Lothar Matthaus: “Tiểu hoàng đế”- Vinh quang và cay đắng

Tác giả CG - Thứ Ba 21/03/2017 17:45(GMT+7)

“Anh ấy là đối thủ giỏi nhất mà tôi từng đối đầu. Tôi nghĩ thế là đủ để định nghĩa về anh ấy rồi.”
Lothar Matthaus: Tiểu hoàng đế - Vinh quang và cay đắng
Đó là lời phát biểu của Diego Maradona dành cho một con người mà ông từng không dưới một lần chạm trán trực tiếp. Người ta thường nói anh hùng trọng anh hùng, chỉ một lời của Maradona thôi có lẽ cũng lột tả được sự xuất sắc của con người ấy. Ông là Lothar Matthäus.
Lothar Herbert Matthäus sinh ngày 21/3/1961 tại thành phố Erlangen thuộc bang Bavaria, miền nam nước Đức. Sớm bộc lộ hứng thú với trái bóng tròn, ông gia nhập đội bóng nhỏ Herzogenaurach năm 10 tuổi. Sau tám năm ở Herzogenaurach, mùa giải 1979/1980, ông kí hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của đời mình với đội bóng đang thi đấu ở giải đấu hạng nhất là Borussia Monchengladbach. 
Cần phải nói rằng trước khi Matthäus gia nhập Monchengladbach, đội bóng này đã trả qua giai đoạn thi đấu rất thành công. Họ vô địch Bundesliga trong ba mùa giải từ năm 1974 đến 1977; mùa giải 1977/1978, Die Fohlen giành ngôi á quân. Thế nhưng, suốt những năm tháng mà Matthäus thi đấu tại đây, đội bóng trở nên sa sút và có thời điểm họ kết thúc mùa giải ở ngoài top 10. Thứ hạng cao nhất mà ông có được cùng Monchengladbach là vị trí thứ ba trong mùa giải 1983/1984.
Tuy nhiên, thành tích tập thể dù không như mong muốn cũng không thể nào làm lu mờ màn trình diễn cá nhân của Matthäus. Ông trở thành một phần quan trọng của câu lạc bộ, một tiền vệ box-to-box rất triển vọng với khả năng áp chế đối phương, điều khiển tốc độ trận đấu. Và tất nhiên, con mắt tinh tường của các nhà tuyển trạch Bayern Munich không thể bỏ qua một tài năng lớn như vậy. Sau năm năm ở Borussia Monchengladbach, mùa giải 1984/1985, Lothar Matthäus gia nhập “Hùm xám xứ Bavaria.”
Thi đấu trong màu áo đội bóng số một nước Đức, Matthäus nâng tầm trở thành một trong những tiền vệ hàng đầu thế giới. Ông giúp đội bóng vô địch Bundesliga ba lần, giành một cúp quốc gia và một siêu cúp quốc gia Đức. “Hùm xám” cũng lọt vào tới trận chung kết European Cup trong mùa giải 1986/1987, tuy nhiên đáng tiếc họ đã thất bại với tỉ số 1-2 trước Porto của Bồ Đào Nha dù đã dẫn trước 1-0 trong phần lớn thời gian của trận đấu. Đây có thể xem như một dấu hiệu báo trước với Bayern Munich và chính Lothar Matthäus cho những gì xảy ra 12 năm sau.
Matthäus cần một bước tiến mới trong sự nghiệp. Ông rời nước Đức, cùng với người đồng đội ở tuyển quốc gia Andreas Brehme chuyển tới Inter Milan dưới sự dẫn dắt của Giovanni Trapattoni. Serie A lúc này có thể xem như đang trong thời đại hoàng kim của mình, là giải vô địch quốc gia số một thế giới nơi hội tụ những vì tinh tú là những cầu thủ và huấn luyện viên hàng đầu. Tuy nhiên, theo quy định của giải đấu lúc đó, mỗi đội bóng chỉ được phép có ba cầu thủ ngoài quốc tịch Italia trong đội hình. Và Nerazzurri rất may mắn khi đã có trong tay hai “họng pháo” hạng nặng tới từ Đức.
