Man City có những tài năng trẻ tuyệt vời – giờ họ đang thăng hoa cùng Chelsea

Tác giả Tú Nguyễn - Chủ Nhật 22/12/2024 14:21(GMT+7)

Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.

 

Hầm lưu trữ hạt giống toàn cầu Svalbard là một nguồn tài nguyên nhân đạo khẩn cấp, được chôn sâu 150m trong một ngọn núi sa thạch phủ đầy tuyết trên đảo Spitsbergen ở Bắc Cực. Bên trong hầm, phía sau cánh cửa thép khổng lồ là bộ sưu tập hàng triệu hạt giống từ hơn 900.000 loại cây trồng khác nhau, với sứ mệnh cuối cùng là bổ sung thực phẩm trong trường hợp xảy ra thảm họa đột ngột. Thông thường, hầm này được sử dụng để bổ sung cho các kho dự trữ quốc gia trong trường hợp xảy ra thảm họa cục bộ, chẳng hạn như gửi hạt giống đậu gà và đậu fava đến Syria. Tuy nhiên, hầm cũng được gọi là “hầm tận thế”, vì tiềm năng được sử dụng trong trường hợp xảy ra thảm họa toàn cầu nghiêm trọng.

Đối với Manchester City, điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Tận thế đang ở đây, ngay lúc này. Tối qua, họ thua 2-1 trước Aston Villa, trận thua mới nhất trong chuỗi thất bại kinh hoàng: 9 trận thua sau 12 trận. Thế giới mà họ từng thống trị giờ trở thành một nơi đầy khắc nghiệt. Được ở trong “hầm trú ẩn” – hay nhờ danh tiếng tiếng trứ danh của mình, Pep Guardiola vẫn sống sót sau “tận thế” và nhìn rõ quy mô của thảm họa, cũng như sự cấp thiết trong việc tái thiết lại từ đầu.

Nhưng có một vấn đề dễ dàng nhận ra. City là đội bóng có độ tuổi trung bình lớn thứ tư tại Premier League. Đội hình ra sân trong trận thua trước Manchester United có độ tuổi trung bình là 28,5. Trừ 1 vài trường hợp nổi bật, nhiều cầu thủ xuất sắc được nuôi dưỡng từ học viện của CLB trong những năm gần đây, những người lẽ ra có thể mang lại hy vọng tái thiết giờ lại đang chơi cho các đội bóng khác. Những “hạt giống” mà họ đang tìm kiếm đã được bán đi, và giờ họ đang phải tạm hài lòng với các dạng “đồ hộp” như Jack Grealish.

 

Liam Delap, người có thể giảm bớt gánh nặng cho Erling Haaland (chưa nghỉ phút nào tại Premier League) đang ghi bàn không ngừng cho Ipswich Town. Felix Nmecha, một tiền vệ cao to, đa năng và đầy sức mạnh đang tỏa sáng tại Dortmund. Nhưng nỗi tiếc nuối lớn nhất lại đến từ những cái tên khác. Trong khi đội hình của City đang dần rút lui khỏi cuộc đua vô địch, Chelsea, đội bóng đang vươn lên mạnh mẽ nhất lại là đội trẻ nhất giải đấu (và trẻ thứ hai trong top 5 giải đấu hàng đầu châu Âu) cũng như đang hơn đoàn quân của Guardiola tới 7 điểm (với 1 trận chưa đấu), bao gồm 4 cầu thủ từng trưởng thành từ học viện City.

Đội hình Chelsea đánh bại Brentford vào Chủ nhật tuần trước gồm có Cole Palmer, Tosin Adarabioyo và Jadon Sanch – tất cả đều từng chơi trong màu áo xanh da trời ở đội trẻ. Palmer hiện là cầu thủ quan trọng nhất của Chelsea và đang chơi ở vị trí hộ công – nơi Phil Foden và Kevin de Bruyne của City lần lượt đang sa sút phong độ và bước vào giai đoạn cuối sự nghiệp.

Romeo Lavia, người không ra sân trong trận gặp Brentford đã cho thấy khả năng thích ứng và thoát pressing ở vị trí số 6, qua đó có thể trở thành phương án thay thế Rodri trong ngắn hạn – người đang vắng mặt vì chấn thương. Thậm chí HLV trưởng của Chelsea, Enzo Maresca từng làm việc với họ trong thời gian dẫn dắt đội U23 Man City.

Tất nhiên, thật hấp dẫn nếu nhìn nhận đây giống như cuộc rút lui bí mật của hàng loạt tài năng để đến đế chế khác theo cách ít ai ngờ tới, nhưng sự thật không phải vậy. Maresca rời đi để dẫn dắt Leicester với sự chấp thuận của City. Không ai nghĩ rằng ông sẽ trở thành HLV Chelsea chỉ sau 1 năm. City muốn giữ Palmer, nhưng không thể hứa hẹn thời gian thi đấu mà anh mong muốn. 7 năm trước, Sancho đã buộc phải ra đi và đi 1 con đường vòng để trở lại với đỉnh cao của bóng đá Anh, sau sự tỏa sáng ở Dortmund và những ngày bị ruồng bỏ tại Old Trafford. Lavia và Tosin đều gia nhập Chelsea qua 1 CLB khác tại Premier League. Có lẽ không ai trong số họ sẽ phát triển và trưởng thành như hiện tại, nếu họ ở lại City và chiến đấu để giành suất đá chính trong 1 đội hình từng giành cú ăn 3.

 

Tuy nhiên, thực tế của di sản ngẫu nhiên này vẫn rõ ràng. Ở thời điểm tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ, City đã bị vượt qua bởi 1 đội bóng mà phần không nhỏ trong đó là những cầu thủ họ đã đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực để phát triển.

