Mảnh ghép hiếm có tạo nên tiền vệ “khác người” Declan Rice

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Năm 19/10/2023 14:49(GMT+7)

Zalo

Nhìn Rodri tỏa sáng ở chung kết và giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Champions League mùa trước, các fan Arsenal có quyền kỳ vọng khi họ cũng sở hữu một tiền vệ trụ đầy tài năng, cá tính và đam mê như Declan Rice.

393815911_335406432304776_1999884212868212800_n
 

“Tôi tin chúng tôi có thể cạnh tranh với những người mạnh nhất” - Declan Rice cho rằng Arsenal có thể vô địch Champions League mùa giải này. Đó là nguyên văn dòng tít mà tờ FourFourTwo đã viết trong cơn cao hứng, sau khi phỏng vấn tiền vệ người Anh hồi đầu tháng 10.

The Gunners thực tế mới chỉ trở lại giải đấu danh giá sau 7 mùa liên tiếp vắng mặt và cũng chưa từng lên ngôi ở đầu trường này. Họ một lần vào chung kết, gục ngã trước Barcelona vào năm 2006.

Trong khi đó, Rice mới chỉ nâng chiếc cúp Europa Conference League trong màu áo West Ham. Anh cũng từng cùng The Hammers lọt vào bán kết Europa League nhưng chưa bao giờ chơi ở Champions League.

Họ rõ ràng đã diễn giải ý của Rice hơi quá, nhưng thực tế anh cũng không hề giấu diếm tham vọng to lớn của mình: “Một CLB như Arsenal xứng đáng dự Champions League và tôi cảm thấy bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Hãy nhìn vào Inter mùa trước - họ đã đi đến tận chung kết và không ai lường trước điều đó. Vì vậy, bất cứ đội bóng nào đủ khát khao và tiềm năng cũng có thể đi chặng đường tuyệt vời tương tự. Tôi tin rằng chúng tôi đủ sức cạnh tranh với những người giỏi nhất”.

Giờ hãy trở lại thực tại: Nhìn những màn trình diễn từ đầu mùa của cá nhân Rice và tập thể Arsenal, ta thấy ước mơ cao vời ấy không hoàn toàn vô căn cứ. Họ thậm chí vừa đánh bại nhà vô địch Champions League ở vòng đấu gần nhất của Ngoại hạng Anh! Pháo thủ cũng hiện đứng trên Manchester City với 2 điểm nhiều hơn; họ cùng đại kình địch Tottenham chia sẻ ngôi đầu BXH.

Trong khi đó, Declan Rice lại chính là người chơi hay bậc nhất trận đại chiến với The Citizen, trong ngày mà Rodri vắng mặt. Rice hiện là trụ cột không thể thay thế ở tuyến giữa, góp công giúp Pháo Thủ bất bại 8 vòng đầu tiên. Thống kê chỉ 1 bàn thắng duy nhất không thể tả hết tầm ảnh hưởng to lớn của anh. Không mang băng đội trưởng, nhưng tuyển thủ Tam Sư có tiếng nói to lớn xứng tầm một trong những thủ lĩnh.

Thực tế chính cựu đội trưởng Cesc Fabregas đã không ngớt lời khen tân binh của đội trong bài phỏng vấn mới nhất: “Declan Rice đã trưởng thành và hoàn thiện hơn. Giờ đây, tôi nghĩ cậu ấy có thể là người thực hiện những pha bóng chốt hạ. Thậm chí, Declan Rice hoàn toàn có thể đá nhô cao ở rìa vòng cấm như những gì Rodri đã làm. Rõ ràng, Declan Rice có đẳng cấp tương tự”.

Mảnh ghép hiếm có tạo nên tiền vệ “khác người” Declan Rice 1
Declan Rice

Có rất nhiều mảnh ghép làm nên thành công của Declan Rice ngày hôm nay và một trong số đó hoàn toàn khác biệt so với các cầu thủ Anh thông thường. 

Rice dễ bị xem là ngông, là ngổ ngáo khi ám chỉ mục tiêu vô địch Champions League ngay trong lần đầu tham dự. Nhưng thực tế, đó có thể là những lời lẽ không kìm kịp, được thốt ra từ trái tim từng nuôi dưỡng tình yêu bóng đá thuần khiết nhất. Như thể một người dễ trở nên quá cao hứng một cách đáng yêu, khi rốt cục cũng chạm đến giấc mơ mình hằng mộng từ thuở bé: “Arsenal từng tiến rất gần đến chức vô địch vào năm 2006. Ở cấp CLB, Champions League là giải đấu lớn nhất mà bạn có thể tham gia”.

Câu chuyện sau đây sẽ giải thích cặn kẽ cho cụm từ “tình yêu thuần khiết” ấy - điều mà nhiều cầu thủ hiện đại ngày nay - vốn chìm đắm nhiều trong khuôn mẫu, bài bản và sự thương mại hóa đã dần mai một. Bài viết do chính Rice đặt bút trên trang thông tin của LĐBĐ Anh:

Ký ức đầu tiên của tôi về bóng đá gắn liền với bố mẹ.

Có những bức ảnh cũ chụp tôi đứng trong vườn khi tuyết hoặc mưa lả chả rơi. Trong ảnh, tôi mặc tả và chơi với quả bóng ngay từ khi mới biết đi.

Từ lúc hai tuổi, tôi luôn có một quả bóng trong tay hoặc dưới chân - dù là bóng tennis, bóng rổ hay bóng đá. Tôi nghĩ bố mẹ đã biết tôi muốn làm gì ngay từ thời điểm ấy.

Tôi biết ơn bố vì luôn đưa tôi đến công viên địa phương và chơi bóng cùng tôi, bắt đầu từ những đường chuyền cự ly gần.

Tôi là con út trong gia đình có ba anh em. Connor và Jordan lớn hơn một chút nhưng tôi luôn đòi đá bóng cùng hai anh và bạn của các anh.

Từ khi lên sáu hoặc bảy, tôi thường xuyên thi đấu cùng họ trong các trận đấu 5vs5 và vẫn nhớ, mình thường mê rê dắt qua người. Các anh lớn thì tỏ ra không thể tin được khi bị thằng nhóc tì ít tuổi hơn rê qua. Chắc họ không giả vờ nhường trẻ con đâu nhỉ?

Chính thói quen rê dắt làm nên điểm khác biệt của tôi khi bước vào tuổi thiếu niên. Ở Anh, chúng tôi chơi bóng khá quy củ và bài bản. Những điểm đột phá bị xem là “rườm rà” và “không cần thiết” sẽ bị loại bỏ và hạn chế kể từ giai đoạn này.

Tôi thì chưa bao giờ thực sự chơi bóng kiểu “có tổ chức” khi còn nhỏ, vì vậy hành trình của tôi có một chút khác biệt.

Các anh trai tôi đều từng thi đấu cho các đội cộng đồng và bản thân Jordan cũng là một cầu thủ giỏi. Nhưng anh sớm chấn thương nặng và không còn sự yêu thích với môn này. Connor cũng sớm mất đi sự nhiệt tình với bóng đá. 

Điều gì đó không ổn phải không? Có một nguyên nhân chung nào ở đây chăng? Chính bố tôi đã phát hiện ra điều đó.

(Lời người viết: Nước Anh là cái nôi của bóng đá, nhưng cũng như ở mọi quốc gia khác, đôi khi mặt trái của bóng đá cộng đồng lại tạo nên vấn đề. Hãy tưởng tượng có những đứa bé chỉ đến sân vào dịp cuối tuần vì phụ huynh muốn chúng “chơi bóng cho khỏe”, nhưng vẫn được thi đấu trong các trận chính thức vì… bố mẹ chúng là người đóng học phí duy trì trung tâm. Các HLV bóng đá cộng đồng luôn phải đau đầu về việc phải đưa tất cả cầu thủ lần lượt vào sân trong các giải. Và cũng chính vì thế mà các trận đấu cộng đồng dễ trở nên “vui là chính”, mất tính cạnh tranh và ganh đua cần thiết của một môn thể thao đối kháng. Mặt trái này rõ ràng không tốt trong việc giữ lửa đam mê). 

