Lukasz Piszczek, mảnh ký ức cuối cùng của một vương triều đã sụp đổ từ lâu, sẽ rời Dortmund. Nỗi nhớ cuối cùng trong những nỗi nhớ xảy đến. Thomas Tuchel từng nói: “Cậu ấy là hiện thân cho tất cả những gì đặc trưng nhất của BVB và là những gì thuộc về BVB”.
|
Thời kỳ hoàng kim của Dortmund với 2 chiếc đĩa bạc liên tiếp đã trôi qua 1 thập kỷ. Ảnh: Getty Images |
Nhiều người tin rằng các cổ động viên Borussia Dortmund vẫn còn mắc kẹt trong thời kỳ hoàng kim từ năm 2011 đến 2013, rằng họ không thể dứt khoát rời bỏ một giai đoạn vinh quang, với hai chức vô địch Bundesliga và vào đến chung kết Champions League. Những hình ảnh của 10 năm trước vẫn còn như tươi mới: Jürgen Klopp không bao giờ phản bội chiếc mũ lưỡi trai Pöhler; Lucas Barrios ngồi trên xà ngang; Neven Subotic cởi trần trèo lên nóc xe ô tô ăn mừng giữa đường phố Dortmund; và Kevin Großkreutz thực hiện lời hứa cạo đầu ngay trên sân.
Một thập niên đã trôi qua và sau cùng, lịch sử phải bước sang trang mới, vì Lukasz Piszczek, thành viên cuối cùng của đội hình năm xưa sẽ rời đi. Mats Hummels và Marcel Schmelzer cũng thuộc đội ngũ tinh anh năm đó, nhưng người đầu tiên đã tự hủy hoại ảnh hưởng của mình bằng 3 năm bị đánh giá thất bại với Bayern Munich; trong khi người thứ hai không còn tạo ra chút giá trị chuyên môn nào trong vài năm đổ lại đây.
Chỉ còn lại đúng Piszczek, mảnh ký ức cuối cùng của một vương triều đã sụp đổ từ lâu. Nỗi nhớ cuối cùng trong những nỗi nhớ xảy đến. Thomas Tuchel từng nói: “Cậu ấy là hiện thân cho tất cả những gì đặc trưng nhất của BVB và là những gì thuộc về BVB”.
Hậu vệ người Ba Lan đã 36 tuổi và anh chưa từng là một cái tên lấp lánh trên thị trường chuyển nhượng. Một mặt, vì Piszczek có lối chơi tương đối đơn giản. Mặt khác, cái tên của anh không gắn với bất kỳ điều khác hơn màu áo vàng đen và những màn thể hiện trên sân cỏ. Anh không bao giờ xuất hiện trên mặt báo với những cụm từ thậm xưng ông hoàng tắc bóng hay chúa tể đường biên; anh không có những phát ngôn để đời; anh cũng không ghi những bàn thắng quyết định hay cố tỏ ra ngang tàng mạnh mẽ. Chưa từng và cũng sẽ không có một bức ảnh nào có thể nói lên sự nghiệp của Piszczek trong màu áo vàng đen.
|
Lukasz Piszczek đã cống hiến hết tất cả cho Dortmund, trải qua cả những ngọt ngào lẫn cay đắng. Ảnh: Getty Images |
Điều duy nhất có thể cảm nhận được – trước sau như một – là những gì anh cống hiến trong màu áo vàng đen của Borussia Dortmund. Lukasz Piszczek đã yêu Dortmund khi anh đến từ Berlin năm 2010, một thứ tình yêu đột ngột và không dễ lý giải. Vì vậy những giọt nước mắt của Piszczek sau trận chung kết cúp quốc gia lần nữa nhắc nhớ rằng bóng đá vẫn còn mang đến nhữn rúng động tâm can thuần khiết, dù cho sự phát triển hiện đại ngày càng đẩy nó rời xa ý nghĩa ban đầu.
