Manchester United: Nhọc nhằn tìm giám đốc kỹ thuật

Tác giả CG - Thứ Sáu 21/06/2019 11:09(GMT+7)

Nếu Man United cứ tiếp tục dậm chân tại chỗ, không những không thể đòi lại đỉnh cao ở Premier League từ Manchester City hay Liverpool mà họ có nguy cơ bị những đội bóng hạng trung nhưng đầy tham vọng như Wolverhampton, Leicester và Everton vượt mặt.

Những thất bại trên thị trường chuyển nhượng thời gian qua và đặc biệt là thành công của các đối thủ cạnh tranh như Liverpool hay Manchester City đặt ra yêu cầu về một giám đốc kỹ thuật với Manchester United. Thế nhưng công cuộc tìm kiếm của “Quỷ đỏ” đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Manchester United: Nhọc nhằn tìm giám đốc kỹ thuật
Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2018 là một thất bại của Manchester United. Matthijs de Ligt bị loại khỏi mục tiêu chuyển nhượng của “Quỷ đỏ” vì ban lãnh đạo lo sợ anh có thể thừa cân. Trong khi đó, những nhân viên phân tích video của CLB một mực muốn đưa Fred tới Old Trafford. HLV Jose Mourinho yêu cầu một trung vệ mới nhưng chẳng có ai tới; ông bị sa thải chỉ 3 tháng sau khi thị trường chuyển nhượng mùa hè 2018 đóng cửa. 
 
Sự thiếu định hướng rõ ràng khiến phó chủ tịch điều hành Ed Woodward, người phụ trách tất cả công việc, tin rằng đã đến lúc cần thay đổi. Nhưng đã 6 tháng kể từ khi bắt tay tìm kiếm giám đốc bóng đá đầu tiên cho “Quỷ đỏ” – Woodward thích thuật ngữ “giám đốc kỹ thuật” hơn – nhưng người đó là ai tới giờ vẫn chưa xuất hiện.
 
Mùa hè năm ngoái, Man United đã có những thứ “đi quá giới hạn” trong cách chiêu mộ tân binh. CLB cố gắng hoàn thành danh sách ngắn các mục tiêu chuyển nhượng vào cuối tháng 2 nhưng sau đó vẫn có thể thay đổi vào cuối mùa giải vì Mourinho quyết định mua một trung vệ mới là điều cần ưu tiên. Tuy nhiên, có những cái tên chưa được thẩm định kỹ lưỡng lại được đề xuất trong các cuộc họp trong khi những cầu thủ đã được xem xét cẩn thận với một chồng dữ liệu được thu thập suốt nhiều năm lại bị bỏ qua.
 
Đó là sự khởi đầu cho rạn nứt không thể nào hàn gắn nổi giữa Mourinho và Woodward để rồi cuối cùng, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha bị sa thải vào tháng 12. Ole Gunnar Solskjaer, người ngồi vào chiếc ghế nóng mà ông để lại, đang bước vào một mùa hè quan trọng. Các cổ động viên vẫn hy vọng CLB sẽ có thay đổi trong cách hoạt động trên thị trường chuyển nhượng.
 
Nếu Man United cứ tiếp tục dậm chân tại chỗ, không những không thể đòi lại đỉnh cao ở Premier League từ Manchester City hay Liverpool mà họ có nguy cơ bị những đội bóng hạng trung nhưng đầy tham vọng như Wolverhampton, Leicester và Everton vượt mặt. Đó là điều mà Solskjaer từng cảnh báo.
 
Cấu trúc của Manchester United luôn được xây dựng xoay quanh HLV trưởng (manager). Khi triều đại 27 năm của Sir Alex Ferguson khép lại, CLB đã chênh vênh trong một khoảng thời gian, cùng lúc đó những đội bóng khác cũng thay đổi cách vận hành. Vào thời hoàng kim của Sir Alex, các CLB thường vận hành quanh một cá nhân, một nhân vật mang tính biểu tượng thế nhưng kỷ nguyên hiện đại đòi hỏi một cách làm đa diện hơn, các trọng trách được chia sẻ cho tập thể thay vì tập trung vào một người. 
 