Đây không phải là trường hợp duy nhất trong mùa giải này, nơi 1 nhóm cầu thủ được đào tạo tại 1 CLB lại tái hợp tại CLB khác. Fulham đang thăng hoa 1 phần nhờ tới các học viên từ Arsenal: Alex Iwobi, Emile Smith Rowe và Reiss Nelson. Real Betis có 3 cựu binh của La Masia thuộc Barcelona: Marc Bartra, Hector Bellerin, Sergi Altimira cùng với Abde Ezzalzouli, người từng chơi 1 mùa giải cho Barcelona B.

Trong tất cả các trường hợp này, thành công liên tiếp của các cầu thủ cũng là sự khẳng định giá trị của đội bóng đã đào tạo họ. City vẫn là 1 trong những hệ thống làm bóng đá thành công nhất trong lịch sử bóng đá Anh, với 6 chức vô địch trong 7 năm cộng thêm cú đúp vô địch Premier League 2 và Premier League U18 ở 3 trong 4 mùa gần nhất. Khi thuê Maresca, cựu tuyển trạch viên Joe Shields và 1 số tài năng xuất sắc nhất của họ, Chelsea không chỉ tiếp cận nguồn tài năng, mà còn khéo léo tìm cách khai thác trí tuệ làm nên nền tảng của triều đại này.

Nếu City bị cho là bất cẩn với các tài năng trẻ của mình, trong trường hợp của Palmer, Lavia và Nmecha, liệu có thể nói đây là khó khăn phát sinh từ hệ thống hóa hiệu suất cao? Hệ thống đào tạo trẻ của City có HLV và cơ sở vật chất hạng nhất, các phương pháp và bài tập huấn luyện tốt nhất, và tất nhiên sở hữu đội 1 mạnh nhất để noi theo.

 

Trong môi trường văn hóa xuất sắc đó, thật khó để phân biệt giữa các cá nhân xuất sắc thực sự và những sản phẩm của 1 môi trường xuất sắc? Rõ ràng, khi bán Palmer và Lavia, City biết rõ họ đang từ bỏ một khoản đầu tư nhiều năm huấn luyện, giảng dạy, định hình và phát triển – với 2 cầu thủ mang đậm dấu ấn của họ. Nhưng liệu họ có nhận ra rằng họ cũng đang từ bỏ những tài năng hiếm có, thuần túy và vô điều kiện hay không.

Một trong những điều kỳ lạ và trớ trêu của câu chuyện này là bản thân Chelsea cũng sở hữu một học viện xuất sắc không kém, với hồ sơ đào tạo các cầu thủ hàng đầu tương đương và 1 số lượng lớn các cầu thủ tốt nghiệp gần đây đang chơi cho các đội bóng khác. Trong 1 vũ trụ song song, sẽ có thời điểm Conor Gallagher, Lewis Hall và Marc Guehi cạnh tranh với đội bóng đã đào tạo họ. Thật khó để không cảm thấy rằng ở 1 khía cạnh nào đó, điều đó sẽ đúng.

Suy cho cùng, bóng đá là 1 môn thể thao diễn ra trong 90 phút chứ không phải một bài kiểm tra về khả năng sinh sôi của tổ chức. Tất nhiên, thật khó để không khỏi xúc động khi chứng kiến các CLB đầy ắp các cầu thủ từ học viện, như Chelsea dưới thời Lampard với Mason Mount, Tammy Abraham và Reece James, tập thể Liverpool vô địch League Cup mùa trước hay Ajax với Matthijs de Ligt, Donny van de Beek và Noussair Mazraoui, để tuyên bố rằng chiến thắng bằng những “trái ngọt” tự mình gieo trồng thực sự ý nghĩa hơn nhiều.

Nhưng thực tế thì có phải vậy không? Nếu nhìn vào nửa trên bảng xếp hạng Premier League mùa này theo tỷ lệ phần trăm số phút thi đấu của các cầu thủ tốt nghiệp từ học viện, bạn sẽ thấy Fulham và Brentford ở mức 0, Bournemouth nhỉnh hơn một chút và Chelsea cũng nằm ở mức thấp. Tuy vậy, những CLB này không chỉ thành công một cách hời hợt mà vẫn hoạt động tốt và khiến người hâm mộ vô cùng hài lòng. Trong những tuần gần đây, thật ấn tượng khi chứng kiến CĐV Chelsea cổ vũ nhiệt tình với những lời ca tụng như “Chúng ta đã lấy lại Chelsea của mình” dành cho 1 đội bóng mà chỉ có Levi Colwill (và 1 Reece James thường xuyên dính chấn thương) là sản phẩm của học viện.

 

Hiện tại, đội hình của Maresca – bao gồm các cầu thủ tốt nghiệp từ học viện của City và những tân binh sáng giá từ nơi khác – không chỉ đáp ứng mong muốn giành chiến thắng mà còn đánh trúng những cảm xúc sâu sắc hơn, khó chạm tới hơn như cảm giác về bản sắc và sự gắn bó. Bằng cách nào đó, điều này lại mang đậm chất Chelsea. Trong số các CLB lớn nhất của Anh, Chelsea luôn là đội đi ngược lại các giáo điều chính thống được trân trọng, những kế hoạch hoành tráng mà các CLB khác ca ngợi.

Trong kỷ nguyên Roman Abramovich, họ giành chiến thắng bằng cách lựa chọn kinh nghiệm dày dạn và những thay đổi mạnh mẽ, thay vì những lời hứa hẹn mơ hồ từ các triết lý và cầu thủ trẻ. Thật thú vị, bởi ngay cả khi Chelsea bước vào kỷ nguyên mới dựa trên sức trẻ và các nguyên tắc, điều đó vẫn mang nét khác biệt mang tính lật đổ.  

Theo The Times

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.