Việc Piszczek chọn rời đi một phần xuất phát từ tình yêu dành cho câu lạc bộ này cộng với sự bất cẩn khi đánh giá sức chịu đựng của bản thân. Anh đã thảo luận chuyện rời xa câu lạc bộ trong ba năm liên tiếp. Ngay trước khi mùa giải này diễn ra, anh cũng hơi do dự nhưng rồi từ chối ở lại – “thực ra thì tôi đã quá già để tiếp tục làm cái chuyện chết tiệt này rồi”.
Trong một giai đoạn, Piszczek có vẻ đã đúng. Anh bước vào mùa giải với một cơn đau dai dẳng ở lưng; còn BVB cũng chuẩn bị hai hậu vệ phải mới: Mateu Morey và Thomas Meunier. Họ thay phiên đá chính tùy thuộc vào tính toán của HLV. Càng ngày chỗ của Piszczek càng rời xa sân cỏ, những tưởng theo cách này, sự nghiệp của anh sẽ khép lại một cách nhàn nhã. Đến một lúc nào đó thích hợp, Edin Terzic sẽ tri ân anh bằng đôi mươi phút thi đấu trong mùa giải 2020/2021.
Sẽ…sẽ…có thể. Nhưng mọi chuyện đã đi theo một hướng rất khác.
Cầu thủ trẻ Morey dính chấn thương nặng còn Meunier thi đấu không thuyết phục, Piszczek quay lại đội hình chính. Tốc độ, vóc dáng, những bước chạy dọc phải và những tình huống dâng cao bất ngờ: mọi thứ làm nên tên tuổi Piszczek trong suốt một thập niên dù có đôi chút sa sút nhưng sự nhạy bén, điềm tĩnh và óc quan sát chiến thuật của anh vẫn còn nguyên vẹn. Piszczek bất ngờ đạt phong độ đỉnh cao trong giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải, sau cùng là trận chung kết tại Berlin.
Piszczek thực sự muốn giành một danh hiệu nữa trước khi rời xa BVB. Và vì vậy, anh cháy hết mình bên cánh phải trên sân Olympiastadion trong 90 phút trước khi bật khóc trong vòng vây đồng đội. Với cá tính của Piszczek, anh có lẽ đã ước mình mạnh mẽ hơn để khóc lặng lẽ trong một góc khuất ít người chú ý, hơn là trở thành trung tâm của ống kính thu hình. Piszczek không muốn một trận cầu chia tay, anh từng khẳng định như thế. Anh không thích trở thành tâm điểm của sự chú ý. Và việc Westfalenstadion sẽ không có khán giả để nhìn thấy Piszczek khóc thêm lần nào nữa có lẽ cũng dễ chịu hơn với anh.
Sau mùa giải này, Piszczek sẽ quay lại quê nhà. Vì đại dịch, sẽ không có màn ăn mừng long trọng, không có chuyến xe buýt mui trần chạy trên phố Borsigplatz và nhiều người đồng đội thân thiết sẽ không có mặt. Anh quay lại nơi đã dạy những kỹ năng đá bóng đầu tiên – LKS Goczalkowice-Zdroj, ở đó anh chỉ muốn được ra sân thêm một ít và tranh thủ thời gian chăm nom học viện bóng đá trẻ do chính anh thành lập. Rời xa hết thẩy mọi thứ ồn ào náo nhiệt.
Piszczek hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Còn Dortmund sẽ rất nhớ anh, người có lẽ là hậu vệ phải xuất sắc nhất lịch sử câu lạc bộ, nhưng họ phải đương đầu với điều đó. Những màn chia tay đẫm nước mắt không phải điều gì mới mẻ với Dortmund.
Khi Jürgen Klopp rời câu lạc bộ năm 2015, ông đã nói nhiều điều sâu sắc. Một trong số đó là cảnh báo về sự so sánh - “Bởi so sánh làm vơi bớt đi những kỷ niệm ngọt ngào và cản trở tương lai tốt đẹp phía trước”. Sau cùng thì câu lạc bộ đã hiểu từ tận đáy lòng những lời Klopp nói, với sự chia tay mảnh ghép cuối cùng của một giai đoạn vàng son, hướng tới tương lai. Với Lukasz Piszczek, quá khứ đã mãi mãi ở lại.