Man Utd - Jose Mourinho: Khi giọt nước tràn ly

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Tư 19/12/2018 15:59(GMT+7)

Zalo

Khi giọt nước tràn ly, có cảm giác nếu không sa thải Jose Mourinho thời điểm này, Manchester United sẽ còn phải gánh chịu thêm nhiều thất bại nữa. Hẳn các ông chủ của Quỷ đỏ đã thấy được điều đó trước khi nói lời chia tay với Jose Mourinho.

Chiều 18/12, trang chủ của Quỷ đỏ thành Manchester đăng tải thông báo vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã không còn là huấn luyện viên của họ nữa. Vẫn là bảng tin với những dòng quen thuộc khi một đội bóng chia tay huấn luyện viên của họ.
Man Utd - Jose Mourinho Khi giọt nước tràn ly hình ảnh
 
“Câu lạc bộ cảm ơn Jose vì những gì ông đã làm trong quãng thời gian hơn 2 năm ở Manchester United và chúc ông thành công trong tương lai.”
 
Manchester United - Jose Mourinho! Vì đâu nên nỗi?
 
Cách đây hơn 2 năm, ngày 27/05/2016, Jose Mourinho chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng của Manchester United với một bản hợp đồng 3 năm. Mourinho sau đó trở về nhà với một chai vang đỏ và một xấp tài liệu trên tay như để ăn mừng bản hợp đồng mới kí. Hôm nay, trước những ngày lễ giáng sinh và năm mới, không còn chai vang nào nữa, không còn những khuôn mặt hồ hởi vì những lời hứa hẹn, chỉ còn những dư vị đắng chát của cuộc chia ly.
 
Đội bóng có lượng cổ động viên lớn nhất thế giới, câu lạc bộ có thương hiệu mạnh nhất thế giới, se duyên cùng vị chiến lược gia cá tính vào loại bậc nhất. Ai cũng ngỡ là cuộc hôn nhân màu hồng, nhưng sau tất cả, quãng đường dài đã không còn đi cùng nhau.
Jose Mourinho: Ke lang thang trong mien don doc1
Jose Mourinho: Kẻ lang thang trong miền đơn độc
Jose Mourinho đến với Manchester United sau khi có lần thứ hai bị Chelsea sa thải, trong khi Quỷ đỏ chia tay vị huấn luyện viên thứ hai sau thời kì hậu Sir Alex Ferguson. Rốt cuộc, Mourinho đã không phá được cái dớp mùa thứ ba của mình, sau khi bị buộc phải rời bỏ Real Madrid, Chelsea (nhiệm kỳ 2) ở năm thứ ba dẫn dắt những câu lạc bộ đó, lần này là ở Manchester.
 
Sự nghiệp của Jose Mourinho, có thể nói được chia ra làm hai giai đoạn. Những năm đầu trẻ trung ở Porto đến đỉnh cao sự nghiệp với Inter Milan, và sau đó là giai đoạn sau, bắt đầu đi xuống từ Real Madrid đến những ngày gần đây, những ngày ở Manchester United.
 
Ai cũng biết vì sao Mourinho lại thành công đến như vậy trong những năm ở Porto, Chelsea (lần 1) và Inter Milan. Những năm ở những câu lạc bộ này là những năm sung sức nhất trong sự nghiệp của Jose, và thứ bóng đá mà ông chọn, dẫu không phải là thời thượng, nhưng lại dễ thành công nhất. Từ FC Porto đến Inter Milan, lối bóng đá thực dụng, dựa trên nền tảng của những cầu thủ cơ bắp, bóp ngẹt các đối thủ trước khi tiêu diệt họ bằng các pha phản công đã trở thành kim chỉ nam cho thành công của những đội bóng mà Jose dẫn dắt.
Jose Mourinho: Hoi uc ve mot tuong dai o Giuseppe Meazza
Jose Mourinho: Hồi ức về một tượng đài ở Giuseppe Meazza
Nhưng kể từ sau khi rời Inter Milan sau đỉnh cao chói loà với cú ăn ba vĩ đại, nếu ví sự nghiệp của Mourinho như một cây thông, thì sau những gì đã đạt được với Nerazzurri, cây thông noel đã chuyển qua bên phải cho sự đi xuống. 3 năm với Real, 3 năm với Chelsea, và bây giờ là điều tương tự ở Manchester với cùng một kịch bản, năm đầu với những hứa hẹn, năm sau với những danh hiệu và cuối cùng là sự ảm đạm của năm thứ ba.

