Luis Figo: “Ở Barcelona tôi từng có tất cả mọi thứ”

Tác giả CG - Chủ Nhật 16/10/2022 18:31(GMT+7)

Zalo

Luis Figo từng là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và có tất cả mọi thứ ở Barcelona. Tuy nhiên thương vụ chuyển nhượng đến Real Madrid đã khiến anh thành kẻ thù ở xứ Catalunya. Trước thềm trận El Clasico đầu tiên của mùa giải 2022/2023, huyền thoại người Bồ Đào Nha tâm sự trên The Guardian về thương vụ lịch sử hơn hai thập kỷ trước.

306733529_1312620946226670_6761461500717864681_n
 

 

“Tôi từng chẳng khác gì một con chuột lang”, thành viên đầu tiên trong tập thể galacticos của Real Madrid thập niên 2000 chia sẻ với The Guardian kèm một nụ cười hiện trên gương mặt.

Thương vụ gây chấn động

Ở thời đỉnh cao của mình, Luis Figo là cầu thủ xuất sắc và đắt nhất thế giới. Xuyên suốt 20 năm sự nghiệp, anh đã thi đấu hơn 900 trận, có 127 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, ghi hơn 150 bàn, đoạt 8 chức vô địch quốc gia, 1 UEFA Champions League và 1 Quả bóng vàng cùng các danh hiệu khác. Ngoài ra, anh lĩnh xướng đội tuyển đất nước mình lần đầu lọt vào trận chung kết một giải đấu lớn và là người đưa Bồ Đào Nha bước vào kỷ nguyên mới.

Thực tế, Figo đã đưa toàn bộ thế giới bóng đá bước vào thời đại mới. Có thể nói, bóng đá hiện đại, thời kỳ của siêu CLB (super-club) bắt đầu nhờ Figo - một người tiên phong, một “chú chuột lang làm vật thí nghiệm”. “Cobaya” (chuột lang) là cách Figo miêu tả một thương vụ chuyển nhượng đã thay đổi mọi thứ. Thương vụ trị giá 10 tỷ peseta (60 triệu euro) đưa anh từ Barcelona đến Real Madrid năm 2000 giống như một bộ phim giật gân với tình tiết liên tục thay đổi, tạo ra sự kịch tính lu mờ toàn bộ những thứ khác.

Sau tất cả, độ lớn và sự chấn động của thương vụ đó được quyết định bởi chính Figo. Anh cho biết có thể viết hẳn một cuốn sách để nói về tất cả những thứ đằng sau sự kiện ấy bên cạnh những vấn đề khác: Tại sao buổi tối buồn nhất của ĐT Bồ Đào Nha lại là không phải ngày tệ nhất với Figo; anh đã gần Liverpool như thế nào; thậm chí là việc tranh cử chức chủ tịch FIFA.

Khi được phóng viên The Guardian hỏi về khoảnh khắc tuyệt vời nhất, Figo ngừng lại một chút trước khi đưa ra câu trả lời: “Khoảnh khắc hạnh phúc có rất nhiều, tôi không thể chọn được”.

Vậy còn khoảnh khắc tồi tệ nhất phải chăng là thất bại trong trận chung kết Euro năm 2004? “Không”, Figo trả lời rất nhanh. Anh nói tiếp: “Chúng tôi đã trải qua những thứ không tưởng và không thể tái hiện. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ, niềm hạnh phúc ở đội tuyển quốc gia đến như vậy.

Khi tôi bắt đầu khoác áo đội tuyển Bồ Đào Nha, chúng tôi chơi để không thua. Chúng tôi đi từ điều đó để đến các giải đấu với tư cách ứng cử viên. Dù không đoạt các danh hiệu, chúng tôi đã tạo dựng được danh tiếng, vị thế, có được sự tôn trọng và hỗ trợ những lứa cầu thủ kế cận. Có thể bóng đá lấy đi thứ gì đó của chúng ta nhưng nó sẽ trả lại nhiều năm sau. Mọi người kỳ vọng chúng tôi trở thành nhà vô địch và đến năm 2016, đối đầu tuyển Pháp ngay ở sân nhà của họ, chúng tôi đã vô địch mà không có cầu thủ xuất sắc nhất trên sân”.

Figo cho biết mọi sự thay đổi đều ẩn chứa trong đó những điều không chắc chắn, tuy nhiên anh luôn nghĩ đó là điều tốt nhất. Figo đã nhiều lần thay đổi: Từ rời xa quê hương tới Barcelona, sau đó đến Real Madrid, Inter Milan. Vậy khoảnh khắc “không chắc chắn nhất” với Figo có phải khi anh gia nhập Madrid?

Đã 22 năm kể từ khi huyền thoại người Bồ Đào Nha đứng trên sân Santiago Bernabeu và cầm chiếc áo số 10, hai thập kỷ kể từ khi anh là mục tiêu của một chiếc thủ lợn. “Người quyết định việc đi hay ở là tôi”, Figo khẳng định. Song, anh cũng thừa nhận rằng có một quyết định bị chi phối bởi hoàn cảnh không phải do anh tạo nên.

Trong bộ phim tài liệu “The Figo Affair: The Transfer that Changed Football” trên Netflix, Figo gần như hiện ra là một nạn nhân của thương vụ chuyển nhượng công phu do Florentino Perez - người lúc đó là ứng cử viên tranh chức chủ tịch Real Madrid - cùng người đại diện Jose Veiga và Paulo Futre - người môi giới của thương vụ này – thực hiện. Vận mệnh không nằm hoàn toàn trong tay Figo vì anh phải đối diện một thỏa thuận ràng buộc pháp lý kinh khủng mà Veiga đã ký, trong đó bao gồm số tiền phạt 30 triệu euro nếu có điều khoản bị phá vỡ.

“Chỉ tôi mới có thể cứu họ bằng cách đến Madrid”, Figo nhấn mạnh. Anh cho biết đôi khi anh phải trả giá vì không biết cách từ chối. Vậy tại sao anh không chấm dứt hợp tác với Veiga? Sau tất cả, rắc rối đó không phải do Figo gây ra mà là do người đại diện này tạo nên.

Figo trả lời: “Đúng, tôi biết. Nhưng đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Tôi rất bình tĩnh nhưng đồng thời tôi cũng có nhiệm vụ lo cho những người làm việc với tôi. Song, đó là quyết định mà tôi đưa ra. Tôi chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Quyết định chịu trách nhiệm là của mình tôi. Và một năm sau, tôi ngừng làm việc với người đại diện của mình vì có một số vấn đề xuất hiện. Tôi nói: ‘Được rồi, tôi sẽ lại chịu trách nhiệm. Từ bây giờ, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi’”.

Luis Figo “Ở Barcelona tôi từng có tất cả mọi thứ” 1
 

Những điều đã mất

Cuộc sống của Figo đã thay đổi từ đó. Anh đã đạt được nhiều thứ sau thương vụ chuyển nhượng ấy, ví dụ như khía cạnh tài chính. Tuy nhiên, Figo cũng đánh mất nhiều điều. Một ngôi nhà, một tương lai hay những người bạn như lời của anh.

Anh nói: “Có thể đó lại là điều tốt vì tôi từng nghĩ họ là bạn nhưng thực chất họ không phải vậy. Tôi đã nhận ra điều đó. Khi câu chuyện xảy ra, họ không còn muốn xuất hiện bên cạnh tôi nữa vì mức độ to lớn của sự việc ở Barcelona”.

Figo thở dài trước khi tiếp tục: “Mọi chuyện phức tạp nhưng tôi hiểu. Mà thực ra thì tôi không hiểu và cũng không quan tâm. Sau tất cả, tôi có một ý niệm vững chắc về tình bạn, vì thế mọi thứ khiến tôi ngạc nhiên. Tôi khổ tâm vì có mối quan hệ tình bạn với những người tôi nghĩ là họ chân thành, để rồi cuối cùng không phải vậy.

Ở Barcelona tôi có tất cả mọi thứ, nhưng trong đầu tôi có một suy nghĩ: ‘Mình sẽ không thể đến một CLB hạng hai được’. Nếu đó không phải Madrid thì tôi sẽ không đi. Đây là một thử thách và quyết định được đưa ra dựa trên cảm giác tôi sẽ được trân trọng và tôi nghĩ mình sẽ là mảnh ghép quan trọng. Mọi thứ đã có thể trở thành mớ hổ lốn nhưng cuối cùng không phải vậy, tạ ơn Chúa.

Ngày nay, các cầu thủ sẽ được bảo vệ hơn. Thời điểm ấy tôi có cảm giác như ngày nào mình cũng phải tham dự một cuộc họp báo. Điều đó đã tạo ra hệ lụy khá tiêu cực. Chúng tôi bắt đầu một chuyến đi mới, một ý tưởng mới, có sự thù địch, áp lực, mức giá”.

Đi kèm với đó là sự ghét bỏ từ ngôi nhà cũ. “Không phải ai cũng thích Chúa thì làm sao tất cả mọi người đều thích tôi được?”, Figo nhấn mạnh. Tuy nhiên, anh vẫn sốc về bầu không khí trong lần đầu tiên trở lại Camp Nou. “Điều duy nhất tôi lo lắng là chẳng may có một gã điên nào đó định hành hung tôi. Nhưng rồi tôi nghĩ mình đến đó để chơi bóng cơ mà. Trong bóng đá không có lý do gì để sợ hãi cả”.

Luis Figo “Ở Barcelona tôi từng có tất cả mọi thứ” 2
 

Mọi thứ là vận mệnh

Đó chính là sự cứng rắn của Figo. Đôi khi anh giống một tấm lá chắn không thể xuyên thủng. Figo cho biết tính cách anh là như vậy. Anh luôn sẵn sàng đương đầu với áp lực bởi điều đó giúp anh luôn giữ đôi chân trên mặt đất. Figo luôn muốn giành chiến thắng. Kết thúc mùa giải ấy, Madrid trở thành nhà vô địch và Figo đóng vai trò quan trọng. Sau đó, Zinedine Zidane gia nhập Los Blancos, tiếp đến là Ronaldo, David Beckham. Bóng đá bước vào giai đoạn mới mà chính Figo là người mở đầu. Người phải chịu trách nhiệm quản lý tất cả những ngôi sao đó là Vicente Del Bosque - người mà Figo gọi là “một trong những người tốt và HLV tốt nhất tôi từng gặp”.

Anh nói cụ thể hơn: “Quản lý 25 cái tôi lớn là điều khó nhất trên thế giới. Bạn không thể áp đặt ‘cậu phải làm thế này, thế kia’ như với trẻ con. Ông ấy hiểu điều đó. Có nhiều cái tôi trong đội nhưng ngoài ra đó là những cầu thủ xuất sắc muốn giành chiến thắng và tôn trọng không gian của người khác. Nếu tất cả cùng có suy nghĩ: ‘Không, tôi mới là người giỏi nhất, anh phải chạy’ thì loạn mất. Bầu không khí trong đội thực sự rất tốt”.

Tuy nhiên có những thứ đã thay đổi. Del Bosque bị sa thải và thành công ngoảnh mặt đội bóng. Theo Figo, lúc này một thế giới mới đã xuất hiện bên cạnh bóng đá: Hình ảnh, marketing, thông tin đại chúng… Và yếu tố bóng đá đã bị những phần khác lấn lướt. Huyền thoại người Bồ Đào Nha cho rằng vì thế hệ galacticos của anh là những người tiên phong, những quyết định có thể không được đồng bộ với yếu tố bóng đá.

Ở tuổi 32, Figo được Liverpool tiếp cận. “Tôi muốn tới đó”, Figo thừa nhận. Anh tiếp tục: “Chúng tôi đã trao đổi khá nhiều. Thế rồi đến một tuần nào đó, họ nói: ‘Không, chúng tôi không thể chiêu mộ anh ngay bây giờ được’ và sau đó họ ký hợp đồng với cầu thủ. Sau đó tôi nghĩ ‘đợi một chút xem sao, trước hết cần phải sắp xếp lại mọi thứ đã’ rồi họ chiêu mộ thêm một cầu thủ khác. Tôi tự hỏi: ‘Chuyện quái quỷ gì vậy, các anh đang đùa tôi hay sao?’ Khi ấy Inter xuất hiện, tôi tới Milan gặp chủ tịch Moratti và đưa ra quyết định. Tôi yêu Inter, đó đúng là điều tôi cần”.

Sau khi đoạt 4 Scudetto cùng Inter, Figo tuyên bố giải nghệ. Tuy nhiên, anh không bước chân vào sự nghiệp huấn luyện đơn giản vì cái tôi của giới cầu thủ. Anh chia sẻ: “Tôi hiểu quá rõ các cầu thủ. Bạn biết đấy, tôi cũng muốn thử sức nhưng tôi không biết liệu mình có khả năng hay không. Thách thức với tôi là đưa những ý tưởng bóng đá vào trong tập luyện, giao tiếp, tiếp cận mọi người. Tôi không có bằng cấp huấn luyện. Mà để lấy bằng huấn luyện thì giống như học y vậy: Dài tận 6 năm.

Luis Figo “Ở Barcelona tôi từng có tất cả mọi thứ” 3
 

Và tôi thiên về khía cạnh điều hành hơn, tôi bị cuốn hút với công việc sản xuất, trở thành một doanh nhân. Tôi không ngồi yên một chỗ được. Tôi thích những người có kinh nghiệm thi đấu làm việc trong ngành bóng đá nhưng chỉ khi họ có khả năng. Tôi hoàn toàn phản đối việc sử dụng ‘tên tuổi’ để có được công việc nào đó mà họ không đủ khả năng”.

Điều này phần nào lý giải việc Figo quyết định tranh cử chức Chủ tịch FIFA năm 2015. Anh chia sẻ: “Đó là câu chuyện dài. UEFA đề xuất tôi trở thành ứng cử viên. Tôi thấy FIFA đầy rẫy vấn nạn tham nhũng và mafia. Ở Liên đoàn bóng đá châu Âu, chúng tôi cảm thấy cần phải hành động ngay cả khi cơ hội gần như không có bởi ít nhất thì cũng thể hiện tiếng nói của mình.

Họ ném tôi vào lửa vì đã có 2 ứng cử viên rồi. Một người đến từ Ủy ban điều hành UEFA là Michael van Praag, người còn lại là Hoàng tử Ali bin Hussein - người nhận được sự ủng hộ của Michel Platini - chủ tịch UEFA khi đó. UEFA đề nghị có một người thứ ba và đó là tôi.

Tôi đồng ý. Tôi giống như một cái cớ để họ không phải bầu cho nhau dù tay họ đã bị trói hết. Tôi xây dựng chiến dịch tranh cử của mình, quan sát mọi thứ vận hành ra sao và học hỏi từ những gì xảy ra bên trong thế giới đó. Bạn có thể làm hẳn một bộ phim tài liệu về chuyện đó. Một tuần trước cuộc bầu cử, từ Zurich họ gọi điện mời tôi đến cuộc họp để xem ứng cử viên nào sẽ tiếp tục tham gia (với sự ủng hộ của UEFA).

Tất cả mọi người có mặt. Ai cũng muốn mình là người tiếp tục chiến dịch và chúng tôi không đạt được thỏa thuận nào hết. Sau đó, liên đoàn của tôi gọi điện. Họ và UEFA muốn tôi tránh sang một bên, mà về lý thuyết họ là những người ủng hộ tôi”.

Figo tiếp tục chia sẻ với giọng hơi giễu cợt một chút: “Tôi trả lời: ‘Tôi sẽ không đi đâu hết’. Tôi sẽ không dừng lại. Tôi không bận tâm mình sẽ có 1, 2, 3, 4, 5 hay thậm chí chẳng có lá phiếu nào. Nhưng nếu không có sự ủng hộ của những người yêu cầu tôi đứng lên tranh cử ngay từ đầu, tôi đã không tham gia. Và tạ ơn Chúa, có lẽ là định mệnh vì ngay tuần sau đó, FBI mở cuộc điều tra về FIFA và đưa không biết bao nhiêu người vào tù khiến cuộc bầu cử bị hủy bỏ. Đó là một vụ bê bối lớn và khi ấy tôi nghĩ: ‘Tốt lắm’”.

Hiện tại, Figo vẫn đau đáu ý muốn tham gia công tác điều hành. Anh chia sẻ: “Tôi muốn tiếp tục làm việc với FIFA nhưng với sự tích cực và trách nhiệm cao hơn. Nếu tôi có sự ủng hộ đúng mức và thực chất, nếu tôi thấy mình có thể đóng góp ở điều gì, tôi nghĩ mình có khả năng làm điều có ích cho bóng đá. Nếu dự án thú vị và tôi có thể đóng góp giá trị trong đó, tôi sẽ không từ chối. Tuy nhiên tôi chưa có kế hoạch gì cả. Tôi không bao giờ lên kế hoạch chương trình cho cuộc đời mình. Mọi thứ là vận mệnh, nó xảy ra và tôi quyết định”.

Theo Sid Lowe | The Guardian

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.

X
top-arrow