Lời cuối cho Toshiya Miura: Vamos Nippon!

Tác giả Hàn Phi - Thứ Sáu 20/05/2016 09:48(GMT+7)

Nếu có ai đó đã từng đến Nhật Bản, theo dõi các trận đấu tại J-League, hay đơn giản là xem trên tivi, thậm chí là ở những trận đấu mà các đội bóng Nhật đến thi đấu tại Việt Nam, chắc hẳn sẽ nghe thấy giai điệu quen thuộc của bài hát “Vamos Nippon” – tạm dịch là Nhật Bản tiến lên, vang lên suốt 90 phút. Dù là hàng vạn, hàng nghìn, hay chỉ hàng chục hoặc có vài người Nhật thôi cũng đủ để biến khán đài trở nên náo nhiệt.

Vamos Nippon, Miura
 
Xuyên suốt bài hát này chỉ là những câu “Oh Nippon Nippon Vamo-Nippon…” lặp đi lặp lại với âm hưởng hùng tráng, nhưng mỗi khi những giai điệu của nó được xướng lên là người ta nhận ra ngay những khúc ca này thuộc bản quyền của người Nhật, đơn giản nhưng kỷ luật, rắn rỏi mà hiền hoà, thanh lịch cũng như đầy cảm xúc. HLV Miura chính là hiện thân của hình tượng người Nhật như thế.
 
Chúng ta có lẽ vẫn chưa quên hình ảnh HLV Miura tự mình bay sang Brunei để theo dõi lứa cầu thủ tài năng của U19 Việt Nam chuẩn bị cho giải U22 Đông Nam Á, để rồi vừa chạy nhiều vòng quanh sân tập vừa ngó nghiêng để tìm kiếm những nhân tài để đôn lên đội U23. Chừng đó thôi đã đủ để cho thấy tính kỷ luật và sự chuyên nghiệp đến từ người đàn ông khi đó đã 51 tuổi này.
Kế đó một tháng, HLV Miura tiếp tục thể hiện sự thân thiện và gần gũi của mình với các học trò khi tự tay mình mua bánh sinh nhật cho Vũ Minh Tuấn, khi đội U23 Việt Nam đang tham dự Asiad 2014. Không những vậy, ở bữa tiệc chỉ được tổ chức ở căn phòng rộng có lẽ chưa đầy 3 chục mét vuông, Vũ Minh Tuấn đã có cơ hội trò chuyện với vợ con ở quê nhà thông qua chiếc laptop nối mạng của HLV Miura. Ngày chia tay, Tuấn nghẹn ngào mà chỉ biết cảm ơn người thầy vì tất cả, đồng thời coi nhà cầm quân người Nhật là một con người đầy nhiệt huyết và tình cảm.
 
Đó là nhận định hoàn toàn chính xác của Vũ Minh Tuấn mà người hâm mộ đều có thể nhận ra qua gần 2 năm ông sống tại Việt Nam. Ông không bao giờ cảm thấy phiền khi bắt gặp người hâm mộ và những bức ảnh chụp cùng họ, HLV Miura luôn nở một nụ cười trên môi, đầy thân thiện và gần gũi. Những phẩm chất đó của ông, dù có là một người chưa bao giờ xem bóng đá cũng có thể nhận ra. Trong một số công việc đặc thù, đôi khi phán đoán nhân cách của con người không phải chuyện khó, mà hiểu được trọn vẹn trình độ chuyên môn của người đó mới là gian nan, mà nghề huấn luyện viên chính là một trong số đó. Trong một cuốn tự truyện của HLV Neil Warnock, người từng dẫn dắt Crystal Palace hay QPR đã trích dẫn câu nói nổi tiếng trong giới cầm quân tại Anh: “Có 2 công việc mà mọi người đều nghĩ rằng mình có thể làm tốt, đó là thủ tướng và HLV bóng đá.”