Mảnh ghép hiếm có tạo nên tiền vệ “khác người” Declan Rice 2
 

Những đứa trẻ thi đấu trong sân và các ông bố bà mẹ la hét “chỉ đạo” ngoài đường biên. Bố không muốn tôi tham gia vào môi trường đó, vì những mặt trái từng ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của hai anh trai tôi.

Ngược lại, bố muốn tôi lớn lên như một đứa trẻ với tình yêu bóng đá thuần khiết nhất - chỉ thích chơi bóng trên đường phố, với bạn bè hoặc bạn bè của các anh trai. Vì vậy, dù giai đoạn này đã 9 tuổi, tôi vẫn được tự khám phá bóng đá theo cách của riêng mình.

Bất lợi là tôi gặp đôi chút khó khăn khi được người anh họ (lúc này đang tập luyện ở học viện của Chelsea) giới thiệu đến thử việc cho đội trẻ The Blues. Giới chuyên nghiệp yêu cầu tôi chơi cho một đội nào đó để họ có thể đế xem giò. Hơi khó khăn bởi tính đến thời điểm ấy, tôi chưa từng chơi cho đội nào cả.

Cuối cùng, may mắn đã đến khi tôi được cho cơ hội đi tập thử ở đội U của Chelsea. Đúng hơn là đến làm bài kiểm tra trước khi buổi tập diễn ra. Tôi đã làm rất tốt qua nhiều thử thách để rồi phần còn lại là lịch sử của gia đình. Tôi được ký hợp đồng với học viện Chelsea, nơi mình bắt đầu học hỏi và phát triển nhiều hơn. 

Dù vẫn không từ bỏ cái chất “bụi bặm” của mình, những kiến thức, kỹ thuật cơ bản từ những điều nhỏ nhặt nhất tôi học được thực sự đã giúp ích rất nhiều. Tôi biết ơn nền tảng được lĩnh hội từ lò đào tạo Chelsea và sau đó là West Ham.

Mặt khác, tôi còn yêu mến bóng đá học đường nữa! Tôi từng học ở trường Grey Court trong giai đoạn cầu thủ trẻ. Trường tôi sở hữu đội bóng mạnh nhất đất nước ở cấp bóng đá học đường thời điểm ấy.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến trường vào năm lớp 7, ai cũng tay bắt mặt mừng khi biết tôi đang chơi cho học viện Chelsea. Tôi cũng thực sự yêu quý mọi người và từng xin thầy thể dục đổi thời gian tập của đội để tôi được tham gia nữa!

Khi ấy các trận đấu của tuyển trường bắt đầu lúc 4h30, hơi trễ nên nếu ra sân thì tôi không kịp giờ đi tập ở Chelsea vào buổi tối. Thế là thầy và các bạn cố gắng lùi giờ sớm hơn một tiếng để tôi có thể tham gia. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều tập bóng ở trường cùng các bạn trước khi mẹ đến đón. Mẹ mang theo bộ dụng cụ tập luyện của Chelsea kèm… một bát mì đựng trong chiếc túi nhỏ để tôi ăn vội trên đường đến học viện vào buổi tối. Đó là một thời để nhớ.

Đến tận ngày nay, tôi vẫn còn giữ liên lạc với thầy thể dục và chúng tôi thực sự là những người bạn tốt. Thầy cũng là người yêu bóng đá và luôn cố gắng mang lại kết quả tốt nhất cho đội bóng của mình. Có lẽ vì sự hiện diện của những người như thế mà tôi mới thích bóng đá học đường đến vậy.

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm lọt vào chung kết Surrey County Cup – “trận cầu lớn” nảy lửa với trường Whitgift của khu Croydon. Đội này thậm chí cũng sở hữu vài chàng trai đến từ lò của Chelsea và Palace.

Một người bạn của tôi ở tuyển trường cũng đến thử việc ở Chelsea sau trận chung kết đó. Cậu ấy là người xuất sắc nhất trên sân ngày hôm ấy, nhưng kết quả thử việc lại không như mong đợi, không thể tiến xa hơn. Điều đó nhắc nhở tôi rằng việc tạo nên đột phá nhiều khi sẽ khó đến mức nào.

Tựu trung, đó là quãng thời gian đặc biệt mà tôi luôn yêu mến. Khi còn là một đứa trẻ tràn đầy năng lượng, tất cả những gì bạn muốn làm là lao ra ngoài và đá bóng.

Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi đã, đang và sẽ luôn biết hơn tất cả những người từng giúp đỡ mình suốt những năm qua để tôi đạt được ước mơ như bây giờ.

Ăn tập tại lò trẻ nhưng lớn lên từ bóng đá đường phố, lại yêu mến và từng lăn lộn với bóng đá học đường - Declan Drice quả thật rất khác người trong nền bóng đá quy củ và bài bản của nước Anh. Nhưng, chính sự khác người đó giúp anh nuôi dưỡng tình yêu và có được thành công như hiện tại.

Bên cạnh đó, thái độ biết ơn, sống có trước có sau với những người từng giúp đỡ mình cũng khắc họa một chàng trai khiêm nhường. Nét tính cách đó thì lại rất quan trọng trong việc cẩn thận dò hướng đi và mở rộng trần tiềm năng. (Bởi như đã kể, anh thấm thía việc tạo ra bước đột phá luôn khó như thế nào).

Hãy nhớ lại lời Fabregas: “Declan Rice trưởng thành và hoàn thiện hơn” - đó chính xác là những điều người hậu bối đã lên kế hoạch và thực hiện. 

Mảnh ghép hiếm có tạo nên tiền vệ “khác người” Declan Rice 3
 

Trong bài phỏng vấn với FourFourTwo hồi đầu tháng, Rice tiết lộ lý do anh chọn đầu quân cho Arsenal dù được nhiều ông lớn khác gọi mời: “Tôi đã nghiên cứu kỹ đội hình, sự trẻ trung và chất lượng lối chơi của Arsenal trong hai đến ba mùa giải vừa qua - không chỉ mỗi mùa trước. Quỹ đạo mà đội đang đi thực sự rất tốt”.

“Đây là sự phù hợp hoàn hảo. Là người London và được chơi cho Arsenal - tôi nghĩ đây là bước đi tốt nhất cho tôi trong giai đoạn này của sự nghiệp. Ở chiều ngược lại, tôi cũng cảm nhận được sự yêu mến và nguồn năng lượng dồi dào mà mọi người truyền cho. Ngoài ra, HLV Arteta cũng có tác động rất lớn đến lựa chọn này”.

Cận cảnh hơn, Rice cho rằng cơ hội làm việc cùng Mikel Arteta có thể giúp anh có những bước tiến quan trọng. 

“Tôi biết mình còn phải tiến bộ ở nhiều phương diện và Mikel chính là HLV tốt nhất có thể giúp tôi ‘lên cấp’. Trước đó, tôi từng học hỏi tốt dưới trướng David Moyes. Giờ đây, tôi có thể bổ sung nhiều kỹ năng hay mài dũa những thế mạnh trong lối chơi của mình. Tôi háo hức học những điều chưa từng có, cải thiện những điểm yếu và mong được HLV Mikel phát huy hết khả năng. Toàn bộ những điều vừa rồi là lý do tôi gia nhập Arsenal”.

Trần Thuận (tổng hợp)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn.

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow