Siêu sao bóng đá Italia, trụ cột của đội tuyển quốc gia lên ngôi vô địch châu Âu, biểu tượng của một trong những thành phố “máu lửa” nhất với trái bóng tròn, ký hợp đồng với Toronto FC, cái tên lạ lẫm cách đó nửa vòng trái đất?
Đại diện từ Canada có đủ tiềm lực để hấp dẫn (theo quan điểm cá nhân của các cổ động viên), một trong những cái tên sáng giá nhất của Lục địa già, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp? Anh ta đến đó vì tiền? Vì không muốn đối đầu với đội bóng quê hương Napoli?
Muôn vàn những câu hỏi hiển hiện trong tâm trí của những người hâm mộ. Thế giới luôn tồn tại song song hai mặt của một vấn đề. Chúng ta, những cổ động viên thông thường, sẽ chẳng bao giờ có thể đồng quan điểm với một vận động viên chuyên nghiệp. Chưa nói đến đằng sau anh ta là một đội ngũ tư vấn dày dặn kinh nghiệm và luôn làm những gì tốt nhất có thể cho thân chủ của họ.
Châu Âu từ trước đến giờ luôn được coi là một hình mẫu chuẩn chỉnh, là “Đế Vương” trong thế giới bóng đá. Họ vượt lên trên tất cả các châu lục khác, thống lĩnh môn thể thao vua. Thiên kiến nhận thức khiến chúng ta (hay thậm chí là các cầu thủ), luôn cho rằng thành công trong sự nghiệp, là phải được hít thở bầu không khí đỉnh cao tại các sân cỏ Âu châu. Các sự kiện như chung kết Champions League hay 5 giải đấu hàng đầu luôn hút hết ánh nhìn từ giới mộ điệu. Bạn có nhớ vào giai đoạn đỉnh cao, El Clasico đã tạo nên cơn sốt toàn cầu như thế nào không? Và kéo theo đó là lợi ích về mặt kinh tế. Trên phương diện tài chính, Corithians (Brazil) là đội duy nhất ngoài châu Âu, vào năm 2013, lọt vào danh sách 20 câu lạc bộ giàu có nhất thế giới, do tạp chí Forbes bầu chọn.
Chủ nghĩa châu Âu dẫn đến những nhận thức sai lệch về các giải đấu, cầu thủ, huấn luyện viên… đến từ các châu lục khác. Họ luôn trong ánh mắt dò xét, bị đánh giá không đúng mực. Hay đen tối hơn, là bị phân biệt chủng tộc. Những thái độ hay hành động này xuất phát từ những tư tưởng sai lầm về quyền lực tối cao của châu Âu trong bóng đá- từ đó gây ra những nhận thức vô cùng hạn hẹp về yếu tố cấu thành nên một cầu thủ xuất sắc, một trận đấu hấp dẫn.
|
Những ngôi sao từng gia nhập MLS |
Suy cho cùng, chúng ta dừng lại được mấy phút theo dõi một trận đấu tại giải vô địch quốc gia Colombia, mặc dù trình độ cầu thủ ở đây, có thể nói rằng ngang tầm với giải vô địch Bỉ hoặc Hà Lan. Chưa kể đến việc thưởng thức bóng đá một cách đúng nghĩa là giải trí, với không khí đôi khi là “điên dại” trên các khán đài, cầu thủ trên sân tận hiến vì khán giả. Các trận đấu không bị quá bó hẹp trong không gian chiến thuật khắt khe. Đơn giản là truyền thông không giúp chúng ta tiếp cận đủ gần để cảm nhận điều tuyệt vời đó.
Ngược dòng về lịch sử, sự thống trị của châu Âu không liên quan gì đến nguồn gốc của môn thể thao này, nó gắn liền với thế thượng phong mà Lục địa già bất chấp thủ đoạn giành giật với phần còn lại của thế giới thông qua việc cướp bóc tài nguyên từ khắp nơi. Trong suốt những năm 1800, những người châu Âu hung hãn rời bỏ lục địa của họ với tâm thế sẵn sàng thực hiện những hành động kinh hoàng và tráo trở ẩn sau lớp vỏ bọc của các hiệp định thương mại song phương.
Một khi những thỏa thuận này không thỏa mãn được lòng tham vô đáy của họ, các nhà lãnh đạo sẽ hạ lệnh thực hiện những hành vi vô nhân đạo, điển hình là khiến khoảng 35 triệu người bị người Anh giết hại, chỉ riêng ở Ấn Độ. Khối tài sản khổng lồ tích lũy được có thể xoa dịu lương tâm của người châu Âu vốn luôn ngay ngáy về sự tàn phá toàn diện của nền kinh tế toàn cầu. Sở hữu một nền tảng vững chắc từ những điều khủng khiếp, châu Âu hoàn toàn chủ động trong việc tạo ra trò chơi của riêng mình. Và do đó, bóng đá từ một thú vui giải trí biến thành một ngành công nghiệp kiếm ra lợi nhuận phi mã. Và người Anh cứ thế đường hoàng trở thành “đầu tàu” của bóng đá châu Âu, mặc cho những dư tàn từ tội ác mà họ gây ra, chưa bao giờ được rũ bỏ hoàn toàn.
Thời gian trôi qua đã biến quá trình thuộc địa hóa thành toàn cầu hóa, các sản phẩm hay vật dụng liên quan đến giải đấu hay các đội bóng, cũng trở thành một thứ hàng hóa được săn đón. Ngày nay, bạn đặt chân đến một địa điểm du lịch nào đó tại Anh, Pháp hay Ý, những đồ lưu niệm thường là áo đấu hay khăn quàng cổ. Đôi khi lại là một chiếc cốc uống café với logo của câu lạc bộ được xuất hiện. Mặc dù vậy, chúng ta cũng hiếm khi thấy những chiếc áo đấu của Gremio hay River Plate. Toàn cầu hóa đích thị là được vận hành theo một chiều, và nói một cách rành mạch hơn, đó là sự áp đặt văn hóa Tây Âu lên phần còn lại của thế giới.
Vậy sau cùng, việc loại bỏ sự áp đặt hoàn toàn của châu Âu lên toàn bộ phần còn lại của thế giới sẽ mang lại những giá trị như thế nào? Câu trả lời là rất rõ ràng và không phải bàn cãi - người hâm mộ sẽ quan tâm đến vô số giải đấu “kém tiếng tăm” trên toàn thế giới, mang lại cho mỗi quốc gia một cơ hội lớn để cải thiện nền kinh tế của họ, khả năng hiển thị cao hơn trên sóng truyền hình hoặc các kênh thông tin đại chúng cho các giải đấu trên toàn thế giới.
Điều đó đồng nghĩa với việc người hâm mộ và câu lạc bộ có thể nghiên cứu kỹ hơn các trường phái chiến thuật riêng biệt, bầu không khí và ý tưởng luôn tươi mới, và các đài truyền hình sẽ không bao giờ cạn kiệt những trận đấu đế phát sóng. Thêm vào đó, các giải đấu tầm cỡ châu lục sẽ cạnh tranh hơn đáng kể, thậm chí có sức hút ngay từ những vòng đấu loại đầu tiên.
Tính cạnh tranh nói chung sẽ tăng vọt nếu chủ nghĩa châu Âu đồng thời bị suy yếu. Ý tưởng về 'năm giải đấu hàng đầu châu Âu' sẽ bị phá bỏ và sân chơi lúc này sẽ tiến lên một bước trở nên bình đẳng, cơ hội chia đều cho tất cả người chơi. Các cầu thủ ở bất kỳ giải đấu nào đều có thể cảm thấy như họ đang được thể hiện tài năng ở trên đấu trường toàn cầu và đang thi đấu ở đẳng cấp cao nhất. Những trường hợp như Neymar bị “săn đuổi” từ khi còn là một cầu thủ tuổi teen hay vụ chuyển nhượng “ma mãnh” như trường hợp của Mascherano và Tevez vào năm 2005 sẽ biến mất. Đối với các cầu thủ da màu, điều đó có nghĩa là họ không còn bị lạm dụng một cách bất công bởi giới truyền thông ở một quốc gia coi giải đấu của họ là vượt trội nữa.
|
Flamengo vô địch Copa Libertadores 2019 |
Cuối cùng, xóa bỏ chủ nghĩa châu Âu là để trả lại bóng đá công bằng cho tất cả mọi người. Trận chung kết Copa Libertadores năm 2019 giữa Flamengo và River Plate đã thu hút được 41,1 triệu người xem qua truyền hình. Ở Iran, hàng chục nghìn người có mặt để cổ vũ trực tiếp cho đội bóng yêu thích của họ trên các sân vận động. Đây chính là những minh chứng rõ rệt nhất về việc người hâm mộ nơi đây coi bóng đá là một phần máu thịt của họ cũng giống như bất kỳ khu vực địa lý nào khác và việc đánh giá thấp sự nhiệt huyết hay niềm đam mê của họ chỉ vì nó khác biệt với châu Âu, chắc chắn là một tội ác.