Luis Nani: Cần gì phải chạy trốn quá khứ?

Tác giả Ole - Thứ Năm 17/11/2016 18:36(GMT+7)

“Bạn sẽ chẳng thể nào che giấu hay thay đổi được quá khứ. Bởi điều đó luôn là một phần trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Tất nhiên, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì những gì mình từng phải nếm trải. Chỉ cần bản thân thực sự nỗ lực và khao khát thì mọi thứ mà tôi giành được đều hoàn toàn xứng đáng”.

Luis Nani: Cần gì phải chạy trốn quá khứ?
Quả thật, hiếm có ngôi sao bóng đá nào trên đời phải trải qua nhiều nỗi bất hạnh như Nani, trong suốt những năm tháng từ khi anh sinh ra và được nhìn thấy ánh sáng mặt trời cho đến tận bây giờ…
ĐỨA TRẺ ĐẾN TỪ NƠI TẬN CÙNG XÃ HỘI
Xuất thân từ Praia, thủ phủ của Cape Verde, một hòn đảo hẻo lánh nằm ngoài khơi bờ biển Tây Phi, Nani khi mới sinh có tên cúng cơm là Luis Carlos Almeida da Cunha. Mặc dù vậy, khoảng thời gian sau này, để ngắn gọn hơn, chị gái đã quyết định gọi anh là Nani cho tiện. Được biết, gia đình Nani di cư đến Bồ Đào Nha từ rất sớm, thời điểm mà cậu bé mới chỉ ba hay bốn tuổi. Suốt những tháng năm thuở ấu thơ, Nani cùng với các anh chị em của mình đã phải sống trong một ngôi nhà tồi tàn bậc nhất thuộc khu ngoại ô thị trấn Santa Filomena, gần thủ đô Lisbon, một ngôi nhà không số, nơi chứng kiến biết bao mảnh đời éo le xung quanh. Tại khu vực mà Nani từng sinh sống, có tới 30% dân số trong độ tuổi từ 15-30 dính tiền án tiền sự.
Điều trớ trêu là ngay cả khi đang phải cố gắng sinh tồn giữa những cạm bẫy cuộc đời, thế nhưng cậu bé sinh năm 1986 còn thiếu đi tình thương của cha mẹ. Năm 7 tuổi, ông Domingos, cha của Nani đã trở về quê Cape Verde và chẳng bao giờ quay trở lại Bồ Đào Nha. Vài năm sau đó, đến lượt mẹ anh, bà Maria do Ceu bỏ đi lấy chồng mới ở Hà Lan, bỏ mặc tất cả 10 đứa con cho Chúa trời. Không còn bất cứ nơi nào để nương tựa, cậu út Nani cùng anh ruột đành đến “ăn nhờ ở đậu” tại nhà người dì Antonia, nơi anh tiếp tục sống trong một căn phòng chỉ rộng chừng 5m2 cùng với 6 người anh chị em họ khác.
Mặc dù trải qua quãng thời gian khốn khó nhưng rồi cuộc đời Nani lại vô cùng may mắn khi có một người anh đầy trách nhiệm. “Vấn đề đáng ngại nhất chính là những cơn đói. Chúng tôi không có đủ thức ăn và những điều kiện sống tối thiểu. Anh tôi, Paulo thậm chí đã phải mang thức ăn về nhà để nuôi sống tôi. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn phải đi ăn trộm thức ăn và hoa quả. Lẽ ra tôi đã bước vào con đường tội lỗi nếu như không có sự chỉ dạy đúng đắn của anh mình”. Để rồi, chính tình yêu thương và sự đùm bọc từ người anh trai đã giúp cho cậu bé Nani có thêm động lực vượt qua những giai đoạn khổ cực nhất.
