellegrini thường không được nhắc đến cùng những Pep Guardiola, Jose Mourinho, Jurgen Klopp hay Carlo Ancelotti vì ông không có nhiều danh hiệu như họ.  Ông không có Champions League. Dù làm việc ở Tây Ban Nha 11 mùa giải, ông chưa từng đoạt LaLiga. Trong mùa giải thứ hai ở West Ham - bến đỗ gần nhất của ông tại Premier League - ông bị sa thải trước Giáng sinh. Tuy nhiên, không nhiều HLV giành nhiều chiến thắng như chiến lược gia người Chile.

Và ông làm điều đó theo phong cách riêng. Pellegrini có bằng kỹ sư xây dựng dân dụng và đã từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đó ngay cả khi đã tham gia công tác huấn luyện. Ông thường đến các bảo tàng nghệ thuật ở bất cứ vùng đất nào ông đặt chân tới. Ví dụ, ông nhận lời làm HLV ở Trung Quốc một phần để có thể hòa mình và hiểu văn hóa ở đó, trong khi ông cũng sẵn sàng bay tới Tây Ban Nha trong một ngày dù đang sống tại Manchester chỉ để bơi ở Địa Trung Hải.

Ông thích phong cách sống như vậy và nó cũng giúp ông giành chiến thắng trong các trận đấu. “Nếu tôi cần thay đổi phong cách sống và chỉ quan tâm tới bóng đá, tôi không thể là một HLV thành công được”, Pellegrini chia sẻ.

Gần như ở mọi nơi nhà cầm quân người Chile đặt chân tới ông đều có được thành công. Khi còn là một HLV trẻ ở Nam Mỹ, ông đã đoạt Copa Sudamericana, chức vô địch Ecuador và danh hiệu Clausura của Argetnina. Kể từ khi vượt Đại Tây Dương để tới châu Âu vào năm 2004, ông đã làm việc cho 6 CLB của lục địa già. Tại 4 đội bóng trong số đó, Pellegrini là HLV có tỷ lệ chiến thắng cao nhất lịch sử CLB.

Ông là HLV có tỷ lệ chiến thắng cao nhất lịch sử của Villarreal và Malaga - những đội bóng không có truyền thống lịch sử hào hùng. Tại Real Madrid, ông là HLV giành được nhiều điểm số nhất trong một mùa giải tính trong lịch sử CLB này. Trong 3 năm dẫn dắt Manchester City, ông đoạt Premier League và 2 League Cup. Ông rời đi với sự vị nể của mọi người, thậm chí chủ tịch Khaldoon Al Mubarak đã mua tặng ông một bức tranh của L.S. Lowry - họa sĩ người Anh mà Pellegrini ngưỡng mộ.

Pellegrini biết cách thu phục những ngôi sao. Ông từng huấn luyện Cristiano Ronaldo, Ruud van Nistelrooy, Raul, Sergio Aguero, Karim Benzema và Kaka. Ông là vị HLV hiếm hoi có thể khiến mọi cầu thủ tài năng dù cá tính nhất cũng phải tôn trọng. 

Ngược lại, ông cũng biết cách thu phục những cầu thủ vô danh. Nhìn lại quá khứ, bạn sẽ thấy những tên tuổi nổi tiếng từng làm việc dưới trướng của Pellegrini nhưng nhiều người trong số họ chưa có chút tiếng tăm nào khi ông mới làm việc với họ. Gonzalo Higuain - người mới chỉ có 2 năm kinh nghiệm thi đấu tại châu Âu khi làm việc dưới thời Pellegrini ở Real Madrid - cho biết: “Lúc đó tôi còn rất trẻ và chúng tôi đã có sợi dây kết nối rất nhanh. Ông ấy biết cách khơi dậy niềm tin của các cá nhân và giúp họ hòa vào tập thể. Tôi rất thích thi đấu cho ông ấy”.

Hiện tại, Pellegrini đang làm được điều đó ở Real Betis. Trong thập kỷ trước khi Pellegrini đặt chân tới làm việc, Betis sa thải HLV gần như một người/năm. Năm 2019, họ xếp thứ 15 trên BXH với thứ bóng đá nhạt nhòa. Sau đó, Pellegrini xuất hiện. Ông không tạo ra những thay đổi nhân sự quá mạnh mẽ, không giúp đội bóng lột xác một cách bất ngờ nhưng đã thắp sáng và dẫn lối đưa đội bóng tới vị trí thứ 5 ở LaLiga.

“Khi ông ấy tới, mọi người đều nói ông ấy nên thay đổi hệ thống. Tuy nhiên ông ấy không làm vậy. Đơn giản là ông ấy trao mọi người cơ hội”, Rodri của Betis chia sẻ.

 

Trong mùa giải thứ hai của Pellegrini, Betis đoạt danh hiệu Copa del Rey lần thứ ba trong lịch sử. Năm nay, Betis bất ngờ lại đang là ứng viên cạnh tranh suất tham dự UEFA Champions League. Trước trận derby Andalusia với Sevilla ở vòng 13, Betis thậm chí bằng điểm đội xếp thứ 3 là Atletico Madrid (23 điểm). Tất nhiên, ở lại top 4 không hề dễ dàng khi có những ứng viên cạnh tranh quyết liệt khác là Real Sociedad, Athletic Bilbao và Osasuna. Trong khi đó, Betis lại không có đội hình dày đồng thời vẫn phải thi đấu tại Europa League.

Dù sao đi chăng nữa, nói về cơ hội vô địch LaLiga của Betis bên cạnh những đối thủ như Real Madrid hay Barcelona là điều khó tưởng. Song, với đội hình tài năng mà Pellegrini được thừa hưởng ở Betis, có lẽ ông đang trong quá trình tạo ra một cột mốc vĩ đại nhất cho sự nghiệp của mình.

Pellegrini có biệt danh là “kỹ sư” bởi ông đúng là một kỹ sư “xịn”. Tuy nhiên, ông tin rằng mình có tâm hồn của một họa sĩ hay có thể là nghệ sĩ dương cầm. Ông yêu thích nghệ thuật, thẩm mỹ. “Trong cách chơi tôi mong muốn đội bóng mình thể hiện, tôi cố gắng phản ánh sự yêu thích của tôi dành cho nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ”, chiến lược gia người Chile cho biết.

Pellegrini không thích thứ bóng đá xấu xí. Mùa đông 2021, Betis hành quân đến sân của Rayo Vallecano để đá trận bán kết Copa del Rey. Đứng trên sân bóng có phần xấu xí, ông cảm thấy không hài lòng. Ông chia sẻ: “Mọi người mua vé để xem giải trí. Họ trả tiền cho bản quyền truyền hình cũng để xem một trận đấu giải trí. Một sân bóng như thế này sẽ không hủy hoại đội bóng của chúng tôi. Không! Nó sẽ hủy hoại LaLiga, nó sẽ hủy hoại bóng đá”.

HLV Unai Emery từng nói rằng các đội bóng mà Pellegrini dẫn dắt phản ánh cá tính của chính chiến lược gia Chile. Các đội bóng ấy đều được tổ chức bài bản, có sự cơ động, đủ sự tự tin để sáng tạo và nhận thức được tài năng của mình. Trong khi đó, Joaquin - người từng thi đấu cho Pellegrini ở Malaga và hiện tại là Betis - cho biết: “Để có một đội bóng năng nổ bạn cần thứ bóng đá năng nổ, điều đó khiến phòng thay đồ tràn đầy khát khao chiến thắng. Triết lý của Manuel Pellegrini rất rõ ràng. Ông huấn luyện những đội bóng vui vẻ tích cực đang tìm những con đường tới chiến thắng”.

Tinh thần đổi mới của Pellegrini bắt đầu từ khi ông còn làm việc ở Universidad de Chile. Năm 1998, mùa giải đầu tiên ông làm HLV trưởng sau 13 năm chơi bóng với tư cách cầu thủ, ông tham gia một khóa huấn luyện ở Anh. Trong gần 1 tháng, ông đắm mình vào chiến thuật và chiến lược của bóng đá Anh tại Trung tâm Hội nghị và Thể thao Quốc gia Lilleshall tại Shropshire. Sau đó, Pellegrini trở về nhà với một góc nhìn mới.

Thời điểm ông trở về quê nhà, Universidad bước vào trận đấu cuối cùng của mùa giải VĐQG Chile. Trong quãng thời gian Pellegrini không ở đó, đội bóng của ông đá 3 trận và thua cả 3. Trong ngày thi đấu cuối cùng, Universidad thua tiếp và lần đầu tiên trong lịch sử bị xuống hạng. 