Lothar Matthaus trong màu áo Nerazzurri
Thành công đến ngay lập tức. Inter giành scudetto ngay trong mùa giải đầu tiên Matthäus ở đây. Đó cũng là scudetto đầu tiên của đội bóng sau tám năm lỡ hẹn, bỏ cách đội á quân Napoli của Diego Maradona 11 điểm trên bảng xếp hạng. Matthäus thay đổi bộ mặt của Nerazzurri. Với chiếc áo số 10 kinh điển luôn dành cho những ngôi sao tấn công ở một giải đấu cũng kinh điển không kém, ông ghi 12 bàn thắng trong mùa giải ấy, kiến tạo vô số cơ hội cho các đồng đội và người được hưởng lợi lớn nhất có lẽ là Aldo Serena, một tiền đạo chỉ có 30 bàn trong ba mùa giải trước đó ở Torino và Juventus nhưng đã có tới 22 pha lập công trong năm ấy với sự hỗ trợ của Matthäus. Với chừng đó bàn thắng, Serena cũng ẵm luôn danh hiệu vua phá lưới Serie A, vượt trên cả những ngôi sao Marco van Basten của AC Milan, Careca của Napoli hay Gianluca Vialli của Sampdoria.
Và bỏ qua mùa giải 1989/1990 thất vọng cùng Inter Milan, Matthäus bước vào mùa giải 1990/1991 với tràn đầy quyết tâm, đặc biệt sau vinh quang cùng đội tuyển quốc gia tại World Cup 1990 ở chính đất nước Italia. Có lẽ cần dừng lại một chút để nói về những tháng khoác áo Die Mannschaft của ông, bởi đây có thể coi là một chương huy hoàng nhất trong sự nghiệp của người đàn ông này. Lothar Matthäus lần đầu được gọi vào đội tuyển quốc gia năm 1980 và là một trong những cái tên được lựa chọn tham dự vòng chung kết Euro trong năm đó. Tuy nhiên, ở giải đấu này, ông không thể hiện được quá nhiều điều.
Phải tới sáu năm sau, Mexico 86 mới là giải đấu mà cái tên Lothar Matthäus thường xuyên được thi đấu và để lại dấu ấn của mình. Đội tuyển Tây Đức lọt vào trận chung kết và đối đầu với Argentina. Huấn luyện viên Franz Beckenbauer của tuyển Tây Đức giao cho cậu học trò của mình một nhiệm vụ hết sức quan trọng: kèm và “bắt chết” ngôi sao số một của đối thủ, Diego Maradona. Đó như một lời khẳng định về khả năng cũng như tầm quan trọng của Matthäus là lớn như thế nào. Và dù Tây Đức thất bại năm ấy nhưng đó như là lời “hẹn gặp lại” với chính đối thủ ấy vào bốn năm sau. Vì đó chính là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Lothar Matthäus.
Italia 90, nước Ý chào đón đội tuyển Tây Đức với năm thành viên trong số đó vẫn đang chơi bóng tại đây. Càng đặc biệt hơn nữa với riêng Matthäus, giải đấu năm ấy ông có cho mình bốn bàn thắng thì đến ba pha lập công được thực hiện trên sân vận động Giuseppe Meazza (San Siro), sân nhà của Inter Milan. Đội bóng băng băng tiến vào trận chung kết với lối đá tấn công rực lửa dưới sự chỉ huy của thủ quân Matthäus. Và như một sự sắp đặt tài tình của tạo hóa, Tây Đức lại chạm trán Argentina, Franz Beckenbauer lại đối đầu với Carlos Bilardo trên băng ghế huấn luyện và Matthäus lại được giao nhiệm vụ kèm cặp Maradona như bốn năm trước. 
Thế nhưng lịch sử đã sang trang, bàn thắng muộn của của Brehme trên chấm phạt đền mà được cho là “tưởng tượng” của trọng tài đã chấm dứt mọi hy vọng của người Argentina. Cúp vàng đã thuộc về người Đức sau hai kì World Cup liên tiếp trước đó gục ngã trước cổng thiên đường. Hình ảnh Maradona bật khóc ngay trên sân đã trở thành kinh điển. Còn với người đội trưởng bên kia chiến tuyến là Matthäus, ông đã có danh hiệu đầu tiên trong màu áo trắng của đội tuyển. Sau này trong cuốn tự truyện Yo soy el Diego, huyền thoại Argentina không ngần ngại khẳng định thủ quân của đội tuyển Tây Đức năm ấy chính là đối thủ giỏi nhất mà ông từng đối đầu. Còn riêng với Matthäus, Italia 90 với ông như một “giải đấu được tổ chức trên sân nhà”, ông thừa nhận.
Và quả thực, đó cũng là đỉnh cao nhất mà ngôi sao sinh năm 1961 có được cùng Die Mannschaft.. Euro 1992, một chấn thương đã khiến ông không thể cùng các đồng đội tới Thụy Điển. World Cup 1994 tại Mỹ, Matthäus tiếp tục là thủ quân của các nhà đương kim vô địch, thế nhưng lần này họ đã phải ngậm ngùi rời cuộc chơi ở vòng tứ kết trước người Bulgaria. Hai năm sau, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Một tranh cãi với đương kim đội trưởng đội tuyển quốc gia thời điểm ấy là Jürgen Klinsmann và huấn luyện viên trưởng Berti Vogts đã khiến ông không được triệu tập để vượt Đại Tây Dương tới nước Mỹ. Nhưng bất ngờ trong hai vòng chung kết World Cup và Euro tiếp theo, ông lại được gọi trở lại dù lúc này đã ở sườn dốc bên kia sự nghiệp. Lothar Matthäus đi vào lịch sử bóng đá Đức khi là cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia nhiều nhất (150 lần) và lịch sử bóng đá thế giới khi là người góp mặt tại nhiều trận đấu World Cup nhất (25 trận).
Thật đáng tiếc với một con người tài năng nhưng lại chỉ được một lần hưởng niềm vui vinh quang cùng Tổ quốc năm 1990. Quay trở lại với thời điểm này, Inter Milan của Matthäus lúc ấy đã bổ sung thêm chân sút cự phách Jürgen Klinsmann tới từ Vfb Stuttgart. Bộ ba Đức Brehme - Matthäus - Klinsmann được hình thành như sự cạnh tranh với tam tấu “Hà Lan bay” Rijkaard - Gullit - Van Basten của kình địch cùng thành phố AC Milan.
Mùa giải 1990/1991 có thể coi là một mùa giải thực sự xuất sắc của Lothar Matthäus tiếp đà hưng phấn từ chức vô địch thế giới của đội tuyển quốc gia. Ông ghi 16 bàn tại Serie A, về nhì trong cuộc đua vua phá lưới và tổng cộng có 23 pha lập công sau 46 trận đấu trên mọi đấu trường. Inter Milan lọt vào trận chung kết UEFA Cup và đối thủ của họ là cái tên quen thuộc AS Roma. Nerazzurri đánh bại Giallorossi với tổng tỉ số 2-1 sau hai lượt trận, trong đó số 10 của Inter đóng góp một bàn thắng với cú sút phạt đền sấm sét trong trận lượt đi. Một năm hết sức viên mãn với cá nhân Matthäus, ông xuất sắc và vô cùng xứng đáng khi được vinh danh là Cầu thủ Đức xuất sắc nhất năm 1990, giành Quả bóng vàng châu Âu 1990 và là người đầu tiên nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA (1991).
Tuy nhiên rất nhanh chóng, mùa giải 1991/1992 lại là cái kết cho quãng thời gian ở Italia của danh thủ người Đức. Sau những lần thay tướng liến tiếp chỉ trong một mùa giải, Inter Milan trở nên bất ổn định và mất phương hướng. Họ đánh rơi phong độ, xếp thứ tám chung cuộc với 37 điểm, vỏn vẹn 28 bàn thắng và 28 bàn thua phải nhận, trong khi chỉ mới một năm trước thôi họ giành vị trí thứ ba với 46 điểm, 56 bàn thắng và 31 bàn thua. Inter sa sút, bộ ba người Đức tan rã. Lothar Matthäus trở về Bayern Munich.
Lothar Matthaus ở Munich
Trở về quê hương, sau vài mùa giải đầu tiên, lúc này ông đã được giao đảm nhận một vị trí mới, vị trí libero. Không phụ lòng của người hâm mộ, ở vị trí mới này, ông vẫn thi đấu rất chắc chắn và giúp “Hùm xám” giành bốn chức vô địch Bundesliga, một Cúp Quốc gia Đức, một UEFA Cup và một lần nữa lọt vào trận chung kết Champions League (Tiền thân là European Cup). 
Thế nhưng, nỗi ám ảnh của 12 năm về trước chưa buông tha Bayern Munich và chính Matthäus. Họ lại là những người dẫn trước 1-0 trong gần như toàn bộ trận đấu với pha lập công của Mario Basler. Matthäus tự tin rời sân ở phút 80 để nhường chỗ cho Thorsten Fink và tưởng như đã có thể hưởng niềm vui là nhà vô địch. Cái tên Bayern Munich đang được khắc lên chiếc cúp bạc vinh danh người chiến thắng thì bất ngờ hai bàn thắng của Teddy Sheringham phút 90+1 và Ole Gunnar Solskjær phút 90+3 đã nhấn chìm tất cả. Hình ảnh Lothar Matthäus - số 10 của Bayern Munich - chết lặng trên ghế trở nên đầy ám ảnh. Lại gục ngã trước cửa thiên đường. Ông nhận tấm huy chương bạc và tháo nó ra khỏi cổ ngay lập tức. Một thất bại đầy cay đắng và tức tưởi. Và ông vĩnh viễn không thể nào giành được chức vô địch Champions League bởi ngay mùa giải sau, ông đã chuyển tới Mỹ để đầu quân cho MetroStars (New York Red Bulls bây giờ) và giải nghệ tại đây sau 745 trận đấu ở cấp độ đội tuyển lẫn câu lạc bộ với tổng cộng 184 bàn thắng.
Có thể nói xuyên suốt sự nghiệp, Lothar Matthäus là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế hệ của mình. Biệt danh “Tiểu hoàng đế” như đã nói lên tất cả. Ông sở hữu kỹ thuật, sự lạnh lùng và mạnh mẽ trong thi đấu, khả năng ghi bàn tốt bằng cả không chiến lẫn hai chân. Không chỉ vậy, ông còn là một thủ lĩnh tinh thần ở trên sân lẫn ngoài sân cỏ, một người đội trưởng mang chất Đức trứ danh. 
Tuy vậy, cuộc sống lẫn sự nghiệp của ông sau khi rời xa nghiệp quần đùi áo số lại chỉ là những long đong và thất vọng. Tiền đạo Lukas Podolski từng đăng đàn công kích bậc tiền bối của mình rằng “Tôi thấy thật nực cười khi Matthäus chỉ dạy tôi một cách tỉ mỉ về cách cư xử” sau khi ông lên tiếng khuyên tiền đạo gốc Ba Lan nên tập trung vào bóng đá thay vì chỉ chú ý đến mạng xã hội. Podolski thậm chí còn đăng lên tài khoản cá nhân của mình biểu tượng cô dâu kèm dòng hashtag “Erfolgscoach” có nghĩa “Huấn luyện viên thành công”. Đó như một sự mỉa mai với “Tiểu hoàng đế”.
Ngay sau khi giã từ sân cỏ, ông lập tức bắt tay vào công tác huấn luyện với Rapid Vienna nhưng rồi ông chỉ ở nước Áo trong một mùa giải duy nhất. Điểm đến tiếp theo, Partizan Belgrade, cũng không phải là một mảnh đất lành với Matthäus và lại chỉ là một mùa giải trước khi ra đi. Rời Serbia, năm 2004 ông thử sức mình với đội tuyển quốc gia Hungary kèm nhiệm vụ đưa đội bóng Trung Âu này lọt vào vòng chung kết World Cup 2006. Và lịch sử thì ai cũng biết, Hungary không được đến Đức năm 2006. Huấn luyện viên sinh năm 1961 này lại ra đi và sau này ông cáo buộc Liên đoàn bóng đá Hungary không hề đóng góp mà chỉ lợi dụng nền bóng đá nước này và “không phải ngẫu nhiên khi Hungary vận động đăng cai Euro 2012 nhưng chẳng nhận được bất kì lá phiếu nào.”
Cựu tiền vệ người Đức quyết định phiêu lưu với Atlético Paranaense ở giải vô địch quốc gia Brazil, trước đó hai bên đã kí hợp đồng vào ngày 11/1/2016. Nhưng chỉ sau bảy trận đấu, ông đột ngột trở lại châu Âu với lí do giải quyết việc cá nhân và sẽ sớm trở lại. Nhưng ông không bao giờ trở lại nữa. Ông gửi một lá đơn xin từ chức vào ngày 20/3 năm đó. Ban lãnh đạo đội bóng Brazil tất nhiên là không hài lòng, không chỉ bởi hành động thiếu chuyên nghiệp mà còn vì tờ hóa đơn điện thoại lên tới 6000 USD mà Matthäus còn chưa trả.
Lothar Matthaus và Klinsmann
Trở lại châu Âu, ông còn dẫn dắt thêm ba đội bóng nữa mà gần nhất là đội tuyển quốc gia Bulgaria. Nhưng rồi hai bên đã chia tay nhau vào năm 2011. Xen giữa tất cả những quãng thời gian này, Lothar Matthäus còn đóng vai trò cây viết cho tạp chí Sport Bild cũng như khách mời trong các chương trình bình luận bóng đá.
Hiện giờ đã 56 tuổi, trải qua năm đời vợ với bốn người con cùng một lần bị “cắm sừng”, huyền thoại ngày nào giờ đã lựa chọn một cuộc sống bình thường. Đi qua biết bao thăng trầm từ tột đỉnh vinh quang tới những thất bại ê chề, cay đắng, có lẽ rất nhiều người đã quên đi cái tên Lothar Matthäus. Nhưng huyền thoại vẫn mãi là huyền thoại, bóng đá thế giới sẽ còn vinh danh người đàn ông này với những gì từng khiến tất cả phải trầm trồ.

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.