Hướng lên phía trước, đó cũng là tôn chỉ mà Bruno Fernandes vẫn luôn làm theo dù con đường có nhiều giông gió. Anh đã đi một hành trình dài để đến được ngày hôm nay.
“Giống như một đứa trẻ”, đó là cách Bruno Fernandes miêu tả cảm xúc bản thân mình mỗi khi đội bóng của anh thua cuộc. Bản năng chiến đấu và khát khao chiến thắng của Fernandes luôn rực cháy, cũng vì thế anh luôn khó chịu mỗi khi thua. Thường người ta sẽ luôn bực tức khi đã dồn rất nhiều nỗ lực làm điều gì đó nhưng không thành công. Bản năng đó đã đi theo Fernandes từ lâu, khi anh còn chưa được anh biết tới cho đến khi sự xuất hiện của anh tại sân Tires để lên chiếc chuyên cơ hướng về Manchester vào năm ngoái được phát trực tiếp trên truyền hình Bồ Đào Nha.
2 năm liên tiếp, Bruno Fernandes giành giải thưởng Sir Matt Busby. Đây là giải thưởng dành cho cầu thủ xuất sắc nhất năm của Manchester United do người hâm mộ bình chọn. Trong mắt người cổ động viên Quỷ Đỏ, Fernandes chẳng khác nào một bảo bối. Giữa rất nhiều những thương vụ thất bại trên thị trường chuyển nhượng, Fernandes là một bản hợp đồng đại thành công. Tiền vệ người Bồ Đào Nha không chỉ thay đổi bầu không khí, thay đổi tinh thần mà thậm chí là cải thiện về lối chơi cho Man United.
Giữa mùa giải vừa qua, đã có lúc truyền thông Anh đặt ra câu hỏi liệu Fernandes có bị quá tải khi phải thi đấu liên tục với mật độ dày đặc. Nhưng không có cựu cầu thủ Sporting Lisbon trong đội hình, Manchester United thi đấu bế tắc. Bài học nhãn tiền chính là cuộc lội ngược dòng West Ham vào cuối năm ngoái, màn trình diễn của Man United trong hiệp 1 (không Fernandes) và hiệp 2 (có Fernandes) là hoàn toàn khác biệt.
Xét một cách tổng thể, mùa giải vừa qua chẳng cầu thủ Manchester United xuất sắc hơn Fernandes. Ở Premier League, anh là cầu thủ tạo nhiều cơ hội ghi bàn nhất (107), có tỷ lệ kiến tạo kỳ vọng cao nhất (12,16) và thực tế là anh thi đấu đúng như kỳ vọng với 12 kiến tạo - xếp thứ hai Premier League. Ngoài ra, anh cũng xếp thứ ba Premier League về số lượng bàn thắng ghi được (18), trong đó pha lập công vào lưới Everton hồi tháng 1 được bầu chọn là bàn thắng đẹp nhất mùa giải của Quỷ Đỏ. Fernandes nâng bước Man United từ khi đến và anh vẫn đang tiếp tục làm điều đó.
Giám đốc Kỹ thuật Darren Fletcher của Man United chia sẻ: “Cậu ấy có thể ‘ngụy trang’ cách thực hiện đường chuyền cuối cùng để hậu vệ không nhận ra. Cậu ấy nhìn thấy cơ hội chuyền bóng từ 2 đến 3 tình huống trước đó vì cậu ấy liên tục quan sát và vẽ ra một bức tranh trong đầu trước khi nhận bóng. Cậu ấy nhanh hơn đối phương 2-3 giây và khi nhận bóng, cú chạm bước một của cậu ấy miễn chê”.
Manchester United là một tập thể có tiềm năng, nhưng họ cần một cầu thủ thi đấu thông minh như Fernandes làm nhạc trưởng. Đúng như Fletcher nói, Man United trước đây thiếu một cầu thủ biết phải suy nghĩ đến hành động tiếp theo trước cả khi nhận bóng như cầu thủ người Bồ Đào Nha. Ai cũng thấy lối chơi của Man United xoay quanh Fernandes. Tuy nhiên, anh cũng phục vụ lối chơi của đội bóng.
Fernandes di chuyển không bóng, chạy chỗ liên tục, lùi về phòng ngự rồi băng lên tấn công, bền bỉ suốt cả trận và từ tuần này sang tuần khác. “Chạy như Forrest Gump” là cách mà FourFourTwo miêu tả về anh. Nói không ngoa, nếu Virgil van Dijk, Ruben Dias làm thay đổi bộ mặt hàng phòng ngự Liverpool và Manchester City thì Bruno Fernandes làm thay đổi diện mạo lối chơi của Quỷ Đỏ.
Nhưng tất nhiên ảnh hưởng của Fernandes không chỉ ở chuyên môn. Anh là một thủ lĩnh mà không cần chiếc băng đội trưởng. Chỉ huy đội bóng giống như những gì đã thể hiện ở Sporting chính là những điều HLV Ole Gunnar Solskjaer đã nói với Fernandes khi tiền vệ người Bồ Đào Nha mới gia nhập đội bóng chủ sân Old Trafford.
Fernandes là một người hướng ngoại, không ngần ngại lên tiếng. Anh nói được tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Anh và một chút tiếng Pháp. “Ở Novara, tôi thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên bằng tiếng Italy chỉ sau 2-3 tháng. Tôi luôn cố gắng, nếu phạm sai lầm thì tôi không bận tâm. Về ngoại ngữ, nếu nói sai từ nào thì tôi thấy đó không phải vấn đề vì sau đó tôi học được bài học”, Bruno Fernandes chia sẻ với FourFourTwo.
Bleacher Report tiết lộ Fernandes đã giúp đỡ rất nhiều đồng đội không nói tiếng Anh trôi chảy có thể giao tiếp thuận lợi những người nói tiếng Anh trong phòng thay đồ. Fred là một trong những cầu thủ hưởng lợi từ điều đó. Chúng ta đã thấy tiền vệ người Brazil thi đấu tiến bộ rõ rệt kể từ khi Fernandes xuất hiện và những tác động bên ngoài sân cỏ phần nào giúp màn trình diễn trên sân trở nên thăng hoa.
Tất nhiên, cũng có lúc sự khắt khe của một người chỉ huy có thể gây nên những mâu thuẫn. Tình huống anh cãi nhau với Victor Lindelof khi Man United thua bàn thứ hai trước Sevilla ở bán kết Europa League là một ví dụ. Nhưng chúng ta đều hiểu trên sân bóng, khi adrenaline trong máu khiến các cầu thủ bùng nổ, việc họ tranh cãi với nhau là điều bình thường. Điều quan trọng là trong phòng thay đồ, anh đã là một thủ lĩnh dù mới chỉ gia nhập CLB hơn 1 năm. Hậu vệ phải Aaron Wan-Bissaka nói: “Bruno ấy tiếp thêm sự tự tin cho bạn. Anh ấy luôn nói: ‘Cậu hãy tiến lên phía trước. Tiến lên đi’”.
Hướng lên phía trước, đó cũng là tôn chỉ mà Bruno Fernandes vẫn luôn làm theo dù con đường có nhiều giông gió. Anh đã đi một hành trình dài để đến được ngày hôm nay. Hơn một thập kỷ trước, cuộc khủng hoảng tài chính Bồ Đào Nha từng khiến ông Jose Fernandes, cha của Bruno, quyết định bỏ xứ tới Thụy Sĩ để tìm việc.
Ông đã định đưa vợ cùng ba đứa con của mình cho đến khi Bruno từ chối ra đi. “Ở Thụy Sĩ, họ không biết cách chơi bóng”, đó là chia sẻ của Bruno Fernandes về quyết định ở quãng thời gian đó, thời điểm anh đang chơi cho đội trẻ Boavista. Và người mẹ của Bruno đã ở lại Bồ Đào Nha để chắp cánh ước mơ của cậu con trai, để tới hôm nay, anh đang là người gánh vác Manchester United trên vai.
Ở trận chung kết Europa League sắp tới, trong bối cảnh nhiều khả năng Harry Maguire không thể thi đấu vì chấn thương, Bruno Fernandes sẽ là người dẫn toàn đội bước ra sân với tấm băng đội trưởng trên tay, dù quả thực đó chỉ là thứ xác tín vị thế thủ lĩnh của anh.