Pellegrini rất buồn nhưng không hối hận. Ông tin rằng tương lai sự nghiệp của mình sẽ không chỉ ở Chile. Tại Lilleshall, ông đã học cách tấn công trong không gian hẹp - một vũ khí chiến thuật ông sử dụng ở bất cứ đội bóng nào ông dẫn dắt. Ông nhấn mạnh: “Đó là điều rất rất quan trọng với sự nghiệp của tôi. Những không gian nhỏ, kiểm soát bóng, di chuyển, tất cả bắt đầu từ những gì tôi học được ở Anh. Và tôi đã mang nó trở về Nam Mỹ và sau đó vẫn tiếp tục sử dụng”. Nhiều năm về sau, ông vẫn mô tả khóa học ở Lilleshall là quyết định đúng đắn nhất ông từng thực hiện.

Năm 2001, Pellegrini dẫn dắt đội bóng San Lorenzo của Argentina và cũng là CLB thứ 7 trong sự nghiệp. Tại đây, ông đã dạy các cầu thủ những gì ông học được ở Anh, bao gồm cách di chuyển không bóng vốn không phổ biến ở Nam Mỹ thời điểm đó. “Ban đầu, các cầu thủ tỏ ra khá ngờ vực. Nhưng khi họ bắt đầu làm theo cách đó và cảm thấy thích thú, mọi thứ đã thay đổi”, Pellegrini chia sẻ.

Pellegrini biết rõ ông muốn đội bóng của mình sẽ thi đấu như thế nào trên sân - các hậu vệ sẽ trám vào những vị trí mà các tiền đạo cánh bỏ lại, liên tục di chuyển trong khu vực cấm địa. Nhưng không giống nhiều HLV khác, ông không yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu trong một sơ đồ cố định hay dựa vào một chiến lược đã định trước. Từ mùa giải đầu tiên, ông đã luôn đánh giá mọi thứ bằng “cái đầu rỗng” và một cặp mắt mới mẻ. “Mỗi năm tôi lại bắt đầu từ con số không”, Pellegrini nhấn mạnh.

Khi đã biết mình có những gì trong tay, ông sẽ tiến hành làm việc để tất cả mọi người cùng đóng góp vào tập thể. Và sau đó ông làm rõ trách nhiệm của mọi người. Joaquin chia sẻ: “Những cầu thủ không được ra sân nhiều sẽ cảm thấy không vui, đó là lẽ tự nhiên. Manuel giải thích cho từng cầu thủ trong phòng thay đồ về vai trò của họ và lý do họ vẫn là nhân tố quan trọng”.

Triết lý của Pellegrini là đối xử với tất cả mọi người như những người trưởng thành. Điều đó hiệu quả ở những CLB nhỏ - nơi không có nhiều kỳ vọng gặt hái danh hiệu - và thậm chí còn hiệu quả hơn ở những CLB lớn. Chiến lược gia người Chile nói: “Nhiều người nghĩ sẽ khó làm việc khi nắm trong tay nhiều cầu thủ đã gặt hái thành công. Với tôi, có lẽ 90% thứ làm nên một HLV thành công là cách quản lý tập thể. Chính vì thế bạn phải hiểu tính cách các cá nhân trong đó. Tính cách Raul khác Cristiano Ronaldo và Borja Iglesias như thế nào, đó là mấu chốt”.

Pellegrini gần gũi các cầu thủ để hiểu con người họ. Khi gặp nhau, họ gọi ông là “Thầy” (Mister) - một từ thể hiện sự kính trọng. Khi ông không có mặt, các cầu thủ vẫn hành xử như thể ông đang ở đó. Nếu có vấn đề trong nội bộ CLB, ban đầu ông thường không làm gì. David Alvarez - HLV thể lực ở Betis, người đã làm việc cùng Guardiola ở Barcelona - chia sẻ: “Ông ấy đủ kiên nhẫn để nói ‘Cứ đợi 2-3 ngày xem như thế nào’. Nếu bạn không biết ông ấy, có lẽ bạn sẽ nghĩ ‘Ông HLV đó cứ mặc kệ mọi chuyện đến đâu thì đến’. Nhưng không, ông ấy quan sát hết và biết điều gì đang diễn ra. Cách của ông ấy là đợi đến đúng thời điểm mới lên tiếng. Ông ấy không thấy có gì phải vội cả”.

Còn bản thân Pellegrini thì nói: “Tôi biết khi nào phải lên tiếng và khi nào không nên nói gì. Trong những thời điểm đó, khi bạn đưa ra những quyết định ấy và giao tiếp với cầu thủ đúng cách, đó chính là những khoảnh khắc quan trọng của bạn với tư cách một HLV trưởng”.

 

2. Khi đoạt danh hiệu Clausura của Argentina cùng River Plate, Pellegrini đã 49 tuổi. Thời điểm đó, ông biết bản thân cần tới châu Âu. Và điểm đến của ông là một thành phố Tây Ban Nha có khoảng 50.000 người, một CLB mới chỉ đá ở LaLiga 5 năm với mức lương ít hơn 1/3 con số ông được mời chào tại Mexico. Ông mô tả Villarreal là “một CLB nhỏ trong một thị trấn rất nhỏ”.

Tuy nhiên điều đó không thành vấn đề. Đó chính là cầu nối mà ông cần để từ Nam Mỹ đến châu Âu. Ông đã sẵn sàng học hỏi để có thể cạnh tranh với những đồng nghiệp giỏi nhất trong nghề.

Tập thể Villarreal đầu tiên của Pellegrini đã không thắng tại LaLiga cho đến vòng 6. Nhưng bằng cách nào đó, kết thúc mùa giải, họ chỉ xếp sau Barcelona và Real Madrid. Mùa bóng 2005/06, Villarreal giành vé tham dự vòng bảng Champions League. Họ đánh bại Rangers và Inter Milan ở vòng đấu loại trực tiếp trước khi thua Arsenal ở bán kết.

Năm 2008, họ giành ngôi á quân LaLiga và xếp trên cả Barcelona. Toàn bộ mọi thứ như một câu chuyện cổ tích. Thậm chí đến tận bây giờ, Pellegrini vẫn cảm xúc mỗi khi gặp đội bóng mang màu áo vàng. “Đó là CLB tôi sẽ không bao giờ quên”, ông khẳng định. Chiến lược gia người Chile từng nghĩ ông có thể ở lại Villarreal mãi mãi, cho đến khi cuộc điện thoại từ Real Madrid đến.

Cuối cùng, ông chỉ tại vị ở Los Blancos 1 mùa giải. Dù mất Cristiano Ronaldo trong gần 2 tháng, đó vẫn là mùa giải bùng nổ của Real Madrid: kỷ lục 96 điểm tại LaLiga, trong đó bao gồm chuỗi 12 chiến thắng liên tiếp từ tháng 1 tới tháng 4. Tuy nhiên, chuỗi trận đó đã khép lại với thất bại 0-2 trước Barcelona của Guardiola ngay ở Madrid. Và kết quả ấy giúp Barcelona vươn lên dẫn đầu và đứng ở vị trí đó đến hết mùa. 96 điểm nhưng chỉ là một đội á quân của 1 trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, thật nghiệt ngã.

Gonzalo Higuain: “Hãy tưởng tượng mà xem, bạn có 96 điểm và không thể đoạt chức vô địch vì phía trước là một Barcelona mạnh nhất lịch sử. Thật sự điên rồ. Ông ấy quá đen đủi”.

Cho đến nay, vinh quang lớn nhất Pellegrini giành được là tại Manchester City khi ông giúp đội bóng đoạt chức vô địch Premier League. Nhưng những gì ông đã làm được trước đó tại Malaga còn đáng chú ý hơn.

Abdullah al-Thani - một hoàng thân tại Qatar - đã mua CLB với mục tiêu tạo ra thế cạnh tranh với Real Madrid và Barcelona. Ông đã mang về những tên tuổi lớn như Ruud van Nistelrooy, Isco, Nacho Monreal và Santi Cazorla. Sau đó, ông đột ngột thay đổi định hướng và tất cả mọi người ra đi, ngoại trừ Isco.

Mùa giải 2011/12, Pelegrini được chọn là HLV trưởng Malaga với mục tiêu đưa đội bóng giành vé tham dự Champions League. Mùa bóng tiếp theo, sau khi tất cả ngôi sao ra đi trừ Isco, ông không còn đủ chiều sâu lực lượng để cạnh tranh trong lịch thi đấu dày đặc của LaLiga. Chính vì vậy, Pellegrini hướng sự tập trung sang đấu trường châu Âu. Cuối cùng, Malaga giành quyền tham dự vòng bảng Champions League và lọt tới vòng tứ kết.

Tại Manchester City, có lẽ Pellegrini là “HLV tạm quyền” tại vị lâu nhất lịch sử bóng đá. Khi đó, CEO Ferran Soriano và Giám đốc Thể thao Txiki Begiristain đều muốn đưa Guardiola về Etihad. “Chúng tôi sẽ mời ông nếu Pep không đến” là những gì lãnh đạo Man City nói với Pellegrini. Chính vì vậy, có thể coi chiến lược gia người Chile như một HLV tạm quyền trong lúc Man City đợi cái gật đầu của Guardiola, dù về danh nghĩa ông là HLV chính thức. Trong suốt 3 mùa giải, Pellegrini đã đưa Man City đạt đến đẳng cấp phù hợp với Guardiola. Đúng như CEO Soriano từng nói, Pellegrini có dấu ấn với tất cả những gì diễn ra ở Man City sau đó.

 

Tại thành Manchester, ông đoạt danh hiệu vô địch với lối chơi tấn công bùng nổ. Man City dưới thời ông là đội bóng đạt cột mốc 100 bàn thắng nhanh nhất lịch sử Premier League. “Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá tấn công, thứ bóng đá ngoạn mục. Chúng tôi kiểm soát trận đấu, các hậu vệ biên chồng cánh liên tục. Ông ấy tin tưởng các cầu thủ có tài năng để mang tới sự sáng tạo”, hậu vệ phải Pablo Zabaleta khẳng định.

Và sau quãng thời gian không thành công cùng West Ham, Real Betis là nơi xóa đi những ký ức buồn tại London. Có lẽ không nơi nào phù hợp với ông hơn Seville - một thành phố xinh đẹp với những lễ hội, hội chợ và là nơi có sự cân bằng giữa niềm vui và công việc. 

Trong khi đó, cổ động viên Betis rất cuồng nhiệt, mang đến niềm cảm xúc dâng trào cho đội bóng. Với Pellegrini, họ đã tìm thấy một người dẫn lối. Ông rất được yêu quý ở đây, nhất là khi sau một thập kỷ, Betis thăng hoa còn Sevilla có phần sa sút.

3. Nếu quan sát Pellegrini thời gian gần đây, bạn sẽ thấy ông thường đứng ở đường biên trong chiếc áo đen bó sát và đi một đôi giày thể thao. Iglesias - người đã thi đấu cho Pellegrini từ năm 2020 - nói rằng anh chưa bao giờ thấy ông thầy của mình lớn tiếng.

“Kỹ thuật sắp xếp trí não giúp bạn hiểu mình phải suy nghĩ ra sao để đạt được thành công, để hiểu mức độ ưu tiên của những vấn đề bạn phải đối diện. Khi bạn đưa ra quyết định trong những thời khắc ngặt nghèo, bạn phải thật lạnh lùng, không được bốc đồng. Khi đó, bạn phải suy nghĩ như một kỹ sư”, Pellegrini chia sẻ.

Ông chỉ đứng khoanh tay và quan sát trận đấu, thỉnh thoảng thể hiện một vài hành động. “Trong những thời điểm khó khăn, ông ấy trao đổi với chúng tôi và điều đó giúp toàn đội bình tĩnh. Khi một cầu thủ bình tĩnh, tư tưởng thoải mái, anh ta sẽ thi đấu tốt hơn. Nếu phải kể ra một bí quyết nào đó của chúng tôi thì chính là điều đó”, Joaquin chia se.

Lúc này, Pellegrini vẫn đang tận hưởng hành trình của mình. Khi sinh nhật 70 cận kề (ngày 16/11 tới ông bước sang tuổi 70), ông vẫn không có ý định giải nghệ. Tất cả những gì muốn làm ông đều đã làm “Đọc sách, du lịch, đến các bảo tàng, bãi biển tôi đều đã làm. Tôi còn bao nhiêu năm nữa, tôi không biết được. Nhưng tôi sẽ luôn làm HLV”, HLV trưởng Betis nhấn mạnh.

 

Có thể nói, Pellegrini giống một họa sĩ hay một tác giả sách hơn là một HLV. Tuy nhiên, ông có tài năng và những HLV hàng đầu dành sự nghiệp mộ cho ông với những gì đã làm được ở Villarreal hay Malaga. Trong khi đó, những người khác đều thừa nhận những gì ông tạo nên ở Manchester City. Klopp gọi Pellegrini là “một trong những HLV thành công nhất hành tinh” còn Guardiola tự nhận mình là “người hâm mộ” của ông.

Đối với Pellegrini, ông không còn điều gì phải chứng minh nữa. Khi được hỏi Pellegrini sẽ có vị trí nào trong ngồi đền những HLV huyền thoại, Unai Emery dang rộng hai tay, nhún vai và trả lời: “Tôi nghĩ ông ấy là HLV giỏi nhất thế giới”.

Theo Bruce Schoenfeld | ESPN

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.