Cho đến lúc này, United đã không thể dung hòa được những vinh quang trong quá khứ và yêu cầu của tương lai. Về mặt cấu trúc đội bóng, họ đang bị tụt lại phía sau.
 
Sự phụ thuộc vào những cá nhân đơn lẻ
Cựu giám đốc điều hành David Gill kể một câu chuyện về tầm kiểm soát của Ferguson tại Manchester United. Năm 2011, Gill quyết định đổi tên khán đài Bắc (North Stand) của sân Old Trafford để vinh danh 25 năm cống hiến mà chiến lược gia người Scotland dành cho CLB. Chỉ 8 người được nói về kế hoạch này và công việc được thực hiện lúc 2 giờ sáng vào cái ngày trước khi đưa ra tuyên bố chính thức. Ferguson tham gia vào mọi công việc đến nỗi chẳng còn cách nào khác để tạo bất ngờ nữa.
 
Khi Sir Alex nghỉ hưu vào năm 2013, ông đã làm tất cả mọi thứ từ lựa chọn đội hình cho đến giao các nhiệm vụ khi huấn luyện đội một cho các trợ lý Mike Phelan và Rene Meulensteen. Bóng đá đã thay đổi chóng mặt kể từ khi Ferguson được bổ nhiệm làm HLV trưởng năm 1986 nhưng đến người kế nhiệm ông, David Moyes, vẫn được trao quyền lực như vậy. Cấu trúc CLB đã thay đổi một chút sau khi Moyes bị sa thải vào năm 2014 và những nhiệm vụ của một người điều hành bóng đá bị phân chia. Tuy nhiên hai HLV trưởng kế tiếp ông - Louis van Gaal và Mourinho – vẫn là những nhân vật chủ chốt với rất ít sự giám sát hay hỗ trợ.
 
Khi Mourinho đọc một báo cáo cho biết Woodward quyết định đưa về một giám đốc kỹ thuật, ông rất mong đó không phải sự thật. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha lo sợ quyền lực của mình sẽ bị giảm xuống. Tuy nhiên Woodward khẳng định là không phải, phó chủ tịch điều hành của Man United hiểu rằng việc bổ nhiệm giám đốc kỹ thuật sẽ chỉ dễ dàng hơn khi Mourinho ra đi. Đó là câu chuyện của 6 tháng trước.
 
Solskjaer thẳng thắn thừa nhận ông sẽ phải tái xây dựng lại rất nhiều thứ trong đội sau khi “Quỷ đỏ” chỉ kết thúc mùa giải Premier League ở vị trí thứ 6 với khoảng cách 32 điểm với nhà vô địch Manchester City. Tuy nhiên, vấn đề là ngoài HLV trưởng ra thì đội bóng này chưa có quá nhiều thay đổi. Cách Man United mua cầu thủ vẫn tương tự như 1 năm về trước. Và ai cũng biết đó là kỳ chuyển nhượng không thành công. Thay vì thu hẹp khoảng cách với Man City thì họ lại đi ngược lại.
 
Nếu kỳ chuyển nhượng mùa hè trước lặp lại vào năm nay, chiếc ghế của Solskjaer chắc chắn sẽ lung lay trong mùa giải đầu tiên ông cầm quân ngay từ đầu tại Old Trafford. Ông kết thúc mùa bóng 2018/2019 với 8 thất bại trong 12 trận cuối cùng và rõ ràng nhà cầm quân người Na Uy cần một khởi đầu thăng hoa để đập tan những nghi ngờ.
 
Tại sao Man United cần giám đốc kỹ thuật?
 
Kế hoạch tìm giám đốc kỹ thuật của Woodward là đưa về một người có khả năng giám sát đội bóng. Theo ông, đó là người có thể phụ trách việc chiêu mộ cầu thủ cho đội một đồng thời có tầm nhìn để mua cầu thủ thiếu niên và đưa họ tới đội bóng phù hợp theo dạng cho mượn để phát triển. Ngoài ra còn những công việc mà người ngồi vào vị trí này cần giải quyết, một trong số đó đơn giản chỉ là giữ liên lạc rõ ràng với các cầu thủ Man United.
 
Ví dụ điển hình là trường hợp của Ander Herrera. Tiền vệ người Tây Ban Nha đã rất hoang mang về tương lai của mình vào mùa hè năm ngoái khi không nghe ngóng thấy bất cứ động thái gia hạn hợp đồng thêm 1 năm nào từ CLB. Anh chỉ nhận được một lá thứ thông báo việc gia hạn khi hợp đồng của anh với CLB còn 5 ngày nữa là hết hiệu lực.
 
Mùa giải 2018/2019, giữa các cuộc đàm phán hợp đồng thì Herrera chẳng nghe thấy thông tin gì từ Man United liên quan tới mình cả. Chỉ sau khi Solskjaer được bổ nhiệm làm HLV chính thức vào tháng 3, cầu thủ người Tây Ban Nha mới nhận được một lời đề nghị. Thế nhưng khi đó mọi thứ đã quá muộn. Theo ESPN, việc không duy trì liên lạc và thông tin với nhau là nhân tố chính khiến Herrera quyết định rời Old Trafford trong mùa hè này.
 
Cựu cầu thủ Athletic Bilbao không phải là trường hợp duy nhất của vấn đề này. Một cầu thủ đáng chú ý của học viện đã rất bất ngờ và kinh ngạc khi Man United không hề có động thái gì để đảm bảo tương lai của mình cho đến vài tuần trước khi anh trở thành cầu thủ tự do. “Các đội còn lại của top 6 và những đội bóng lớn nhất châu Âu thậm chí còn chú ý tới cậu ấy nhiều hơn là CLB chủ quản”, một nguồn tin chia sẻ với ESPN.
 
Quan trọng là tìm đúng người
 
Woodward muốn giám đốc kỹ thuật phải là cầu nối giữa ban huấn luyện với đội ngũ tuyển trạch và học viện, thế nhưng nói thì luôn luôn dễ hơn làm. Dù chưa có sự thay đổi đáng kể nào về cấu trúc của đội bóng chủ sân Old Trafford nhưng có một người đã thay đổi, đó chính là Woodward. Không thể phủ nhận ông là một doanh nhân tài năng và đồng thời ông cũng đã chấp nhận để những nhân tài khác góp sức tái thiết CLB.
 
Các nhà điều hành khắp châu Âu được tìm đến tham vấn và những giám đốc thể thao giàu kinh nghiệm như Andrea Berta của Atletico Madrid và Monchi đều lọt vào tầm ngắm. Tuy nhiên, Monchi – người được xem là một trong những giám đốc thể thao tài năng nhất thế giới – đã rời Roma để về Sevilla trong khi những tìm kiếm của Man United cho thấy Woodward muốn đi theo hướng của riêng mình. Ông rất muốn đưa về một người phù hợp với văn hóa ở Old Trafford, có thể phát triển các cầu thủ trẻ phù hợp với phong cách bóng đá được xây dựng dựa trên tốc độ và sự sắc bén.
 
Rio Ferdinand
Woodward đã gặp Rio Ferdinand vì ông cảm thấy cựu trung vệ Man United phù hợp với công việc liên quan đến các cầu thủ cùng những bản hợp đồng tiềm năng. Woodward tin Ferdinand hiểu các cầu thủ hiện đại và có thể truyền tải triết lý của CLB đến các bản hợp đồng tiềm năng cũng như thành viên trong đội. Ví dụ, anh có thể thuyết phục Paul Pogba và De Gea – tương lai cả hai cầu thủ đều chưa thực sự rõ ràng – rằng Man United có thể đáp ứng tham vọng của họ.
 
Darren Fletcher, một môn đệ khác của Ferguson, cũng là một giải pháp cho Woodward. Sau khi Fletcher rời Man United để tới West Brom vào năm 2015, hai người vẫn giữ liên lạc với nhau. Tiền vệ người Scotland vừa chia tay Stoke City vào cuối mùa giải vừa qua, anh chưa nhận một nhiệm vụ chính thức nào nhưng đã giúp đỡ và đưa ra lời khuyên cho Man United trong vài tuần đầu tiên của kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay.

Solskjaer và Phelan, những người đã biết quá rõ về Fletcher, cảm thấy thoải mái khi có sự tham gia của anh.
Cựu tuyển thủ Scotland là một trong những nhân vật đứng sau thương vụ Daniel James, bản hợp đồng đầu tiên của “Quỷ đỏ” mùa hè này, sau khi quan sát những màn trình diễn của cầu thủ chạy cánh Xứ Wales trong màu áo Swansea tại Championship. Ngoài ra, Fletcher cũng tiến cử hậu vệ 18 tuổi Nathan Collins của Stoke.
 
Solskjaer và Phelan
Nguồn tin của ESPN cho biết đã có sự thay đổi trong các cuộc họp về chiêu mộ cầu thủ, bầu không khí đã nhẹ nhàng hơn một năm trước. Khi đó, Mourinho cảm thấy bị áp lực buộc phải đồng ý đề nghị chiêu mộ Fred của trưởng bộ phận phân tích tuyển dụng Mick Court. Sau đó, tiền vệ người Brazil đã thi đấu không tương xứng với kỳ vọng cũng như phí chuyển nhượng 52 triệu bảng dành cho mình.
 
Vết thương của Mourinho càng như bị xát thêm muối khi yêu cầu mua thêm một trung vệ của ông bị chính đội ngũ nói trên từ chối. Và kết quả là “Quỷ đỏ” có một trong những mùa giải tệ nhất ở mặt trận phòng ngự, họ trải qua 13 trận không giữ sạch lưới và phải nhận 54 bàn, một kỷ lục trong kỷ nguyên Premier League.
 
De Ligt đã được xem xét là mục tiêu chuyển nhượng nhưng rồi Marcel Bout – trưởng bộ phận tuyển trạch toàn cầu, người mà HLV Louis van Gaal đã đưa về CLB cùng ông – cho rằng trung vệ người Hà Lan rất dễ lên cân do truyền thống gia đình. Những bất đồng quan điểm đã xảy ra trước đó một năm khi Woodward và cánh tay phải Matt Judge được khuyên là Ivan Perisic, một mục tiêu khác của Mourinho, chỉ có giá khoảng 22 triệu bảng chứ không tới mức 40 triệu bảng như Inter Milan đưa ra.
 
 
Có thể nói, trong trường hợp không tìm được một giám đốc kỹ thuật, kỳ chuyển nhượng này Man United sẽ tiếp tục mua và bán cầu thủ như những năm trước. Ban huấn luyện, mà đứng đầu là Solskjaer, cùng đội ngũ tuyển dụng đều có quyền phủ quyết và chỉ theo đuổi các mục tiêu đã thống nhất trong khi công việc của Woodward và Judge là lúc thảo luận về mức phí và hợp đồng. 
 
Woodward và Solskjaer sẽ đối diện với 8 tuần hết sức quan trọng trước khi kỳ chuyển nhượng khép lại để xây dựng nên đội hình có thể giúp Man United nhanh chóng quay trở lại Champions League và cạnh tranh chức vô địch Premier League. Thời điểm hiện tại, trách nhiệm vẫn nằm cả ở họ. Nếu không có một giám đốc kỹ thuật để giảm tải công việc, phó chủ tịch điều hành Woodward chỉ có thể hy vọng rằng kỳ chuyển nhượng này sẽ tốt đẹp hơn lần trước mà thôi.
 
Dịch từ bài viết “Inside Man United's painful search for a technical director and why it matters to their future” của tác giả Rob Dawson trên ESPN

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.