HLV Miura và các cầu thủ mừng sinh nhật của Vũ Minh Tuấn
 
Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất hình chữ S, HLV Miura đã nhận ngay ra điểm yếu của các cầu thủ Việt Nam, đó là yếu về thể lực và khả năng phòng ngự từ xa. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông đã gắng sức cải thiện tối đa yếu tố sức bền của các tuyển thủ, yêu cầu họ phải chạy nhiều hơn. Các chuyên gia vẫn nhận định rằng những cầu thủ tại V-League chỉ chạy khoảng 5 km mỗi trận, chưa bằng một nửa so với các cầu thủ Nhật Bản và châu Âu. Trong bóng đá hiện đại, thể lực là yếu tố quan trọng nhất. Một đội bóng như Barcelona cũng phải rèn luyện sự bền bỉ rất khắc nghiệt mới có thể áp dụng được “nguyên tắc 6 giây”, tức là cố gắng giành lại quyền kiểm soát bóng chỉ 6 giây sau khi để mất, còn các cầu thủ Việt Nam khi mất bóng lại chẳng chịu chạy.
 
Thành quả mà ông tạo ra thực sự là một sự khác biệt khổng lồ nếu so với những đội tuyển trong quá khứ. Nếu như cách đây vài năm, những nhận định kiểu như đội tuyển Việt Nam chỉ chạy được 70 phút là hết hơi, 20 phút còn lại đi bộ, vẫn rất chính xác, thì nhờ bàn tay của HLV Miura, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Có lẽ không có nhiều người hâm mộ không chuyển kênh hay tắt tivi ở 20 phút cuối cùng trận đấu mà U23 Việt Nam thúc thủ 0-2 trước U23 Australia ở VCK U23 châu Á vừa qua, và thế là họ đã bỏ lỡ điểm cải thiện lớn nhất mà HLV Miura đem đến.
 
Trong 20 phút đó, các cầu thủ của U23 Việt Nam đã di chuyển không ngừng nghỉ, vẫn nỗ lực tranh cướp bóng ngay bên phần sân của đối phương. Họ, giống như những chú hổ đói bị giam cầm lâu ngày, lao vào bất kỳ cầu thủ nào của đối thủ để giành bóng, ngay cả khi đó là hậu vệ và thậm chí là thủ môn. Đó là những hình ảnh hết sức cảm động, thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường của U23 Việt Nam. Dằn nỗi giận vào trong, họ không cam tâm phải chịu thất bại, cho đến tận những giây cuối cùng. Nhưng thông tin này còn bất ngờ hơn: Việt Nam đã thi đấu nỗ lực như thế trong suốt 70 phút trước đó!

Toshiya Miura mang đến sự tự tin cho các cầu thủ Việt Nam
 
Hầu hết những HLV ngoại khi dẫn dắt ĐTVN đều có ý thức nâng cao thể lực cho các cầu thủ, nhưng không phải ai cũng thành công, có lẽ là bởi họ đều chỉ tạo ra những yêu cầu nặng nhọc và khô khan, còn HLV Miura truyền vào đó cả tình người, tinh thần võ sĩ đạo và kích thích niềm tự hào dân tộc nơi từng cầu thủ, để họ sẵn sàng bùng cháy mỗi khi bước vào sân. Ông luôn tự tin trước mỗi trận đánh, đặt mục tiêu cao nhất cho dù đối thủ có là bất cứ ai, cũng là để các học trò tự tin mà xông pha, chiến đấu bằng tất cả những gì mình có mà không hề e dè, nể sợ. Chứng kiến các cầu thủ cống hiến hết mình như vậy, các CĐV Việt Nam xa hương vẫn đồng thanh hô vang “Việt Nam vô địch” trên khán đài dù đội nhà đang bị dẫn trước, một khuôn hình đẹp và truyền cảm không thua gì cảnh tượng từ những khúc hát “Vamos Nippon” của người Nhật.
 
Trong khuôn khổ của một bài viết, thật không thể kể hết những điểm tích cực mà HLV Miura đã mang lại cho ĐTVN và U23. Chỉ thầm mong người kế tục ông nếu không giữ lại triết lý, hệ thống chiến thuật của ông, thì cũng đừng làm mất đi tinh thần chiến đấu kiên cường từ đầu chí cuối của các cầu thủ mà HLV Miura mất bao công gây dựng. Còn với HLV Miura, cần dành cho ông hai từ, nhưng không phải tạm biệt mà là: Vamos Nippon!

Có 2 công việc mà mọi người đều nghĩ rằng mình có thể làm tốt, đó là thủ tướng và HLV bóng đá
HLV Neil Warnock
 
Hàn Phi (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.