Năm 14 tuổi, vì quá lo lắng em trai mình sẽ trở thành một tên gangster đường phố nên anh của Nani đã quyết định gửi cậu vào chơi bóng tại Real Massama, một đội bóng địa phương. Trước những tia hy vọng quá đỗi mong manh về một tương lai “đổi đời”, Nani đã chấp nhận ngày ngày cuốc bộ tới gần 10km để đi tập cùng với hành trang mang theo là… một chiếc bánh mỳ rỗng ruột. Vậy mà trong số gần 80 đứa trẻ nghèo kiết xác ở Santa Filomena khi ấy, cũng chỉ có một mình chàng trai sinh năm 1986 này là người duy nhất không bao giờ chấp nhận từ bỏ ước mơ. “Tôi thường dành rất nhiều thời gian để tập đá bằng cả hai chân mỗi ngày. Tôi biết rằng bóng đá chính là thứ duy nhất sẽ giúp mình thay đổi số phận”.
Luis Nani trong màu áo Bồ Đào Nha
VÀ ĐIỆU SANTO VẪN CÒN DANG DỞ
Những năm tháng chơi bóng miệt mài trên đường phố cùng tố chất phi thường đã đưa Luis Nani cập bến đội trẻ Sporting Lisbon vào mùa Hè năm 2003 và cũng chỉ đúng hai năm sau đó, anh tiếp tục nhận được bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời. Hai mùa giải khoác áo Sporting là những tháng ngày người hâm mộ được chứng kiến Nani thăng tiến nhanh chóng, qua đó trở thành một chân chạy cánh ấn tượng nhất giải VĐQG Bồ Đào Nha. Và rồi điều gì phải đến cũng đã đến, ngày 6/6/2007, bản hợp đồng Nani chính thức cập bến Manchester United với mức giá chuyển nhượng 25,5 triệu euro. Ngay trong mùa bóng đầu tiên khoác áo CLB chủ sân Old Trafford, tiền vệ người Bồ đã có những đóng góp nhất định giúp cho Quỷ đỏ đoạt được cú đúp danh hiệu Premier League và Champions League. Thế nhưng, điều nghịch lý là người ta vẫn luôn so sánh Nani với đồng đội Ronaldo, kẻ đang chơi bóng thăng hoa vào thời điểm bấy giờ.
Để rồi, sau khi CR7 chia tay Man Utd vào mùa Hè năm 2009, chính Nani lại trở thành nhân tố được các CĐV sân Old Trafford kỳ vọng nhất trong nhiệm vụ thay thế ngôi sao mang áo số 7. Mùa giải 2009/2010, Nani đã gây thất vọng tràn trề. Tuy nhiên, hai năm tiếp theo lại là những tháng ngày mà tiền vệ người Bồ Đào Nha trình diễn một thứ bóng đá mê hoặc hơn bao giờ hết. Phong cách chơi bóng giàu tốc độ và kỹ thuật nhưng cũng không kém phần tinh quái đã trở thành một thứ đặc sản của Nani, một thứ âm hưởng Latin vô cùng độc đáo và hoàn toàn riêng biệt giữa nền trời “Nhà hát của những giấc mơ”. Hằn sâu bên trong tiềm thức của nhiều người, những cú santo của Nani đã trở thành một ký ức không bao giờ có thể xóa nhòa.
Luis Nani trong những năm ở Old Trafford
Cho dù Ferguson từng nhiều lần khuyên nhủ chàng trai sinh năm 1986 không nên thực hiện những màn ăn mừng mạo hiểm như vậy, thế nhưng Nani vẫn chẳng quan tâm. Anh có những lý do của riêng mình. Là con người cực kỳ đam mê “capoeira”, một thứ nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ Brazil, kết hợp giữa võ thuật, âm nhạc và các điệu nhảy cuồng nhiệt, đối với Nani, dường như những cú santo chính là một phần của cuộc sống. “Họ nói rằng tôi bị điên nhưng tôi chẳng thèm quan tâm đến điều ấy. Đơn giản, vì capoeira chính là niềm đam mê của tôi và chắc chắn, tôi sẽ luôn ăn mừng với một điệu nhảy”. 
Mùa giải 2010/2011, Nani thi đấu bùng nổ và nhận được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Manchester United. Tuy nhiên, tình huống vào bóng ác ý của Jamie Carragher trong trận gặp Liverpool hồi tháng Ba năm 2011 đã khiến cho ngôi sao người Bồ bị gãy chân và từ đó đánh mất phong độ nhanh chóng. Ngoài ra, cũng cần phải nói đến sự xuất hiện của Antonio Valencia và Ashley Young đã góp phần đáng kể khiến cái tên Luis Nani dần dần chìm vào quên lãng. Ở một nơi như Old Trafford, thật quá khó để Nani có thể “hồi sinh” trở lại, nhất là khi cái bóng của người đồng đội Cristiano Ronaldo vẫn cứ luôn lởn vởn xung quanh sự nghiệp của anh.

KHI BẤT HẠNH LÀ MỘT MÓN QUÀ
Ở tuổi 28, là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời cầu thủ, thế nhưng Nani lại chấp nhận nói lời tạm biệt Premier League xa hoa. Sau một năm đầu quân cho đội bóng cũ Sporting theo dạng cho mượn, anh chuyển tới khoác áo Fenerbahce nhằm tìm kiếm tia hy vọng cứu rỗi cho sự nghiệp đang dần đi vào lụi tàn. Được biết, vào thời điểm ấy, một CLB Trung Quốc cũng sẵn sàng đãi ngộ tiền vệ sinh năm 1986 mức lương “khủng” lên đến 10 triệu bảng/mùa. Tuy nhiên, anh vẫn nhất mực từ chối. Để rồi, cũng chính bởi quyết định này mà Daniela Martins, vợ của Nani đã vội vàng đưa con trai quay trở về Bồ Đào Nha, bỏ lại cựu tiền vệ M.U một mình ở Istanbul.
Nani tạm biệt Premier League xa hoa để chuyển tới khoác áo Fenerbahce
Mặc dù vậy, trong thâm tâm Nani, có lẽ điều ấy cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi. Từng là một đứa trẻ đến từ bên kia thế giới, bị chính cha mẹ ruột mình bỏ rơi và phải sống trong cảnh khốn cùng, thêm một cuộc chia ly nữa đối với Nani đâu phải vấn đề gì to tát. Thành tích 13 bàn thắng cùng 12 tình huống kiến tạo trong màu áo Fenerbahce là quá đủ để đưa Nani từ Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại sân khấu châu Âu. Mùa Hè vừa qua, VCK EURO 2016 trên đất Pháp đã chứng kiến phong độ thăng hoa của tiền vệ người Bồ với tổng cộng 3 bàn thắng, qua đó góp công rất lớn giúp thầy trò HLV Fernando Santos đăng quang chức vô địch châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử.
Chưa bao giờ được xem là một ngôi sao tầm cỡ hàng đầu thế giới nhưng chính những pha lập công của Nani lại trở thành nguồn động lực giải cứu khát vọng của cả dân tộc Bồ Đào Nha từng phải chịu biết bao nỗi đắng cay dang dở trong suốt nhiều thập kỷ quá khứ. Thời điểm mà chiếc xe buýt đưa đội tuyển áo màu bã trầu diễu hành trên khắp đường phố Lisbon để ăn mừng chiến tích thần thoại ở kỳ EURO 2016, Nani đã trổ tài beatbox trong muôn vàn tiếng hò reo của các đồng đội và người hâm mộ, một khoảng khắc thực sự bình dị đối với những kẻ từng xuất thân từ đường phố như anh.
Xuyên suốt cuộc đời đầy rẫy những nỗi cay đắng đến mức trớ trêu của mình, Luis Nani cũng chẳng bao giờ oán trách một ai cả. Đối với cầu thủ người Bồ Đào Nha, dường như sự bất hạnh chính là một món quà quý báu giúp cho anh có thêm nhiều nghị lực và bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn.
Trong cái ngày được gặp lại người cha đẻ của mình vào năm 2006 sau quãng thời gian chia cách, Nani đã nói: “Ông ấy luôn cố gắng giải thích rằng mình không thể quay trở về Bồ Đào Nha là do vương mắc thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng hề muốn ông ấy phải nói ra những điều đó. Tôi đã sống bên cạnh những người anh trai luôn hết lòng vì mình. Tôi sẽ không bao giờ chối bỏ hay chạy trốn quá khứ. Ngay cả khi đã có tất cả trong tay thì tôi vẫn sẽ mãi mãi trân trọng những tháng ngày mình từng phải vật lộn để sinh tồn giữa cuộc đời”.  
OLE  (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.