Bóng đá của Mourinho đã không còn là kim chỉ nam cho những chiến thắng nữa, khi thời đại của những chiến lược gia cách tân mới ra đời, điển hình là Pep Guardiola. Người ta đề cao sự kiểm soát bóng, tấn công chứ không còn rình rập như trước nữa. Pep, Klopp hay Zidane đã chứng minh điều đó bằng thứ bóng đá mới, hợp thời hơn, trong khi Jose vẫn đi trên con đường của riêng mình suốt hơn 15 năm qua.
 
Điểm mạnh nhất trong giai đoạn 1 lại là điểm yếu nhất trong giai đoạn 2 của Jose Mourinho. Khi nghệ thuật đắc nhân tâm, thu phục các cầu thủ của Jose trước đó lại trở thành điểm đáng quên nhất khi nhắc về ông sau này. Không còn những Deco, Carvanho khi còn ở Porto, không còn những Lampard, Drogba như khi ở Chelsea, không còn những Materazzi, Snejder hay Samuel Eto’o như ở Inter Milan nữa, những người sẵn sàng chết vì ông. Thay vào đó là những Casillas, Ronaldo, Eden Hazard trước đó ở Real hay Chelsea, và những Martial, Pogba như bây giờ, những người mà nếu có thể, họ chỉ muốn tống ông đi nhanh khỏi đội bóng mà thôi.
Mourinho va Man Utd: Thay doi hay la chet?
 
Mourinho đã không thay đổi trong cách tiếp cận trận đấu, nhưng ông lại chọn cách thay đổi trong cách đối xử với các cầu thủ của mình. Ông chọn cách đổ hết trách nhiệm lên vai các cầu thủ mỗi khi đội nhà gặp những kết quả không như ý, thay vì kéo tất cả sự chú ý về mình như trước đây. Khi một tập thể đội bóng, một cầu thủ cảm thấy được huấn luyện viên trưởng bảo vệ, họ sẽ chỉ muốn chết cùng ông ấy, còn khi họ chỉ nhận được sự chỉ trích, dù đã cố gắng, huấn luyện viên ấy đã thua từ trong chính nội bộ mình rồi.
 
Mourinho đã luôn kêu ca ông đã không có đủ tiền để mua sắm ở Manchester, ông không có những cầu thủ mà ông mong muốn để hoàn thiện đội bóng theo ý mình. Hãy nhìn lại con số đi Jose, hơn 400 triệu bảng đã được ném vào thị trường chuyển nhượng chỉ sau gần ba năm, ông còn đòi hỏi gì thêm nữa. Những Pogba, Lindelof, Eric Bailly, Fred, Lukaku… chẳng phải do chính tay ông mang về hay sao?
 
Khi các cầu thủ không chiến đấu vì huấn luyện viên của họ, đó phải là một vấn đề cực nguy hiểm. Pogba hay Anthony Martial, nếu sử dụng đúng cách, sẽ là những tài năng rất lớn…Marcus Rasford hay Jese Lingard hơn hai năm qua không lớn thêm được nữa, Lukaku càng ngày càng tệ, trong khi những người mà Mourinho ca ngợi trước đó như Eric Bailly, Tomimay, Fred… thậm chí còn không có cơ hội để thể hiện mình. Hẳn các cổ động viên quỷ đỏ sẽ cảm thấy chạnh lòng khi nhìn qua người hàng xóm Manchester City, khi Guardiola đang làm quá tốt công việc của ông ấy, đoàn kết các cầu thủ, nâng tầm họ và tất cả đều có cơ hội thể hiện khả năng của mình.
 
