Xuyên suốt sự nghiệp huấn luyện lẫy lừng của mình, Jose Mourinho từng là “chất xúc tác” gây dựng thành công cho rất nhiều tiền vệ hàng đầu thế giới, từ Deco ở Porto, Lampard, Essien ở Chelsea cho đến những Sneijder, Cambiasso tại Inter Milan hay Oezil, Xabi Alonso tại Real Madrid…
Tuy nhiên, để nói về một cầu thủ chơi ở tuyến giữa hội tụ đầy đủ những phẩm chất kiểu mẫu theo phong cách của Người đặc biệt, chắc chắn không thể nào thiếu được cái tên Nuno Maniche, ngôi sao từng biết ơn Mourinho tới mức phải thốt lên rằng: “Chẳng ai hiểu được tôi như Mourinho, không chỉ dưới góc độ một cầu thủ mà cả về con người tôi nữa”.
Công bằng mà nói thì Maniche đã không có một sự nghiệp rực rỡ kéo dài. Tuy nhiên, những ngày tháng thăng hoa trong màu áo Porto và ĐT Bồ Đào Nha dường như cũng là quá đủ để người ta nhớ về hình ảnh một tiền vệ mạnh mẽ, giàu năng lượng nhưng cũng không kém phần tinh tế với các tình huống làm bàn đầy ngoạn mục và đặc biệt là những cú sút xa làm nên thương hiệu Maniche.
Sự thật là Maniche từng làm việc với Mourinho trước cả khi chuyển sang Porto. Đó là thời điểm tháng 9/2000, khi nhà cầm quân người Bồ Đào Nha nhận được công việc huấn luyện lần đầu tiên trong sự nghiệp, từ một trợ lý trẻ ở độ tuổi 27 đã thay thế Jupp Heynckes lên nắm quyền chỉ đạo Benfica.
Thực tế, Mourinho chỉ làm việc tại Benfica trong một khoảng thời gian ngắn (9 trận đấu) và Maniche, cũng trong giai đoạn này, đã lĩnh hai chiếc… thẻ đỏ. Sau lần thứ hai bị đuổi khỏi sân, tiền vệ sinh ra ở Lisbon đã phải chịu hình phạt chạy một vòng quanh sân tập. Đương nhiên, Maniche cảm thấy cáu giận nhưng chỉ ngay sau đó một ngày, Mourinho đã có buổi nói chuyện đầy cảm hứng để xoa dịu cậu học trò. Chỉ vài tuần sau, Maniche được chọn làm đội trưởng, mọi thứ thay đổi nhanh đến chóng mặt.
“Khởi đầu không hề dễ dàng chút nào vì cả tôi lẫn ông ấy đều khao khát chiến thắng và có cá tính giống nhau”, cựu tiền vệ ĐT Bồ Đào Nha nhớ lại.
Không thể phủ nhận rằng Maniche đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp nhưng phải đến khi tái ngộ Mourinho ở Porto, người ta mới thực sự biết anh là ai. “Sau khi trở thành đội trưởng của Benfica, Chủ tịch đội bóng đột nhiên muốn tôi ký vào bản hợp đồng 5 năm với những yêu cầu khá ngớ ngẩn. Tất nhiên là tôi từ chối rồi. Porto khi ấy đã đưa ra những ưu đãi phù hợp hơn và tôi hoàn toàn đồng ý trước đề nghị của Mourinho. Phần còn lại là lịch sử”, Maniche chia sẻ.
Cực kỳ nhanh chóng, bằng một cách nào đó Maniche đã thích nghi hoàn hảo với hệ thống mới tại sân Dragao. Trong sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-4-2, cựu ngôi sao Benfica cùng với Deco và Costinha chính là bộ khung làm nên xương sống tuyến giữa Porto. Phía trước hàng phòng ngự, Costinha là một máy quét. Phía sau các tiền đạo, Deco chính là “số 10”. Còn Maniche, anh làm hết mọi nhiệm vụ, từ đánh chặn, thu hồi, tranh chấp cho đến chuyền bóng, dẫn bóng và ghi bàn.
Bất chấp thể hình không quá cao lớn nhưng lối chơi của tiền vệ người Bồ lại cực kỳ mạnh mẽ và quyết liệt. Bên cạnh đó, sự đa nhiệm biến Maniche trở thành một nhân tố gần như không thể thay thế trong đội hình của Mourinho, một mảnh ghép đặc biệt phù hợp với triết lý phòng ngự phản công dưới thời Người đặc biệt. Mùa giải đầu tiên tại Porto, Maniche giành Primeira Liga, Cúp quốc gia Bồ Đào Nha và UEFA Cup, những thành tích trong mơ đối với một kẻ vô danh.
“Tôi từng trải qua khoảng thời gian khá khó khăn ở Benfica nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm, tôi đã vượt qua nó. Không dễ để trở thành một cầu thủ được chơi trong các trận đấu quan trọng nhưng cuối cùng thì tôi đã làm được. Porto là một tập thể tự tin, bản lĩnh và chất lượng”, cầu thủ sinh năm 1977 nhớ lại.
Nhưng câu chuyện cổ tích của thầy trò Mourinho vẫn chưa muốn dừng lại ở đó. Mùa giải 2003/04, Porto đoạt ngôi vô địch Champions League và Maniche là một hạt nhân quan trọng bậc nhất. “Ban đầu thì chẳng ai dám nghĩ chúng tôi vô địch bởi vì Champions League là sân chơi cho những CLB giàu có và mạnh hơn Porto rất nhiều. Nhưng khi bước ra sân, chúng tôi đều không nghĩ quá nhiều đến sự chênh lệch ấy mà chỉ nỗ lực hết sức. Cuối cùng, Porto đã giành chiến thắng và trở thành nhà vô địch của giải đấu”.
Rơi vào một bảng đấu bao gồm Real Madrid, Marseille và FK Partizan, đội bóng Bồ Đào Nha chỉ để thua duy nhất một trận và kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ nhì, vị trí sau đó đã mang tới lá thăm mang tên Man United cho họ tại vòng 1/16. Vào thời điểm ấy, ai mà dám tin một gã tay mơ như Mourinho sẽ đánh bại đế chế hùng mạnh của Sir Alex Ferguson lão luyện cơ chứ? Thế mà nó lại trở thành sự thật.
Trên sân Dragao, Benni McCarthy đã xuất sắc lập cú đúp để giúp Porto ngược dòng sau khi bị M.U dẫn trước. Trận lượt về, Quỷ đỏ chỉ cần ghi một bàn thắng và không để thủng lưới là đi tiếp. Paul Scholes sớm nổ súng ngay trong hiệp một. Nhưng rồi, sai lầm của thủ thành Tim Howard vào cuối trận đã tạo điều kiện để cho Costinha ghi bàn thắng quyết định mang về tấm vé vào tứ kết cho Porto.
“Thật là điên rồ. Tôi chẳng thể nào quên được. Mục tiêu của toàn đội là đi xa nhất có thể nhưng sau khi đánh bại M.U, chúng tôi bắt đầu tin rằng mình có thể giành chức vô địch”, Maniche bồi hồi chia sẻ.
Các cầu thủ Porto cần một chiến thắng trước gã khổng lồ Man Utd để trở nên tự tin hơn nhưng Mourinho thì không như vậy. Thậm chí, nhà cầm quân người Bồ chẳng bao giờ nghi ngờ về khả năng giành vinh quang của các học trò.
“Ông ấy chỉ nói với chúng tôi thật đơn giản rằng toàn đội hoàn toàn có thể giành chiến thắng nếu như giữ được sự bình tĩnh và kiên nhẫn trong mỗi giai đoạn khác nhau của trận đấu. Mourinho luôn hết sức bình thản và mọi thứ dường như đều nằm trong tính toán của ông ấy”, Maniche nói về người thầy cũ.
“Buổi đêm trở về Porto từ Manchester, chúng tôi đã ăn mừng với người hâm mộ. Đó là một đêm không ngủ, một ngày mà tôi sẽ nhớ mãi”.
Giải thích về vai trò của mình, Maniche cho biết: “Tại Champions League, chúng tôi thường chơi với sơ đồ 4-4-2 và nhiệm vụ của tôi là quán xuyến khu vực bên hành lang cánh phải của mình, đảm bảo không có mối đe dọa với hàng phòng ngự phía sau. Tôi có thể đá gần Deco và tìm cách khai thác khoảng trống khi cần thiết. Chúng tôi cũng có thể chơi một hai chạm nếu cần, nhằm tạo ra sự hiệu quả trong các tình huống tấn công nhanh”.
Trong trận tứ kết tại Lyon, Maniche lập một cú đúp, đều do Deco kiến tạo, góp công lớn đưa Porto vào bán kết. “Đó là một đêm tuyệt vời, tôi không thể nào quên được trận đấu ấy. Hai bàn thắng mà tôi ghi được giúp toàn đội tự tin hơn để giành được chiến thắng cuối cùng”.
Lần lượt Deportivo La Coruna và AS Monaco sau đó đã bị thầy trò Mourinho đánh bại trước khi đăng quang ngôi vương Champions League. Không ai khác, Maniche luôn biết ơn người thầy đã dẫn dắt mình vươn tới đỉnh cao. “Tôi có vinh dự được làm việc cùng Mourinho ở ba CLB khác nhau (sau này là Chelsea). Ông ấy giúp tôi quá nhiều trong sự nghiệp. Mourinho từng gọi tôi là “kẻ nổi loạn ngọt ngào”, điều đó quả thực đã cho thấy ông ấy hiểu thấu con người tôi”.
Mùa hè 2004, Maniche cùng ĐT Bồ Đào Nha góp mặt tại VCK EURO trên sân nhà. Trước một dàn hảo thủ bao gồm Figo, Rui Costa, Nuno Gomes, Ronaldo, Deco, Carvalho… không có nhiều cơ hội để cho nhà vô địch châu Âu giành suất đá chính. Tuy nhiên, Maniche vẫn biết cách gây ấn tượng mạnh mẽ. Với một bàn thắng vào lưới ĐT Nga và đặc biệt là pha lập công quan trọng mang về thắng lợi chung cuộc 2-1 cho Bồ Đào Nha trước Hà Lan ở bán kết, Maniche đã lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu.
Mặc dù không thể bước lên ngôi vương sau thất bại cay đắng trước Hy Lạp ở trận chung kết nhưng những màn trình diễn xuất sắc trong suốt năm 2004 cũng là quá đủ để đưa cái tên Nuno Maniche bước ra ánh sáng. Trải qua thêm một mùa giải khoác áo Porto, tiền vệ người Bồ từ chối những lời đề nghị hấp dẫn để chuyển tới nước Nga xa xôi, thi đấu cho Dynamo Moscow. Thế nhưng, chỉ trong vòng nửa năm, anh đã không thể vượt qua được cái lạnh khắc nghiệt ở phương Bắc và phải trở về tái hợp với Mourinho tại Chelsea.
Về cơ bản, Người đặc biệt vẫn luôn tin tưởng Maniche nhưng cơ hội để cho ngôi sao người Bồ cạnh tranh được một vị trí chính thức với hàng tiền vệ trứ danh trong đội hình The Blues (Lampard, Essien, Makelele) là quá khó. Kết thúc mùa giải 2005/06, Maniche đành chia tay thành phố London u ám để đến với Atletico Madrid. Hè 2006, anh vẫn được triệu tập đến Đức trong màu áo ĐTQG để tham dự World Cup. Đây cũng có thể xem là những khoảnh khắc lóe sáng cuối cùng trong sự nghiệp thăng hoa có phần ngắn ngủi của Maniche.
Sát cánh bên cạnh Deco, như thường lệ cựu cầu thủ Porto vẫn biết cách tỏa sáng đều đặn. Hai bàn thắng vào lưới Mexico (vòng bảng) và Hà Lan (tại vòng 1/16) của Maniche giúp cho Bồ Đào Nha lọt vào tới tận trận tranh ba tư World Cup 2006. Mặc dù lần lượt thất bại trước Pháp (bán kết) và Đức (tranh huy chương đồng) nhưng nhìn chung đây là một giải đấu cực kỳ thành công của người Bồ, sau EURO 2004. Về phần Maniche, khoảng thời gian sau này, thi thoảng anh vẫn được triệu tập tham gia các trận đấu ở vòng loại EURO 2008 hay World Cup 2010 nhưng đã không còn được tin dùng cho các giải đấu chính thức nữa. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng phong độ của Maniche khi ấy đã sa sút rất nhiều.
Sau khi giải nghệ, Maniche bắt đầu tập tành dấn thân vào sự nghiệp huấn luyện với vị trí trợ lý tại các CLB nhỏ là Pacos de Ferreira và Academica nhưng đều chưa giành được nhiều thành tựu đáng kể. Dường như những năm tháng rực rỡ nhất của tiền vệ người Bồ Đào Nha chỉ có thể gắn liền với cái tên Jose Mourinho. Để rồi đến bây giờ, ngay cả khi Maniche đã chìm vào bóng tối, người ta vẫn còn nhớ đến anh như một tiền vệ kiểu mẫu theo phong cách Mourinho, một kẻ luôn sở hữu trong mình tinh thần chơi bóng máu lửa nhưng cũng chẳng kém phần khôn ngoan và tinh tế.
Nhắc tới đây, có lẽ nhiều người sẽ chợt nhớ đến cú nã đại bác vào lưới ĐT Hà Lan tại Nuremberg năm nào, một khoảnh khắc gần như là tiêu biểu nhất cho những tháng ngày thăng hoa ngắn ngủi của Nuno Maniche.