Sẽ không ngoa khi nói con người ta khi càng trở nên lớn tuổi thì càng bảo thủ và có xu hướng bảo vệ bản thân mình bằng những gì xưa cũ. Hơn một lần Jose Mourinho đã thể hiện điều đó ở Stamford Brigde khi trở về đá với Chelsea, đối đầu Juventus ở Allianz Arena hay mới nhất là trước Young Boys ở Old Trafford. Trước Chelsea ông nhắc nhở họ về những chiếc cúp mà ông giành được cùng với họ, trước Juve là về những gì ông đã có với Inter và trước Young Boys là tất cả những gì ở Champions Leage. Quá khứ chỉ để hoài niệm, không phải là để giành chiến thắng cho hiện tại, Jose!
 
Chắc hẳn, khi ký hợp đồng với Jose Mourinho hơn hai năm trước, các ông chủ ở Manchester United và các cổ động viên của họ cũng không thể ngờ đội bóng của họ lại trở nên tệ hại như vậy trong những ngày cuối cùng của triều đại Mourinho. Khi đội bóng là một mớ hỗn độn với những rắc rối, từ thượng tầng đến các cầu thủ, còn Carrington như một bãi chiến trường với những cái liếc mắt trừng nhau.
 
Manchester United năm thứ ba tới thời điểm Mourinho bị sa thải là một Manchester thật sự quá tệ hại. Khi một đội bóng như Southampton sa thải HLV của họ sau khi chỉ…hoà với MU là minh chứng rõ ràng nhất. Trước đây khi đến Old Trafford hay khi phải đối đầu với MU ở bất kỳ nơi đâu, các đối thủ thể hiện sự tôn trọng và sợ hãi, còn ở năm thứ ba với Mourinho, họ không còn run sợ nữa, khi ai cũng có thể bao vây De Gea và có thể nghĩ tới ít nhất một trận hoà trước Quỷ đỏ. Còn với các Manucians, khi những chiến thắng không còn đến thường xuyên nữa, niềm vui đơn giản chỉ là như chị Dậu chạy từng bữa ăn.
Jose Mourinho: Ke lang thang trong mien don doc
 
Là một cổ động viên của quỷ đỏ, hẳn bạn sẽ rất đau lòng khi nghe huấn luyện viên trưởng của đội bóng nói những câu chua chát như: “MU không cùng đẳng cấp với Juventus” Hay “Sẽ cố gắng để bắt kịp Man City” cộng với những phát ngôn gây chán nản kiểu như “Liverpool đã may mắn khi thắng Manchester United” mới đây. Jose Mourinho, hẳn là ông đã quên là mình đang dẫn dắt Manchester United, niềm tự hào của biết bao thế hệ cổ động viên trên toàn thế giới.
 
Khi giọt nước tràn ly, có cảm giác nếu không sa thải Jose Mourinho thời điểm này, Manchester United sẽ còn phải gánh chịu thêm nhiều thất bại nữa. Hẳn các ông chủ của Quỷ đỏ đã thấy được điều đó trước khi nói lời chia tay với Jose Mourinho. Đã có những tiếc nuối, đã có những tiếng thở dài, và tiếp theo sẽ là những câu hỏi, sau Jose sẽ là ai? Và Man United sẽ đi về đâu thời hậu Mourinho? 
 
Nhiệm vụ của Michael Carrick, huấn luyện viên tạm quyền của MU lúc này là ổn định đội bóng của mình trước chặng Tourmalet giông bão, đồng thời chờ đợi một người đàn ông khác đến tiếp quản chiếc ghế nóng. Để cứu vãn một mùa giải trước mắt đồng thời xây dựng lại một đế chế MU hùng mạnh như thưở nào trong tương lai. 
 
- HƯNG TRẦN - 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow